Tình huống cố định, chìa khoá tạo “đột biến” tại World Cup
4 năm trước, Anh mang tới Nga đội hình trẻ thứ hai trong 32 đội tuyển, và cũng là đội hình trẻ nhất của họ trong lịch sử tham dự các kỳ World Cup, với độ tuổi trung bình chỉ là 26,4. Nhưng World Cup 2018 lại là giải đấu thành công nhất trong 50 năm của Tam Sư, và lý do họ vào tới trận bán kết không khó nắm bắt: Người Anh tận dụng tuyệt đối các cơ hội từ tình huống cố định.
Cho tới bây giờ, rất nhiều người vẫn hoài nghi năng lực của tuyển Anh và Gareth Southgate, một HLV không có bất kỳ trải nghiệm hay thành tích đỉnh cao nào trước đó trên cương vị người đứng đầu một tập thể bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng trong khi năng lực là thứ khó đong đếm với bóng đá cấp quốc tế, nơi mỗi năm một đội tuyển chơi nhiều nhất cũng chỉ đá khoảng 10 trận, có một sự thật khác không thể phủ nhận: Southgate đã chuẩn bị tốt hơn so với nhiều đồng nghiệp 4 năm trước, và ông đặc biệt chú trọng tới “bóng chết”.
Tại Nga, một kỷ lục mới về tình huống cố định được thiết lập. Có tất cả 66 bàn thắng được ghi từ bóng chết, bao gồm cả các những cú sút bồi sau khi một pha đá phạt dội ra hoặc những bàn thắng bắt nguồn từ ném biên. Trong 66 bàn này, có 40 bàn được ghi từ chấm đá phạt trực tiếp hoặc phạt góc. Xét tổng thể, 15/32 đội ghi tối thiểu 1/2 số bàn thắng của họ trên đất Nga nhờ tình huống cố định.
Sự hiện diện của VAR và tác động của công nghệ này là lý do khiến penal[1]ty xuất hiện thường xuyên hơn, nhưng đó không hẳn là yếu tố chính dẫn tới sự bùng nổ của các quả đá phạt. Tại World Cup 2014, lượng bàn thắng từ bóng chết chỉ chiếm 22% tổng số bàn toàn giải nhưng tại World Cup 2018, tỷ lệ ấy đã tăng lên 39%.
Bây giờ, câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu tỷ lệ ấy có thể chạm tới mốc 50% tại Qatar?
Đầu tiên, hãy chú ý tới các yếu tố ngoại cảnh. World Cup 2022 là giải đấu vắng đi rất nhiều ngôi sao vào phút chót vì chấn thương, mới nhất là trường hợp của Karim Benzema và Sadio Mane.
Do tổ chức vào mùa Đông nên để tránh ảnh hưởng tới lịch thi đấu của các giải châu Âu, BTC World Cup buộc phải rút ngắn số ngày thi đấu. Ngoại trừ Qatar và Ecuador, hai đội đá trận khai mạc, không một đội tuyển nào có nhiều hơn 4 ngày nghỉ giữa hai trận đấu liên tiếp. Hiện trạng này dẫn tới một hệ quả khác: Các HLV không dám tập nhiều về chiến thuật. Không một đội tuyển nào tập quá 45 phút trong buổi tập đầu tiên ở Qatar, ngoại trừ Pháp (80 phút). Thậm chí, Argentina còn “chia nhóm”, khi bố trí Messi, Di Maria và một số trụ cột tập kín, còn buổi tập mở với báo chí chỉ diễn ra gói gọn trong 30 phút. Carlo Ancelotti từng nói rằng nếu làm HLV ở một ĐTQG nào đó, ông sẽ trầm cảm vì quanh năm ngày tháng, số tuần làm việc nhiều nhất của HLV cấp quốc tế chỉ là 8. Đấy là những năm có EURO hoặc World Cup, còn không số tuần sẽ là… 6.
Không tập nặng, ít gặp nhau, thời gian làm quen không nhiều và nếu tính cả vấn đề khí hậu khô nóng tại Qatar, kỳ vọng những trận đấu tại World Cup 2022 nặng về chiến thuật hoặc có xu hướng bài binh bố trận phức tạp xem ra là… không tưởng.
Southgate hiểu điều này hơn ai hết. Ông không có một sự nghiệp HLV lừng lẫy trước khi dẫn dắt ĐT Anh nhưng đã vươn lên giới thượng lưu trong tầng lớp HLV đỉnh cao nhờ nắm rõ đặc tính của những giải đấu diễn ra theo thể thức “mỳ ăn liền” như World Cup. Không một đội tuyển nào tại Nga ghi bàn từ bóng chết nhiều như Anh, khi Tam Sư đã bỏ túi 9 bàn nhờ các tình huống đá phạt, dù cả giải, họ chỉ ghi 12 bàn, tức tương đương tỷ lệ 80%!
Christian Eriksen vừa kể lại trên ESPN trong suốt 10 ngày chuẩn bị cho World Cup 2022, tính từ thời điểm hội quân, Đan Mạch chưa bao giờ tập 2 phiên mỗi ngày. Thể lực bị vắt kiệt là tình trạng phổ biến ở khắp các đội tuyển. Thuỵ Sỹ thậm chí vừa tuyên bố huỷ tất cả các buổi tập tối, chỉ làm nóng 45 phút mỗi ngày vào lúc 17h chiều theo giờ địa phương để thích nghi với môi trường.
“Muốn thắng, bạn phải ghi bàn. Nhưng muốn ghi bàn ở World Cup, bạn phải nghĩ tới các giải pháp đánh nhanh, đánh úp, đánh bất ngờ. Trong các con đường đi tới chiến thắng, tình huống cố định luôn là giải pháp hiệu quả nhất”, Eriksen giải thích.
Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, tất cả đội bóng đều có HLV “tình huống cố định”. Brazil, tới từ nền bóng đá Nam Mỹ hoang dã, cũng phải bỏ qua sự bảo thủ vốn có để thuê HLV bóng chết từ… Anh, là chuyên gia Alex Clapham, người làm việc ở vị trí này tại Southampton trong cả mùa trước.
Đáng chú ý, các đại diện tới từ lục địa già còn đưa sang Qatar một nhân vật hoàn toàn mới, là HLV dạy… ném biên. Khi mọi ý tưởng và bài vở tấn công bị bóp nghẹt vì nhiều lý do, các đội bóng phải tận dụng mọi khoảnh khắc, dù đó chỉ là một quả ném biên trông có vẻ vô thưởng vô phạt. Theo thống kê, số lượng quả ném biên trong một trận tại World Cup đã tăng từ 40 lên 60 khi so sánh giữa hai giải đấu tại Brazil và Nga.
Cuối cùng, thông tin sau đây một lần nữa tô đậm tầm vóc của bóng chết tại World Cup. Các ĐT gồm Senegal, Cameroon, Xứ Wales, Ba Lan, Australia và Costa Rica đều giành vé dự World Cup nhờ 1 bàn thắng quyết định trận đấu bắt nguồn từ tình huống cố định. Tức là, 20% giành lấy sự sống nhờ bóng chết. Không còn nghi ngờ, bóng chết sẽ là lẽ sống tại Qatar mùa Đông năm nay, dù là vô tình hay cố ý!
Pháp thích nghi với “điều kiện mới”
Cả ba buổi tập mở cửa với báo chí trước ngày khai mạc World Cup 2022 của ĐT Pháp đều tập trung vào bài “tạt cánh”. Benzema vừa tuyên bố không thể dự World Cup 2022 vì chấn thương bắp đùi và vì thế, Giroud, cao 1m93, chắc chắn là tiền đạo số 1.
Chưa kể, Pháp đã thay toàn bộ hàng tiền vệ giúp họ vô địch World Cup 2018 nên sự sáng tạo sẽ là thứ biến mất. “Tôi quan tâm tới phòng ngự theo khối ở cự li ngắn và muốn giải quyết trận đấu bằng khoảnh khắc”, Didier Deschamps trả lời tờ Lequipe. Chi tiết này cho thấy, Pháp sẽ chơi thực dụng. Trong bóng đá, đỉnh cao của thực dụng là bóng chết, là tạt cánh và đánh đầu.