Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, ngộ độc và tai nạn giao thông do rượu giảm mạnh
Tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia, ngộ độc rượu phải cấp cứu đều giảm mạnh. Đây là hiệu quả của việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trong thời gian vừa qua. Theo đánh giá của nhiều bác sĩ, về lâu dài, việc giảm uống rượu, bia còn góp phần giảm hàng trăm bệnh khác.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày 23/2 chỉ có một vài ca ngộ độc rượu đang điều trị, điều rất hiếm sau Tết Nguyên đán. Trao đổi với PV Báo CAND, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: "Không phải sau Tết mới giảm mà trước Tết đã giảm số ca ngộ độc rượu vào cấp cứu. So với cùng kỳ cuối năm 2022, đầu năm 2023 thì ngộ độc rượu vào cấp cứu và điều trị tại trung tâm giảm 50%. Nếu tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn thì các bệnh lý do rượu gây ra chắc chắn sẽ giảm".
Tuy giảm ca mắc, nhưng từ mùng 2 Tết đến nay, bệnh viện vẫn tiếp nhận người vào cấp cứu do ngộ độc rượu cấp, ngộ độc methanol, ngộ độc do rượu pha cồn công nghiệp và rượu rởm. Có người chỉ uống rượu trắng đơn thuần, nhưng do uống quá nhiều nên đã gây ra ngộ độc nặng. Được chuyển từ tuyến dưới lên, nam bệnh nhân N.V.T (36 tuổi, Thái Bình) vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, mất nước nặng, toan chuyển hoá và cô đặc máu nặng. Bệnh nhân này uống rượu vào buổi trưa, đến chiều tối thì nôn nhiều, gây mất nước nặng, xuất huyết tiêu hóa, tới bệnh viện tuyến tỉnh, các bác sĩ phải đặt ống thở và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. "Chụp CT bụng thấy có tổn thương ruột và ruột già rộng, có những vùng gần như hoại tử ruột. Bệnh nhân uống quá nhiều rượu dẫn tới máu cô đặc rất nặng, thiếu máu cả đến ruột, xuất huyết ruột", BS Nguyên cho biết. Sau 1 tuần điều trị tích cực, lọc máu, chống sốc, bệnh nhân cai được thở máy, ổn định và xuất viện. Theo BS, trường hợp này may mắn không hỏng ruột.
Ca bệnh nặng nữa phải thở máy chuyển từ tuyến dưới lên vào đêm 18/2 là nam bệnh nhân 40 tuổi (Thường Tín, Hà Nội). Người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi uống rượu 1,5 tiếng thì bệnh nhân hôn mê. Xét nghiệm lượng ethanol trong máu của bệnh nhân rất cao: 376,8mg/100ml. "Bệnh nhân uống rượu đến chí tử, nếu gia đình chậm đưa tới bệnh viện sẽ dẫn đến hôn mê, suy hô hấp và tử vong", BS Nguyên nói.
Giám đốc Trung tâm Chống độc còn cho hay, ảnh hưởng của rượu tới sức khoẻ là rất lớn. Nghiện rượu gây ra hàng trăm loại bệnh như loạn thần, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, viêm tuỵ cấp và mãn tính, ung thư thực quản, ung thư đường tiêu hoá, xơ gan, đái tháo đường, thiếu máu, xương khớp (hoại tử mỏm xương đùi), khớp, giảm khả năng sinh sản… "Tai nạn giao thông và ngộ độc rượu giảm là hiệu quả thấy ngay của việc xử phạt nghiêm vi phạm nồng độ cồn. Tới đây, nếu tiếp tục duy trì xử lý nghiêm quy định này, chắc chắn hàng trăm loại bệnh do rượu gây ra sẽ giảm dần", TS Nguyên nhấn mạnh.
Còn tại Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), theo ghi nhận của PV Báo CAND, tai nạn giao thông do rượu vào cấp cứu trong thời gian qua cũng giảm so với trước, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. BSCKII Mạch Thọ Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8 cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị TNGT do rượu, bia vào nhập viện giảm hơn một nửa so với trước. Đặc biệt, trước đây, các ca TNGT nặng do rượu, bia thường bị chấn thương sọ não, thì nay cũng giảm mạnh. Những năm trước, vào dịp Tết, trung bình 1 ngày đêm, bệnh viện tiếp nhận từ 30-40 ca TNGT do rượu, bia, thì năm nay giảm xuống dưới 20 ca.
"Trước đây, những ngày Tết, chúng tôi trực cấp cứu rất vất vả, nhiều ca vào viện mùi rượu, bia nồng nặc, nôn mửa, đưa đi chụp chiếu rất khó khăn. Người bị TNGT do rượu, bia chủ yếu nửa đêm về sáng, đi đường trúng gió tự ngã, hoặc say quá không tự chủ được tay lái, va chạm xe máy với xe máy, xe máy với ôtô… Là bác sĩ, tôi rất đồng tình với quy định người điều khiển phương tiện giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì không lái xe. Đặc biệt, kể từ khi Bộ Công an triển khai quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, các ca TNGT do rượu, bia vào cấp cứu tại Bệnh viện 19-8 giảm mạnh. Điều này đã mang lại hiệu quả rất tốt, không những đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, đỡ vất vả cho ngành y tế, mà còn đỡ tốn kém cho Nhà nước, đặc biệt di chứng của bệnh nhân sau tai nạn cũng giảm đi rất nhiều", BS Thái nói.
Theo TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng, Bệnh viện Việt Đức, sau khi Chính phủ có Nghị định 100 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, đặc biệt, Bộ Công an ra quân xử lý mạnh về nồng độ cồn, những trường hợp TNGT chấn thương sọ não nặng, đa chấn thương nặng đã giảm đi.
Trước việc Bộ Y tế lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn từ khía cạnh y tế về các giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông, BS Thái cho rằng: "Quy định cấm uống rượu, bia không lái xe là đúng, tôi đồng tình cấm 100%, không nên quy định uống bao nhiêu thì bị phạt. Đã uống rượu thì không lái xe, đi taxi, grap để không gây nguy hiểm cho mình và người tham gia giao thông".