Xúc động hình ảnh người dân rơi nước mắt khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Những hình ảnh xúc động lấy đi nước mắt nhiều người trong tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Cơn mưa lớn như trút nước bất ngờ ập đến nhưng không ngăn được dòng người tìm đến Hội trường Thống Nhất, thắp nén nhang, tiễn biệt vị Tổng Bí thư đáng kính…
Trong đoàn người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) người đàn ông lớn tuổi, đi đứng chậm chạp quỳ trước di ảnh của Tổng Bí thư khóc nức nở, lâm râm khấn vái khiến mọi người xúc động mạnh . Phải đến khi nhân viên phục vụ trong nhà tang lễ đến dìu ông đứng dậy, ông mới chậm chạp rời bước mà không quên ngoái lại nhìn di ảnh Tổng Bí thư lần cuối.
Ông là Đoàn Thanh Vũ (SN 1944, ngụ quận 1) là lính cụ Hồ từng hành quân từ Bắc vào Nam. Mặc dù đôi chân đứng không còn vững nữa nhưng khi được hỏi chuyện, ông xúc động: “Cho tôi gọi Tổng Bí thư là anh vì Tổng Bí thư bằng tuổi tôi! Tôi năm nay cũng đã 60 năm tuổi Đảng, từng chứng kiến các đời Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước. Dân tộc ta có 3 người mà ai cũng mến cũng quý, đó là Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người thứ 3 lấy uy tín cho Đảng, cho dân là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí Thư mất không chỉ tôi khóc mà có hàng trăm, hàng triệu người khóc vì công lao của Tổng Bí thư quá lớn. Đứng trước di ảnh của Tổng Bí thư cảm xúc của tôi không kìm nén được và tôi đã khóc!”
Nhiều đoàn người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nghe đoạn nhạc “Hồn sĩ tử” vang lên đã không kìm được nước mắt. Có người đang đứng nghiêm trang mặc niệm vội lấy tay quẹt đi dòng nước mắt hay che vội cảm xúc của mình qua tấm khăn choàng trên cổ. Nhiều cháu bé theo ông bà vào viếng, quỳ thụp dưới di ảnh của Tổng Bí thư không chịu rời đi khiến ai cũng nghẹn ngào.
Nâng niu tấm di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được chạm khắc trong hơn 2 tháng, anh Nguyễn Phú Huỳnh, nghệ nhân khảm gỗ xà cừ sống ở Hóc Môn xúc động, giọng nói run run khi trả lời. Anh Hoàng cho hay, 8 tháng trước anh đã lên ý tưởng làm chân dung Tổng Bí thư và bức chân dung được khắc khảm công phu này anh vừa hoàn thành được 2 tháng.
“Bác Nguyễn Phú Trọng là người đặc biệt, một người đáng kính. Những gì bác Trọng làm cho đất nước khiến tôi và gia đình luôn ngưỡng mộ bác. Hay tin bác mất, với tấm lòng thành của mình, tôi đã mang theo tấm chân dung mà mình dày công chạm khắc này đến viếng, mong được thắp lên bàn thờ bác Trọng nén hương tỏ lòng tôn kính của mình” - Anh Hoàng bày tỏ.
Đứng nép mình trong đoàn viếng, ông Huỳnh Văn Ba, một tín đồ thuộc Hội Thánh Cao Đài tỉnh Tiền Giang xúc động cho hay, từ khi hay tin Tổng Bí thư mất, các chức sắc, tín đồ đều thương tiếc, đau buồn. “Từ ngày bác Trọng lên làm Tổng Bí thư điều hành đất nước đã quan tâm rất nhiều đến các tín đồ tôn giáo, quan tâm đến đời sống của nhân dân. Đến cuối đời Tổng Bí thư vẫn còn làm việc, vẫn còn lo nghĩ đến vận nước, nghĩ đến nhân dân. Từ sáng sớm đoàn chúng tôi đã khởi hành và chỉ mong sao được thắp cho Tổng Bí thư nén nhanh tỏ lòng tôn kính” - Ông Ba, chia sẻ.
Đứng trong đoàn chờ được vào viếng, ông Nguyễn Hữu Châu, con trai cố quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, luật sư Nguyễn Hữu Thọ nghẹn ngào: “Tôi biết đồng chí Tổng Bí thư gần 20 năm nay, đồng chí là người hết sức khiêm tốn, phẩm chất tốt đẹp, luôn nêu cao lòng yêu nước yêu dân và không bao giờ để sa ngã trước tiền tài và danh vọng. Đặc biệt Tổng Bí thư lúc nào cùng nêu cao tinh thần phê bình, tự phê bình.
Đối với đồng chí phê bình và tự phê bình, nói đến ưu điểm không đủ, phải nói đến khuyết điểm để mình sửa, mình tốt hơn. Đối với cá nhân tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng. Khi hay tin Tổng Bí thư mất, tôi hết sức thương tiếc. Tôi nhớ nhất đồng chí Tổng Bí thư có nói như để đồng chí phấn đấu: Bác Hồ nhìn trên áo không có huân chương nào hết mà sau áo là một trái tim nồng hậu, tất cả vì nhân dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân!”
Cơn mưa lớn bất chợt đổ xuống TP Hồ Chí Minh nhưng không thể ngăn dòng người đội mưa đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.