Ứng phó bão số 3: Tập trung cao độ vì an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân

08:38 07/09/2024

Theo Trung tâm KTTV quốc gia, hồi 10h sáng nay, vị trí tâm bão khoảng 20.6 độ Vĩ Bắc; 107.6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.

Công tác ứng phó với bão số 3 đã, đang được các địa phương triển khai rốt ráo.  

Tại Hải Phòng, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sức khỏe, tính mạng và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân, TP Hải Phòng đã huy động tổng lực, tập trung phòng chống bão.

Đặc biệt, đã tổ chức di dời hơn 7.000 hộ dân với hàng chục nghìn người tại tại các chung cư cũ xuống cấp, khu vực nuôi thả đánh bắt thủy sản, các điểm nguy cơ sạt lở và úng lụt… và công nhân tại các khu nhà trọ đến nơi tránh trú an toàn.

Tổ công tác do Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu dẫn đầu kiểm tra công tác chuẩn bị hậu cần cho người dân phải di dời tránh bão số 3.

Trong đó, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) có số hộ dân thuộc diện di dời cao nhất, lên tới 3.800 hộ. Đồng chí Đặng Văn Khởi – Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền cho biết, chính quyền địa phương khuyến khích các hộ dân tự di chuyển và liên hệ chỗ tạm trú, các cơ sở dịch vụ lưu trú cũng đồng loạt thông báo giảm phí dịch vụ phòng còn 30 đến 50% cho người dân có nhu cầu.

Đối với những trường hợp không thể tự liên hệ, chính quyền địa phương đã bố trí một số trường học và cơ sở công cộng trên địa bàn, chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống cũng như các điều kiện sinh hoạt khác để phục vụ người dân.

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Thành ủy Hải Phòng đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và các đồng chí lãnh đạo TP dẫn đầu các tổ công tác, ngay trong đêm 6/9 tiến hành kiểm tra, rà soát công tác phòng chống bão và động viên người dân di dời tại các cơ sở tạm trú.

Một điểm tạm trú của người dân Hải Phòng di dời tránh bão.

Bản thân đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng trực tiếp tới kiểm tra và chia sẻ cùng người dân, công nhân lao động tại các điểm tránh trú thuộc huyện Thủy Nguyên, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng).

Lực lượng Công an TP Hải Phòng được huy động 100% quân số, cùng lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở, phối hợp với các địa phương và lực lượng khác xuyên đêm có mặt tại các địa bàn trọng điểm, vừa ứng trực phòng chống bão, vừa hỗ trợ người dân bảo quản tài sản và di dời đến nơi an toàn.

Theo dự báo, đến trưa nay bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền, trong đó Hải Phòng và Quảng Ninh nằm ở vị trí tâm bão sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Toàn bộ lực lượng Công an TP Hải Phòng đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với cơn bão kỷ lục này, vừa đảm bảo giữ gìn ANTT, TTATGT, PCCC&CNCH, đồng thời phối hợp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng (người ngồi giữa) động viên người dân di dời tránh bão tại huyện Thủy Nguyên.
Công an huyện Kiến Thụy giúp dân di dời.
Công an quận Dương Kinh hỗ trợ người già di chuyển đến nơi tránh trú.
Công an huyện Cát Hải phối hợp giúp dân di chuyển khỏi khu vực nuôi thủy sản lồng bè.
Huy động phương tiện đưa người bệnh về nơi an toàn tại quận Ngô Quyền.
Công an và lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở quận Ngô Quyền niêm phong bảo vệ tài sản của người dân khu vực phải di dời.
CSGT Hải Phòng xuyên đêm tại các địa bàn trọng điểm.
Cảnh sát đường thủy Hải Phòng kiểm tra khu vực xung yếu tại quận Ngô Quyền.

Thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng

Hiện nay, bão số 3 chỉ cách khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng còn khoảng 130km, trong khoảng chiều nay sẽ có khả năng đi vào đất liền. Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. 

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện tại, bão số 3 vẫn ở cấp 14. Khoảng cách từ tâm bão đến khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng còn khoảng 130km. Trong thời gian tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, trong khoảng chiều nay sẽ có khả năng đi vào đất liền, bão sẽ gây ra gió mạnh cấp 10, 11,12 ở khu vực Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, gió mạnh cấp 8, cấp 10 ở khu vực Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa... và các tỉnh sâu hơn ở phía trong đất liền như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở ở Hải Phòng hỗ trợ người bệnh đến nơi tránh trú an toàn.

Bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa rất lớn ở khu vực Bắc Bộ, thời gian mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ sẽ tập trung vào ngày và đêm nay (7/9), chiều và đêm nay mưa lớn sẽ mở rộng sang khu vực phía Tây Bắc Bộ. Đợt mưa này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 9/9. Tổng lượng mưa dự báo khoảng 150-350mm có nơi trên 500mm. Khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra đợt lũ. Ngoài ra các tỉnh vùng núi Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt lũ quét diện rộng. Cơn bão số 3 là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng.

Sáng 7/9, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thị sát tình hình bão tại Cảng Quốc tế Tuần Châu. Hiện các tàu du lịch đã ở khu neo đậu tránh trú bão an toàn, không còn khách du lịch ở các tuyến đảo. Hơn 2000 khách du lịch đều đang lưu trú ở đất liền. 

Đồng chí Lê Minh Hoan , Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh đã thành lập 7 đoàn công tác; tại các địa phương trực thuộc tỉnh,  đã thành lập 48 đoàn công tác ứng phó bão số 3 trên địa bàn. Đồng thời, phân công các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo.

Các địa phương và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng, tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Huyện Vân Đồn là nơi đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3.

Cùng với đó chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai gồm: 64.290m2 vải bạt chống sóng; 13.828m3 đá hộc; 240.883 chiếc bao tải; 3.608 chiếc rọ thép; 4.961 kg dây thép; 5.550 m2 vải lọc… tập kết tại những vị trí xung yếu trên địa bàn.

Quảng Ninh cũng tiến hành cấm biển từ 11h ngày 6/9/2024; cơ bản hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu, di dời người dân về nơi an toàn trước 16h ngày 6/9.

Hiện một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, các TP Móng Cái, Cẩm Phả… đã chịu ảnh hưởng đáng kể của bão số 3, với cấp gió ghi nhận từ cấp 8, giật cấp 10.

Cây xanh bị gãy đổ trước gió giật cấp 10 tại khu du lịch trên huyện đảo Vân Đồn.
Nhiều biển quảng cáo trên cao tại TP Móng Cái đã bị bão số 3 tàn phá.

Trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, lượng nước trữ tại hồ Yên Lập ở mức 87%. Ngày 5/9, hồ thủy lợi Yên Lập đã mở cửa xả lũ công suất 100 m3/s. Đến sáng nay, ngày 7/9, hồ Yên Lập đã tăng công suất xả lũ lên 160 m3/s để đảm bảo an toàn. Hồ thủy lợi Yên Lập có dung tích 127 triệu m3, là hồ chứa lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho TP Hạ Long, TP Uông Bí và thị xã Quảng Yên.

Gió giật đổ cột đèn tại TP Hạ Long.

Theo thông tin  mới nhất, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng sáng 7/8, trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Người dân khu vực xung yếu ở Quảng Ninh tạm tránh trú đến nơi an toàn trước bão số 3.

Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

Cũng trong sáng 7/9, Đoàn công tác do Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 (Yagi) tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Ninh.

Tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo kết quả công tác triển khai phòng chống bão số 3 của Công an tỉnh Quảng Ninh và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh.

Xác định đây là cơn bão rất lớn, cán bộ chiến sĩ Công an toàn tỉnh đã chủ động triển khai tất cả các biện pháp với mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng, giảm thiểu tối đã thiệt hại về kinh tế do bão gây ra. Công an tỉnh đã chủ động rà soát trang thiết bị phục vụ phòng chống bão, các đơn vị có trụ sở độc lập chủ động các biện pháp phòng chống bão, ngoài ra Công an tỉnh cũng đã xây dựng các phương án, chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng để ứng phó với bão số 3.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh – Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp ứng phó siêu bão Yagi.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, biểu dương đánh giá cao nỗ lực của toàn lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh nói chung và hệ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công an và của Cục nghiệp vụ. Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp từ tuyên truyền, kiểm tra hướng dẫn và xây dựng các phương án ứng phó với bão số 3.

Đồng chí Cục trưởng nhấn mạnh hệ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là lực lượng tuyến đầu trong tham gia xử lý, khắc phục hậu quả mưa bão gây ra, đồng chí yêu cầu các cấp lãnh đạo Công an tỉnh cần làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, nhận lực, các phương án, kế hoạch để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong mưa bão với phương châm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tại Thanh Hoá, thực hiện Công điện của Bộ Công an và UBND tỉnh Thanh Hoá về chủ động ứng phó với diễn biến của siêu bão Yagi (bão số 3) và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có Điện chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh ứng trực 100% quân số, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Lực lượng CSGT Thanh Hoá giúp người dân neo đậu tàu thuyền.

Theo đó, bắt đầu từ 14h ngày 6/9, Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường trực 100% quân số; các phòng Công an tỉnh thường trực 50% quân số, 50% quân số còn lại ứng trực để sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống do bão gây ra. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các phương án phòng chống lụt bão; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện ô tô, tàu xuồng; vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng chống và ứng cứu khi có bão lụt theo phương án điều động của Công an tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.

Các đơn vị duy trì chế độ trực lãnh đạo, chỉ huy, trực ban, trực chiến, chủ động theo dõi diễn biến, tình hình của cơn bão và chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra. Phối hợp với các lực lượng Quân đội, Biên phòng, chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp… tổ chức lực lượng sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đề phòng ngập úng tại một số địa bàn trọng yếu, lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi…

Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại các đơn vị.

Cùng với đó, các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ các công trình, mục tiêu trọng điểm, phòng ngừa các loại tội phạm hình sự lợi dụng mưa bão để trộm cắp, phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt chú ý đến các phương án phân luồng, phân tuyến, bảo đảm trật tự ATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm; kịp thời phát hiện, xử lý những điểm ùn tắc, sạt lở do mưa bão gây ra.

Trên địa bàn các huyện miền núi, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, đập tràn và các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lực lượng Công an đã xây dựng phương án tuần tra chủ động phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Công an các huyện đã tăng cường lực lượng xuống cơ sở nắm tình hình và phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, trực tiếp đến từng hộ dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để tuyên truyền, vận động nhân dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Thành lập các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn, điều tiết giao thông, cảnh báo những khu vực nguy hiểm không cho người dân và phương tiện tham gia giao thông qua lại.

Kiểm tra công tác thường trực chiến đấu tại Công an TP Thanh Hoá, Phòng CSGT và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá yêu cầu: Các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi cần thiết. Bảo đảm tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan đơn vị, các trang thiết bị, phương tiện, máy móc của đơn vị mình. 

Đối với Công an TP Thanh Hoá, cần bảo đảm an toàn tuyệt đối can phạm, phạm nhân tại nhà tạm giữ Công an thành phố. Đối với lực lượng CSGT cần tiếp tục kiểm tra, rà soát và nhắc nhở các phương tiện tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Rà soát, nắm tình hình các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, dự báo các tình huống xấu xảy ra do mưa bão để chủ động xây dựng phương án điều tiết, phân luồng giao thông và hỗ trợ người dân. 

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần rà soát, kiểm tra lại các trang thiết bị, phương tiện được trang cấp và xây dựng các phương án phòng, chống bão số 3 để sẵn sàng lên đường hỗ trợ, giúp đỡ người dân và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. 

Văn Minh- Ngọc Yến- Trần Thắng- Hà Tâm

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文