Nỗ lực giành vỉa hè cho người đi bộ: Lo ngại xử phạt xong lại tái lấn chiếm [Bài 1]
Câu chuyện “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ ở Hà Nội luôn là vấn đề nóng. Đã có những chiến dịch ra quân rầm rộ như năm 2016-2017 nhằm lập lại trật tự mỹ quan đô thị, thậm chí lập các “chốt” canh giữ, nhưng chỉ một thời gian sau lại tái lấn chiếm. Đầu năm 2023, Hà Nội thực hiện chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, với 3 giai đoạn, hiện đang triển khai giai đoạn hai, đồng loạt tổng kiểm tra, xử lý vi phạm. Hè phố Thủ đô đã có bước chuyển mới, phong quang hơn, trật tự hơn, song để duy trì thì còn là một chặng đường khó khăn.
Tuyến phố văn minh đô thị vẫn có vi phạm
Chúng tôi có mặt tại phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng lực lượng Cảnh sát trật tự và Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) quận Hoàn Kiếm vào buổi sáng đầu tuần tháng 3, đây là tuyến phố văn minh đô thị, nhưng vẫn còn hiện tượng bày bán hàng hoá, để xe máy, treo biển quảng cáo ra vỉa hè. Lực lượng kiểm tra đã yêu cầu các hộ kinh doanh đưa hàng hoá, xe máy vào trong; tháo, cắt biển quảng cáo, mái che, mái vẩy đang lấn chiếm vỉa hè.
Năm 2008, Hàng Gai trở thành tuyến phố văn minh đô thị theo quyết định của UBND TP Hà Nội. Bà Cao Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Gai cho biết: Do điều kiện sống của người dân phố cổ và điều kiện về cơ sở hạ tầng, bước đầu thực hiện tuyến phố văn minh đô thị ở phố Hàng Gai rất khó khăn.
Các gia đình có diện tích chật hẹp, trong ngõ nhỏ, người dân sinh sống chủ yếu là lao động và phương tiện đi lại phần lớn là xe máy. Mỗi gia đình có từ 2-4 chiếc xe để xe trên vỉa hè, các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè để xe, đây là vấn đề khó khăn nhất cho chính quyền địa phương. Phải mất một thời gian khá dài tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân mới tạo được nền nếp như hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Gai, hầu hết các tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn phường là bán các mặt hàng kinh doanh, nhất là những tuyến phố nghề thủ công như phố Hàng Thiếc, bán hàng nhôm thiếc, hàng hoá là những tủ, thùng… cồng kềnh. Hay phố Hàng Quạt vỉa hè rộng chỉ 80cm -1m2, không đủ để xe cho người dân sống trong các ngõ. Khi có lực lượng kiểm tra, các hộ chấp hành khá nghiêm chỉnh, nhưng khi không có thì người dân lại để xe máy, hoặc bày hàng hoá tràn ra vỉa hè.
Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, phường Hàng Gai thành lập 6 tổ công tác tuyên truyền tại 6 tổ dân số, mỗi tổ có 10 người, phân ra 1 người phụ trách khoảng 30 số nhà để đảm bảo tuyên truyền có hiệu quả đến từng hộ dân. “Chúng tôi không tuyên truyền ra rả trên loa phát thanh mà vào từng nhà để tuyên truyền để người dân hiểu và nắm bắt chủ trương của thành phố.
Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề để xe vẫn khó tháo gỡ nhất. Vì vậy, người dân tha thiết kiến nghị TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm tạo những điểm trông xe ở các bãi đỗ xe tĩnh để họ ra đó gửi. Còn hiện nay, phường không có bãi đỗ xe tĩnh nên thiếu trầm trọng chỗ trông giữ phương tiện. Cả phường Hàng Gai hiện có 1.400 hộ, 50% trong số đó có nhu cầu gửi xe, một hộ có 4 xe máy, tiền gửi xe khoảng 2 triệu/tháng, đấy cũng là gánh nặng với người dân”, bà Phương cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều năm qua, hầu như tuyến phố văn minh đô thị nào cũng tái lấn chiếm nếu như không có lực lượng thường xuyên cắm chốt. Còn theo UBND và Công an các phường, họ không thể có đủ lực lượng lúc nào cũng trấn giữ tại các tuyến phố, quan trọng nhất là ý thức chấp hành của người dân và các hộ kinh doanh.
Kể từ sau Tết Nguyên đán, tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và nhiều quận, huyện của Thủ đô trở lại phức tạp. Sau nhiều kế hoạch ra quân, đến nay, cơ bản đã có chuyển biến tích cực.
Theo ông Đặng Tiến Nam, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hoàn Kiếm, từ ngày 27/2 đến nay, lực lượng Thanh tra GTVT tiến hành tuyên truyền và kiểm tra trên các tuyến phố chính, đặc biệt là tuyến phố cấm trắng, đối với các vi phạm cố tình như trông giữ xe máy, ôtô, kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, lòng đường để xử lý nghiêm. Tính đến nay, đã xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 200 triệu đồng. Những trường hợp tái vi phạm chủ yếu xảy ra vào giờ lực lượng kiểm tra mỏng hoặc ngoài giờ hành chính.
Khó trông chờ ý thức tự giác
Có mặt tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) vào giờ trưa, chúng tôi ghi nhận nhiều hàng ăn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán. Thực hiện kế hoạch của TP, từ cuối tháng 2 đến nay, tuyến phố này đã phong quan, sạch đẹp hơn bởi sự ra quân của Công an phường Đội Cấn và Ngọc Hà, song đến giờ trưa, khi lực lượng chức năng không có mặt, người kinh doanh lại lấn chiếm vỉa hè để bán hàng.
Tương tự, tại phố Trần Huy Liệu (quận Ba Đình), vào giờ trưa, nhiều hàng ăn lấn kín vỉa hè để bàn ghế, xe máy phục vụ thực khách. Dọc tuyến phố này, nhiều đoạn xe ôtô còn dừng đỗ dưới lòng đường không đúng nơi quy định. Người kinh doanh chỉ chấp hành khi có lực lượng đi kiểm tra, cắm chốt, khi không có lại “nhích” ra vỉa hè để buôn bán.
Chợ cóc tại phường Bưởi (quận Tây Hồ) hoạt động nhiều năm nay, hàng hoá bày gần như kín vỉa hè, thậm chí xuống lòng đường. UBND và Công an phường Bưởi đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự đô thị, xong chỉ một thời gian sau lại y như cũ. “Lần này Công an phường ra quân khá quyết liệt, đã lập chốt để giám sát, duy trì, người kinh doanh không vi phạm. Nhưng liệu chốt này có duy trì được mãi hay không, nếu rút đi thì tái lấn chiếm có thể diễn ra”, một người dân ở phường Bưởi cho biết.
Hiện nay, cấp phép đăng ký kinh doanh cho các hộ kinh doanh cá thể còn khá tràn lan, không có điều kiện đi kèm, nên hộ kinh doanh mặt đường nghiễm nhiên “chiếm” vỉa hè trước mặt thành của mình. Theo Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH (Công an TP Hà Nội), có 2 vi phạm cơ bản lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội là hàng quán (giải khát, ăn uống) gắn với văn hoá, sinh hoạt vỉa hè; ôtô, xe máy dừng đỗ trên vỉa hè.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, chủ trương giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ là đúng, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa làm được. Quản lý vỉa hè ở Hà Nội là bài toán hài hoà lợi ích, ngoài đảm bảo trật tự đô thị, còn là đảm bảo lợi ích cho những người nhiều năm kiếm sống ở vỉa hè.
Là người “bám” cơ sở, trực tiếp tham gia công tác “dẹp” vỉa hè, Đại úy Phạm Văn Bá, Phó trưởng Công an phường Hàng Buồm rất trăn trở với việc làm sao giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Theo Đại úy Phạm Văn Bá, hầu hết các hộ kinh doanh nhận thức được việc kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè là không đúng quy định. Tuy nhiên, đây đều là những hộ dân sinh sống, kinh doanh lâu năm ở phố cổ.
Do diện tích nhà phố cổ chật chội, vỉa hè bé, hầu hết các hộ dân đều bám vỉa hè làm nơi sinh hoạt và nơi kinh doanh, buôn bán. Chính vì vậy, khi có lực lượng chức năng tuần tra, “cắm chốt” thì các hộ kinh doanh lại chấp hành nghiêm quy định. Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, họ lại tái phạm. Biết là vi phạm, nhưng vì mưu sinh, họ vẫn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh.
Theo Thượng tá Lương Anh Tuấn, trước đây, các đợt ra quân giải toả vi phạm vỉa hè có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa bền vững, chẳng hạn những ngày đầu làm quyết liệt, sau thưa dần. Giành lại vỉa hè cho người đi bộ đòi hỏi phải bền bỉ, xuyên suốt, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở. Phường nào có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thì hiệu quả tốt và ngược lại.