Các đơn vị nghệ thuật công lập: Loay hoay với “bài toán tự chủ”
- Sân khấu truyền thống: Vắng khách do đâu?
- Nghệ thuật sân khấu truyền thống: Cần nỗ lực đổi mới, tránh lối mòn
Theo lộ trình, đến năm 2020, hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn. Sau gần 5 năm thực hiện, một số đơn vị nghệ thuật công lập đã dần khẳng định được năng lực độc lập nhưng hiện phần lớn đơn vị đang loay hoay gặp khó, vì hành trình này vấp phải không ít trở ngại…
Phần lớn chưa tìm ra lối đi
Trong số hàng chục đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ của ngành Văn hóa theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đến thời điểm này có một số cái tên được nhắc đến là mang lại hiệu quả như Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam...
Nhưng con số ấy là quá nhỏ bởi hiện nay, cả nước có 115 đơn vị nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ VH,TT&DL, 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VH,TT&DL.
Phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị nghệ thuật công lập, riêng TP Hồ Chí Minh có 8, Hải Phòng có 5, Thanh Hóa có 4 và Hà Nội có 6 đơn vị nghệ thuật công lập. Trong số các đơn vị nghệ thuật đó, có một phần không nhỏ là các đơn vị nghệ thuật truyền thống, là những loại hình nghệ thuật cần được bảo tồn, phát triển.
Bài toán khó đầu tiên hiện nay là một số đơn vị nghệ thuật không có sân khấu để biểu diễn dẫn đến việc giải bài toán tự chủ trở nên hóc búa. Ví dụ như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Giao hưởng Vũ nhạc kịch TP Hồ Chí Minh... từ lâu không có sân khấu riêng mà phải đi thuê sân khấu biểu diễn.
Tiền bán vé phải chi dùng vào việc đi thuê địa điểm, tiền lương, thù lao cho diễn viên và nhiều khoản khác nữa trở thành gánh nặng cho nhiều đơn vị trên lộ trình tự chủ, nhất là với những đoàn nghệ thuật dân tộc vốn khó cạnh tranh trên thị trường biểu diễn.
NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho hay, theo lộ trình, năm 2020, Nhà hát sẽ phải tự chủ 100% nhưng hiện tại đơn vị vẫn phải đi thuê sân khấu biểu diễn. Sân khấu phải đi thuê, không có nguồn thu tại chỗ, khó khăn chồng chất khó khăn. Không chỉ Tấn Minh, một số lãnh đạo đơn vị nghệ thuật công lập đều rất cho rằng khi chưa có cơ sở vật chất để làm nghề thì rất khó để có thể tự chủ.
Nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập các trung tâm nghệ thuật truyền thống do nhà nước bảo trợ vì các đoàn nghệ thuật truyền thống khó mà tự chủ tài chính theo lộ trình. |
Tự chủ tài chính được xem là bước đi đúng đắn để nâng cao tính chủ động, đổi mới hoạt động của từng đơn vị nghệ thuật. Đây là cách làm cần thiết trong nền kinh tế thị trường, dần dần tách các đơn vị ra khỏi tình trạng bao cấp, trông chờ vào nguồn “sữa mẹ” là tiền đầu tư hàng năm của Nhà nước.
Tự chủ nghĩa là việc quản lý, phân phối, chi tiêu tài chính của từng đơn vị sẽ gắn liền chất lượng, hiệu quả công việc. Mô hình này sẽ tạo ra động lực các đơn vị công lập chủ động đa dạng hóa các hoạt động của mình, cải tạo doanh thu, cải thiện thu nhập của nghệ sĩ. Tự chủ cũng góp phần xóa bỏ lực cản của tư duy bao cấp, giải phóng sức sáng tạo, từng bước giúp các đơn vị làm nghệ thuật thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường đang là xu hướng tất yếu của phát triển.
Tuy nhiên để làm được điều này đúng lộ trình, Nhà nước và ngành văn hóa cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Văn hóa vốn là một ngành đặc thù, không đơn giản là đo đếm bằng tiền, mà quan trọng hơn cả là vừa phát triển vừa bảo tồn, giữ gìn các giá trị truyền thống.
Chúng ta không thể nói tự chủ theo cách bỏ mặc các đơn vị sống sao thì sống, hay cào bằng cách ứng xử cho mọi đơn vị nghệ thuật. Bởi vì trong hệ thống các đơn vị nghệ thuật công lập hiện nay, có một số đơn vị có lợi thế trong tự chủ vì hoạt động của họ có thể bắt được xu hướng của đời sống, như các đơn vị nghệ thuật đương đại, cụm rạp chiếu phim, múa rối, ca múa nhạc...
Kịch mục của họ dễ dàng hấp dẫn khán giả. Một số đơn vị này lại có cả cơ sở vật chất thuận lợi như Nhà hát ở khu vực Trung tâm dễ bán vé... Nhưng còn không ít đơn vị nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương thì không dễ mà tự chủ.
Ai cũng hiểu, một đơn vị nghệ thuật hiện nay sống bằng doanh thu bán vé không hề dễ. Phần lớn các nhà hát ở Hà Nội thường chỉ đỏ đèn vào dịp cuối tuần, hội hè, với giá vé trung bình 200.000 đồng. Một rạp hát 300 chỗ ngồi, nếu bán được 2/3 số vé cho một buổi công diễn đã là mừng, nhưng tiền thu về cũng chỉ đủ trả chi phí điện nước, xăng xe, bồi dưỡng diễn viên, công nhân viên.
Việc tích lũy để tái đầu tư cho hoạt động nghệ thuật gần như không có. Những nhà hát chưa có rạp riêng, nhiều khi lãnh đạo cực chẳng đã phải bớt xén vào tiền bồi dưỡng của diễn viên để có tiền thuê sân khấu. Trong khi một số đơn vị có nhà hát, hay trụ sở đẹp như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam thì được quyền cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện mỗi khi trống lịch diễn hoặc tập vở mới, góp phần tăng thêm nguồn thu.
Trong khi đó các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay đang khó trăm bề cho việc tự chủ. Trong thời buổi khán giả quay lưng với sân khấu truyền thống, để dàn dựng một chương trình và bán vé kín rạp giống như một giấc mơ không tưởng vậy, trừ khi lãnh đạo các đơn vị phải có quan hệ mời chào bán vé cho các doanh nghiệp. Nhưng những chương trình bán vé theo hợp đồng như vậy không phải lúc nào cũng có.
Vấn đề bán vé cho khán giả mê sân khấu truyền thống thực sự đang gặp nhiều bế tắc. Không ít lãnh đạo đơn vị nghệ thuật truyền thống băn khoăn về công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống trong xây dựng kịch mục biểu diễn. Nếu chương trình biểu diễn thiên về hướng bảo tồn, giữ nguyên vẹn những gì vốn có của truyền thống như các trích đoạn, vở diễn, làn điệu thì không dễ thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Còn nếu cải biên, biến hóa, chọn lọc mà không khéo thì có thể vi phạm vào các nguyên tắc bảo tồn, thậm chí bị chê trách là thương mại hóa. Vấn đề ở đây là Nhà nước cần đặt ra những tiêu chí cụ thể cho hoạt động của các đơn vị này, đâu là ranh giới của bảo tồn giữ gìn, và việc sáng tạo, cải biên, phát triển các giá trị truyền thống phải dựa trên những cơ sở nào.
Lời giải nào cho "bài toán tự chủ"?
Hiện nay, để hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống, không bao cấp như trước nhưng Nhà nước có cơ chế đặt hàng cho các đơn vị này hàng năm. Kinh phí đặt hàng được cào bằng cho các vở diễn. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, thì đặc thù của mỗi ngành mỗi khác. Chẳng hạn tác giả viết kịch bản Tuồng cả nước chỉ có 1- 2 người, hiếm hoi vô cũng.
Số tiền đặt hàng đó dùng để đặt kịch bản cũng đã khó như mò kim đáy biển rồi. Chật vật có kịch bản, lại đổ công sức dàn dựng tốn kém mới ra vở diễn. Nhưng khi công diễn, mỗi đêm chỉ bán được chục vé vào xem, thì quá xót xa, lãng phí. Một số đơn vị Chèo hay Cải lương cũng không khá hơn là bao. Nhiều vở Nhà nước đặt hàng rất hay, nhưng khi bán vé thì vẫn rất... lèo tèo, không có doanh thu để tự chủ.
Muốn sống được, nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống lại phải dựng các kịch mục theo hướng tạp kỹ, cách điệu, chạy theo xu hướng thị trường ít nhiều để hút khán giả trẻ. Chúng ta thưa vắng người xem nghệ thuật truyền thống, không phải vì nghệ thuật truyền thống không hấp dẫn hay nghệ sĩ không đủ tài năng diễn xuất, mà là hàng loạt vấn đề khác, như giáo dục nghệ thuật truyền thống trong trường học, cho giới trẻ đang bỏ ngỏ. Khán giả đang đuổi theo những thứ giải trí khác mà quên đi nghệ thuật truyền thống, thực tế này, rất tiếc lại ở ngoài tầm với của các nghệ sĩ.
Sân khấu tuồng ngày càng thưa vắng khán giả (Một cảnh trong vở tuồng “Phò mã Thân Cảnh Phúc” của Nhà hát tuồng Việt Nam). |
Trước tình hình như vậy, có ý kiến cho rằng Nhà nước nên thành lập các trung tâm bảo tồn nghệ thuật truyền thông, giải thể bớt các đoàn nghệ thuật truyền thống để giảm áp lực về tự chủ. Các trung tâm này cần phải được nhà nước hỗ trợ kinh phí 100%, gồm các hoạt động nghiên cứu, biểu diễn, bảo tồn, truyền dạy nghệ thuật truyền thống. Còn lại các đơn vị nghệ thuật có khả năng tự chủ được thì hãy tự chủ, không nên để tình trạng sống lắt lay ở các đơn vị nghệ thuật truyền thống như hiện nay.
Thực tế, số lượng các đoàn nghệ thuật truyền thống trên cả nước là rất nhiều, nhưng chất lượng nghệ thuật lại hạn chế. Khi để các đơn vị này tự chủ, bước vào cạnh tranh cam go trên thị trường thì sớm muộn cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn không dễ gì vượt qua được. Áp lực kiếm sống, tự chủ tài chính sẽ nhanh chóng đẩy các đơn vị này đến với nguy cơ đánh mất bản sắc vì phải chạy theo thị hiếu khán giả.
Để lộ trình tự chủ được hoàn thiện đúng thời gian 2020, Bộ VH-TT&DL cần phải nhanh chóng đề ra các chính sách bổ sung phù hợp với đặc thù của từng loại hình nghệ thuật. Quy hoạch lại các tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập sẽ làm gọn nhẹ bộ máy, thu hút người tài cống hiến, giảm tải gánh nặng tiền lương, nhân lực. Có như vậy công chúng mới được thụ hưởng các sản phẩm hàng hóa đặc biệt đặc sắc mà hành trình tự chủ mang lại.