''Cái chết'' phải chấp nhận của điện ảnh Việt

16:04 19/06/2016
Có lẽ chúng ta, những khán giả hâm mộ điện ảnh Việt hẳn đã được biết thông tin Hãng phim truyện Việt Nam sau bao nhiêu thăng trầm và hiển hách đã chính thức được cổ phần hóa và điều đau xót nhất là chỉ với hơn 30 tỷ đồng, một công ty chuyên về vận tải sông đã là chủ sở hữu.


Các bạn khán giả quý mến

Có lẽ chúng ta, những khán giả hâm mộ điện ảnh Việt hẳn đã được biết thông tin Hãng phim truyện Việt Nam sau bao nhiêu thăng trầm và hiển hách đã chính thức được cổ phần hóa và điều đau xót nhất là chỉ với hơn 30 tỷ đồng, một công ty chuyên về vận tải sông đã là chủ sở hữu. 

Vẫn biết bầu sữa bao cấp cần đóng lại với điện ảnh nhưng cái kết cục kia thật trớ trêu và khó tưởng tượng nổi. Từ chỗ là một đơn vị chủ lực, đầu đàn trong ngành điện ảnh quốc doanh với hàng trăm nghệ sĩ tên tuổi và một bề dày vẻ vang, Hãng phim truyện Việt Nam gần như đã thực sự kết thúc sứ mạng của mình khi những ông chủ là người làm kinh doanh không một chút liên quan đến nghệ thuật thứ bảy. 

Dù có cam kết tiếp tục thời hạn 5 năm với hoạt động điện ảnh nhưng chẳng một ai lại có thể tin vào sự tiếp tục của Hãng với điện ảnh. Vì sao nên nỗi thế và cái kết cục này liệu có sốc với khán giả? Câu trả lời là dù có đau buồn nhưng cái kết cục ấy hoàn toàn không bất ngờ. Một cái chết đã được cảnh báo, nói một cách không hoa mỹ là nó đã được báo trước.

Muốn tìm hiểu vì sao lại có kết cục bi thảm như thế chúng ta cần đặt Hãng phim vào chung mặt bằng của điện ảnh Việt Nam. Cụ thể là nền điện ảnh cách mạng Việt Nam tính từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam ngày 15/3/1953. Với chặng đường hơn 60 năm thành lập, ngành điện ảnh Việt đã có nhiều thành tựu gắn liền với những biến cố lịch sử của đất nước. 

Trải qua các cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới 1979 và sau đó là giai đoạn kiến thiết xây dựng đất nước, điện ảnh Việt luôn bám sát hiện thực cuộc sống để sản xuất ra những bộ phim có giá trị lịch sử. Bỏ qua những phim sơ khởi trước đó mang tính tài liệu và phim ở phía Nam của chính quyền Sài Gòn, cái mốc của điện ảnh cách mạng Việt Nam có thể tính từ bộ phim truyện "Chung một dòng sông" được sản xuất năm 1959. 

Kể từ cái mốc này cho đến khi đất nước được thống nhất năm 1975, một loạt phim về đề tài chiến tranh cách mạng và xây dựng đất nước được sản xuất như "Trên vĩ tuyến 17", "Vợ chồng A Phủ", "Chim vành khuyên", "Nổi gió", "Đến hẹn lại lên", "Em bé Hà Nội"... Đặc biệt phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" là bộ phim truyện 2 tập đầu tiên của điện ảnh Việt do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Phim giành được giải của Hội đồng hòa bình thế giới Liên hoan phim quốc tế Moskva 1973. Cũng trong liên hoan phim này, nghệ sĩ Trà Giang đạt giải nữ diễn viên xuất sắc. 

Dấu ấn khó quên của điện ảnh giai đoạn này là sự bám sát phục vụ chiến đấu và sản xuất của ngành chiếu bóng. Năm 1974, trong một cánh rừng của miền Đông Nam Bộ, trước chiến dịch đánh giải phóng Phước Long, đơn vị chúng tôi được một đội chiếu bóng lưu động phục vụ. Trong đó có bộ phim tài liệu về 12 ngày đêm Hà Nội đã khiến những người lính đa phần là người Hà Nội đã lặng đi xúc động. Bộ phim có lẽ là liều thuốc vô giá giúp cho những người lính vào trận với một tinh thần cao nhất.

Hãng phim truyện Việt Nam từ nay có chủ sở hữu là một công ty vận tải đường sông.

Năm 1975 đất nước thống nhất, ngành điện ảnh tiếp nhận các cơ sở vật chất và một đội ngũ người làm điện ảnh phía Nam. Đây là thời kỳ có nhiều thay đổi cả về con người, thiết bị lẫn nền tảng công nghệ, kỹ thuật điện ảnh. Có thể nói sau năm 1975, thời kỳ bao cấp lại là thời của điện ảnh Việt với các phim nổi  bật: "Mối tình đầu", "Mùa gió chướng", "Mẹ vắng nhà", "Cánh đồng hoang", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Thị xã trong tầm tay", "Bao giờ cho đến tháng mười", "Cô gái trên sông"… cá biệt có phim truyện dài nhiều tập "Ván bài lật ngửa" gây được tiếng vang lớn. 

Các bộ phim này đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Cần phải nói rõ đây là các phim được sản xuất bằng kinh phí của nhà nước. Và chính thế nên khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều ngành sản xuất trong đó có điện ảnh bước vào hạch toán kinh tế, bầu sữa bao cấp được thắt lại thì điện ảnh bước vào thời kỳ khủng hoảng. 

Lúc này Nhà nước chỉ tài trợ một phần kinh phí. Số lượng phim truyện sụt giảm. Các hãng phim nhà nước sản xuất cầm chừng. Hệ thống rạp chiếu phim dần mất khán giả và một số rạp giải thể. Giai đoạn này bắt đầu nở rộ trào lưu sản xuất phim video và các nhà làm phim Việt kiều trở về nước tham gia sản xuất phim. Trong đó đạo diễn Hồ Quang Minh với "Con thú tật nguyền" là đạo diễn Việt kiều mở đầu trào lưu này.

Các bạn khán giả quý mến

Tôi ở trong ngành phim truyện truyền hình nên may mắn được tiếp xúc và làm việc cùng nhiều đạo diễn, nghệ sĩ điện ảnh. Thời của điện ảnh đương đại là lúc lên ngôi của nhiều người làm phim trẻ cùng với các đạo diễn đã thành danh của các thế hệ điện ảnh trước. Các đạo diễn này phần nhiều đều trưởng thành từ Hãng phim truyện Việt Nam. 

Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước điện ảnh Việt Nam loay hoay tìm hướng thoát khỏi khủng hoảng. Với chính sách xã hội hóa, tư nhân bắt đầu chiếm lĩnh thị trường ở cả điện ảnh lẫn truyền hình. Lúc này phim Việt phân tách rõ ràng thành các dòng phim đặt hàng và giải trí. 

Phim đặt hàng do Nhà nước tài trợ kinh phí để làm những phim kỷ niệm, phim chiến tranh và những đề tài xã hội. Tiêu biểu của dòng phim này là "Đời Cát" của đạo diễn Thanh Vân với những giải thưởng lớn trong liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương năm 2000. Đây cũng là một phim của Hãng phim truyện Việt Nam. Phim giải trí mang nặng tính thương mại và đây đa phần là phim do tư nhân thực hiện. 

Phải nói thật rằng phim đặt hàng với lối sản xuất truyền thống kèm bộ máy quản lý cồng kềnh kéo theo tư duy cổ điển không phát huy hết được thế mạnh thời cuộc. Đó là sự nhạy bén, nắm vững thị hiếu khán giả. Bởi vậy dù phim có mặt với không ít tài năng điện ảnh nhưng rút cục cũng không ra được rạp bởi khán giả thờ ơ. Đa phần các phim đặt hàng làm xong chiếu ít buổi rồi đắp chiếu trong kho. Có phim thậm chí không bán nổi vé trong khi tiền đầu tư là tiền tỷ. 

Phim giải trí với đề tài đa dạng dần chiếm lĩnh thị phần điện ảnh bất chấp dị ứng của các nhà điện ảnh chính thống. "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng là một minh chứng. Phim đạt kỷ lục ra rạp với doanh số cao chưa từng. Từ đây phim của các hãng tư nhân dần lấn lướt phim của các hãng nhà nước. Chỉ xét riêng trong lĩnh vực kinh tế cũng đủ thấy sự bất lợi của phim đặt hàng. 

Hãng phim nhà nước với hàng trăm nhân viên hưởng lương đương nhiên phải xẻ tiền đặt hàng cho phim để nuôi bộ máy. Kinh phí để quảng cáo truyền thông với phim đặt hàng cũng không có dẫn đến khán giả thiếu thông tin và sự thiếu quan tâm đến phim cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó tư nhân, bộ máy gọn nhẹ tất cả các khâu đều thuê làm nên chi phí trực tiếp cho phim được tập trung không bị chia năm xẻ bảy. Việc quảng cáo tiếp thị phim được đặt vào vị trí quan trọng với chi phí chiếm phần trăm không nhỏ trong dự toán phim. 

Đã thế phim tư nhân lại có được thế mạnh là hệ thống rạp chiếu. Các rạp quốc doanh dần thu hẹp lại mai một đi thì hệ thống rạp tư nhân càng ngày càng phát triển hiện đại. Trung tâm chiếu phim quốc gia có lẽ là nơi duy nhất còn ưu ái với phim Nhà nước nhưng cũng vẫn phải tuân thủ luật thương trường. Hệ thống rạp tư nhân hiện đại, năng động cùng với một vài hệ thống rạp nước ngoài đầu tư đã gần như hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường chiếu bóng.

Xóa bỏ bao cấp, cổ phần hóa các hãng phim nhà nước là bước đi tất yếu của điện ảnh. Thực tế với sự dàn trải bao cấp nhiều năm hệ thống điện ảnh đã tỏ ra nhiều bất cập. Với đơn vị chủ quản là Cục Điện ảnh, ngoài chức năng quản lý nhà nước còn có những mối quan hệ dích dắc trong đó sự xin - cho trong phê duyệt đặt hàng làm phim đã tạo ra lỗ hổng kinh tế mà đau đớn nhất là vụ nhân viên kinh tế của Cục tham ô nhiều tỷ đồng bỏ trốn gây ra những hệ lụy không nhỏ. Bởi thế cái sự trái khoáy một công ty vận tải đường sông lại là chủ sở hữu của Hãng phim truyện Việt Nam, con chim đầu đàn đáng tự hào của điện ảnh nước nhà suy cho cùng cũng là điều phải chấp nhận.

Điện ảnh Việt Nam đi về đâu? Chả có con đường nào khác. Phải tự thân vận động. Điện ảnh, bộ môn nghệ thuật thứ bảy dù mang đặc thù văn hóa nhưng tác phẩm điện ảnh cũng chỉ là một thứ hàng hóa phải tuân thủ quy luật thị trường. Một khi đã là thị trường thì sản phẩm tốt là sản phẩm được tiêu thụ và ngược lại. Sự cắt bỏ, đào thải những gì xưa nay đeo bám vào cơ chế tôi cho là cách tốt nhất để cơ thể của điện ảnh được lành mạnh. Cổ phần điện ảnh và tư nhân hóa, xã hội hóa điện ảnh hy vọng là hướng đi, là lời giải để có được sự bứt phá mới của điện ảnh Việt. Đồng nghĩa với những tác phẩm tốt ra đời.

Hà Nội 30/5/2016

Phạm Ngọc Tiến

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文