Thấp thỏm phòng cháy rừng nơi “chảo lửa” miền Trung
Những ngày qua, thời tiết ở miền Trung nói chung, Quảng Bình nói riêng nhiệt độ luôn lên tới gần 40 độ C. Là tỉnh có diện tích rừng đứng thứ 2 cả nước, địa hình đồi núi, thiên nhiên khắc nghiệt nắng nóng kéo dài, cộng với gió Lào thổi mạnh nên việc bảo vệ những cánh rừng đề phòng xảy ra cháy đang được cả hệ thống chính trị và người dân Quảng Bình vào cuộc. Nhiều giải pháp, cách làm hay đang được áp dụng hiệu quả ở Quảng Bình.
Huy động cả hệ thống chính trị để bảo vệ rừng
Để trồng 1ha rừng, khi cây lên rợp bóng phải mất cả chục năm, còn để có một cánh rừng tự nhiên thì mất gần cả trăm năm hoặc lâu hơn nữa. Song nếu không may xảy ra cháy thì chỉ trong một vài ngày đã thiêu rụi mất cả cánh rừng. Hiểu rõ điều đó, nên việc bảo vệ từng hécta rừng, từng cánh rừng trong mùa nắng nóng luôn được các cấp chính quyền và người dân địa phương ở Quảng Bình coi trọng. Nhờ vậy, đến nay Quảng Bình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng.
Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên 800.003,01ha, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 615.317,91ha. Những ngày vừa qua, Quảng Bình luôn có nắng nóng, cộng với gió phơn Tây -Nam (gió Lào) thổi mạnh nên việc bảo vệ các cánh rừng khỏi bị cháy luôn được các đơn vị chức năng liên quan đặt lên hàng đầu.
Ngay từ đầu mùa nắng 2023, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng ứng trực 24/24 tại các chòi canh và tại thực địa ở những vùng trọng điểm cháy rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát trong những ngày nắng nóng. Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phải lấy phương châm phòng là chính, Kiểm lâm chỉ đạo các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát thực tế của địa phương, đơn vị và bảo đảm chủ động lực lượng, phương tiện, hậu cần chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình; Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và các đơn vị chủ rừng triển khai vệ sinh rừng trước mùa khô; tu bổ các công trình Phòng, chống chữa cháy rừng (PCCCR); kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp cơ sở; triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR. Bố trí, sắp xếp lực lượng PCCCR phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; xây dựng phương án PCCCR cấp xã và chủ rừng theo phương châm bốn tại chỗ để đối phó với nguy cơ cháy rừng xảy ra.
Chi cục Kiểm lâm phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an tỉnh Quảng Bình tham mưu Ban chỉ đạo tổ chức các đợt kiểm tra công tác PCCCR ở các địa phương và đơn vị chủ rừng để hướng dẫn, bổ sung phương án PCCCR. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp PCCCR, đôn đốc các địa phương, đơn vị có rừng dễ cháy thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa cháy rừng xảy ra.
Bên cạnh đó, kiểm lâm địa bàn tăng cường quản lý nguồn nhiệt, nguồn lửa, dừng việc xử lý thực bì bằng lửa và nghiêm cấm đốt lửa trái phép trong rừng, ven rừng trong những ngày nắng nóng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng thường xuyên tổ chức trực cháy, theo dõi các điểm cháy rừng trên ảnh vệ tinh và nhận thông tin báo cháy; đã tổ chức trực 24/24 giờ tại các chòi canh và tại thực địa ở những vùng trọng điểm cháy rừng và tăng cường kiểm tra, giám sát lửa rừng trong những ngày nắng nóng cao điểm để sớm phát hiện các điểm phát lửa trong rừng, ven rừng, huy động lực lượng dập tắt kịp thời.
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy rừng, đầu tư xây dựng các công trình và mua sắm trang thiết bị PCCCR, tổ chức canh trực phát hiện sớm các điểm cháy rừng, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời nên trong mùa khô năm 2022, trên địa bàn Quảng Bình chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng (giảm 5 vụ so với năm 2021); diện tích rừng cháy 3,27ha, tuy nhiên rừng đã phục hồi không có thiệt hại.
Bảo vệ rừng gắn với sinh kế người dân
Để bảo vệ những cánh rừng già, nguyên sinh bạt ngàn phải dựa vào cộng đồng dân cư sống gần rừng, đó là xác định yêu cầu nhất quán của lực lượng bảo vệ rừng ở Quảng Bình. Chúng tôi đến bản Ông Tú, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình khi mặt trời đã đứng bóng. Cái nắng, nóng ở vùng biên giới như thiêu, như đốt. Nơi đây, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số còn nhiều vất vả, song những cánh rừng luôn được bảo vệ trong những mùa nắng nóng.
Năm 1994, dự án định canh định cư đã hỗ trợ bản Ông Tú 20 triệu đồng mỗi năm để bảo vệ rừng. Bà con dân bản Ông Tú đã ngồi lại với nhau xây dựng hương ước giữ rừng. Nội dung hương ước quy định, khi vào rừng đốt ong xong phải dập tắt lửa hoàn toàn, lấy củi không được chặt cây sống, tận thu cành ngọn mà phải lấy củi khô, người dân không được đốt rừng làm nương rẫy, không đốt rẫy, xử lý thực bì gần rừng.
Bản còn mời cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm lên hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây và PCCCR. Bản Ông Tú quy định, nếu gia đình nào có việc cần dùng tới gỗ để làm nhà thì phải “đăng ký”. Sau đó, bản tổ chức họp dân, thống nhất chọn và xin ý kiến cơ quan chức năng. Còn những cây bản không cho phép mà dân tự ý chặt thì sẽ bị phạt theo hương ước, ai không tuân thủ theo quy định hoặc làm cháy rừng thì sẽ bị phạt nặng.
Xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn với 3.635,65ha diện tích đất rừng. Nhiều năm qua, cánh rừng nơi đây luôn được bảo vệ an toàn trong mùa nắng nóng là nhờ bởi chính quyền đã huy động được sức dân vào bảo vệ rừng.
Hằng năm chính quyền địa phương và người dân luôn xác định từ tháng 4 đến tháng 10 là thời điểm nguy cơ cháy rừng rất cao nên công tác phòng, chống cháy rừng luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc phát thông báo, tuyên truyền đến từng chủ rừng, hộ gia đình, xã Quảng Thạch đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát những mâu thuẫn, tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp để giải quyết nhằm kịp thời ngăn chặn trường hợp đốt phá rừng để trả thù.
Một trong những cách làm rất hiệu quả việc bảo vệ rừng ở Quảng Thạch là thành lập các mô hình nhóm liên gia tự quản. Theo đó, mỗi nhóm sẽ gồm từ 10-20 hộ có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng. Khi phát hiện trường hợp xử lý thực bì cháy có nguy cơ lây lan, sẽ phát thông tin trên loa truyền thanh, huy động toàn thể nhân dân địa phương đến dập lửa…
Trong quá trình đi thực tế tìm hiểu để thực hiện bài viết, chúng tôi nhận thấy, trong thời gian cao điểm nắng nóng, hầu hết lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và các xã, phường đã thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng và bảo đảm trực 100% quân số; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao… song, theo kinh nghiệm của những người làm công tác bảo vệ rừng lâu năm thì nơi nào người dân sống cạnh bìa rừng, họ yêu rừng, xem rừng như một phần tài sản của gia đình thì nơi đó rừng được bảo vệ tốt nhất. Để làm được điều đó, thì các địa phương nên chủ động giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình sống cạnh rừng.