Quản lý lỏng lẻo các cơ sở làm đẹp, người tiêu dùng chịu trận
Hàng loạt cơ sở “khoác áo” thẩm mỹ viện quốc tế mọc lên nhan nhản, ngang nhiên hoạt động dù chưa được cấp phép, chưa đủ các điều kiện hoặc lén lút hoạt động vượt quá các danh mục được phép. Bằng những chiêu trò dẫn dụ khác nhau, các cơ sở này đã khiến cho không ít khách hàng phải ôm hận khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp “chui”, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng không đạt được kết quả như ý.
Sốc với gói làm đẹp lên đến hơn 500 triệu đồng
Từ thông tin quảng bá trên mạng xã hội Facebook, đầu tháng 6/2024, chị Nguyễn Thị P. (SN 1982), trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An) tìm đến cơ sở thẩm mỹ viện quốc tế Hồng Ngọc (286 Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh) để tư vấn dịch vụ nâng ngực.
Tại đây, chị P. được nhân viên tư vấn gói nâng ngực với giá 10 triệu đồng, sẽ tăng thêm 22cm. Lúc chị P. còn đang phân vân thì nhân viên tư vấn gọi điện, một lúc sau có một phụ nữ mặc áo bệnh nhân từ trên tầng 2 xuống tự nhận mình là bệnh nhân, vừa mới phẫu thuật nâng ngực xong. Sau khi để chị P. mục sở thị, người này rời đi.
Khi thấy khách hàng đã bắt đầu tin tưởng, nhân viên tư vấn thúc giục ký vào hồ sơ, nộp tiền để bác sĩ làm luôn. Chị P. bảo chỉ có 3 triệu đồng thì nhân viên đưa CCCD để liên hệ với bên cho vay để chị này vay thêm 7 triệu đồng trả góp hằng tháng. Sau khi xong thủ tục nộp tiền, chị P. được nhân viên đưa lên tầng 2, chờ đến chiều tối thì được một nhân viên dùng máy đặt vào vùng ngực, kiểu như máy mát xa, khoảng 1 giờ đồng hồ xong thì kết thúc.
Thấy không có gì thay đổi so với trước đó, chị P. thắc mắc thì có 2 người đàn ông xăm trổ đầy mình, tự xưng là ông chủ xem giấy cam kết và xem thẻ liệu trình rồi đe dọa. Từ đó đến nay, dù nhiều lần chị P. đã yêu cầu cơ sở thẩm mỹ viện quốc tế Hồng Ngọc trả lại tiền vì không đạt kết quả như cam kết, song cơ sở này đã dây dưa, tìm cách đổ lỗi cho nhau để không trả lại tiền cho khách hàng.
Cùng thời gian này, chị Nguyễn Thị T. (SN 1978), trú tại huyện Yên Thành (Nghệ An), tìm đến Viện thẩm mỹ Mayo Clinic chi nhánh Nghệ An (số 12, đường Nguyễn Phong Sắc, TP Vinh) để trị vết nám trên mặt sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội với giá chỉ 499.000 đồng. Tại đây, các nhân viên cho biết, dịch vụ này đã tăng lên 1 triệu đồng. Chị T. đồng ý, sau đó được đưa lên tầng 4 để tiến hành tiêm 2 sợi collagen vào mũi nhưng sau khi tiêm 2 sợi vào thì mũi mất cân đối. Để trở lại bình thường, chị T. phải nộp thêm 18 triệu để tiêm thêm 2 sợi collagen đơn bào nữa.
Sau khi làm mũi, chị T. quyết định không tiêm rãnh cười và cắt bọng mắt nữa. Tuy nhiên, lúc này nhân viên cho biết, thuốc đã được họ bôi vào, nếu không làm sẽ bị chùng da nên chị T. tiếp tục nộp thêm 18 triệu đồng để hoàn tất các dịch vụ. Trở về nhà, cho rằng bị lừa dối, chị T. đã làm đơn tố cáo Viện thẩm mỹ Mayo Clinic gửi lên Thanh tra Sở Y tế.
Cũng liên quan đến Viện thẩm mỹ Mayo Clinic, cuối tháng 6/2024 trên mạng xã hội xôn xao trước thông tin một người phụ nữ 30 tuổi trú tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dùng tài khoản Facebook cá nhân livestream tố cơ sở này lừa đảo khi đến đây làm đẹp đã bị dẫn dụ, phải thanh toán số tiền 513 triệu đồng. Mặc dù trong hóa đơn có nhiều dịch vụ “lạ”, đắt tiền như nâng ngực lên đến 160 triệu đồng, nhưng khi vừa thực hiện một số ít các dịch vụ như cấy chỉ nâng mũi và tiêm vào ngực thì chị này đã ngất xỉu và phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi sự việc xảy ra, Viện thẩm mỹ Mayo Clinic chi nhánh Nghệ An đã cử người đến thương lượng với chị H và gia đình, hoàn trả lại 380 triệu đồng, đồng thời, yêu cầu nạn nhân cam kết không khiếu nại, gỡ các thông tin trên mạng xã hội, không cung cấp thông tin cho báo chí.
Nắm được sự việc, ngày 1/7, Thanh tra Sở Y tế Nghệ An phối hợp với lực lượng Công an tiến hành kiểm tra cơ sở làm đẹp này và đã ban hành quyết định xử phạt số tiền 104 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 4,5 tháng.
Ông Trần Nguyên Truyền, Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cho biết, viện thẩm mỹ này đã có hành vi vi phạm hành chính là "sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể; xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Ngoài ra, viện thẩm mỹ này còn có hành vi vi phạm là sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cơ sở này không có người có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phụ trách chuyên môn, không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Buông lỏng quản lý
Được biết, Viện thẩm mỹ Mayo Clinic chi nhánh Nghệ An không phải cơ sở thẩm mỹ duy nhất trên địa bàn tỉnh này sử dụng nhiều dịch vụ bị cấm. Do quản lý lỏng lẻo, hàng loạt cơ sở vẫn lén lút hoạt động, sử dụng các dịch vụ không được phép để “móc túi” khách hàng. Theo thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Vinh hiện đã có đến 120 cơ sở thẩm mỹ, spa hoạt động, nhưng mới chỉ có 20 cơ sở tự công bố, thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ qua Phòng Y tế TP Vinh.
Ngoại trừ các bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Bộ Y tế cấp phép hoạt động và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép hoạt động, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ dù không bắt buộc có giấy phép, nhưng theo quy định phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu.
Dù vậy, phần lớn đều đang hoạt động “chui” để tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Số liệu thống kê trên toàn tỉnh Nghệ An cho thấy, qua rà soát của các phòng Y tế cấp huyện, toàn tỉnh có 554 cơ sở thẩm mỹ, spa đang hoạt động. Trong số đó, mới chỉ có 91 cơ sở đã thực hiện tự công bố, thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. Trong khi vẫn còn 463 cơ sở chưa tự công bố hoặc không đủ điều kiện theo quy định để tự công bố. Nhiều cơ sở còn hoạt động trá hình, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn quy định.
Khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở thẩm mỹ, theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An) là cấp phường, xã không có lực lượng, cũng như chuyên môn để tự kiểm tra, giám sát những cơ sở thẩm mỹ này. Chỉ khi nào có đoàn kiểm tra cấp trên thì phường mới cử người tham gia phối hợp chứ tự kiểm tra thì không thể.
Bà Hồ Thị Hoa, Trưởng phòng Y tế TP Vinh cho biết thêm, quá trình quản lý các cơ sở thẩm mỹ, Phòng Y tế chỉ tiến hành kiểm tra khi có các phản ánh liên quan. Nhiều cơ sở lập đoàn kiểm tra, lập biên bản xong nhưng không thể xử phạt nên chỉ dừng lại ở việc có văn bản gửi UBND phường, xã, giao cho địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của cơ sở, nếu phát hiện cơ sở hoạt động vượt quá phạm vi đăng ký thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, Thanh tra Sở Y tế lại cho rằng, các cơ sở không do Sở Y tế cấp phép nên đơn vị không thể kiểm tra thường xuyên, mà chỉ kiểm tra sau khi có đơn tố cáo hành nghề y không phép. Theo quy định, những cơ sở này do chính quyền địa phương quản lý.
Chính bởi những quy định, chế tài cũng như công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ chưa đồng bộ, còn chồng chéo; sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành còn thiếu nhịp nhàng, đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ hoạt động “chui”, hoạt động vượt quá phạm vi được cấp phép, quảng cáo quá chuyên môn của mình. Từ đó, gây ra nhiều sự cố và hệ lụy cho khách hàng.