Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ký ức những người bạn học ở miền Trung

09:04 25/07/2024

Dù ở cương vị nào, mỗi lần họp lớp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều dành cho thầy cô giáo sự kính trọng tuyệt đối, dành cho bạn bè tình cảm thân thương, trìu mến, giản dị, tinh khiết và thanh cao...

Vĩnh biệt người bạn, một nhà lãnh đạo luôn hết lòng vì nước, vì dân

Những ngày cả nước tiếc thương, chuẩn bị tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi yên nghỉ cuối cùng, chúng tôi tìm đến căn nhà của ông Hoàng Sỹ Ngọc (SN 1941, ở đường Trần Anh Tông, phường Trường An, TP Huế, Thừa Thiên Huế). Thật cảm động khi chúng tôi đến cũng là lúc chủ nhà đang sắp xếp lại những tư liệu, hình ảnh gắn bó bó kỷ niệm một thời với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một người bạn đồng môn của ông.

Ông Hoàng Ngọc (Hoàng Sỹ Ngọc) – cựu sinh viên lớp Văn, khóa 8, Khoa Ngữ Văn - Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, người từng học cùng lớp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lật giở từng trang trong tuyển tập hồi ký “Người văn – Nghĩ và sống” của nhiều tác giả là những sinh viên lớp Văn, khóa 8, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội niên khóa 1963 - 1967, ông Hoàng Sỹ Ngọc bồi hồi nhớ lại lớp Văn khóa 8 thời điểm ấy có 24 sinh viên là người miền Nam tập kết, tham dự, trong đó có ông.

Những ngày đầu nhập học, dù mỗi người mỗi quê nhưng ông Ngọc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gắn bó với nhau.

Theo lời kể, thời điểm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một sinh viên có khuôn mặt rất hiền, giản dị nhưng lại rất thông minh, học giỏi, năng nổ với các hoạt động của lớp và nhà trường, đoàn thanh niên. Năm 1967, sinh viên Nguyễn Phú Trọng bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp về đề tài “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” với điểm tối ưu duy nhất của khóa.

Về phần ông Ngọc, sau khi tốt nghiệp, ông tham gia công tác và giữ nhiều cương vị quan trọng khác nhau từ Trung ương đến địa phương. Sau khi về hưu, sinh sống ở vùng đất Cố đô Huế, ông vẫn thường xuyên giữ liên lạc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các bạn cùng lớp đại học năm xưa.

Ông Hoàng Sỹ Ngọc cho biết, dù nắm giữ cương vị công tác nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn gần gũi với những người bạn của lớp Văn khóa 8, khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. “Lần vào Huế công tác, bạn Trọng có ghé thăm nhà tôi khi đó ở chung cư Đống Đa. Gặp lại, hai anh em cùng ôn lại những kỷ niệm thời khó khăn, gian khổ nhưng rất tự hào. Và mỗi lần ra Hà Nội, tôi cũng ghé thăm bạn Trọng với những món quà xứ Huế giản dị nhưng chứa đầy tình cảm”, ông Ngọc kể.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp mặt bạn bè 55 năm lớp văn (1963-1967), khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh tư liệu.

“Sáng hôm nay, lễ viếng bạn Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Vì lý do sức khỏe nên tôi không thể ra Hà Nội để cùng các bạn viếng và thắp nén hương tiễn biệt người bạn đồng môn được. Xin vĩnh biệt Nhà lãnh đạo luôn tận tâm, tận lực, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đến những phút cuối đời”, ông Hoàng Sỹ Ngọc xúc động chia sẻ.

Một người tuyệt đối kính trọng thầy cô, thương yêu bạn bè...

Trong số những người từ miền Trung ra Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sáng nay (25/7), có ông Phan Văn Kính (SN 1942, trú ở 21 Hoa Lư, TP Nha Trang, Khánh Hòa), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Ông Phan Văn Kính là người bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời sinh viên đại học và luôn giữ mãi tình cảm bạn bè hơn 60 năm qua.

Ông Phan Văn Kính trong một lần gặp lại người bạn học thời sinh viên - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Phan Văn Kính và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần họp lớp văn 8, Khoa Ngữ văn niên khóa 1963-1967 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Trong trang Facebook cá nhân của ông Phan Văn Kính đăng tải bài viết sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, có đoạn kể: “Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư. Sau đó vài tháng, đồng chí đến dự cuộc họp lớp văn, Khoa Ngữ văn (1963-1967) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được tổ chức tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tại cuộc gặp này, đồng chí nói: “Bây giờ tôi là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng có làm Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước thì cũng như một đám mây rồi cũng bay qua. Cuối cùng chỉ còn lại cái tình, cái nghĩa với anh em, bạn bè, thầy cô giáo và đồng chí, đồng bào”. Nói xong, đồng chí đưa hai tay ra phía trước như muốn ôm tất cả chúng tôi vào lòng… Và bây giờ, trên bầu trời đất Việt, một đám mây trắng, tinh khiết, thanh cao đã bay qua như thế”. 

Chia sẻ với báo chí, ông Phan Văn Kính nhớ lại: “Thời ấy tôi ở miền quê xứ Nghệ, đi học phổ thông văn hóa muộn hơn hai tuổi. Đến năm 1963 tôi trúng tuyển lớp văn 8 (1963-1967), khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội".

Theo lời ông Phan Văn Kính, cả lớp khi đó có 40 sinh viên, trong số đó có 30 người là học sinh cấp 3 thi đậu vào học, còn lại 10 sinh viên đã từng đi tu nghiệp ở Liên Xô, nhưng vì lý do khách quan nên khi trở về nước đã được bố trí vào học chung lớp này. Hai năm sau đó, do chiến tranh ác liệt nên cả lớp phải sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để tiếp tục học tập.

"Tôi và anh Trọng ở trọ tại nhà dân cách nhau tầm 50m nên thường trò chuyện với nhau, hơn nữa lúc đó tôi thuộc tổ văn học Pháp còn bạn Trọng thuộc tổ văn học Nga nên tôi và anh Trọng thường xuyên có những cuộc trao đổi, thảo luận trong học tập. Bạn bè trong lớp đều thừa nhận anh Trọng là người có trí nhớ rất tốt, say mê học tập, nghiên cứu, tư duy sắc sảo, lối sống thân thiện, hòa đồng với mọi người”, ông Phan Văn Kính kể thêm.

Tại nhà riêng ông Phan Văn Kính có nhiều bức ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giữa lúc còn đang sơ tán để học tập, thì năm 1966 ông Kính tình nguyện vào chiến trường miền Nam và được Thông tấn xã Việt Nam tiếp nhận, phân công đảm nhiệm phóng viên chiến trường. “Biết tin ấy, anh Trọng sang nhà trọ nằm bên tôi một đêm để trò chuyện, động viên tôi tiếp tục phấn đấu, nỗ lực lập thành tích tốt nhất và cùng hy vọng kháng chiến sớm kết thúc thắng lợi. Sáng hôm sau anh Trọng tiễn tôi một chặng đường, đến lúc chia tay, tôi nhìn thấy đôi mắt của anh ngấn lệ” – ông Kính bồi hồi tưởng nhớ.

Nhiều năm làm phóng viên chiến trường, sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông Phan Văn Kính về Khánh Hòa làm công tác tuyên huấn và sau đó đảm nhiệm chức trách Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa trước khi nghỉ hưu.

Cuối năm 1976, trong một chuyến đi ra Hà Nội, ông Kính đã đến thăm đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó đang công tác ở Tạp chí Cộng sản. “Bất ngờ gặp lại nhau sau hơn chục năm xa cách, tôi và anh Trọng ôm chầm lấy nhau, nước mắt mừng vui ngày hội ngộ tuôn trào” – ông Kính kể thêm.

Ông Phan Văn Kính bày tỏ tỉnh cảm sâu sắc đối với người bạn học thời sinh viên - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Cũng từ đó, cứ mỗi lần có dịp ra Hà Nội, ông Kính đều đến thăm, trò chuyện thân tình với người bạn học thời sinh viên. “Qua báo chí, mọi người đều biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo tài ba, một người cộng sản kiên trung, chân chính, mẫu mực, liêm khiết và là hình mẫu về phong cách lãnh đạo giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của nhân dân, cả cuộc đời dành hết sức mình cho công cuộc xây dựng Đảng vì đất nước hùng cường và thịnh vượng. Với riêng tôi và nhiều bạn bè, thầy cô giáo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một người lãnh đạo luôn kính thầy, trọng bạn, thủy chung, tình nghĩa sâu sắc. Mỗi lần gặp gỡ bạn bè, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm, lắng nghe ý kiến của mọi người về những vấn đề đời sống xã hội của đất nước”, ông Kính chia sẻ.

Trong chuyến công tác của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Khánh Hòa vào đầu tháng 5/2016, ông Kính có dịp gặp lại người bạn học thời sinh viên.

Gần đây nhất ông Kính có dịp gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp mặt thân tình nhân kỷ niệm 60 năm Ngày tựu trường Đại học Tổng hợp Hà Nội niên khóa 1963-1967 tổ chức tại Hà Nội năm 2023.

“Dẫu biết quy luật sinh – lão – bệnh – tử, nhưng không ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp người bạn học thời sinh viên, vị lãnh tụ xuất sắc của Đảng, Nhân dân và dân tộc Việt Nam. Có nhiều điều hay, lẽ phải tôi học được từ anh Trọng khi còn là sinh viên cho đến sau này, trong đó sâu sắc nhất là nghĩa tình thầy cô giáo, bạn bè luôn được anh trân quý. Dù ở cương vị nào, mỗi lần họp lớp anh Trọng đều dành cho thầy cô giáo sự kính trọng tuyệt đối, dành cho bạn bè tình cảm thân thương, trìu mến, giản dị, tinh khiết và thanh cao" - ông Phan Văn Kính bày tỏ.

Hữu Toàn- Anh Khoa

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文