Trại nấm hầu thủ trên cao nguyên Langbiang
Để chứng minh sản phẩm nấm hầu thủ làm ra được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, an toàn và sạch bệnh, anh Nguyễn Minh Thuận, ngụ xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, không ngại ngần cho lên miệng cắn một miếng lớn, ăn ngon lành trước sự chứng kiến của nhiều người.
Duyên đến với nghề trồng nấm hầu thủ đến với anh Nguyễn Minh Thuận bắt đầu từ cách đây hai năm sau khi anh kinh qua nhiều công việc liên quan đến công tác nghiên cứu, sản xuất các loại nấm. Người nông dân có học vị Thạc sĩ chuyên ngành nấm này từng tốt nghiệp Sư phạm sinh học, Trường Đại học Đà Lạt. Sau thời gian công tác tại một doanh nghiệp chuyên về nấm, anh đến làm việc ở Viện Nghiên cứu sinh học Tây Nguyên. Khoảng thời gian này không chỉ giúp anh Nguyễn Minh Thuận tích lũy được vốn kinh nghiệm từ thực tế sản xuất các loại nấm mà còn giúp anh nung nấu và thực hiện ý tưởng mở một trang trại sản xuất nấm cho riêng mình.
Giữ năm 2020, anh Thuận nghỉ việc ở Viện Nghiên cứu sinh học Tây Nguyên, tới xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương lập trang trại trồng nấm. Không lựa chọn loại nấm phổ thông trong hàng chục loại nấm đang rất phổ biến trên thị trường, anh Thuận chọn nấm hầu thủ, loại nấm còn rất xa lạ với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam.
Đây là loại nấm cao cấp, có giá cả không hề rẻ. Tất nhiên, việc đầu tư, sản xuất ra loại nấm này cũng không đơn giản đối với người "tay ngang". Rất may, anh Thuận là người được đào tạo khá bài bản và có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn từ việc trồng nấm khi còn làm ở doanh nghiệp và Viện Nghiên cứu sinh học Tây Nguyên. Trước khi bắt tay vào công việc, anh Thuận cũng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, thông qua các mối quan hệ để khảo sát thị trường và nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.
Anh Thuận cho biết, nấm hầu thủ trên thị trường rất ít, phần lớn là nấm khô hoặc hàng đông lạnh. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới giá trị và chất lượng nấm hầu thủ khiến người tiêu dùng chưa thưởng thức được trọn vẹn hương vị, chất lượng thơm ngon của loại nấm này. Điều đó càng khiến anh Thuận quyết tâm đầu tư trang trại trồng nấm hầu thủ ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, nơi có thiên nhiên, khí hậu trong lành, mát mẻ, là điều kiện lý tưởng để cho các loại nấm phát triển.
Tại trang trại của anh Thuận, hằng ngày đều có công nhân quét dọn, rửa nền sạch sẽ để ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng, đảm bảo vệ sinh và tăng cường phòng ngừa các loại dịch bệnh có thể gây ra cho nấm hầu thủ. Trên những kệ sắt cao 2 mét được lắp đặt chắc chắn, hàng chục nghìn bịch phôi nấm được xếp ngăn nắp, đẹp mắt, đang trong thời kỳ cho thu hoạch.
Loại nấm này không được tưới nước trực tiếp lên bịch phôi mà phải điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm từ hệ thống vòi phun nước bên trên mái nhà kính. Toàn bộ các bịch phôi nấm được làm từ gỗ cao su. Để đảm bảo sản phẩm làm ra là sạch, an toàn với người tiêu dùng, anh Thuận đặt ra cho mình một nguyên tắc là không sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.
Theo nông dân trẻ tuổi này, 15 ngày sau khi đặt phôi nấm lên kệ để nuôi dưỡng thì bắt đầu được thu hoạch. Để đảm bảo nguồn cung hằng ngày ổn định cho các đầu mối tiêu thụ, anh Nguyễn Minh Thuận phải liên tục đặt phôi nấm lên kệ để nuôi dưỡng theo hình thức "gối đầu". Với 1.000m2 trồng nấm hầu thủ, hiện mỗi ngày anh Thuận có thể thu hoạch từ 120-150kg nấm tươi. Sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết ngay tới đó với giá bán dao động từ 120.000-190.000 đồng/kg tùy theo thời điểm và chất lượng nấm. Không chỉ cung cấp nấm hầu thủ tươi cho thị trường, anh Thuận còn sấy gió nấm rồi bán khô cho khách có đơn đặt hàng. Nấm sấy gió sẽ được sấy ở nhiệt độ từ 33-37 độ C trong vòng 48 tiếng.
Thương hiệu nấm hầu thủ do anh Nguyễn Minh Thuận sản xuất ngày càng được người tiêu dùng biết tới, không chỉ trên địa bàn TP Đà Lạt mà còn vươn xa tới các đầu mối tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tiếng lành đồn xa, mới đây một đối tác đã tới thăm trang trại trồng nấm của gia đình anh Thuận, sau khi kiểm tra chất lượng nấm, phía đối tác đã đặt vấn đề nhận bao tiêu sản phẩm lâu dài với mỗi ngày lên tới 1 tấn nấm. Để đáp ứng được nhu cầu trên, gia đình anh Nguyễn Minh Thuận đang tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô trang trại sản xuất nấm hầu thủ.