Nước lũ gây chia cắt nhiều thôn bản, cô lập hàng trăm hộ dân Quảng Bình
Do ảnh hưởng bão số 4, trên toàn địa bàn Quảng Bình hiện có 37 thôn, bản bị nước lũ chia cắt, hơn 600 hộ bị ngập nước. Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 874 hộ với 3.059 người dân nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, mưa lũ.
Tính đến đầu giờ chiều 20/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhiều khu vực ở các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Lệ Thuỷ vẫn bị nước lũ chia cắt gây ngập lụt cục bộ. Nhiều tuyến đường, cầu cống, nhà cửa của người dân bị ngập sâu. Chính quyền địa phương và nhân dân đang phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt.
Tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình nhiều điểm ngập ở các ngầm tràn từ 0,5 đến 5m khiến người và phương tiện không qua lại được. Cụ thể, tại xã Hưng Trạch, khu vực ngầm Cầu Bùng nước chảy tràn và ngập sâu 3m. Tại xã Thượng Trạch, ngầm Cà Roòng ngập sâu 0,8m nước chảy xiết. Tại xã Xuân Trạch, ngầm Vĩnh Thủy ngập sâu 0,5m nước chảy xiết. Tại xã Phúc Trạch, ngầm Bến Troóc ngập sâu 5m nước chảy xiết. Một số tuyến đường liên thôn, xã đi qua thôn Phú Hữu, Phú Kinh xã Liên Trạch bị ngập, có đoạn ngập sâu 1,2m.
Tại huyện Tuyên Hoá, Quốc lộ 12A đoạn Km 121+950 bị sạt lở taluy dương, đất đá tràn xuống mặt đường. Tại Km 43+700, Quốc lộ 9B nước ngập sâu 0,6m và ngầm Km41+990 ngập sâu 0,4 m. Khu vực cầu tràn Bản Chuối xã Lâm Hóa ngập cao 2m làm chia cắt 18 hộ với 90 người dân.
Huyện miền núi Minh Hoá, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa được ghi nhận ở một số trạm như: Hóa Thanh trên 250mm; Trọng Hóa trên 177mm và Minh Hóa trên 150mm… khiến hơn 3.000 hộ dân với trên 13.000 người có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm ngập ở các ngầm Cô Pi, Tà Cổ xã Trọng Hóa; K-Ai xã Dân Hóa; cầu Cây Bươu, ngầm tràn bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn; thôn Tiến Hóa, thôn Rôồng xã Hồng Hóa; thôn 4, 5 xã Tân Hóa; cầu tràn xã Minh Hóa nước dâng cao cao từ 0,5-1m gây ngập lụt cục bộ, chia cắt nhiều thôn, bản.
Xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá nơi được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới, hiện có hơn 420 nhà dân bị ngập sâu từ 0,5-2m. Chính quyền nơi đây đã chỉ đạo người dân chuyển đồ đạc lên nhà phao để tránh lũ, lương thực thực phẩm cũng được chuẩn bị đầy đủ phòng tránh lũ.
Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết “Tân Hoá có địa hình lòng chảo, bao quanh là núi và thường xuyên bị ngập sâu trong nước lũ. Tuy nhiên, người dân nơi đây đã quen với việc “sống chung với lũ” nhờ mô hình nhà phao. Với mô hình nhà phao này, người dân dễ dàng sơ tán tại chỗ, chuẩn bị cho mùa lũ một cách chủ động”.
Tại huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình, một số ngầm tràn tại các tuyến đường vào các bản Bạch Đàn, Tân Ly, Xà Khía thuộc xã Lâm Thủy và bản Khe Giữa, Cụm Còi bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, bản An Bai, Hà Lẹc xã Kim Thủy bị ngập sâu khoảng 1m.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, Công an Quảng Bình đã triển khai nhiều phương án nhằm hỗ trợ người dân trên địa bàn ứng phó, phòng tránh lũ lụt. Lãnh đạo Công an Quảng Bình yêu cầu lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở chủ động nắm chắc tình hình, sẵn sàng phương án để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn, luôn luôn thường trực sẵn sàng chiến đấu đảm bảo công tác an ninh trật tự, đấu tranh mạnh với các loại tội phạm lợi dụng mưa bão để phạm tội…
Công an các địa phương đã triển khai các tổ, đội công tác của Công an huyện về cơ sở phối hợp với Công an xã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân tại các địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Lực lượng Công an đang bám địa bàn để cùng nhân dân phòng, chống lũ lụt và bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.