Bùi Thị Thu Thảo và hành trình vượt khó của "nữ hoàng"

16:47 15/12/2020
Trong đoàn đại biểu của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vừa tổ chức tại Hà Nội tuần qua, có 2 vận động viên, đó là Đoàn Văn Hậu (Bóng đá), Bùi Thị Thu Thảo (Nhảy xa).

Kỳ tích giành tấm Huy chương Vàng (HCV) ASIAD 2018 của Bùi Thị Thu Thảo giúp cô có được vinh dự này.

Cú nhảy để đời của Thảo "bò vàng"

Nếu như Đoàn Văn Hậu đã quá nổi tiếng với những đóng góp lớn trong màu áo U23 và ĐTQG Việt Nam trong nhiều chiến dịch mang tầm Đông Nam Á và châu Á thì Bùi Thị Thu Thảo có thể không phải là cái tên nổi bật với dân ngoại đạo. Đặc biệt trong năm 2019, việc dành nhiều thời gian cho gia đình, trong đó có sinh con khiến cho cô gái có biệt danh là Thảo "bò vàng" không có được thành tích đáng chú ý.

Thế nhưng chỉ cần một cú nhảy thôi, Thu Thảo đã đổi đời và cũng tạo nên dấu ấn lịch sử cho Đoàn Thể thao Việt Nam nói chung và môn điền kinh nói riêng ở ASIAD, đấu trường tầm cỡ châu Á. Tối ngày 27-8-2018 thay đổi vận mệnh của Bùi Thị Thu Thảo. 

Bùi Thị Thu Thảo mang về niềm tự hào cho điền kinh, môn thể thao nữ hoàng.

Bước vào nội dung nhảy xa nữ, Thu Thảo đã thực hiện cú nhảy tốt ngay ở lượt đầu tiên với thành tích 6,55m và tạo một khoảng cách khá lớn với các đối thủ bám đuổi.  Sau 6 lượt nhảy, không có VĐV nào khác có được thành tích tốt hơn và Thảo đã giành tấm HCV ASIAD đầu tiên cho riêng mình và cho cả điền kinh Việt Nam. Đáng quý hơn, khi đây là tấm HCV lịch sử của điền kinh Việt Nam tại ASIAD và cũng chính là tấm HCV duy nhất của Đông Nam Á ở kỳ Á vận hội cách đây 2 năm.

Thực tế, để có được cú nhảy lịch sử ấy, Thu Thảo đã phải miệt mài suốt 4 năm khổ luyện và cả "phục thù" đối thủ người Indonesia nhập tịch là Maria Londa. Cụ thể vào năm 2014, Thu Thảo đã ở rất gần HCV tại ASIAD diễn ra ở Incheon Hàn Quốc khi đạt thành tích nhảy xa là 6,44 mét. Thế nhưng chính Londa sau đó đã có cú nhảy xuất thần đạt thành tích 6,55 m, khiến Thảo đành ngậm ngùi ở vị trí thứ 2 chung cuộc. Thất bại ấy khiến Thu Thảo đã nỗ lực tập luyện và được đền đáp xứng đáng khi đánh bại Londa tại tất cả các giải đấu trong năm 2017. Đó cũng năm thành công trong sự nghiệp của cô gái quê Ba Vì khi lên ngôi tại hai chặng Grand Prix châu Á, giải vô địch châu Á, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, SEA Games 29 trước khi chinh phục huy chương vàng lịch sử tại ASIAD 2018.

Biểu tượng của vượt qua số phận

Không chỉ cho thấy nỗ lực, ý chí bền bỉ, Thu Thảo còn là biểu tượng cho nghị lực vượt qua số phận bản thân. Sinh năm 1992 tại huyện Ba Vì, Hà Nội trong một gia đình thuần nông, Thu Thảo có một tuổi thơ cơ cực. Nhà Thảo thuộc diện nghèo khó nhất xóm. Bố mẹ Thu Thảo đều làm nghề nông. Bố cô bị thấp khớp đã gần 20 năm nay. Nhà có ba anh em, Thu Thảo là út và cũng là người duy nhất bén duyên với nghiệp thể thao. Vì vậy ngay từ khi còn bé, cô gái này đã sớm có ý thức thoát nghèo.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Thảo đã bén duyên với bộ môn điền kinh. Cô là người giỏi môn thể dục nhất lớp, được các thầy tuyển chọn cho đi thi huyện và tỉnh Hà Tây (cũ). Sau một cuộc thi, Thảo có nhiều kỷ niệm, yêu điền kinh và quyết định gắn bó với nó. Thời gian đầu, Bùi Thị Thu Thảo gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhiều lúc cô muốn bỏ cuộc vì nhớ nhà.

Lương cho những vận động viên thời đó lại thấp. Thảo được xếp luyện tập vào tổ cự ly chạy dài vốn là "sở đoản". Thương bố mẹ, cô gái quyết định ra ngoài làm phụ hồ tại một công trường xây dựng. Tưởng chừng sự nghiệp thể thao đã khép hẳn lại với cô gái quê Ba Vì, nhưng cô đã được HLV Nguyễn Trọng Hổ, khi đó là HLV trưởng đội tuyển điền kinh tỉnh Hà Tây (cũ), đánh giá đúng sở trường. Chính thầy Hổ đã chuyển Thảo sang tập nhảy xa, và đó là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất để có Thảo như hiện tại.

Cú nhảy thay đổi cả cuộc đời của Thảo "bò vàng".

Một điều đặc biệt, Bùi Thị Thu Thảo có chiều cao 1m65, không đạt chuẩn với một VĐV nhảy xa. Ở mỗi cuộc thi, cô đều là người thấp nhất. Ông trời không cướp hết của ai cái gì, dù có chiều cao khiêm tốn, nhưng Thảo lại có sức bật rất tốt và bản lĩnh thi đấu vững vàng.  Một khó khăn nữa đến với Bùi Thị Thu Thảo là vào năm 2012, cô dính chấn thương ở lưng, đầu gối và cả bàn chân, dù được bác sĩ tìm nhiều cách chữa, nhưng không hiệu quả.  Thời gian về quê điều trị chấn thương, Thảo đã phải đấu tranh nội tâm rất nhiều giữa việc quyết định chia tay nghiệp thể thao hay tiếp tục gắn bó. Tuy nhiên, khi được bố mẹ đẻ và được các thầy ở trung tâm động viên, Thảo đã bước tiếp và cô đã quyết định đúng.

2018 là năm đại thành công đối với Bùi Thị Thu Thảo. Nữ VĐV điền kinh Hà Nội đã khẳng định vị thế mình là "ngôi sao" nhảy xa số 1 châu Á khi đoạt được cú đúp HCV châu Á và HCV danh giá ASIAD 2018 tại Jakarta, Indonesia.

Trên con đường đi tới thành công của Thu Thảo tính đến hiện tại, ngoài sự động viên của bố mẹ, gia đình, bạn bè và các thầy còn có sự đồng hành của chồng Thảo là anh Lê Văn Tiến. "Chồng em làm ở Mỹ Đình, thuê trọ gần Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Do biết trong khu tập không có máy giặt, sợ em tập luyện mệt mỏi nên chồng em thi thoảng qua gặp để lấy quần áo mang về nhà trọ giặt rồi chờ khô mang qua trả. Nhưng hai đứa cũng chỉ gặp nhau ngoài cổng, nói vội vài câu rồi chia tay", Thảo chia sẻ.

Tại SEA Games 30 ở Philippines tháng 12-2019, Bùi Thị Thu Thảo vắng mặt vì sinh con đầu lòng. Sau khi thực hiện xong “nghĩa vụ cao cả”, nữ VĐV Hà Nội sẽ trở lại thi đấu vào năm 2021.

Bùi Thị Thu Thảo hiện đang làm công tác huấn luyện viên nhảy xa cho các VĐV trẻ ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội.

Người chồng tâm lý

Hàng ngày, Thu Thảo vẫn đến Trung tâm Nhổn tập luyện theo kế hoạch tập trung đội tuyển quốc gia, tối trở về nhà trọ của hai vợ chồng cách đó chừng 1km.

Mơ ước của Bùi Thị Thu Thảo là tiếp tục thi đấu đạt thành tích cao để có thêm tiền lo cho gia đình và mua được một căn nhà nhỏ cho hai vợ chồng. Chồng của Thảo là công nhân sửa chữa ôtô nên thu nhập eo hẹp hơn cô. Dẫu vậy, anh lại sắm vai là một điểm tựa tâm lý để Thảo "bò vàng" vững tin trong sự nghiệp. "Thấy món gì mới, chồng tôi đều học để nấu cho tôi. Sở thích của tôi chính là sở thích của chồng. Tôi không ăn được thịt mỡ, bắt chồng mua thịt nạc, anh ấy cũng sẽ mua. Tôi thích ăn cá, ăn rau, anh ấy đều mua. Mỗi khi nấu món nào lạ, anh ấy đều gọi hỏi tôi có thích ăn không. Hôm nào tôi nấu cơm, anh đều tự giác rửa bát".

Bùi Thị Thu Thảo mơ ước cùng chồng mua được một căn nhà nhỏ.

Thu Thảo chia sẻ thêm: "Tôi có một người chồng rất thương yêu, thông cảm với công việc và sự nghiệp thi đấu của tôi. Những lúc tôi tập luyện mệt mỏi, anh ấy còn tự nguyện nhận giặt quần áo. Chồng tôi luôn cố gắng giúp đỡ mọi việc, tạo điều kiện cho tôi tập trung tập luyện và có tâm lý thi đấu thoải mái", Thu Thảo chia sẻ. Đó là lý do khiến Thu Thảo có thêm một động lực để hướng tới tấm huy chương cao nhất tại ASIAD 2018. Thu Thảo trải lòng: "Tôi muốn giành được HCV để đem về tặng chồng. Đó là giấc mơ của anh ấy".

Nhìn lại vinh quang mà mình đã có được và nghĩ về tương lai, Thu Thảo tâm sự: "Tôi bước vào nghề vận động viên không phải vì đam mê. Nhưng nay, điền kinh là sự nghiệp, là một phần cuộc sống và cũng giúp cuộc sống của tôi, của gia đình có đồng ra đồng vào. Tôi sẽ cố gắng đạt nhiều thành tích hơn, để từ đó có thêm nguồn thu nhập. Qua đó, tôi có thể lo liệu thêm cuộc sống".

Đơn Ca

Tôi về quê vào những ngày cuối năm, trên chuyến xe chật ních những người, lòng dâng lên một cảm xúc xốn xang, bồi hồi khó tả. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, Tết quê nhà trong tim tôi vẫn luôn dung dị, bình yên với khói chiều cuối năm bảng lảng, ngày cuối Chạp bóng nắng hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

Tối 4/1, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) - Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức Chương trình “Người truyền lửa” năm 2025 với chủ đề “Lửa ấm Cao Nguyên”.

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cục CSGT cho biết, kể từ ngày 1/1/2025, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Nội dung này được căn cứ theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 71/2024/TT-BCA của Bộ Công an.

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ hoả hoạn nghiêm trọng tại chợ dân sinh ở thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc.

* Thu giữ 10 bánh heroin và 15kg nghi là ma tuý tổng hợp dạng đá

Ngày 4/1, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa tổ chức khen thưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, truy xét và làm rõ đối tượng liên quan vụ phát hiện số lượng lớn ma túy trên xe ô tô khách bị TNGT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文