EURO 2016:

Chuyện chưa bao giờ kể về Ronaldo

14:56 21/06/2016
Cristiano Ronaldo có một thói quen rất đặc biệt. Đó là ai muốn phỏng vấn anh trong dịp ĐTQG thi đấu đều phải trả tiền. Bao nhiêu cũng được, miễn là có tiền. Ronaldo không cần tới những đồng xu còm ấy, nhưng anh muốn tri ân người cha đã khuất, người từng sống vật vờ như một bóng ma chỉ mong có chút tiền lẻ mua rượu – ông Jose Aveiro.


Cuộc trò chuyện của Ronaldo với Thompson, cây bình luận của ESPN ở trại huấn luyện của Bồ Đào Nha (BĐN) trong dịp EURO 2016 đã bắt đầu như thế. Thompson đưa Ronaldo đồng 1 euro, và Ronaldo ân cần đưa tay đỡ lấy tờ tiền có giá trị chỉ bằng quả táo mua ở Wall Mart.

Hôm nay, Ronaldo kể cho chúng ta nghe sự thật đằng sau thói quen lạ lùng này, và cũng là cuộc đời thăng trầm của gia đình anh. Đã có những ngày, Ronaldo nghĩ rằng mình sẽ chết trên sân bóng.

Chuyến tàu định mệnh

25/4/1974, sau nhiều ngày âm ỉ lên kế hoạch tác chiến, một nhóm sĩ quan trong quân đội BĐN nổi dậy, lật đổ chính quyền. Chế độ độc tài kéo dài cả thập kỷ về cơ bản là sụp đổ.

Nhà nước thuộc địa ở Angola trên lý thuyết không còn tồn tại. Nhưng bộ máy chính phủ mới, với dòng máu “chinh phạt” truyền từ đời này sang đời khác của phương Tây, không tránh khỏi vết xe đổ của chính quyền tiền nhiệm.

Ronaldo luôn yêu cầu người phỏng vấn trả phí trong mỗi dịp lên tuyển để nhớ về người cha đã mất.

5 tháng sau, tiểu đoàn 4910 được cử tới Angola trong những hy vọng cuối cùng hòng giành lại quyền kiểm soát Angola. Một người đàn ông từ tỉnh Madeira nghèo đói, tên Aveiro buộc phải nhập ngũ.

Tới Angole, tiểu đoàn nhanh chóng di chuyển về Luso, căn cứ quân sự còn sót lại của quân đội BĐN. Đội chia làm hai nhóm: Nhóm A ngăn ngừa những cuộc nổi loạn bên trong thành phố, nhóm B ngược về miền Tây áp tải chuyến hàng chở thực phẩm tiếp tế cho những chiến sỹ đang mài mặt trên chiến trường.

Aveiro, với chút ít kinh nghiệm phụ lái tàu được cắt cử dẫn đầu nhóm B. Phò tá của ông là người bạn nối khố Alberto Martins. Trên chiếc tàu mục nát có tốc độ tối đa chỉ 20km/h, tiếng xích bánh xe kêu lọc cọc, hai người lính tay phải cầm súng, tay trái vần vô lăng, miệng rít thuốc.

Suốt 3 tuần ròng rã, cuối cùng, họ cũng đưa được thực phẩm tới nơi đóng quân.

Một cuộc chiến vô nghĩa…

Trên miền tổ quốc, người dân Angola đã và đang âm thầm chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa. Ngọn lửa cách mạng chỉ chờ có dịp là sẽ bùng lên, nhấn chìm mọi nỗ lực cứu cánh của chính quyền BĐN. 

Lần đổ bộ quân sự này là nước đi sai lầm trên bàn cờ chính trị của chính phủ mới. Những người như Aveiro tới Angola chẳng vì lý tưởng cao cả nào. Họ đi vì buộc phải thế, đi vì chút trợ cấp của nhà nước.

Nhưng lúc vừa quay lại Luso, Aveiro mới nghiệm ra sau tất cả, tới Angola là quyết định sai lầm nhất đời ông. 3/500 lính bị giết, 1 người chết vì bệnh dịch, 1 người bỏ mạng vì tai nạn giao thông.

Phó đội trưởng đại đội 3 thậm chí bị người đưa tin thân cận bấy lâu nay bắn vào bụng, giờ nằm chờ chết. Đâu đó quanh đây, những người lính như Aveiro đã xác định tư tưởng. Một ngày nào đó, họ cũng ra đi mãi mãi – một kết cục không tránh khỏi.

Ronaldo luôn hy vọng con trai mình sẽ có một cuộc sống sung túc sau những gì đã trải qua trong quá khứ.

Khi tất cả đang đào hố, lo an táng cho những người bạn xấu số thì từ xa, đội dân quân tự vệ mới thành lập của nhà nước Cộng hòa Angola xuất hiện. Lựu đạn và bom mù ném tứ tung.

Aveiro vội chạy sâu vào rừng, thều thào trong hơi thở gấp: “Tới số rồi Alberto ơi”. Họ, những kẻ mạt vận, đã lóe lên suy nghĩ bán linh hồn cho quỷ dữ, chấp nhận đầu hàng vô điều kiện và chống lại… BĐN.

Điều kiện sống tồi tệ ấy ngày càng giống cơn ác mộng giữa trưa hè. Khi quay ra, lương thực không còn. Chiếc xe chở hàng biến thành bãi chiến trường. Lính nổi dậy Angola đã bắn nát hết chúng. Cái nào còn sót lại thì cũng biến dạng chẳng còn nguyên vẹn.

…và những quân nhân "vô dụng"

Aveiro kể lại hàng ngày, khẩu phần ăn của họ là… 1/4 cái bánh mỳ. Ai tiết kiệm, dè xẻn thậm chí còn nghiền vụn ruột bánh mỳ, rắc từng tinh thể lúa mạch qua vòm họng và cố níu giữ cái cảm giác ấy trong vài giây. “Chỉ để đỡ đói thôi”, Aveiro chia sẻ.

Tiếp nước là cách duy nhất giúp cơ thể chống suy nhược. “Hút nước từ sông vào Re-dơ-voi” đi, Aveiro hô hào đồng đội bằng chút tiếng Pháp kệch cỡm.

Nhưng tiểu đoàn 4910 chẳng thể hấp thụ giọt nước nào. Miền Nam châu Phi với khí hậu nóng ẩm quanh năm đẩy nhiệt độ của con sông lên cao. Nước dù đã qua công đoạn chắt lọc tạp chất cũng vẫn cứ nóng. Cơn khát luôn ngự trị trong tâm trí Aveiro.

Tài sản quý báu nhất của 4910 là chiếc tủ lạnh chạy tự chế chạy bằng xăng. Những két bia bản địa hiệu Cuca còn sót lại từ đám lính đi trước là nguồn vui của Aveiro và các đồng đội.

Ông Aveiro (trái) - cha của Ronaldo ngày còn đi lính ở Angola.

Xăng được rút ra từ xe quân sự, bơm vào ống dẫn giúp tủ lạnh hoạt động, giữ bia luôn mát mẻ. “Uống, uống đi nào”, gần nửa năm trời, những con người như Aveiro chẳng có lấy một phút tỉnh táo.

Họ vã bia như thể đấy là ngày cuối cùng còn sống trên đời. Ai nấy đều say xỉn. Nước sông chỉ dùng để tắm giặt, còn bia là nước lọc.

Đã từng có một chuyện khôi hài thế này ở trại lính Luso ngày ấy. Vào tháng 8, chính phủ BĐN cử máy bay tiếp tế lương thực cho tiểu đoàn đang chết dần chết mòn. Tất nhiên, cũng chẳng ai hiểu nổi tại sao, tới giờ phút ấy, các lãnh đạo mới nắm được tình hình ăn ở của anh em.

Nhưng không sao, có đồ ăn là tốt. Như thường lệ, Aveiro và Alberto nhận trách nhiệm lái xe đi lấy hàng. Ở băng sau là hai binh lính khác tay lăm le khẩu AK phòng trường hợp bị “úp sọt”.

Đi được nửa đường, bánh xe sa vào đầm lầy. Một vài dân thiểu số Angola tỏ ý muốn giúp đỡ. Song, 4 người họ chọn giải pháp “nằm im trên xe, uống bia và hít thở bầu không khí trong lành về đêm”. Cứ thế, phải tới sáng, Aveiro mới tỉnh giấc, dùng xà beng bậy bánh lên mặt đường.

Công việc chỉ tốn chừng mươi phút bị Aveiro trì hoãn ấy làm mất đi cơ hội nhận nhu yếu phẩm của một tập thể vài trăm con người đang “vêu mồm” đằng kia. Máy bay chờ 2 tiếng, không thấy bóng dáng chiếc xe do Aveiro cầm lái đâu bèn đi về.

Chiến tranh may mắn không tước đi sinh mạng của Aveiro. Nhưng nó tạo ra một Aveiro lười nhác, bệnh hoạn và mất phương hướng. Khi trở về BĐN, ông rơi vào cảnh thất nghiệp.

Chính quyền trong giai đoạn đổi mới muốn xóa bỏ tàn dư từ cuộc xâm lăng Angola. Vì vậy, những anh lính cướp chính quyền như Aveiro bị lãng quên. Nói cách khác, họ là những chiến sỹ “không tên”.

Học hành dở dang, chẳng biết làm gì ngoài đánh nhau, Aveiro lại uống. Ông uống lấy được, say thì đánh vợ, mệt lại nằm quay ra ngủ.

Trong bộ phim tài liệu Ronaldo phát hành về cuộc đời anh, có những trường đoạn khiến người xem không kìm nổi nước mắt. Ấy là cảnh Ronaldo, một cậu bé 7 tuổi, nước mắt giàn giụa đứng xem bố cầm bát đập thẳng vào đầu mẹ.

Năm 52 tuổi, Aveiro qua đời vì bệnh xơ gan cổ chướng tại London – trong căn biệt thự Ronaldo thuê dài hạn cho người cha của mình hưởng thụ những ngày cuối đời. Anh giận ông, nhưng không trách ông, vì trước khi tới Angola, Aveiro đâu phải người như thế.

Chính cuộc chiến phi lý, những quyết định khó hiểu của chính quyền cũ đẩy Aveiro vào con đường “sâu rượu”.

Từ đó, cứ mỗi lần trả lời báo chí trên tư cách đội trưởng ĐTQG, Ronaldo đều yêu cầu người đối diện “trả phí”. Bởi khi nhìn vào những đồng xu lẻ ấy, anh lại nhớ về người cha quá cố luôn ôm mộng mỗi đêm: “Sáng mai thức dậy, có tiền mua bia”.

Tiếng kêu cứu từ chính quốc

Khoảng 10 ngày trước, vào ngày tưởng niệm các chiến binh đã nằm xuống trên chiến trường Angola, hội cựu quân nhân Madeira tổ chức gặp mặt ở Liga dos Combatentes. Đây là kho vũ khí của quân đội BĐN trong những năm 60 thế kỷ trước, được cơi nới thành CLB hưu trí cho những người từng vác súng bảo vệ tổ quốc.

Vang đổ, bò bít tết được bày biện. Những lão thành cách mạng vừa ăn, vừa hàn huyên về chuyện xưa cũ. Bernardino Laureano, lính lê dương trong cuộc đô hộ Angola cũng được mời đến.

Ông uống vang rượu như thể đang uống nước lã, mặt đỏ phừng, mắt láo liên đảo khắp khán phòng. Hình như Laureano muốn tìm ai đó và cũng muốn đánh ai đó. “Thằng con của Aveiro đâu? Có phải nó rất nhiều tiền đúng không?”, trong cơn say, Laureano không nhớ tên Ronaldo.

“Tại sao nó nhiều tiền, giàu có mà không về đây bao giờ? Hay nó về mà tôi không biết? Chúng ta, cùng bố nó, anh Aveiro vào sinh ra tử biết bao trận, băng bó, bón từng miếng cơm cho nhau, chia nhau từng miếng nước, liệu nó có biết những điều ấy”, Laureano tiếp tục.

Sẵn đà, ông đạp phăng cửa phòng, hất cằm: “Đây, cánh cửa nafy luôn rộng mở, chào đón Ronaldo. Giờ, tôi chỉ chờ cậu ta đến đây. Không phải tôi ăn xin đâu, nhưng chúng ta cũng như Aveiro, là một phần máu thịt của đất nước này.

Và trên hết, chúng ta là những người bạn chí cốt của Aveiro. Liệu Ronaldo có nghe thấy tôi nói gì không? Tôi đang chờ câu trả lời của anh ta”, Laureano tuyên bố.

Cách đó 1.300km, tại Pháp, Ronaldo đang cố gắng chứng tỏ mình xứng đáng là cầu thủ của trận đấu lớn, nhất là sau trận hòa 1-1 thất vọng trước Iceland.

Đơn Ca

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文