Phú Yên quyết liệt xử lý tàu cá “ba không” trước ngày 20/11

16:19 14/11/2024

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên chiều nay (14/11) cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có thông báo kết luận và chỉ đạo xử lý đối với tàu cá “ba không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm) và tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản (KTTS), giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (ATKT) còn đang tồn tại ở địa phương.

Thông báo này được đưa ra ngay sau khi ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Phú Yên chủ trì cuộc họp ngày 12/11 với sự tham dự của nhiều sở, ngành, địa phương có liên quan để triển khai Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống IUU, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.

Tàu cá của ngư dân TP Tuy Hòa. Ảnh: Hữu Toàn.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, đến ngày 12/11 trên địa bàn tỉnh này có 2.859 tàu cá, trong đó có 2.385 tàu cá đã được đăng ký trên hệ thống dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfishbase. Tuy nhiên, trong số này có  387 tàu cá đã hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (ATKT) và 1.472 tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản (KTTS), tập trung chủ yếu là nhóm tàu cá nhỏ có chiều dài từ 6-12m. Đến giữa tháng 11/2024, trong số 667 tàu cá dài trên 15m đã có 646 tàu được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT, đạt 96,85% và 659 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt  98,80%. Còn lại 8 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là do hư hỏng hoặc đang nằm bờ, không hoạt động khai thác.

Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên tiếp cận các chủ tàu cá và ngư dân địa phương để tuyên truyền chống khai thác IUU. Ảnh: BĐBP PY

Trong một năm qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt quản lý, giám sát tàu cá hoạt động KTTS, qua đó phát hiện 347 tàu cá mất kết nối VMS với 1.402 lượt và đã lập biên bản 102 chủ tàu cá, tiến hành xử phạt 6 trường hợp với tổng số tiền 448 triệu đồng. 388 lượt mất kết nối đã được xác định do lỗi vệ tinh của các nhà cung cấp thiết bị, đa số còn lại các chủ tàu khai báo do nguồn điện cung cấp để thiết bị hoạt động không ổn định, dây dẫn bị đứt, lỗi kết nối tín hiệu GPS, thiết bị hư hỏng, ảnh hưởng mưa giông, sấm sét...

Điều đáng nói là trong số 474 tàu cá còn lại thuộc diện “3 không”, có 284 tàu cá nhỏ dài từ 6-12m, 180 tàu cá dài từ 12-15m và 10 tàu cá dài trên 15m. Địa phương có số lượng tàu cá “ba không” nhiều nhất là thị xã Sông Cầu 189 chiếc, huyện Tuy An 153 chiếc.

Cá ngừ đại dương do ngư dân Phú Yên đánh bắt đưa về cảng cá sơ chế. Ảnh: Anh Ngọc

Trước tồn tại nêu trên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 04/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND các địa phương ven biển gồm thị xã Sông Cầu, Đông Hòa, huyện Tuy An và TP Tuy Hòa chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên về kết quả thực hiện.

"Các tàu cá “ba không” đã có danh sách công bố phải hoàn thành việc kiểm tra, rà soát thực tế từng tàu để phân loại đăng ký trước 20/11. Những trường hợp phát sinh ngoài danh sách công bố cũng phải rà soát, phân loại tàu cá “3 không” đã có trước khi Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 của Bộ NN&PTNT có hiệu lực để đề xuất biện pháp xử lý trước 15/11/2024", lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo.

Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên kiểm tra thủ tục hành chính tàu cá của ngư dân địa phương trước khi rời cảng cá vươn khơi khai thác thủy sản. Ảnh: BĐBP PY

Đối với tàu cá hết hạn giấy phép KTTS, giấy chứng nhận ATKT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương giao nhiệm vụ cho các tổ công tác “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng chủ tàu” để vận động, hỗ trợ hoàn thành thủ tục trước ngày 20/11. Trường hợp chủ tàu cố tình không thực hiện thì kiểm tra trên tàu cá có ngư cụ và dấu hiệu KTTS thì xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả những đối tượng cản trở công tác chống khai thác IUU.

Chi cục Thủy sản nghiên cứu, “rút gọn” các thủ tục hành chính xử lý tàu cá “ba không” và giải quyết kịp thời các thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Ngay từ trên bờ, các địa phương từ huyện, thị, thành phố đến xã, phường ven biển phải siết chặt quản lý tàu cá không đủ điều kiện tham gia KTTS; các đồn, trạm biên phòng kiên quyết ngăn chặn triệt để tàu cá “3 không”, tàu cá hết hạn giấy phép KTTS, giấy chứng nhận ATKT; tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm.

“Công an tỉnh Phú Yên cần xem xét, xử lý theo quy định pháp luật những trường hợp cố tình vi phạm, đã được cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động, nhắc nhở nhiều lần nhưng không chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không khắc phục các khuyến nghị của EC về khai thác IUU”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ lưu ý tại văn bản trên.

Hữu Toàn

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

Ngày 14/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án hình sự Cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tháng 7/2020 tại Phòng 1004, tầng 10, khách sạn Thể Thao (số 15 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Chịu sức ép từ sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao, giá vàng thế giới giảm sâu phiên thứ 4 liên tiếp, kéo giá vàng trong nước tiếp tục đi xuống.

Cảnh sát liên bang tại Brazil đang điều tra các vụ nổ làm rung chuyển trung tâm thủ đô Brasilia của nước này, ngay cạnh Tòa án Tối cao Liên bang và khiến ít nhất một người chết.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文