Tạo lập môi trường quảng cáo sạch
Nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm quảng cáo trực tuyến trên môi trường số, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đưa ra một số biện pháp nhằm bảo vệ người dùng và thương hiệu.
Một trong số đó là công bố danh sách các trang thông tin điện tử “đã được xác thực” (White List) và các website vi phạm (Black List) nhằm khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp (DN) hợp tác quảng cáo hoặc không quảng cáo với các kênh nội dung này.
Theo quy định tại Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo, Bộ TT&TT có trách nhiệm công bố danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật.
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP quy định rõ: “Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT”. Thực hiện quy định trên, Bộ TT&TT đã công bố danh sách các kênh nội dung, trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng.
Theo con số thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT, chỉ trong tháng 12/2023, đã có thêm 98 website vi phạm pháp luật bị đưa vào danh sách Back List, nâng tổng số website vi phạm pháp luật trong năm 2023 lên con số 403 website đề nghị DN không phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây đều là những trang web cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng. Đáng chú ý, danh sách mới này có 6 website của "Xôi Lạc TV", trang chuyên phát lậu các giải thể thao quốc tế trên Internet từ năm 2016, được phát triển bởi một nhóm ẩn danh với 20 tên miền khác nhau. Trước đó, trong năm 2022, Cục PTTH&TTĐT cũng đã nhiều lần công bố danh sách các trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam như cung cấp nội dung khiêu dâm, trò chơi điện tử cờ bạc, đổi thưởng và yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo nắm được và không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với những trang này. Tổng số website vi phạm pháp luật được công bố trong năm 2022 là 171.
Ở chiều ngược lại, Cục PTTH&TTĐT cũng đã công bố danh sách các kênh nội dung “sạch” đã được xác thực (White List) khuyến khích tổ chức, DN thực hiện quảng cáo. Tính tới thời điểm hiện tại, danh sách White List đã có 301 báo, tạp chí điện tử, 1.381 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 mạng xã hội với đầy đủ thông tin về cơ quan cấp phép, số giấy phép, đơn vị được cấp phép, cơ quan chủ quản cũng như tên miền website. Đây đều là những địa chỉ uy tín được Bộ TT&TT khuyến nghị các DN xem xét lựa chọn quảng cáo nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh. Cũng giống như Black List, danh sách White List cũng được Bộ TT&TT liên tục rà soát, cập nhật, công bố công khai kèm theo công văn gửi các DN kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam và các nhãn hàng, DN Việt Nam có hoạt động quảng cáo.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT cho biết, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm tạo lập môi trường quảng cáo sạch, ngăn chặn quảng cáo trên các kênh nội dung vi phạm như rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới; công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm bao gồm website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Sở TT&TT và lực lượng Công an để tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm đối với các đại lý quảng cáo và nền tảng phát hành quảng cáo có nhiều vi phạm; tiếp tục cập nhật danh sách White List để các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo.