Bóng đá Anh 100 năm trước…
1.Thiếu tá Frank Buckley cúi gập người bên cạnh khẩu pháo. Mồ hôi nhỏ giọt lên quả đạn. Cuộc chiến đã đến hồi gay cấn. Tiểu đoàn 17 của Middlesex Regiment của anh đã bị quân Đức bao vây trên mặt trận phía Bắc sông Somme (Pháp). Ngày hôm trước, 18/09/1916, cuộc đột kích bất ngờ của quân Đức bằng khí độc đã giết chết 14 đồng đội của Buckley. Chính Buckley, hậu vệ của Aston Villa, MU, Man City, Birmingham… cũng bị thương nặng khi dính mảnh đạn pháo vào ngực, đâm thủng phổi. Ông ngất đi trên rãnh nước trước khi tỉnh dậy trong bệnh viện quân sự ở Kent…
Walter Tull cầu thủ và chiến binh anh hùng. |
Buckley đưa hai tay chới với trong khoảng không. Ông nói rằng mình vừa trải qua cơn ác mộng trên sân cỏ với một câu chuyện khiến những người có mặt ở đó lặng đi. Trận đấu của Birmingham với MU đang diễn ra bỗng dưng bị gián đoán bởi một quả bom rơi ngay giữa sân. Buckley chỉ cảm nhận được màu máu và mùi thuốc súng trước khi giật mình tỉnh dậy. “Lạy Chúa! Chỉ là một giấc mơ. Tôi sẽ trở lại sân cỏ!”, Buckley nói khi tỉnh dậy. Nhưng chỉ vài phút sau, cầu thủ tài năng, người chiến binh dũng cảm kia đã chết lặng khi biết mình không thể đá bóng được nữa. Phổi của người lính đã bị tổn thương quá nặng. Và trận đấu cuối cùng mà anh thi đấu chỉ là trong giấc mơ hãi hùng. Và từ đây, Buckley không còn là cầu thủ. Ông chỉ đơn giản là một chiến binh…
Frank Buckley từng có kinh nghiệm phục vụ trong quân đội Anh, từng có hàm Trung sĩ trước khi được thăng cấp lên đến Thiếu tá chỉ huy Tiểu đoàn 17 trước khi tập hợp đủ quân số 600 người. Trong danh sách đưa lên, có rất ít cầu thủ bóng đá, nhưng điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những người tham gia đều là các CĐV của Chelsea, Queens Park Rangers, họ muốn đi theo để được chiến đấu, được sát cánh với những thần tượng sân cỏ Vivian Woodward hay Evelyn Lintott. Như vậy, mỗi tiểu đoàn của quân đội Anh bao gồm cầu thủ nghiệp dư, chuyên nghiệp, các CĐV và họ là một khối thống nhất với sức mạnh đoàn kết không gì sánh bằng.
Sau 100 năm, những trận đấu tại Premier League luôn sôi động vào tháng 1. |
Có thời điểm, tiểu đoàn này bao gồm 122 cầu thủ chuyên nghiệp, trong đó có câu chuyện rất cảm động về đội bóng Clapton Orient (sau này đổi tên thành Leyton Orient). Cả đội bóng đã cùng nhau đăng ký tòng quân cùng một lúc, cùng nhau thề cảm tử và tất cả cùng nhau ký lên một tờ giấy treo trong sân vận động với nội dung: “Chúng ta sẽ cùng nhau trở lại và đá bóng!”. Đó mãi mãi chỉ là mơ ước viển vông và vô thực trong thời chiến, bởi ngay ngày đầu chiến đấu 3 trong số họ đã chết, 4 người khác được chuyển về hậu phương chữa trị và không bao giờ đá bóng được nữa.
2.Những cuộc tuyển quân cứ diễn ra trên sân bóng, trước các buổi tập như vậy. Các cầu thủ chuyên nghiệp cạn dần từng ngày theo thời gian cuộc chiến. Một câu chuyện miêu tả chân thực những buổi tuyển quân được ghi lại trong sách lịch sử London như sau: Ba thành viên của Ủy ban tuyển dụng quân sự Quốc gia đã tới sân Upton Park và đã đưa ra lời thỉnh nguyện trong thời gian nghỉ giữa giờ. Joe Webster, thủ môn của West Ham United, là người đầu tiên hăng hái ghi tên, tiếp theo là ba người nữa đồng ý khoác lên mình áo lính, 3 trái mìn, hai băng đạn và một khẩu súng trường…
Tiểu đoàn của Frank Buckley ngày một đông đảo. Những trận đấu bóng trong giờ nghỉ diễn ra như một ngày hội, dù họ không có đôi giày nào tử tế, chẳng có đôi găng nào ra hồn, cũng chẳng có khung cầu môn lành lặn như khi còn thi đấu. Những khoảnh khắc vui vẻ ấy rồi cũng qua. Ngày 15/01/1916, tiểu đoàn do Frank Buckley dẫn đầu được đưa lên tiền tuyến, bắt đầu một cuộc chiến thực sự, cuộc chiến không hề có sự khoan nhượng, một cuộc chiến của chết chóc và chẳng có sự cổ vũ trên khán đài…
Chỉ trong 1 tuần đầu tiên khi được đưa ra mặt trận, tiểu đội đã mất đi 14 cầu thủ, 33 người bị thương, trong đó có huyền thoại Vivian Woodward. Tiền đạo siêu hạng của đội tuyển Anh đã gục xuống trong một cuộc xung kích mà chính anh là người dẫn đầu. Một trái lựu đạn lạnh ngắt bay tới, vô cảm nằm ngay cạnh cái chân phải huyền thoại đã từng làm thủng lưới bao nhiêu khung thành. Đùi phải của Woodward bị xẻ nát và được đưa về Anh chữa trị. Woodward không thể trở lại chiến trường phía Tây trong vòng 2 năm.
Tiểu đoàn thương vong nặng nề trước những cuộc tấn công dữ dội của quân Đức, đặc biệt là cuộc tập kích tháng Bảy tại sông Somme. Trong trận chiến này, tuyển thủ Anh khác là Evelyn Lintott cũng tử trận. Và đến tháng 9, quân đội Đức đã phá tan tiểu đội của Buckley bằng những trận đánh chênh lệch về hỏa lực. Có thêm 14 cầu thủ nữa hy sinh. Một trong những cuộc tập kích bằng khí độc của quân đội Đức, Buckley dính mảnh đạn xuyên qua ngực làm thủng phổi và vĩnh viễn giã từ sân cỏ. Dù sao thì đó vẫn là may mắn bởi Buckley vẫn bảo toàn tính mạng để trở thành một truyền thuyết sân cỏ trên chiến trường.
Chỉ hơn nửa năm dưỡng thương, tháng 1/1917, Buckley đã trở lại mặt trận phía Tây, lãnh đạo tiểu đoàn tấn công một đơn vị quân đội Đức tại Argenvillers. Buckley đã cũng hàng trăm cầu thủ, lao ra chiến đấu giáp lá cà trong trận đánh mà lịch sử kể lại rằng, đó là điều phi lý nhất trong những điều phi lý tại Thế chiến 1. Và một lần nữa, quân đội Đức phản công bằng khí độc. Buckley lần thứ hai phải đưa về điều trị. Nhưng ngày người ta đưa cáng Buckley đến bệnh viện là lúc cái tên của ông trở thành huyền thoại với biệt danh “người không thể chết”. Sau đó, dù có muốn thì Buckley cũng chẳng thể trở lại chiến trường được nữa. Thương tật quá nặng buộc ông phải ở lại Anh làm công tác huấn luyện các CLB như Norwich, Blackpool, Hull City, Leeds Utd… Khi huyền thoại Buckley rời mặt trận, có một cầu thủ khác thay thế, một người thậm chí còn gan dạ, kiên cường chẳng kém Buckley. Đó là Walter Tull!
Trong lực lượng của Buckley có một người Tiểu đội trưởng được đích thân Buckley ủng hộ, đó là Walter Tull, cũng là một tuyển thủ Anh, cựu hậu vệ của Tottenham, Northampton, một con người huyền thoại, quân nhân da đen đầu tiên của quân đội Anh.
Ngay từ cuối năm 1915, khi Walter Tull tình nguyện gia nhập đội ngũ Tiểu đoàn 17 của Middlesex, Buckley đã sớm nhận ra phẩm chất lãnh đạo của Tull. Ông cũng tham gia cuộc chiến tháng 7 trên bờ sông Somme nhưng may mắn thoát chết khi được một cổ động viên của Tottenham, người cùng nhập ngũ với Tull che cho một quả đạn pháo. Người đó ngã xuống ngay trước mắt Tull, trên người loang lổ vết máu, Tull chỉ bị xước nhẹ ở tay, nhưng vết thương trong trái tim mới là điều biến Tull trở thành một người lính oai hùng, một truyền thuyết vang bóng.
3.Lửa đạn chẳng sao, bỗng một ngày cuối năm 1916, Tull lăn ra sốt và phải đưa về hậu cứ điều trị. Khi bình phục, thay vì đến Pháp, Tull đã đến trường đào tạo sĩ quan Gailes tại Scotland, nơi quy định quân sự cấm bất kỳ người da đen hoặc da màu. Nhưng Tull là trường hợp ngoại lệ vì những chiến tích trên chiến trường, và vì anh là một cầu thủ nổi danh. Nửa năm sau, Tull được điều đi Italia và đi vào lịch sử với tư cách là sĩ quan da đen đầu tiên trong lịch sử quân đội Vương quốc Anh. Chính Tull, một nhà chỉ huy hàng phòng ngự của Tottenham, nay đã trở thành chỉ huy trên mặt trận, người lãnh đạo đội quân tham chiến tại trận sông Piave nổi tiếng, và giành chiến thắng tưng bừng mà không hề hấn gì. Một vị tướng thật sự xuất hiện trong lớp áo nhà binh, che đi một trái tim đã dành trọn cho bóng đá…
Những chiến công đã đưa Walter Tull trở thành một anh hùng trên mặt trận Italia. Và cũng vì danh tiếng đó mà Walter Tull đối mặt với định mệnh dành cho mình. Năm 1918, khi tiểu đoàn của Buckley thất thế, Walter Tull được lệnh điều quân về mặt trận phía Tây tại Pháp hỗ trợ với Buckley tạo thành một nhánh quân đối phó với quân đội Đức. Ngày 21/03/1918, Tull nhận được bức thư từ Buckley nói về những trận bóng đá, về hoài bão sân cỏ và lời hứa cho một ngày họ sẽ gặp nhau trong trận đấu tại giải VĐQG. Kẹp giữa tập thư ấy có một bức quân lệnh: ngày 23/3/1918, Tull dẫn tiểu đoàn của mình tấn công các chiến hào của quân Đức tại ngôi làng Favreuil vùng Pas-de-Calais. Đây được coi là mệnh lệnh chết người, bởi nơi đó được gọi là “mảnh đất không sự sống”. Nhưng rồi, Tull vẫn đi và để lại một trái bóng, một đôi giày và một bức ảnh ông trong trang phục thi đấu. Phía sau bức ảnh có ghi dòng chữ: “Kỷ niệm, điều không bao giờ chết!”…
Một cơn bão lửa diễn ra. Nó đổ ập xuống binh đoàn khốn khổ của Walter Tull giống như một cơn cuồng phong của biển cả giáng xuống chiếc thuyền chiến mỏng manh. Binh đoàn của Tull bị dồn lại chiến hào của mình và khi rút, Tull dính đạn pháo. Thi thể của ông không bao giờ gom lại được nữa…
Những cầu thủ ấy đã hi sinh cho đất nước, và cũng hi sinh cho nền bóng đá Anh ngày nay. Tháng 1, vẫn là tháng nóng bỏng của Ngoại hạng Anh, nhưng tất cả đều sẽ nhớ về tháng 1 của 100 năm trước…
Tượng đàiWalter Tull
Dù mất trên chiến trường nhưng Walter Tull đã trở thành biểu tượng chiến đấu của mặt trận phía Tây trong một thời gian dài. Thậm chí, Tull còn trở thành biểu tượng cho giới trẻ Anh. Tên của ông được ghi tại đài tưởng niệm Arras, nơi dành cho những người không có mộ phần. Walter Tull chiến đấu ở 6 trận đánh lớn thuộc các cuộc đấu ở các chiến trường lớn như Yepes, Somme, Passchendaele (Menin Bridge Road), St.Quentin, Bapaume… Một bức tượng của Tull được dựng lên ở Dover tưởng niệm về một cầu thủ vĩ đại trên chiến trường. Một phần ý nghĩa của việc tôn vinh Walter Tull bởi chính ông đã sống, hành động và hy sinh để xóa đi khoảng cách giữa người da trắng và người da đen, chế nhạo những rào cản về sự bài trừ đối với người da màu. Năm 2004, Tottenham (CLB cũ của ông) đã cùng Rangers tổ chức trận tôn vinh Walter Tull (Rangers thắng 2-0 nhờ 2 bàn của Prso và Novo). Đến năm 2009, CLB Tottenham đã đề xuất dựng tượng đồng của Walter Tull tại căn cứ bảo tàng chiến tranh đế quốc nhưng bị từ chối. Chẳng sao cả. Walter Tull vẫn là một tượng đài sống mãi với bóng đá Anh với ảnh hưởng sâu sắc. Và trong các trang tài liệu lịch sử, người ta vẫn gọi Walter Tull là một chiến binh với “trái tim không bao giờ ngừng đập”… |