Thêm cơ hội cho người lầm lỗi hoàn lương (bài cuối)
Thực hiện Luật Thi hành án hình sự, Bộ Công an đã đề xuất chính sách cho chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 22 ngày 17/8/2023.
Bộ Công an đề xuất chính sách trên xuất phát từ yêu cầu thực tế để thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng, cũng như yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là tâm huyết của lãnh đạo Bộ Công an nói chung, của lực lượng Công an làm công tác liên quan đến lĩnh vực trại giam nói riêng trong suốt thời gian qua.
Theo chân cán bộ Công an xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam và các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hà Nam, chúng tôi vào nhà anh Trần Văn Tú, ở thôn Phú Cốc, xã Phú Phúc. Ngôi nhà khá khang trang, trong một khuôn viên rộng rãi, đủ cả vườn, ao, chuồng. Anh Tú đang vớt trứng ốc nhồi ở dưới ao để nhân giống. Vợ anh đi làm công nhân, các con đi học, công việc chính của anh là chăm đàn lợn và nhân giống ốc nhồi nên thường ở nhà.
Một lúc sau, mẹ anh đi làm ở gần đó, biết nhà có khách nên cũng về. Anh Tú từng có thời gian lầm lỗi do tuổi trẻ thiếu suy nghĩ, hoàn cảnh khó khăn theo bạn xấu chơi bời nên phạm tội cướp tài sản bị án phạt tù 30 tháng. “Lúc đó, em suy sụp hoàn toàn, đứa con đầu mới 3 tuổi, vợ em đang bầu cháu thứ 2 chỉ còn 20 ngày nữa là sinh. Thế mà em lại không biết suy nghĩ, gây ra tội làm khổ bố mẹ, vợ, con” – Tú cho biết.
Lúc tưởng như chán nản nhất, Tú được các cán bộ Công an động viên, phân tích, chỉ có cải tạo tốt mới nhanh được về với vợ con. Hiểu ra, Tú đã nỗ lực học tập, cải tạo, chấp hành nghiêm quy định của Trại giam. Hết thời gian thi hành án, Tú về nhà, không những không bị xa lánh mà còn được Công an xã, Hội Phụ nữ cùng xóm giềng quan tâm, động viên. “Vừa rồi nhà nước có chính sách cho người lầm lỗi như em vay vốn, em mừng lắm. Các anh Công an xã đến nhà động viên, giúp đỡ, làm thủ tục để em được vay vốn. Nhờ đó, em được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 90 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Số tiền này, em sẽ dùng để mở rộng chăn nuôi, thêm lợn giống và đàn lợn thịt, kè nốt chỗ ao còn dang dở để nuôi ốc” – Trần Văn Tú nói. Mẹ của Tú cũng cho biết thêm, từ khi Tú về nhà, rất tu chí làm ăn, thương bố mẹ, vợ con, không còn chơi bời như trước nữa nên gia đình rất mừng và yên tâm.
Đại uý Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Công an xã Phú Phúc cho biết, sau khi có Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, chúng tôi đã tham mưu cho UBND ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, rà soát, lập danh sách những người đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn họ làm thủ tục để đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, Bên cạnh đó, Công an xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… để chia sẻ uỷ thác cho vay hiệu quả.
“Bước đầu, chúng tôi đề xuất 12 trường hợp, đã được Ngân hàng Chính sách cho vay 2 trường hợp. Các trường hợp còn lại sẽ xem xét giải ngân tiếp. Làm Công an ở cơ sở, tôi thấy chính sách này của Chính phủ rất nhân văn vì khi có vốn làm ăn, có sự tin tưởng của chính quyền, người chấp hành xong án phạt tù sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế, tránh được các vi phạm pháp luật.
Ở TP Bắc Ninh, anh Nguyễn Văn Hải, trú ở phường Tiền An – người từng phải thi hành án 3 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng cho biết: “Bố mẹ tôi mất sớm, chị gái lấy chồng xa, kinh tế khó khăn nên không giúp được gì nhiều. Vì không ai quản lý, giáo dục nên tôi theo bạn bè xấu tụ tập, đánh nhau và bị bắt. Được các cán bộ Công an giáo dục, tôi biết rằng, chỉ có làm ăn lương thiện thì mới được sống bình an, khoẻ mạnh. Vì vậy, sau khi ra tù, vì không có nghề nghiệp nên tôi đi làm thuê.
Sau khi Quyết định 22 có hiệu lực, tôi đã được Công an phường bảo lãnh vay 40 triệu đồng để mua xe máy đi ship hàng. Bây giờ, mỗi ngày tôi có thu nhập 200.000 đồng – 400.000 đồng đủ để nuôi sống bản thân và trả nợ. Thấy tôi có việc làm, tu chí làm ăn, một cô gái cùng phường đã đồng ý yêu tôi. Chúng tôi dự định sang năm mới sẽ tổ chức đám cưới. Tôi cảm ơn Nhà nước và các cấp đã giúp tôi có cuộc sống mới, không phải vì nghèo đói mà tiếp tục phạm tội”.
Xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm… Đảng, Nhà nước Việt Nam ban hành nhiều chính sách quan trọng, quy định rõ sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về xã hội, trách nhiệm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng là của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương để không ai bị bỏ lại phía sau.
Sau khi Quốc hội ban hành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chính phủ đã có Nghị định số 49/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hoà nhập cộng đồng. Nhờ đó, đến nay, hành lang pháp lý về công tác này cơ bản đã đầy đủ và toàn diện. Tinh thần đồng hành được lan tỏa, giúp người chấp hành án phạt tù xóa bỏ mặc cảm tự ti, đem đến cho họ những cơ hội việc làm, xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí để không trở lại con đường lầm lỡ. Hiện tại, có hàng trăm mô hình tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng được duy trì hiệu quả và nhân rộng. Nhiều địa phương sáng tạo tổ chức, mở các phiên giao dịch việc làm dành cho người chấp hành xong án phạt tù, là cầu nối giữa người chấp hành xong án phạt tù và các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động.
Thực hiện Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, người chấp hành xong án phạt tù không chỉ được hỗ trợ, tạo lập cuộc sống mới mà mục tiêu cao hơn, là một cuộc sống tự do bền vững và ổn định. Với mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án, chỉ sau 1 tháng triển khai, đã có gần 500 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, với số tiền gần 2 triệu USD. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có một cơ chế rất cụ thể, chính sách nhân văn, tạo điều kiện không chỉ cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách để tạo lập cuộc sống. Mà còn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù…
Bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Hà Nam cho biết: “Đơn vị đã phối hợp với ngành Công an tuyên truyền rộng rãi. Dựa vào danh sách những người chấp hành xong án phạt tù do Công an cung cấp, chúng tôi rà soát nhu cầu vay vốn của các gia đình hỗ trợ tối đa để họ vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống”.