Vĩnh Phúc tập trung triển khai Chương trình hành động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, 2025

10:44 06/11/2024

9 tháng năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có những khó khăn, thuận lợi đan xen, trong đó có những khó khăn được đánh giá là “chưa có tiền lệ”. Song nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã và đang từng bước phục hồi tích cực, lấy lại đà tăng trưởng

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm

Hầu hết các chỉ số 9 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Ước tăng trưởng quý III năm 2024 đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 vùng và thứ 10 toàn quốc (tăng trưởng phục hồi trở lại sau hơn 20 tháng khó khăn), qua đó đưa tốc độ tăng GRDP 9 tháng ước đạt 7,95% so cùng kỳ (đạt mục tiêu kế hoạch năm 2024); thu hút vốn đầu tư FDI đạt trên 500 triệu USD (cao hơn kế hoạch năm hơn 100 triệu USD); Tổng thu ngân sách đạt trên 21.300 tỷ đồng, tăng 10,44%. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định; tổng nguồn vốn huy động đến tháng 10/2024 đạt 131.000 tỷ đồng, tăng gần 3,8% so với cùng kỳ năm 2023; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật trong toàn quốc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu chỉ đạo ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai các giải pháp, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà "đói" vốn. Ảnh: Chu Kiều.
Đại diện doanh nghiệp đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Chu Kiều

Trong 10 tháng năm 2024, nhiều nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước đã tìm hiểu môi trường đầu tư, bất động sản công nghiệp và có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Net Zero, đầu tư xanh với tỉnh Vĩnh Phúc như Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam. Đối với chuỗi giá trị về sản xuất linh kiện, điện tử có Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc và một số nhà đầu tư khác như Công ty cổ phần T&Y SuperPort, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta, Tập đoàn Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ…

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Signetics đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNCTech về việc triển khai dự án Nhà máy bán dẫn tại Vĩnh Phúc. Dự án dự kiến có quy mô vượt trên 50.000 m2 và tổng mức đầu tư lên tới hơn 100 triệu USD. Đây là bước đột phá trong phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, ngày 11/9/2024, dự án Công ty TNHH Polaris Việt Nam có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD với mục tiêu tập trung sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe có động cơ khác đã chính thức khánh thành, công suất dự kiến khoảng 30.000 sản phẩm/năm. Những lĩnh vực này phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công lớn, trọng điểm, cầu vượt đường sắt Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên dự kiến sẽ được đưa vào bàn giao sử dụng vào cuối tháng 11/2024.

Dự báo các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh dự báo vẫn có nhiều khó khăn, thách thức. Để quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết của Chính phủ, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hằng năm của UBND tỉnh, ngày 10/10/2024, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 06, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2024 của tỉnh đạt trên 7,5% (đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra), tạo động lực, tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Tỉnh Vĩnh Phúc thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo điều hành kịp thời, hiệu quả các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế tỉnh theo kịch bản được xây dựng. Theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế để chủ động đánh giá, kịp thời tham mưu hoặc chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực; làm mới các động lực tăng trưởng cũ, đẩy nhanh đóng góp của các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

  Xác định nhiệm vụ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm để có các giải pháp, kế hoạch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% vốn kế hoạch giao, trong đó cấp tỉnh sớm phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (đợt 3) bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho các dự án triển khai giải ngân kịp thời trong những tháng cuối năm 2024; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là tổ chức triển khai thực hiện các quy định theo Luật đất đai mới tạo điều kiện cho các dự án có mặt bằng thi công.

Nhà máy sản xuất của Tập đoàn Polaris, Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) có công suất 10.000 xe mô tô và 30.000 động cơ xe phân khối lớn/năm.

Các cấp các ngành, chủ đầu tư, phân công lãnh đạo đơn vị theo dõi cụ thể từng dự án, thường xuyên chỉ đạo kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2024. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Kiện toàn 3 Tổ công tác cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn thực hiện các dự án, đôn đốc giải ngân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư. Chú trọng giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư công; chủ động rà soát tiến độ để kịp thời đề xuất điều chỉnh vốn từ dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao.

Rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn và tiến độ triển khai thực hiện trong quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án cho phù hợp với tiến độ bố trí vốn thực tế. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công lớn, trọng điểm, các dự án có khả năng hoàn thành năm 2025, tổ chức khánh thành chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính và giấy tờ công dân để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Quyết tâm tạo dấu ấn mới trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Trên thực tế, xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp trọng tâm để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh phúc đã triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt, khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã đạt được những tín hiệu khả quan.

Theo UBND huyện Yên Lạc, năm 2024, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công toàn huyện được giao, phân bổ hơn 470 tỷ đồng triển khai thực hiện hơn 100 dự án; trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp huyện quản lý gần 130 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách cấp xã quản lý. Với nguồn vốn được giao, ngay từ đầu năm, UBND huyện Yên Lạc đã khẩn trương phân bổ cho các công trình dự án hoàn thành phê duyệt quyết toán; đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công mới các dự án được phân bổ vốn. Việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện cơ bản bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ, lũy kế giải ngân vốn từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã thực hiện giải ngân tổng nguồn vốn là 441 tỷ đồng, bằng 92,2% kế hoạch năm 2024 (bao gồm cả dự án ngân sách tỉnh phân bổ trực tiếp) và là điểm sáng của khối các huyện, thành phố trong tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực để các công trình, dự án đẩy nhanh tiến độ.

Điển hình là dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng với tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án xây dựng và Phát triển Cụm công nghiệp Yên Lạc làm chủ đầu tư; liên danh Công ty cổ phần KEHIN cùng Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu Cieza Vĩnh Phúc thi công được khởi công từ tháng 12 năm 2023. Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình không chỉ từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt mà còn tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn. Mặc dù trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn về nguồn vật liệu cũng như mưa lớn kéo dài, song đơn vị thi công vẫn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, tập trung nhân lực, vật lực cùng trang thiết bị máy móc chia làm các mũi thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu hết tháng 12 năm 2024 sẽ thảm được lớp mặt đường của phần vị trí đã có mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng và Phát triển cụm công nghiệp huyện Yên Lạc: Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay luôn được huyện quan tâm chỉ đạo triển khai, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, hoạt động đầu tư công trên địa bàn dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tiến độ của một số dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đó là tình trạng vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng; ảnh hưởng của mưa nhiều và hoàn lưu sau bão Yagi dẫn đến tình trạng thiếu đất đắp và nguyên vật liệu thi công làm giá nguyên vật liệu tăng cao, nhà thầu thi công cầm chừng chờ biến động điều chỉnh giá; thiếu các điểm tập kết đổ thải xây dựng; thiếu vốn...

Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.

Tương tự với Yên Lạc, năm 2024, huyện Bình Xuyên được UBND tỉnh giao tổng vốn đầu tư công trên 410 tỷ đồng. Ngay sau hội nghị UBND tỉnh về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố được tổ chức vào cuối tháng 12/2023, huyện Bình Xuyên đã phân bổ chi tiết nguồn vốn trên cho các công trình, dự án theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.

Theo thống kê của Ban Quản lý Dự án và Đầu tư xây dựng, UBND huyện, Bình Xuyên đang triển khai 110 dự án đầu tư công, trong đó có 30 dự án đang triển khai theo hợp đồng. Ước đến nay, toàn huyện đã giải ngân được hơn 350 tỷ đồng, đạt trên 85% tổng nguồn vốn kế hoạch được giao. Trong đó, vốn ngân sách cấp huyện quản lý giải ngân đạt gần 60%; vốn ngân sách cấp xã giải ngân đạt trên 97% tổng nguồn vốn giao.

Tính đến ngày 15/9/2024, tổng vốn giải ngân đầu tư công toàn tỉnh đạt 3.998,668 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 48,4% tổng số vốn kế hoạch (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài). Trong đó, vốn do cấp tỉnh quản lý đạt 1.568,612 tỷ đồng, bằng 32,5% kế hoạch giao; vốn do cấp huyện, xã quản lý đạt 2.430,056 tỷ đồng, bằng 70,8% kế hoạch do tỉnh giao. Chặng đường về đích năm 2024 không còn dài, cùng với huyện Yên lạc, Bình Xuyên các huyện, thành phố khác cũng đang nỗ lực, quyết tâm tạo nên những dấu ấn mới trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên.

Để đạt được kết quả đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các ban quản lý dự án và chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác giám sát trong lĩnh vực đầu tư công; theo dõi, kiểm tra và đánh giá kế hoạch, dự án đầu tư công; Linh hoạt trong điều chỉnh vốn đầu tư công từ dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công; quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công. Đồng thời, chủ động rà soát tiến độ triển khai các dự án, đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các công trình, dự án không có khả năng giải ngân để điều chuyển cho các công trình, dự án, nhiệm vụ khác…

Vĩnh Phúc khơi thông vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc và chi nhánh Phúc Yên tổ chức mới đây, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà thiếu vốn.

Theo do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, ngành Ngân hàng tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng như: Giảm lãi suất, công khai lãi suất cho vay; thực hiện tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu tăng thêm đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh; đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đưa nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng đối tượng khách hàng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng... Đến hết tháng 9/2024, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa địa bàn tỉnh đạt 139.489 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt trên 100.500 tỷ đồng, tăng 8,2%; dư nợ cho vay trung hạn, dài dạn đạt 35.985 tỷ đồng, tăng gần 1,9%. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng cũng chủ động triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, khu vực trực tiếp sản xuất, kinh doanh, tạo động lực để doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Đến 30/9, các tổ chức tín dụng đã cho 3.208 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ đạt 56.438 tỷ đồng, chiếm trên 41% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay mới đối với 1.137 khách hàng là doanh nghiệp thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với tổng dư nợ đạt 19.300 tỷ đồng. 

Riêng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc và chi nhánh Phúc Yên, từ đầu năm đến nay đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 1,5% - 2,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Tính đến hết tháng 9/2024, đơn vị có dư nợ cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp đạt 11.463 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ưu đãi dành cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1.700 tỷ đồng; cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng là doanh nghiệp lớn đạt trên 2.230 tỷ đồng; cho vay đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu đạt 524 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các dự án nhà ở xã hội; Ngành Ngân hàng tiếp tục xem xét, giảm lãi suất cho vay nhằm tăng sức hấp dẫn, hỗ trợ đối với doanh nghiệp.

Để tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, nhất là về đất đai, nguồn vốn cho đầu tư phát triển, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu đề nghị các sở, ban, ngành chủ động rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung tối đa nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, mục tiêu quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt mà đói vốn. Các ngân hành thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu, bảo đảm số liếu khách quan, thực chất. Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả nhằm nắm bắt, chia sẻ thông tin, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; khơi thông vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động, có các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu sản xuất.

Lưu Hiệp

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

Như nảy sinh ý định giả danh người thân của anh T để mượn tiền của anh H.C.D rồi chiếm đoạt. Để thực hiện ý định trên, Như tìm số điện thoại của anh D và mua 1 sim điện thoại không đăng ký. Sau đó, Như tạo tài khoản Zalo tên là “Trinh Nguyen”, lấy ảnh đại diện từ Facebook Trinh Nguyen (là em ruột của anh T).

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

Xung đột Nga-Ukraine leo thang và một số điểm nóng tại Trung Đông khiến nhu cầu trú ẩn tài chính gia tăng, kéo giá vàng thế giới tăng mạnh, đẩy giá vàng trong nước đi lên.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/12, do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức. Triển lãm được tổ chức với quy mô lớn, nội dung mang tính hiệu quả và toàn diện, với đông đảo các doanh nghiệp Công nghiệp Quốc phòng các nước, các đoàn khách quốc tế, quốc phòng cấp cao, các nhà quản lý công nghiệp quốc phòng đăng ký tham gia.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文