Tội phạm liên quan an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp

18:11 29/08/2024

Từ năm 2020 đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 105 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường đã khởi tố 29 vụ… Hiện nay, tình hình tội phạm về ATTP đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm... gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ người tiêu dùng.

Chiều 29/8, tại TP Huế (Thừa Thiên Huế), Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an tổ chức Hội nghị hội ý nghiệp vụ “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP trong tình hình mới, trên không gian mạng”.

Trung tướng Trần Minh Lệ phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị với sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường của Công an các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng và Tây Ninh. Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường dự và chỉ đạo hội nghị.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt cho rằng: Hiện nay, tình hình tội phạm về ATTP đang tiếp tục diễn biến phức tạp...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết, công tác bảo đảm ATTP nói chung, PCTP, vi phạm pháp luật về ATTP nói riêng trong thời gian qua luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Căn cứ nhiệm vụ được Chính phủ giao, lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP, trọng tâm là phát hiện, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Đấu tranh xử lý có hiệu quả với các hành vi lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội, góp phần răn đe, phòng ngừa, làm giảm tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP…

Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế Đại tá Hồ Xuân Phương phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý quyết liệt với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, thực hiện đồng bộ 3 nội dung: phòng ngừa xã hội; phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh xử lý…

Qua thống kê, từ năm 2020 đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 105 vụ liên quan đến ATTP, trong đó lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã khởi tố 29 vụ…Đặc biệt gần đây, xảy ra một số vụ sản xuất hàng giả gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Hội nghị với sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an và PC03 của hơn 20 đơn vị Công an các tỉnh, thành.

Cụ thể, qua kiểm tra công tác chấp hành pháp luật và ATTP đối với Công ty cổ phần thực phẩm Nanofood (địa chỉ ở xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) và Công ty cổ phần Victorfood (địa chỉ ở xã Phú Cát, huyện Quốc Oai), Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phát hiện 2 công ty này đã tự ý thay đổi thành phần nguyên liệu, phụ gia so với hồ sơ đăng ký công bố/tự công bố làm cho các sản phẩm khi thu mẫu, kiểm nghiệm đều có chỉ tiêu chất lượng dưới 70% so với mức công bố, tính năng, tác dụng, công dụng của sản phẩm bị thay đổi.

Căn cứ các tài liệu, hồ sơ thu thập được, xác định có dấu hiệu tội phạm, ngày 24/4, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã ra quyết định khởi tố 2 vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra theo thẩm quyền quy định...

Đại tá Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thừa Thiên Huế trình bày tham luận tại hội nghị.

Tương tự, ngày 19/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang 8 đối tượng do Vũ Thành Công (SN 1988) - chủ mưu, cầm đầu có hành vi sản xuất, kinh doanh sữa bột giả các nhãn hiệu: Ensure, Alpha Lipip tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Kết quả đã tạm giữ phương tiện, máy móc để sản xuất sữa giả, tang vật có giá trị ước tính khoảng 12,2 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 8 cá nhân liên quan về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm….

Bên cạnh sản xuất hàng giả thì nhiều vụ việc liên quan đến vệ sinh ATTP khiến người tiêu dùng lo lắng. Điển hình, ngày 12/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra kho thực phẩm đông lạnh tại La Khê, phường Hương Vinh, TP Huế do Lương Hùng Minh làm chủ đang kinh doanh thực phẩm đông lạnh là thịt heo và nội tạng heo với khối lượng 3.060 kg không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Kết quả phân tích mẫu thực phẩm của cơ quan chức năng cho thấy, các thông số đều không đạt và vượt gấp nhiều lần, trong đó chỉ tiêu Ecoli trong mẫu số 4 vượt gấp 60 lần cho phép…

Hơn 3 tấn thịt heo và nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc được phát hiện tại phường Hương Vinh, TP Huế.

Đáng báo động tại tỉnh Khánh Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2024, xảy ra 5 vụ việc vi phạm các quy định về ATTP gây ngộ độc cho cho 458 cá nhân. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, qua công tác điều tra, xác minh ban đầu, xác định nguyên nhân 5 vụ việc trên đều xuất phát từ hoạt động chế biến, kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, sản phẩm chưa được kiểm duyệt, chưa được công bố chất lượng, vi phạm các quy định về quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mua trôi nổi trên các trang mạng xã hội…

Hàng chục học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường, TP Nha Trang bị ngộ độc vào tháng 4/2024 sau khi ăn sáng ở các hàng quán, hàng rong gần cổng trường.

Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt cho rằng, hiện nay, tình hình tội phạm về ATTP đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm không đúng quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ người tiêu dùng. Ngoài ra, các đối tượng hoạt động lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP đang diễn ra khá phổ biến…

Kho thịt đông lạnh được Công an Thừa Thiên Huế phát hiện có thông số Ecoli có mẫu số 4 vượt gấp 60 lần cho phép.

Tại hội nghị, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an một số địa phương trình bày tham luận xoay quanh nội dung: thực trạng tình hình hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP hiện nay; nhận diện những phương thức thủ đoạn, đáng chú ý là thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội; nhận diện được các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh, xử lý…

Phát biểu kết luận hội nghị, Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP đề nghị, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an “Xác lập và phá vụ án hành vi phạm tội từng đường dây, ổ nhóm tuyên truyền răn đe mạnh mẽ”, tổ chức đấu tranh, xử lý có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm “Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác điều tra cơ bản theo danh mục các ngành hàng trọng điểm, phức tạp về ATTP như thực phẩm bảo vệ sức khỏe; sữa và các sản phẩm từ sữa; bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn; sản phẩm động vật đông lạnh, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chay, thức ăn đường phố. Qua đó, chủ động phát hiện tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu “Chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái” đáp ứng công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP trong tình hình mới, trên không gian mạng.

Hải Lan

Sau khi thoả thuận, thống nhất giá mua bán, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc tiền từ 3 - 30 triệu đồng (tùy vào giá trị của xe máy, ô tô). Bọn chúng còn giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện xác minh, đề nghị nộp tiền để làm giấy tờ nhưng khi nhận được tiền chúng sẽ khoá máy, chặn liên lạc.

Nằm trong kế hoạch ra quân đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, hơn một tuần qua, Công an huyện Tây Hòa, Công an huyện Phú Hòa và Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên đã đánh sập 3 đường đánh bạc qua mạng Internet với tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng.

Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, nhiều vấn đề nóng được lãnh đạo Bộ Tài chính giải đáp theo các câu hỏi của phóng viên.

Chiều 7/1, phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu Đại biểu Quốc hội) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn. Trước khi thẩm vấn, Hội đồng xét xử tiến hành cách ly bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cùng hai bị cáo khác là Lê Thanh Vân (cựu Đại biểu Quốc hội) và Nguyễn Văn Vương (cựu Chuyên viên Vụ pháp luật, Văn phòng Chủ tịch Nước) khỏi phòng xử án.

Chiều 7/1, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, lãnh đạo TP Hải Phòng tổ chức gặp mặt, biểu dương và khen thưởng Thủ môn đội tuyển bóng đá Việt Nam Nguyễn Đình Triệu, với số tiền thưởng lên tới 550 triệu đồng cùng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文