Biên đạo múa, NSƯT Trần Ly Ly: Tôn sùng tính cốt lõi

09:28 29/12/2016
Nhìn ngoài, biên đạo múa Trần Ly Ly nhỏ bé hơn so với trên truyền hình. Nhưng vẫn là cá tính mạnh mẽ, gai góc, đầy lửa ấy khi cuộc nói chuyện "chạm" đến quan điểm, tư duy làm nghề.


- Chào chị. Dạo này hình như chị yên ắng quá đấy?

+ Thực sự là tôi đang rất bận, chứ chẳng phải yên ắng gì đâu. Ngoài công việc ở trường múa, nghiên cứu,  làm luận án Tiến sỹ, tôi đang làm vở ngắn "Lưỡng diện". Tác phẩm này được dựng theo tích của tuồng với hình ảnh 2 chiếc mặt nạ. Màu đỏ tượng trưng cho trung thần. Màu đen tượng trưng cho nịnh thần. 

Con người nhiều khi bị phân vân giữa trung và nịnh. Nhiều khi muốn trung thì bị bại, muốn nịnh lại lên cao. Và con người, cho đến phút cuối cùng khép vở, vẫn ở trạng thái lưỡng diện đó. Tôi kết thúc mở. Trong tác phẩm này, tôi dùng ngôn ngữ của tuồng và ngôn ngữ đương đại để chuyển tải thông điệp mà mình muốn nói.

- Có thể thấy, chị đang mượn một tích cổ để nói về câu chuyện ngày hôm nay?

+ Cổ điển hay hiện đại không phải là vấn đề. Vấn đề là câu chuyện đó vẫn đang tồn tại, nghĩa là nó hiện đại. Tôi cho rằng, cổ điển nằm ở thời điểm thôi.

- Bây giờ nhiều nghệ sỹ chọn con đường kết hợp truyền thống - hiện đại để tạo ra một sản phẩm hợp thời thì phải, thưa chị?

+ Cái đó khó nhé. Phải hiểu thấu. "Mix" ở đây là "mix" tư tưởng và phải hiểu thấu cái cổ truyền thì mới làm được thật tốt. Nếu không cẩn thận lại thành một thứ nửa vời. Tôi làm việc trong môi trường giáo dục nên tôi tôn trọng tính cốt lõi. Trường học là nơi giữ cốt lõi.

Trong sáng tác, nghệ sỹ được quyền phát triển. Nhưng muốn phát triển, cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Ví dụ, anh phát triển kiểu gì thì phát triển, nhưng phải mang bóng dáng của dân tộc ấy. Đang dân tộc Êđê không thể M' Nông được. H'Mông có đặc trưng của H'Mông. Tày có đặc trưng của Tày. Một người không hiểu thấu, cứ Tày - Mông hay Ê-Đê - M'Nông lung tung hết cả thì hỏng rồi. Tôi cho rằng, nghệ sỹ phát triển như thế nào thì vẫn phải nhìn thấy cái tinh chất, cái bóng dáng, tâm hồn phả ra của dân tộc ấy.

- Cái cốt lõi mà chị nói có phải là sự cá biệt không?

+ Đặc trưng thì chính xác hơn. Sự đặc trưng đó được tích tụ từ bao nhiêu đời. Không phải ngẫu nhiên mà có. Nó thể hiện giá trị thẩm mỹ của dân tộc, của từng vùng miền. Sự chắt lọc được tạo ra từ đời này qua đời khác đó tạo thành một thứ văn hóa. Nó là đặc trưng, nhìn là ra ngay.

Với một người sáng tạo, biết càng nhiều, càng sâu càng tốt để có thể tránh được những trường hợp sai lệch, không chuẩn. Bởi nói gì thì nói, mỗi tác phẩm ra đời đều định hướng thẩm mĩ cho xã hội. Vô hình trung, nó thành một tập hợp của định hướng thẩm mĩ cho xã hội.

Vậy thì, xu hướng là gì, ai là những người đi đầu xu hướng? Những người đi đầu xu hướng sẽ kiến tạo thời kỳ này một xu hướng sáng tác ra sao, thời kỳ khác một xu hướng như thế nào? Những người đi đầu, với sự hiểu biết của mình, có thể thay đổi thẩm mỹ, tư duy của cả cộng đồng. Sự hiểu biết quan trọng lắm.

- Theo chị, xu hướng hiện nay là gì?

+ Trong nghệ thuật có nhiều dòng nên khó nói lắm. Tùy từng dòng. Ví dụ, như trong âm nhạc có pop, classic, rock,… Trong múa thì có dân gian, đương đại, hiện đại, dân gian đương đại.

- Tôi để ý thấy vài năm trở lại đây, ở nước ta, người ta nói tới cụm từ "dân gian đương đại" nhiều quá. Chị có thấy thế không?

+ Dân gian đương đại là một sự biến chuyển, sự trao đổi giữa thời kì này và thời kì trước. Nó được kết hợp giữa dân gian và đương đại để tạo thành một thứ ngôn ngữ ở giữa, gọi là dân gian đương đại. Nhưng mà đúng nghĩa của dân gian đương đại ra sao, theo quan điểm của cá nhân tôi, mọi người cũng đang tìm. Tìm cho tới khi mọi người cảm thấy hay, "hit" mà mọi người chấp nhận được, mà vẫn đủ nội tại của cả 2 yếu tố đó, nghĩa là sản phẩm mang tính đương đại nhưng vẫn có cảm giác dân gian trong đó.

Song tôi cho rằng, cụm từ này cũng có những điều cần nghĩ lại. Tôi thấy "truyền thống đương đại" đúng hơn chăng? Nói cho cùng, dân gian cũng chỉ là một nét nhỏ trong kho văn hóa truyền thống mà thôi. Bạn có thể lấy một tích từ truyền thống, có thể lấy tư tưởng của truyền thống, có thể lấy một cách thức của truyền thống để thể hiện điều gì đó trong xã hội hiện đại. Ngôn ngữ không có ranh giới. Ngôn ngữ cũng là thứ phát triển.

- Chị có thể cho biết, trong lĩnh vực múa ở taNam, xu thế hiện nay là gì?

+ Chính là xu thế dân gian đương đại (truyền thống đương đại thì chính xác hơn). Điều này cũng bình thường thôi. Chẳng khác gì so với dòng chảy nói chung cả. Múa cũng thế. Âm nhạc cũng thế. Kịch nghệ cũng thế… Tất cả đều phải bước đi cùng nhịp. Hoặc có thể trước hoặc sau vài nhịp nhưng đều hướng đến một điểm.

Nó là xu hướng, tuy nhiên, tôi tôn sùng việc trong một cái "mâm" - một fesival múa đương đại quốc tế chẳng hạn - phải dùng chung ngôn ngữ. Đương đại phải là đương đại. Nó có một hệ thống riêng.

Tư duy bạn phải cùng chiều với mọi người. Phải cùng chung ngôn ngữ với họ. Họ nói tiếng Anh, mình cũng phải nói tiếng Anh. Họ nói tiếng Anh mà bạn nói tiếng Việt là không được. Chúng ta phải hiểu thế giới, phải tạo ra, đi chung, cùng chung cách tiếp cận với họ.

Về những điều chuyên môn này, để nói hết thì khó. Ví dụ ngay cả thở trong múa đương đại, chúng ta cũng phải cùng chung ngôn ngữ với họ. Khi bạn muốn phá cách thì phải dựa trên nội tại của cốt lõi. Hay như, trong múa đương đại, có thể sử dụng một phần ngôn ngữ múa Ấn Độ để biến hóa thành một nội dung.

Cũng có những người sử dụng một số nhịp điệu của múa châu Phi. Có người lại sử dụng võ thuật như một nguồn nhiên liệu để phát triển múa đương đại của mình. Nhiều người nhìn vào nghĩ dễ làm. Nhưng thử xem? Nó phải có kĩ năng, phải được học. Đó là lý do mà ở trên, tôi nói, việc học quan trọng thế nào.

- Nhưng công chúng ở ta hình như vẫn chưa cởi bỏ hẳn những tư duy cũ để tiếp nhận những cái mới, thưa chị?

+ Không sao cả. Từ từ mọi người sẽ đón nhận. Nhưng nghệ sỹ phải đưa ra sản phẩm. Mình phải làm cái đã. Đừng sợ họ không hiểu. Họ chưa hiểu thôi. Nếu mình cứ làm, từng nhóm nhỏ một, tự nhiên họ sẽ cảm nhận được và điều mà bạn muốn làm cũng sẽ được lan tỏa.

Nhưng tất cả những cái thuộc về nghệ thuật, khó thỏa mãn đại chúng lắm. Nghệ thuật nói cho cùng không phải là câu chuyện của số đông. Cái gì dành cho đại chúng thì sẽ có một dòng riêng dành cho nó. Điều đó phải sòng phẳng. Nếu đi vào chiều sâu nghệ thuật, chỉ đi vào một nhóm thôi. Nhóm đó có thể "nở" ra theo sự phát triển của xã hội. Và những người đi đầu (hay còn gọi là "leading"), phải có một sự ham muốn.

Ham muốn này chẳng có gì xấu cả. Ham muốn được hiểu biết, được định hướng về nghệ thuật đúng đắn. Họ sẽ là những người đi nhiều, biết nhiều và biết cả loại trừ, phủ định mình. Họ rất giỏi và không dễ tính.

Lúc đầu, bao giờ chả khó. Mới đầu chỉ có một vài người đón nhận. Chẳng sao cả nếu tin tưởng vào những điều mình được học và hiểu rằng đó là xu thế thế giới… Thế giới đã đi đến đây rồi thì ít ra mình đi từng bước, từng bước để tiệm cận. Hoặc nếu nhảy cóc phải có chiến lược để nhảy cóc. Và phải đi cùng hướng. Tự nhiên thế giới đang đi thế này, mình rẽ ngang, rẽ dọc, sao được?

- Nếu nghệ sỹ nào cũng kiên định như chị nói thì khác. Chúng ta đang có một lứa nghệ sỹ chiều lòng công chúng…

+ Xã hội nào cũng thế. Điều này bình thường thôi. Tôi không bài trừ nhưng tôi cho rằng, nghệ sỹ phải là những người biết định hướng thẩm mỹ. Phải định hướng cho công chúng thế nào là hay.

- Nhưng khái niệm "hay" cũng vô cùng quá, thưa chị?

+ Đúng là nó vô cùng nhưng nó cũng sẽ có những định luật, tiêu chuẩn chứ. Tôi lấy một ví dụ đơn giản thế này: Cái bàn này vì sao vừa vặn với bạn? Vì nó đúng chỉ số vàng chứ sao. Qua bao nhiêu cái không vừa, chúng ta mới đưa ra được một chỉ số vừa là vậy. Còn nhiều người hay hỏi như thế nào là hay? Như thế nào là hay, chúng ta phải học, phải được giáo dục từng bước một.

- Xin cảm ơn chị! 

Đậu Dung (thực hiện)

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文