Tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh triển khai ứng phó bão Conson
Trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to. Đề phòng bão lũ xảy ra, chính quyền và Nhân dân các địa phương đang chuẩn bị các phương án vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa triển khai ứng phó với bão Conson và nguy cơ lũ xảy ra.
24h qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa rất to, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Chính quyền cùng người dân địa phương đang nỗ lực ứng phó với mưa bão. Lúa hè thu đã chín rộ ở các cánh đồng, với phương châm "non nhà hơn già đồng", lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ thu hoạch giúp bà con.
Đối với các vùng thấp trũng, cửa sông, cửa biển, người dân đang chằng chéo nhà cửa, sửa soạn đưa lên cao đồ dùng sinh hoạt, lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết của gia đình đề phòng bất trắc do mưa bão, lũ lụt có thể gây ra.
Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết, do mưa lớn nên trên địa bàn vừa xuất hiện sạt lở núi nghiêm trọng bên Quốc lộ 9C. Vụ sạt lở núi xảy làm đoạn đường dài khoảng 50m tại Km 33 bị vùi lấp, hàng chục khối đất đá nằm ngổn ngang chắn ngang con đường khiến các phương tiện giao thông không thể qua lại.
Hiện chính quyền địa phương đã báo cáo với đơn vị quản lý để có giải pháp khắc phục, đồng thời cảnh báo nguy hiểm đối với người dân.
Ngày 8/9, tình hình dịch COVID-19 ở Quảng Bình vẫn diễn biến phức tạp, khi số ca dương tính đã lên đến 1.015 ca và hơn 7.400 F1. Địa phương đang khẩn trương xét nghiệm, sàng lọc bóc tách F0 trong cộng đồng, các khu vực phong tỏa. Do mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường ở TP Đồng Hới, nên người dân đi lấy mẫu xét nghiệm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi, bà con phải lội nước, ngồi trên sân ngập nước chờ lấy mẫu. Do mưa lớn, nên việc khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, dập dịch COVID-19 cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho Quảng Bình.
Chiều ngày 8/9, tỉnh Quảng Bình đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai các phương án vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa ứng phó với mưa bão. Theo đó, lực lượng Biên phòng chủ động nắm vững số lượng tàu, thuyền, bà con ngư dân, vùng đánh bắt…để liên lạc, hướng dẫn bà con tránh trú bão an toàn. Lực lượng Công an, Quân đội có phương án để hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân, đặc biệt khi bão lũ xảy ra. Ngành Nông nghiệp, Công thương, Giao thông Vận tải…có phương án cụ thể, chủ động ứng phó với mưa bão, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
*Tại Hà Tĩnh, đêm qua và hôm nay ngày 8/9, trên địa bàn cũng đã có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 34,0 - 78,0mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: thành phố Hà Tĩnh 127,2mm và xã Hương Trạch, huyện Hương Khê 102mm. Mưa lớn cũng đã làm một số tuyến đường ở TP Hà Tĩnh bị ngập cục bộ, gây rất nhiều khó khăn đi lại cho người dân địa phương. Mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố đang lên. Sông La, Rào Cái, Cửa Nhượng chịu ảnh hưởng của thủy triều nên dâng cao.
Nhằm chủ động ứng phó với bão Conson và mưa lớn trên địa bàn, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Trưởng các Tiểu ban Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển…
Công văn nêu rõ; để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, thị xã, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó thiên tai, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xẩy ra; kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân trên lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và đất liền, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công, triển khai phương án bảo vệ các công trình đê điều, hồ đập đang thi công dang dở.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống...