Thêm 2 thực phẩm giảm cân chứa chất cấm

09:42 18/01/2022

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông báo thêm 2 sản phẩm giảm cân chứa chất cấm Sibutramine có thể gây hại cho tim mạch. Như vậy, trong tuần qua đã phát hiện 4 sản phẩm giảm cân chứa chất cấm này.

Ngày 18/1, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, vừa phát hiện thêm 2 sản phẩm giảm cân chứa chất cấm Sibutramine là Slimming Tigi Max 28 và Slim Phục Linh Plus. 

Theo đó Cục An toàn thực phẩm nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimming Tigi Max 28 và Slim Phục Linh Plus có chứa chất cấm Sibutramine.

Cụ thể, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimming Tigi Max 28; lô sản xuất 190669; sản xuất ngày 21/6/2019; hạn sử dụng ngày 20/6/2022; số đăng ký công bố 5647/2019/ĐKSP; hộp 2 lọ x 14 viên x 550mg. Sản phẩm được phân phối bởi Công ty TNHH TM DV Vinapharma (622/24A Cộng Hòa, P13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Công ty cổ phần Thiết bị y tế An Phú Xuân chịu trách nhiệm về sản phẩm. Nơi lấy mẫu là Công ty cổ phần Thương mại Dược phẩm Mạnh Tý - Việt Mỹ, số 1 đường số 5, cụm Công nghiệp An Hòa, phường An Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế và chất cấm được phát hiện trong sản phẩm này là Sibutramine với hàm lượng 9,48 mg/viên (15,8 mg/g).

Hai thực phẩm giảm cân Slim Phục Linh Plus và Slimming Tigi Max 28 được phát hiện chứa chất cấm.

Thực phẩm chức năng Slim Phục Linh Plus; lô sản xuất 0001; sản xuất ngày 6/3/2020; hạn sử dụng 5/5.2023; số đăng ký sản phẩm 395/2020/ĐKSP; hộp 30 viên nang. Sản phẩm này sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP: Nhà máy 2 - Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Thăng Long, ở Lô 7-1 Protrade International Tech Park, xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Công ty TNHH Limexcopharma Việt Mỹ (số 2, ngõ 7 đường Đa Lộc, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Nơi lấy mẫu là nhà thuốc Dũng Loan, 243 Lê Trung Đình, phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Chất cấm phát hiện trong sản phẩm Slim Phục Linh Plus là Sibutramine có hàm lượng 12,90 mg/viên (30 mg/g).

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm nêu trên. Trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường, đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, từ tháng 10/2010, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine. Hiện tại, Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.

Như Báo CAND đã đưa tin, ngày 13/1, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra cảnh báo về 2 sản phẩm thực phẩm giảm cân Feo dứa và viên uống thảo mộc Mộc slim có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphthalein. Cả hai sản phẩm đều do đều do Công ty TNHH sản xuất – Y dược phẩm Vĩnh Điển (Đan Phượng, Hà Nội) sản xuất.

Chất cấm Phenolphthalein từng được sử dụng trong hơn một thế kỷ như thuốc nhuận tràng, nhưng hiện nay đã bị gỡ bỏ khỏi danh mục thuốc nhuận tràng vì những lo ngại về khả năng gây ung thư. Chất này đã bị FDA cấm lưu hành từ năm 1999. Hiện nay, chất này đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thành phần hoạt tính của tất cả loại thuốc lưu hành tại Mỹ.

Trần Hằng

Ngày 3/11, một nguồn thông tin cho hay, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an (phía Nam) vừa phối hợp cùng một số đơn vị liên quan, bắt giữ Phạm Đức Bình (tức Bình “Kiểm”; SN 1970, quê Quảng Ninh). Đối tượng này được cho là đại ca giang hồ “nổi tiếng” một thời.

Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, Lê Thị Huyền (SN 1979) và Kim Ngọc Anh (SN 1982, cùng ngụ TP Tây Ninh, Tây Ninh) đã tổ chức đường dây đánh bạc quy mô lớn hơn 50 tỷ đồng, gây bất an cho người dân. Chỉ trong thời gian ngắn xác lập chuyên án đấu tranh, những người lính hình sự Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá được đường dây này.

Đất đai Nhà nước bị bỏ hoang, “biến tướng” dẫn đến thất thoát lãng phí, nhiều công trình, dự án kéo dài, đội vốn và không phát huy được hiệu quả… là những câu chuyện dài về lãng phí tài sản công khiến nhân dân bức xúc. Ai là người chịu trách nhiệm và cần phải xử lý tận gốc vấn đề này?

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文