Bóng đá Việt Nam: Lại mệt mỏi chọn thầy
- Nếu là thầy ngoại, sẽ có... "bom"
- V.League dưới "cú đấm" thầy ngoại
- Phép thử đầu tiên cho thầy ngoại Petrovic
- Chiếc cúp vùng trũng và giấc mơ thầy ngoại
Bây giờ, trong quãng thời gian ngắn ngủi cuối cùng của nhiệm kỳ VII, dàn lãnh đạo VFF lại mệt mỏi chuyện chọn thầy cho Đội tuyển, và chọn lựa lần này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới người của những nhiệm kỳ sau.
Thầy nội hay thầy ngoại? Sau thất bại của HLV Hữu Thắng, và trước đó là những HLV Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, đến lúc này có lẽ không nhiều thầy nội dám ngồi lên ghế nóng. Những người dám hiếm hoi là HLV Đội tuyển nữ Mai Đức Chung và HLV trưởng Đội tuyển U.18 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn.
Không ai nghi ngờ gì về chuyên môn của một HLV lão làng giàu kinh nghiệm, một HLV có bằng cấp "xịn" nhất bóng đá Việt Nam, nhưng người thứ nhất quá thiếu cá tính, còn người thứ hai lại không nhận được sự ủng hộ trọn vẹn của bộ máy lãnh đạo VFF đương thời.
Trong số các HLV nội lúc này, xem ra Lê Huỳnh Đức - HLV trưởng CLB Đà Nẵng là sáng giá nhất, nhưng ông Đức đã rất nhiều lần từ chối Đội tuyển, và đến lúc này càng chẳng có lý do nào để tin là ông sẽ suy nghĩ khác. Vậy nên phương án thầy nội xem ra không sáng sủa.
HLV Lê Huỳnh Đức luôn "né" Đội tuyển. |
Có đến 90% khả năng sẽ là thầy ngoại, nhưng thầy ngoại nào đáp ứng được tất cả các tiêu chí mà VFF đặt ra? Có người bảo, tại sao không chọn ông Giám đốc kỹ thuật Gede người Đức?
Nên nhớ, ông Gede đến đây để làm công việc ươm mầm, trông nom các Đội tuyển trẻ, và ngay từ đầu đã được xác định là sẽ gắn bó lâu dài với công việc đặc biệt quan trọng này. Bây giờ, vì một biến động ngoài ý muốn mà lại "bốc" ông lên ghế thuyền trưởng Đội tuyển Quốc gia thì ai phụ trách mảng đào tạo trẻ?
Ông Gede có thể làm tạm quyền HLV một vài trận thì được, chứ để ông cầm quân chính thức, lâu dài chắc chắn sẽ phá vỡ chiến lược phát triển chuyên môn cho các Đội tuyển mà VFF đã xây dựng trước đó.
Không Gede thì Kiatisak như gợi ý của nhiều tờ báo chăng? Phương án Kiatisak đúng là có nhiều cái thuận, bởi thứ nhất, Kiatisak quá hiểu bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung. Thứ hai, thông qua ông bầu Đoàn Nguyên Đức - Kiatisak có thể từ bỏ công việc hiện tại ở giải vô địch Quốc gia Thái Lan để sang làm việc ở Việt Nam mà không gặp phải trở ngại đáng kể nào.
Nhưng một lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao bày tỏ quan điểm: "Chọn một HLV người Thái Lan cầm quân Đội tuyển Việt Nam thì Đội tuyển có mất hình ảnh quá không?".
Theo chúng tôi, đấy là một câu hỏi rất đáng suy nghĩ, bởi việc chọn thuyền trưởng Đội tuyển Quốc gia không chỉ căn cứ vào các điều kiện, tiêu chí chuyên môn đơn thuần, mà còn có cả những tiêu chí về chính trị, hình ảnh nữa. Kiatisak có thể cầm quân một CLB Việt Nam, nhưng đúng là cầm quân Đội tuyển Việt Nam thì bất ổn.
Ngoài phương án Gede, Kiatisak, cũng có ý kiến trong Ban chấp hành VFF gợi ý liên lạc lại với Riedl, Calisto - hai thầy ngoại thành công nhất với bóng đá Việt Nam từ trước đến nay. Nhưng với Calisto, có một rào cản rất lớn liên quan đến người đứng đầu VFF hiện nay: Chủ tịch Lê Hùng Dũng.
Trước thềm SEA Games năm 2011, ông Dũng từng phát biểu: "Nếu lần này U.23 Việt Nam vào chung kết mà không có vàng thì coi như thất bại", và Calisto đã dị ứng ra mặt với tuyên bố ấy. Có lẽ việc Calisto trở lại Việt Nam để cầm quân Đội tuyển Việt Nam chỉ có thể diễn ra trong thời điểm mà Chủ tịch đương nhiệm VFF không phải ông Lê Hùng Dũng.
Còn với ông Riedl, ai cũng thấy sau quá nhiều năm chinh chiến ở Đông Nam Á, từ Việt Nam tới Lào rồi Indonesia, nhà cầm quân này đã rơi vào cảnh "cạn bài". Sau AFF Suzuki Cup 2016 trên cương vị thuyền trưởng Indonesia, Riedl thậm chí đã nói đến khả năng giải nghệ. Do vậy có lẽ ông cũng không quá sẵn sàng và cũng không phù hợp cho một công việc huấn luyện nhiều áp lực.
Lật đi lật lại các tên, xem ra lúc này phương án chọn một HLV ngoại hoàn toàn mới là điều có tính khả thi cao nhất. Thông qua các nhà môi giới nước ngoài, việc sở hữu hồ sơ của những ông thầy ngoại lúc này không khó, vấn đề là thầy ngoại giỏi luôn "hét" một mức lương ngất ngưởng. Mà với VFF lúc này, chuyện tài chính luôn là thứ phải cân lên đặt xuống.
Người tiền nhiệm của HLV Nguyễn Hữu Thắng - Toshiya Miura được trả mức lương 10.000 USD/tháng, cộng thêm 10.000 USD các chi phí ăn ở, đi lại, tiêu vặt khác, nhà cầm quân này ngốn một khoản lên tới 20.000 USD/tháng. Trong số 20.000 USD ấy, VFF trả một phần, Tổng cục Thể dục Thể thao hỗ trợ một phần, và Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản cũng hỗ trợ một phần.
Bây giờ để có một HLV giỏi, chúng ta phải xác định trả một mức lên tới 30.000 USD/tháng, và mức đó có lẽ là quá lớn với VFF hiện nay. Thế nên chọn một ông thầy vừa "túi tiền" của mình lại vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn là một bài toán rất khó tìm lời giải.
Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế chia sẻ quan điểm riêng về vấn đề này: "Theo tôi, HLV trưởng Petrovic của FLC Thanh Hoá lúc này có thể là giải pháp tối ưu nhất. Tôi đã xem ông Petrovic rất kỹ và thấy ông ấy vừa có cái uy với các học trò, vừa đọc trận đấu, lên đấu pháp rất linh hoạt. Nếu nhìn kỹ lại lịch sử các đời thầy ngoại của bóng đá Việt Nam sẽ thấy người thành công nhất - HLV Calisto cũng từng đi lên từ một CLB V.League. Vấn đề bây giờ nằm ở chỗ, nếu VFF chọn ông Petrovic thì CLB FLC Thanh Hoá có chịu "nhả" người không?".
Quả đúng là ông Petrovic đang tạo ấn tượng rất lớn với giới quan sát bóng đá trong nước, và nếu VFF thuyết phục được CLB Thanh Hoá “nhả” HLV này cho Đội tuyển thì rất có thể đấy là phương án tối ưu. Nhưng nếu phương án này thì không còn cách nào khác là lại phải "đánh đu" với một cái tên hoàn toàn mới.
HLV trưởng FLC Thanh Hoá Petrovic cũng là một ứng cử viên sáng giá. |
Nhìn lại lịch sử tìm và chọn thầy ngoại của bóng đá Việt Nam, cần nhắc lại rằng chúng ta từng nếm trái đắng khi gặp phải những ông... thầy rởm.
Đó là HLV người Pháp Letard - HLV mà sau này được chính một người trong làng mình đánh giá là: "Ông ấy mà làm được HLV bóng đá thì cả cái làng này đều làm được".
Cay đắng là sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với Letard, chúng ta đã bị con người yếu chuyên môn nhưng giỏi mánh khoé này kiện ra Toà thể thao quốc tế (CAS), và sau đó đã phải mất hàng tỷ đồng đền bù. Đó còn là HLV người Brazil, Tavares, người đã run rẩy tới mức lên cơn sốt, phải đi bệnh viện truyền nước trước trận quyết đấu Việt Nam - Indonesia trên sân Mỹ Đình tại Tiger Cup năm 2004.
Trận ấy Việt Nam thua 0-3, Tavares bị ép phải viết đơn từ chức, nhưng viết đơn rồi ông ta vẫn cố nói lại: "Nếu Đội tuyển lách qua khe cửa hẹp vào được bán kết và có thành tích thì các ông vẫn phải nhớ chia tiền thưởng cho tôi đấy nhé!".
Có thể nói với túi tiền ít ỏi của VFF thì nguy cơ gặp phải "thầy rởm" kiểu Letard, Tavares là hoàn toàn có thể. Đấy là còn chưa nói ngay cả khi không chọn phải "thầy rởm", nhưng quan điểm cầm quân của ông thầy ấy lại không phù hợp với tố chất của các cầu thủ Việt Nam thì chuyện nội bộ VFF lại phân hoá, lại tranh cãi, dẫn đến chuyện phải chia tay thầy trước thời hạn giống trường hợp Toshiya Miura là rất dễ xảy ra.
Xem ra, trước khi chọn thầy, các bộ phận chức năng VFF cần phải xác định thật rõ là thời gian tới sẽ xây dựng các Đội tuyển Quốc gia thi đấu theo một phong cách nhất quán nào. Chứ cứ như thời gian vừa qua, trong khi U.20 đá kiểu "bóng đá chiến đấu", còn U.22 lại đá kiểu "bóng đá duy mĩ" thì bất ổn. Cứ ông một đằng, bà một nẻo và chuyện của các Đội tuyển giống như chuyện của "quân anh", "quân tôi" thì thầy nào ngồi lên ghế cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ.
Phải đoạn tuyệt với những quyết định cảm tính Hãy trở lại với những thời điểm cuối cùng của triều đại Toshiya Miura, đấy là lúc mà sự chán chường của ông bầu, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức với nhà cầm quân này đã lên đến cực điểm. Cả trong những cuộc họp thường trực Liên đoàn lẫn trong những cuộc trả lời báo chí, ông Đức đều thẳng thắn, công khai đề nghị ông Miura về nước. Và khi Miura đã về nước thì nhu cầu chọn một HLV mới là cực kỳ bức bách. Vấn đề là chọn ai? Thầy ngoại thì không đủ thời gian, thầy nội thì nhiều người chối đây đẩy. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ còn một mình HLV Nguyễn Hữu Thắng là người vừa có "số má", vừa đang rảnh việc, và vừa dũng cảm ngồi lên ghế nóng. Ông Đức quá hiểu HLV Hữu Thắng nói riêng và những con người bóng đá Sông Lam nói chung đi theo phong cách bóng đá nào, vì trước đây từng có lúc lứa trẻ Hoàng Anh đá tập với lứa trẻ Sông Lam, và sau khi có quá nhiều cầu thủ bị chấn thương ông đã từng ra mệnh lệnh nội bộ: Không bao giờ đá tập cùng Sông Lam nữa. Biết, nhưng vẫn chọn lựa, vì ngoại trừ những yếu tố mang tính hoàn cảnh kể trên, có lẽ bầu Đức tự thuyết phục mình bởi hai suy nghĩ. Thứ nhất, HLV Hữu Thắng có thể tự thay đổi bản thân để xây dựng một gương mặt mới cho Đội tuyển. Và thứ hai, có thể trong quan niệm của mình, bầu Đức tin rằng với những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đầy tài năng làm nòng cốt ở Đội tuyển U.22 Việt Nam thì vai trò của HLV trong chiến dịch săn vàng SEA Games cũng không quá lớn. Trước đây, chẳng phải ông từng nhiều lần nói đi nói lại: "Hoàng Anh Gia Lai chỉ cần cầu thủ giỏi, không cần HLV giỏi" đó sao? Nếu những suy nghĩ này là sự thật thì có thể nói ngay, nó là những suy nghĩ đầy cảm tính. Và hy vọng lần này, việc chọn thầy sẽ không diễn ra một cách cảm tính như vậy nữa.
|