Chuyện mua vai trong phim “Phượng Khấu”: Sự dễ dãi của phim Việt
Thật đáng tiếc, khi một dự án lớn được kỳ vọng lại vướng quá nhiều chuyện không đáng có. Tự hỏi, điện ảnh Việt làm sao có cơ hội phát triển với tư duy ăn xổi và manh mún như vậy.
Từ hy vọng đến… thất vọng
Tôi có nhiều dịp trò chuyện với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh về các đề tài văn hóa, lịch sử trong điện ảnh. Tôi hiểu, anh là một người tâm huyết và có nhiều dự định làm phim về đề tài này - một khoảng trống của phim Việt. Tôi cũng như nhiều phóng viên văn hóa chờ đợi “Phượng Khấu” với rất nhiều kỳ vọng.
Kỳ vọng bởi “Phượng Khấu” là dự án phim cung đấu Việt đầu tiên, được truyền thông bài bản và có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân…
Nội dung phim tái hiện lại lịch sử thời nhà Nguyễn, xoay quanh nhân vật chính là Phạm Thị Hằng, sau này là Hoàng thái hậu Từ Dụ, một trong những bà hoàng nổi tiếng nhất của triều Nguyễn.
Ngay từ khi ra mắt, "Phượng khấu" được người trong giới, khán giả chuộng phim cổ trang háo hức chờ đợi. Thế nhưng, dự án liên tục gây tranh cãi từ chuyện thay đổi diễn viên, đến kịch bản, bối cảnh...
Ngoài phần phục trang được chuẩn bị chu đáo, dàn diễn viên có được một số nghệ sĩ gạo cội, câu chuyện phim thể hiện khá nhàm chán. Dàn diễn viên chính lớn tuổi, kém tươi trẻ so với những quy chuẩn lâu nay trong mắt khán giả về cái đẹp trong phim cung đấu khiến phim không hợp "khẩu vị" người trẻ.
Bối cảnh nội quá nhiều lại giới hạn trong không gian hẹp, chủ yếu trong các phòng riêng, khiến người xem ngột ngạt trong khi kỹ xảo dựng bối cảnh 3D vẫn chưa đủ thuyết phục người xem.
Phim “Phượng Khấu” được chiếu trên ứng dụng POPS. |
Chưa hết, mới đây “Phượng Khấu” lại vướng chuyện lùm xùm về việc mua bán vai diễn. Nữ ca sĩ Như Phượng, người đóng Tam giai Đức Tần Thanh Huyền, tố đạo diễn hứa cho “đầu tư” cho vai nhỏ với khoản tiền 300 triệu, đến giờ tiền cát sê còn chưa nhận.
Kịch bản ban đầu thoại 3 câu, sau đó đạo diễn hứa hẹn, nữ diễn viên có 11 phân cảnh, cuối cùng “vai diễn” cũng trở lại gần như ban đầu. Ngày 4/5 vừa qua, Như Phượng đã gửi đơn kiện Công ty Đại Dương (đại diện pháp luật là đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lên Tòa án nhân dân quận 3, TP HCM liên quan đến chuyện công ty nợ tiền cát sê và bán vai cho cô với giá 300 triệu đồng.
Ngay sau đó, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã có những phản hồi phủ nhận lời tố của diễn viên. Anh cho rằng, việc mua - bán vai diễn là bình thường, Với “Phượng Khấu”, 300 triệu mà Như Phượng đóng góp chỉ là hợp đồng tài trợ chứ không phải mua bán vai, vì vai diễn trong “Phượng Khấu” phải có giá… hàng tỷ đồng.
“Trong nghề này, bán vai, mua vai là việc xảy ra hàng ngày, rất bình thường. Tôi nói thẳng luôn, sau chuyện Như Phượng, cả chục người inbox tôi hỏi mua vai. Tôi thề là mình không làm PR nhưng sự thật là cứ ồn ào thì lượt views “Phượng Khấu” lại tăng”.
Anh khẳng định sẽ kiện lại Như Phượng vì chị đơn phương phá vỡ hợp đồng. Anh nói: “Tôi nghĩ rằng, mọi người đều nhìn ra bản chất vấn đề. Sự vụ này mọi người biết từ ở hiện trường và những ai làm nghề đều biết đó là chuyện bình thường, chẳng có gì kinh khủng. Chúng ta cứ bị đạo đức giả.
Không có một ông đạo diễn nào chưa từng được chào mời bán vai. Vậy sao lại nói tôi? Tôi hơi tiếc là với chị Phượng, tôi nhận quá ít tiền. Thẳng thắn thì chị Phượng không thể cầm 300 triệu đi tham gia dự án nào có tầm như “Phượng Khấu” đâu”. Xem ra, thời đại đã thay đổi và cơ chế thị trường, tiền có thể mua được mọi thứ, kể cả những thứ tưởng như không thể mua bán, đó là những vai diễn.
Diễn viên Như Phượng (trái) trong phim “Phượng Khấu”. |
Sự dễ dãi của phim Việt
Theo như lời đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thì việc mua bán vai diễn là bình thường, thậm chí người ta có thể bỏ ra số tiền lớn để mua vai chính hoặc vai phụ chứ không chỉ là vai làng nhàng như diễn viên Như Phượng trong phim “Phượng Khấu”.
Dù sau này ra tòa sẽ phân xử như thế nào, thì “Phượng Khấu” và việc mua bán vai ấy cũng làm mất giá trị của “Phượng Khấu”, thậm chí hiện nay, nó đang bị khán giả tẩy chay. Điều này cho thấy một vấn nạn nhức nhối của phim Việt. Một đạo diễn được coi là tài năng và nhiều tâm huyết như Huỳnh Tuấn Anh cuối cùng cũng phải ngã giá cho tác phẩm của mình trước áp lực của đồng tiền.
Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên phim Việt vướng những chuyện lùm xùm như mua bán vai diễn hay đạo diễn quỵt tiền cát sê của diễn viên. Nhiều vụ lùm xùm nổi lên với mục đích PR cho phim, họ dùng mọi chiêu để khán giả chú ý và kích thích sự tò mò của đám đông. Còn với “Phượng Khấu”, nó phơi bày một góc khuất trong hậu trường của các nhà làm phim Việt.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. |
Thời nay, với công nghệ hiện đại, điện ảnh là một phương thức giúp tên tuổi các gương mặt mới, những hot boy, nam vương, hoa hậu định hình mình một cách rõ nét hơn trong thế giới showbiz. Vì thế, để được vào một vai diễn hứa hẹn nhiều người xem là cơ hội cho các diễn viên, nhất là các gương mặt mới. Tuy nhiên, họ phải hiểu rằng, nghệ thuật rất công bằng và cũng rất nghiệt ngã.
Mua vai để có cơ hội xuất hiện nhưng cùng với đó, họ cũng sẽ bị tước mất cơ hội nếu diễn viên không đủ thực lực và tài năng. Và những cái tên nhanh chóng nổi lên rồi cũng nhanh chóng lụi tàn trong guồng quay nghiệt ngã và cạnh tranh khốc liệt của thế giới showbiz. Nhìn đường xa, việc mua bán vai diễn, đối với diễn viên sẽ mất nhiều hơn được.
Còn với đao diễn, nếu coi việc mua bán vai diễn là chuyện bình thường, thì bản thân đạo diễn đã coi thường chính sản phẩm của mình. Như vậy, thử hỏi làm thế nào khán giả có thể tôn trọng. Có thể lượng view sẽ tăng, như đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói và trước mắt, họ sẽ đạt được những lợi ích về kinh tế. Nhưng một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, giá trị của nó chắc hẳn, không chỉ nằm ở lượng view và doanh thu mà nó đạt được.
Cảnh trong phim “Phượng Khấu”. |
Trong những vụ việc trên, trách nhiệm đầu tiên để dính lùm xùm mua vai diễn vẫn thuộc về đạo diễn. Để chứng minh thực tài, đạo diễn phải làm được phim hay. Còn nếu phim chưa hay, thì cũng phải lý giải vì sao để diễn viên phẫn uất, tố này tố nọ, vì sao họ không phục.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng: “Việc mua bán vai diễn là một vấn nạn đáng xẩu hổ và cần phải loại bỏ khỏi đời sống điện ảnh. Tôi nghĩ một đạo diễn thực thụ sẽ không bao giờ làm chuyện đó, bởi tìm được diễn viên phù hợp với nhân vật trong kịch bản, đối với anh ta là một sự may mắn lớn, nó sẽ quyết định 80-90% sự thành công của bộ phim này. Tuy nhiên có rất nhiều người đứng giữa đạo diễn và diễn viên, lợi dụng sự cung - cầu đó để kiếm chút lợi từ diễn viên mới vào nghề”.
Anh nhắn nhủ: “Các bạn diễn viên dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, hay luôn tự tin vào khả năng của mình và quyết tâm đi theo con đường diễn xuất bằng năng lực thực sự. Chúng tôi, những đạo diễn và nhà sản xuất luôn cần những bộ phim như thế, hãy dũng cảm và nắm bắt vai diễn của mình, còn nếu không đủ đam mê, tài năng thì không nên đi theo con đường này, bởi tấm huy chương luôn có hai mặt”.
Thật đáng tiếc khi một tác phẩm nghệ thuật đang bị biến thành một món hàng hóa của bán mua, đổi chác. Vai diễn, có lẽ, chỉ là một khâu trong món hàng đó. Nhưng nghệ thuật rất công bằng và khán giả thời nay cũng rất thông minh. Nếu đạo diễn lựa chọn cách tiếp cận khán giả như vậy, rõ ràng, anh ta đang tự tước đi cơ hội sống cho tác phẩm của mình.