Chung tay giúp người từng lầm lỗi tìm đường hoàn lương

Xung quanh hoạt động của những mô hình hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù (Kỳ 2)

05:48 15/11/2024

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Mô hình 5+1 với không ít khó khăn, hạn chế

Phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP Hồ Chí Minh có nhiều đối tượng CHXAPT trở về địa phương sinh sống. Nhằm đảm bảo đảm ANTT và quản lý giáo dục các đối tượng này, ngăn chặn tái phạm, Công an phường Cầu Ông Lãnh thực hiện mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng (Mô hình 5+1).

Theo lãnh đạo Công an phường Cầu Ông Lãnh, để thực hiện mô hình này, đầu tiên phải có tâm vì rất cực, phải sâu sát từng đối tượng và phải có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính quyền. Trong 2 năm (2022-2023), chính quyền phường Cầu Ông Lãnh cũng đã đưa được 31 đối tượng vào mô hình 5+1, bước đầu trong 1 năm đã đưa ra khỏi mô hình được 2 đối tượng tiến bộ, tạo công ăn việc làm cho 4 đối tượng… Thành công bước đầu trong mô hình 5+1 này là chưa phát hiện đối tượng nào tái phạm tội.

Công an TP Hồ Chí Minh cùng ban ngành, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ, chăm lo cho người tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Dương Văn Ẩn (SN 1974, ngụ phường Cầu Ông Lãnh) có 8 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, chấp hành xong án phạt tù năm 2020. Trở về địa phương, ông được các ban ngành đoàn thể và Công an phường quan tâm giúp đỡ, tạo công ăn việc làm và phụ giúp gia đình. Đến nay, ông đã hoàn lương, không tái phạm.

Nhiều người cũng được chính quyền địa phương và Công an phường giúp đỡ về công việc, làm giấy khai sinh cho con, xin cho đi học, từng bước giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, trở thành người có ích.

Tại địa bàn quận 4, sơ kết Mô hình 5+1 trong 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 4 đã phối hợp với Công an và các tổ chức chính trị - xã hội quận tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân …

Trong năm 2024, 67 người lầm lỗi được đưa vào mô hình này, đến nay, có 20 người đưa ra khỏi diện vì tiến bộ (chấp hành tốt các quy định, có việc làm ổn định), loại ra khỏi mô hình 13 người. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các Tổ tự quản Mô hình 5+1 đã hỗ trợ vay vốn 3 trường hợp, với tổng số tiền là 160 triệu đồng; giới thiệu việc làm cho 6 trường hợp; thăm hỏi tặng quà cho 16 trường hợp… Công tác biểu dương, khen thưởng người lầm lỗi được cảm hóa, giáo dục phấn đấu tiến bộ và cá nhân đồng hành, giúp đỡ người lầm lỗi tiến bộ cũng được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 4, từ năm 2015 đến 2023, Mô hình 5+1 của quận 4 đã cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 278 người, trong đó có 84 người tiến bộ: Hỗ trợ vốn cho 23 trường hợp với số tiền 223 triệu đồng; giới thiệu cho 93 trường hợp có việc làm ổn định; giới thiệu học nghề cho 47 trường hợp có việc làm, thu nhập ổn định; xây dựng nhà tình thương và chống dột cho 6 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 207 triệu đồng; cấp 9 suất học bổng và hỗ trợ phương tiện đi học cho con em người lầm lỗi với số tiền 7,1 triệu đồng; đề xuất trợ cấp khó khăn đột xuất, tặng quà nhân các dịp lễ, tết cho người lầm lỗi và gia đình với tổng số tiền trên 300 triệu đồng…

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện quy trình quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ ở một số phường còn chưa thống nhất theo hướng dẫn chung. Các thành viên Tổ 5+1 một số phường chưa duy trì tốt việc giao ban định kỳ, nhận xét để có biện pháp tiếp tục cảm hóa giáo dục. Việc giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm cho người lầm lỗi cũng chưa đạt kết quả cao. Tỷ lệ người lầm lỗi tiến bộ sau thời gian được quản lý, giúp đỡ còn khá ít, chứng tỏ khâu khảo sát, lập danh sách đưa vào ban đầu còn hạn chế; hoặc phương pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ là chưa thiết thực, hiệu quả.

Tương tự, tại TP Thủ Đức, tính đến năm 2023, Mô hình 5+1 được triển khai ở 30/34 phường, với quy mô tổ chức 719 thành viên. Trong năm 2023 đã phối hợp với Công an và các đoàn thể tham gia quản lý giáo dục 1.115 đối tượng các loại (gồm: người bị quản chế, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, cư trú bắt buộc, tù tha, đối tượng cho hưởng án treo, đối tượng bị kết án tù nhưng cho tại ngoại, bị can bị cáo được tại ngoại, đối tượng nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư hỏng...).

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường chủ trì phối hợp với Công an và các đoàn thể phường xây dựng quy chế phối hợp, phân công cụ thể từng thành viên phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ quản lý và nắm chắc mọi diễn biến hoạt động, thường xuyên giữ mối liên hệ với thành viên trong gia đình hoặc phụ huynh của các đối tượng từ những mối quan hệ, đời sống gia đình, tâm tư tình cảm và nguyện vọng của từng đối tượng…

Tùy vào đặc thù của từng phường, không nhất thiết phải đủ 5 đoàn thể phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ một đối tượng, mà có thể là 3 hoặc 4 đoàn thể cử cán bộ, hội viên nòng cốt hỗ trợ giúp đỡ một đối tượng tại địa bàn dân cư.

Trong năm 2023 Mặt trận và các đoàn thể đã phối hợp đã giúp đỡ 59 đối tượng chuyển biến tốt và đưa ra khỏi danh sách giáo dục, cảm hóa. Số đối tượng mới trong năm đưa vào quản lý là 27 đối tượng và hiện nay trên địa bàn thành phố đang tiếp tục quản lý giáo dục 1.056 đối tượng…

Công tác tái hòa nhập cộng đồng cần phát huy được sức mạnh tổng hợp

Theo Đại tá Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (THAHS&HTTP), Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan THAHS, Công an TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa có mô hình, quỹ hỗ trợ dành riêng cho người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng. Các địa phương của TP Hồ Chí Minh hiện đang áp dụng mô hình 5+1 gồm 5 thành viên tham gia là Công an, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Bên cạnh đó, một số đơn vị, địa phương áp dụng mô hình trên nhưng với tên gọi khác như: Mô hình “Chung tay” của quận 3, mô hình “Chung tay giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống” của quận Bình Thạnh, mô hình 25 của quận 8...

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND, Đảng ủy Công an thành phố, Công an các quận, huyện đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các mặt công tác tổ chức tiếp nhận, phân công các đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân quản lý giúp đỡ CHXAPT. Đa số người CHXAPT về địa phương cư trú đã tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, cũng có thực tế Mô hình 5+1 giúp đỡ người CHXAPT hiện đang áp dụng và một số mô hình nhỏ qua hoạt động chưa thật sự hiệu quả . Các đơn vị, địa phương chưa xây dựng được mô hình quản lý mới trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT, chưa tạo được sự nhiệt tình hưởng ứng từ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cộng đồng dân cư.

Số lượng người về cư trú tại TP Hồ Chí Minh và số người ở địa phương khác chuyển đến sau khi CHXAPT là rất lớn, nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi và giúp đỡ đối với người CHXAPT.

Lực lượng làm công tác tái hòa nhập cộng đồng tại Công an cấp huyện thường xuyên thay đổi nên đa số chưa có kinh nghiệm. Việc huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp hỗ trợ cho vay vốn, giải quyết việc làm, dạy nghề để giúp người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, tránh nguy cơ tái phạm chưa hiệu quả, chưa phát hiện những nhân tố mới trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Người CHXAPT là công dân, hiện chưa có chế tài khi họ không trình diện địa phương cư trú; không có quy định bắt buộc họ trong việc chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, tâm lý mặc cảm của người CHXAPT khi tiếp xúc với tổ chức, cá nhân làm công tác giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, sự e ngại của các doanh nghiệp khi tiếp nhận người CHXAPT cũng gây khó khăn trong công tác quản lý, giúp đỡ, tạo việc làm cho người CHXAPT.

Phần lớn người CHXAPT hạn chế trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, ý thức còn thấp sau khi trở về địa phương đã tự ý bỏ đi nơi khác mà không báo cáo chính quyền địa phương dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, giám sát cũng như giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng…

Phú Lữ

Ngày 31/12, Công an TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025. Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an và lãnh đạo TP Hải Phòng.

Ngày 31/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Hòa (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Xâm phạm chỗ ở của người khác” đối với Trương Hoàng Vũ (SN 1982, trú ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa).

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Trước dự báo tình hình TTATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lưu lượng phương tiện tăng cao đột biến, Công an tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trên các tuyến giao thông.

Khoảng 14h30 ngày 31/12, tàu Cảnh sát biển 8005, Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa 5 thuyền viên tàu cá CM 46799A gặp nạn trên biển về đến cảng Hải đội 301 (TP Vũng Tàu) an toàn. Sức khỏe của các thuyền viên ổn định và được bàn giao cho cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật.

Tham gia vào đường dây ma túy của bà trùm Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”), các đối tượng đều đã lường trước, đoán định được kết cục nghiệt ngã, nhưng sức mạnh đồng tiền cùng vòng xoáy của “cái chết trắng” như ma lực cuốn hút lấy tâm trí và suy nghĩ khiến họ không buông tay, từ bỏ…

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ nghiên cứu thành công của 2 concert “Anh trai” – “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”, từ đó có những giải pháp thích hợp để phát triển công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文