Vui buồn mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ

09:57 17/09/2022

Mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ đã quá đỗi quen thuộc và trở thành thứ không thể thiếu đối với người dân các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp. Con nước ấy đã nuôi sống hàng triệu người dân nghèo dựa vào khai thác lợi thế mùa nước nổi nối tiếp từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lợi thủy sản khan hiếm, người dân đầu nguồn đã không còn mặn mà với "nghề con cá"…

Chuyện nghề của ngư dân mùa nước nổi

4h sáng, PV Báo CAND men theo tuyến đường giao thông kết hợp đê bao chống lũ, dọc từ thị trấn An Phú đến xã Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Tại chân cầu bê tong bắt qua Kinh Ruột (thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú Hội), chú Năm Ràng, tức ông Nguyễn Văn Ràng (SN 1962, Phó trưởng ấp Phú Thuận) đã đậu sẵn vỏ lãi chở chúng tôi vào cánh đồng xã Phú Hội. Giữa cánh đồng bốn bề là nước, gió se lạnh rít từng cơn, chú Năm Ràng nói: "Ra đồng từ 3-4h sáng, ngâm mình dưới nước đến tận 10h thì mới xong việc, hôm sau lại tiếp tục. Năm nay, con nước về sớm hơn cả tháng và mực nước cũng cao hơn tầm thước nước. Tuy nhiên, cá mắm cũng ít dần, bà con cũng đổi nghề nhiều để đảm bảo cuộc sống…".

Ngư dân đánh bắt thủy sản trên cánh đồng Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Chiếc võ lãi của chú Năm Ràng len qua hàng cây còng đã bị ngập đến nửa thân, cập vào chiếc ghe dớn của chú Nguyễn Văn Hò (SN 1942, ấp Phú Thuận, xã Phú Hội). Ở cái tuổi 80 nhưng chú Hò vẫn phải vất vả bám nghề bởi các con đều làm ăn xa, cuộc sống cũng khó khăn. Một mình chú Hò đặt 20 cái dớn, hôm nào trúng thì được 400.000 đồng - 500.000 đồng, hôm nào thất thì cũng đủ tiền ăn gạo.

"Tôi theo "nghề bà cậu" từ cái lúc còn thanh niên, đến nay về già vẫn bám nó mà sống. Con cá, bó rau ở cái đồng này nuôi mình sống hàng chục năm nay, giờ nó là một phần của cuộc sống, năm nào không có nước là buồn dữ lắm, nhớ lắm", chú Hò tâm sự.

Chiếc đèn pin trên đầu cha con anh Phạm Văn Dìa (SN 1980, xã Phú Hội) như ngụp lặn trong biển nước. Vỏ lãi chúng tôi đến cũng là lúc anh Dìa vừa ngoi lên, anh nói: "Cái lú nó bị dính cây, phải lặn xuống để xử lý, chứ để nước chiều cá nó chui ra hết".

Ra đồng từ 3h sáng, anh Dìa cùng đứa con trai 15 tuổi tất bật dỡ 20 cái lú để kịp phiên chợ cá. Mần "nghề con cá" đã hơn 5 năm, anh Dìa dần dà đã quen với cảnh 6 tháng làm nông, 6 tháng làm nghề đánh bắt thủy sản.

Theo anh Dìa, con nước Rằm tháng Sáu hôm trước, nước nhiều, cá linh non đổ trúng được mấy hôm liền nhưng sau đó cá có vẻ chựng lại, hy vọng cá sẽ về nhiều vào con nước Rằm tháng Chín sắp đến. Anh Dìa cho biết: "Đầu mùa nước, gia đình đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua sắm phương tiện, ngư cụ. Hai cha con một ngày kiếm cũng được vài trăm ngàn sau khi trừ bỏ chi phí. Mong đây đến giữa tháng 10 âm lịch cá về nhiều hơn thì mùa nước năm nay mới mong có lãi, chứ như mấy nay thì ít lắm, chủ yếu là cá linh chứ các loại cá khác thì hiếm".

Phấn khởi hơn những ngư dân khác, anh Lâm Thành Ngân (SN 1974) cùng vợ và đứa cháu đổ đường từ xã Bình Phú (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đến cánh đồng xã Phú Hội để đánh bắt cá. Đầu mùa lũ năm nay anh theo dõi biết được dự báo nước về cao nên quyết định đầu tư 40 triệu đồng làm 20 cái dớn. Nhờ chịu khó đi đồng xa, mỗi ngày anh Ngân đánh bắt được khoảng 70 - 80kg cá linh, cá kết, cá chạch, tép, ốc... thu nhập từ 2-3 triệu đồng.

Không còn mặn mà với "nghề bà cậu"

Vào những năm 80, 90 và những năm đầu 2000, khi tại các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp chưa làm hệ thống đê bao trồng lúa vụ 3 như hiện nay, mùa nước nổi về hầu như tất cả các cánh đồng chìm trong biển nước, ngập kéo dài trên dưới 2 tháng. Khi đó, cá, tôm, cua, ốc, chuột… nhiều vô số kể. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lợi thủy sản khan hiếm, các loại sản vật mùa nước nổi khác như bông điên điển, bong súng… cũng không nhiều. Sống bám vào con nước đã trở nên bấp bênh.

Từ sau dịch COVID-19 đến nay, việc mở bán đồng ở Campuchia như những năm trước đã không diễn ra, ngư dân chỉ đánh bắt trong đồng nội, nên sản lượng đánh bắt cũng không nhiều. Anh Nguyễn Văn Mía (SN 1983, ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội) trước đây đi làm thuê ở Đồng Nai nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quyết định quay về quê nhà làm lại "nghề bà cậu". Với 7 bầu lú (mỗi bầu 3 cái lú, bao bọc một vùng mặt nước trên đồng để dẫn dụ cá đi theo dòng nước chảy và hướng lưới đăng) mỗi ngày anh Mía kiếm được từ 400.000 đồng - 500.000 đồng. "Mùa nước năm nay về sớm hơn nên cũng phấn khởi, tuy nhiên về lâu dài chắc khó bám nghề vì nước về thất thường", anh Mía chia sẻ.

PV Báo CAND tác nghiệp tại cánh đồng xã Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Ấp Phú Thuận có 170/657 hộ dân đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Ông Đoàn Phú Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội cho biết, toàn xã có 2.648 hộ dân, trong đó có khoảng 30-40% làm nghề đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi, khoảng 35% hộ dân có nhân khẩu đi lao động xa quê. Hàng năm, Đảng ủy - UBND xã cũng phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện An Phú hỗ trợ những hộ khó khăn vay vốn để mua sắm phương tiện, ngư cụ đánh bắt. Công an xã cùng các đoàn thể cũng tuyên truyền vận động bà con không sang đồng phía Campuchia đánh bắt thủy sản trái quy định, không sử dụng các hình thức khai thác tận diệt như xung điện, nổ mìn… cũng như nâng cao ý thức phòng ngừa trộm cắp.

Ông Trương Chí Công, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú cho biết, hiện mức nước đo trên sông Hậu tại Trạm Khánh An đạt 3,65m, cao hơn cùng kỳ 1,27m. "Nước lên cao nhưng dâng từ từ là điều kiện thuận lợi cho nguồn lợi thủy sản sinh sản và phát triển, bà con ngư dân có một mùa nước nổi đẹp", ông Công nói. Hiện trên địa bàn huyện An Phú có nhiều mô hình thích ứng với mùa nước nổi mang lại hiệu quả kinh tế ổn định như: Mô hình 3 "Phát triển màu Đông Xuân - Màu Xuân Hè - Lúa nổi kết hợp với khai thác thủy sản dự trên cộng đồng" ở ấp Phú Thạnh (xã Phú Hữu); mô hình nuôi cua đồng của Tổ hợp tác sản xuất Vĩnh Hội Đông; mô hình nuôi lươn trên hồ phủ bạc của Hợp tác xã Vĩnh Ngữ (xã Vĩnh Hậu)…

Đặc sắc chợ cá đồng đầu nguồn

5h sáng, giữa cánh đồng nước nổi bao la tại ngã ba sông Kinh Ruột (thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang) xuất hiện các ánh đèn pin chiếu rọi báo hiệu một ngày mua bán, trao đổi các mặt hàng đặc sản "rặt đồng" của miền Tây như: cá linh, cua đồng, rắn bông súng, cá sặc, cá rô, bông điên điển,…

Chợ cá Kinh Ruột xuất hiện và tồn tại đã trên 25 năm qua. Thu mua xong, thương lái giao hàng lại cho các chợ ở An Phú, TP Châu Đốc, TP Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ, Vĩnh Long. Chợ hoạt động từ 5h sáng đến tầm 10h thì tan.

"Việc mua bán theo mối, nên không có việc tranh giành bạn hàng, mà giá cả cũng được người mua định ở cái mức mà đôi bên cùng có lợi, cái tình cái nghĩa xóm làng nó quý ở đây…" ông Ràng chia sẻ.

Chợ xuất hiện vào đầu mùa nước và kết thúc khi con nước trên đồng rút. Ông Lâm Văn Tâm (SN 1981, ấp Phú Thuận, xã Phú Hội) làm thương lái tại chợ Kinh Ruột hơn 10 năm nay, cho biết: "Tùy ngày, có hôm được vài trăm ký, có hôm ít hơn. Ở đây, bà con đánh bắt được gì là mình mua nấy, cái nào không có lời thì vẫn nhận chở đi bán dùm bà con".

Trần Lĩnh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文