Phối hợp bảo vệ an ninh vùng biên Đông Nam bộ
Nằm ở “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, Bình Phước có đường biên cương hơn 258km giáp 3 tỉnh Kratie, Mondulkiri và Tabong Khmum, Vương quốc Campuchia nên chính quyền, người dân hai bên thường tổ chức những sự kiện gặp gỡ, giao lưu trên mọi lĩnh vực, nhằm tăng cường tình đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó, vun đắp tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, góp phần giữ vững bình yên vùng biên giới Đông Nam bộ.
Phát triển ổn định vùng biên giới
Đi dọc tuyến biên giới tỉnh Bình Phước, đến đâu chúng tôi cũng thấy chứng kiến những xóm làng trù phú của người đồng bào người Stiêng, Mnông, Khmer với nhiều tuyến đường bê tông nhựa phẳng lì cùng những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Cuộc sống bà con đang ngày một đổi thay, nhiều hộ vươn lên làm giàu trên dải đất biên cương. Từ TP Đồng Xoài, chúng tôi men theo con đường thảm nhựa giữa rừng cao su bạt ngàn tràn trề nhựa sống của các nông trường, chừng hơn 70km mới tới huyện Lộc Ninh, có đường biên giới dài 110km, tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Tuyến quốc lộ 13 thảm nhựa phẳng lì chạy dài đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thông qua nước bạn, giao thương qua lại của người dân hai bên biên giới được thuận tiện.
Lộc Ninh có 116.744 nhân khẩu, trong đó hơn 20% là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu người Stiêng và Khmer. Trước đây, cuộc sống bà con phụ thuộc 1- 2ha rẫy cao su, hồ tiêu nhưng canh tác manh mún, tự phát nên cho thu nhập thấp, mỗi khi mất mùa lại thiếu thốn triền miên, cứ lễ, tết lại trông chờ các cơ quan, tổ chức đến “tiếp sức”. Giờ đây, bà con đã ý thức chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và nhiều hộ khấm khá nhờ cây công nghiệp chủ lực.
Gia đình ông Lâm Út Le, ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịện, có 1ha đất trồng cao su, hoa màu nhưng giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá, sau mỗi vụ thu hoạch phải chắt bóp chi tiêu mới đủ trang trải cuộc sống. Ông Lâm Út Le học hỏi thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc đưa vào sản xuất và chẳng mấy chốc, vườn nhà cho năng suất cao, thu nhập ổn định. Giờ ông Út Le đã có 15ha đất trồng tiêu, cao su, thu về khoảng 800 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều bà con đồng bào DTTS trong vùng.
Ngược về xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, có 1.351 hộ dân, gần 7.700 nhân khẩu, người đồng bào DTTS chiếm 73%, chủ yếu là người S'tiêng, Mnông, Nùng. Trước đây, bà con trong vùng coi điều là cây giữ đất của dòng tộc nên bỏ bê, không chăm sóc và tình trạng bán điều non, cầm cố, sang nhượng nương rẫy vẫn diễn biến phức tạp trong vùng. Được cái nhiều hộ thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi biết cải tạo vườn tạp, thay đổi giống, xịt thuốc, dưỡng bông trái nên vườn cây cho năng suất cao và sống khỏe với cây trồng truyền thống. Gia đình anh Điểu Khoa, người S'tiêng, thôn Bù Dốt, với hơn 1ha điều cộng với khoản lương giữ rừng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập nên cuộc sống tương đối ổn định, đủ nuôi 2 con ăn học. Anh nói: “Xã có cộng đồng 4 thôn Bù Nga, Đắk Á, Bù Lư, Bù Dốt tham gia giữ rừng, ngoài lương còn được hưởng “lộc rừng” nữa (được Ban quản lý vườn cho phép) như là lá nhíp, đọt mây, măng, các loại trái cây như xoài, vải, chôm chôm để cải thiện bữa ăn gia đình”.
Bà con đồng bào S'tiêng, MNông sinh ra từ rừng và được rừng bao bọc, chở che cho họ thoát đói nghèo. Với tính siêng năng, chí thú làm ăn, nhiều hộ có cơ ngơi khá giả như hộ anh Điểu Vi Rút có xe hơi, vườn điều 8ha điều cho thu nhập vài trăm triệu mỗi năm, hộ anh Điểu Vơn có 7ha cao su, nhà cửa khang trang, con cái ăn học đàng hoàng, góp phần tạo nên sức bật mới làm thay đổi diện mạo, vóc dáng vùng sơn cước giáp Vương quốc Campuchia.
Chọn vùng biên giới làm quê hương thứ hai
Thiếu tá Trần Quang Bắc, Đội Phó đội sản xuất số 5 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 - Quân khu 7 (Đoàn 778, đóng ở huyện Bù Gia Mập) dẫn chúng tôi đến Khu tái định cư Đắk Á, xã Bù Gia Mập, gần 9ha xây dựng từ năm 2020 dưới sự giám sát thi công của đơn vị. Anh Bắc cho biết: “Trước đây, bà con đồng bào DTTS kinh tế khó khăn, không nhà cửa, vườn tược, ai kêu gì làm đó. Từ khi chuyển vào khu tái định cư, đời sống kinh tế đã khá hơn nhiều, ai cũng có công ăn việc làm, con cái được đến trường, không bỏ học giữa chừng. Hiện hầu hết các hộ dân đã ổn định cuộc sống và xem nơi đây như quê hương thứ hai với bao niềm vui và hy vọng”.
Khu tái định cư có 60 hộ dân vào ở, dự kiến năm 2025 sẽ tăng lên 120 hộ, mỗi hộ được cấp 500m2 (400m2 đất thổ cư) và 1 nhà ở cùng công trình điện, nước, đường, đèn năng lượng trị giá 110-135 triệu đồng. Từ miền quê nghèo Nghệ An, gia đình chị Mông Thị Hương, người dân tộc Mnông, chuyển vào thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập hái tiêu, cà phê, nhặt điều kiếm sống. Cuộc sống bữa đói bữa no nên khi được cấp đất, cấp nhà, gia đình chị nuôi bò, mở cửa hàng tạp hóa, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng và trở thành hộ thoát nghèo nhanh nhất và nổi bật nhất của khu tái định cư.
Rời Khu tái định Đắk Á, chúng tôi đến Khu tái định cư Tiểu khu 119 (thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) do Đoàn 778 xây dựng rộng 36,5ha, hiện bố trí cho 146 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người Việt từ Campuchia về và đồng bào DTTS. Năm 2002, vợ chồng ông Nguyễn Văn Kênh, 72 tuổi, từ Biển Hồ, Vương quốc Campuchia, trở về lòng hồ Cần Đơn thuộc xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, làm nhà bè nổi để nuôi cá nhưng thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày, mỗi khi mưa bão, gia đình ông Kênh thót tim vì bè cá vỡ. Năm 2017, gia đình ông Kênh được cấp 1 căn nhà cấp 40m2 tại Tiểu khu 119 và mở thêm quán tạp hóa bán, nhận điều về bóc vỏ lụa cho thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng, con cái được đến trường, không còn nỗi lo thất học.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, nhờ sự chung tay xây dựng, vun đắp của chính phủ 2 nước Việt Nam - Campuchia nói chung, Bình Phước và các tỉnh giáp biên nói riêng nên người dân hai bên biên giới sống chan hòa, giúp đỡ lẫn nhau cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa mang tầm quốc gia, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia thêm bền chặt. Già làng Điểu Nắng, nay 89 tuổi, già làng Sóc Ông Nắng, ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh cho biết, chủ yếu là đồng bào dân tộc bản địa Stiêng định cư tại đây từ sau giải phóng (1976) đến nay. Lúc đầu chỉ có vài ba hộ nhưng này đã có hơn 30 hộ dân sinh sống liền kề nhau. Bà con biết chuyển dần sang trồng điều, cao su, cây ăn trái nên đời sống đã tốt hơn. Cuộc sống ổn định, nhiều năm qua, người dân nơi biên giới hai nước Việt Nam – Campuchia cũng thêm ấm áp, gắn kết.
Vừa qua, tại buổi sơ kết 5 năm kết nghĩa giữa hai bên, ông Văn Von, Trưởng phum Coọc Tho Mo cho biết, vào các dịp lễ Sen Đôn Ta, Ok Om Bok, Tết Chol Chnam Thomay, Bộ đội biên phòng thường sang tặng quà, giao lưu văn nghệ, thể thao và giúp bà con trong phum qua khám chữa bệnh, thăm hỏi người thân nên quan hệ giữa người dân hai biên giới thêm thắm thiết.
Trung tá Trịnh Văn Vũ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh cho biết, đơn vị được giao quản lý 16km đường biên giới giáp với xã Tuần Lung (huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum). Đồng bào hai bên biên giới chủ yếu là người Stiêng, Khmer, có quan hệ họ hàng, thân tộc. Để bà con qua lại thăm hỏi lẫn nhau, khám chữa bệnh, giao lưu văn hóa, năm 2014, lối mở Tuần Lung - Lộc Tấn hình thành. Đến năm 2018, đồn tham mưu UBND xã Lộc Thiện cho ấp Vườn Bưởi kết nghĩa với phum Coọc Tho Mo, xã Tuần Lung. Hiện cuộc sống của người dân nơi biên giới đã khá ổn định, khởi sắc, không chỉ tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế mà cùng với lực lượng địa phương giữ bình yên, bảo vệ vành đai, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.