Các họa sĩ lên tiếng trước vấn nạn tranh giả:

Cơ hội làm “sạch” thị trường Mỹ thuật Việt Nam?

16:13 24/03/2018
Đến bao giờ Việt Nam mới có một thị trường mỹ thuật khi nạn chép tranh càng ngày càng phức tạp, công khai. Nhiều vụ chép tranh đã bị phát hiện nhưng cuối cùng vẫn trôi vào lặng im. Câu hỏi, làm sao xử lý được nạn tranh chép ở Việt Nam vẫn chưa tìm được lời giải.

Mới đây nhất, họa sĩ Đặng Tiến đã bức xúc khi phát hiện tranh của anh bị bày bán công khai trên một trang web trong khi bức tranh đó anh đang treo ở nhà. Ngay sau khi các họa sĩ lên tiếng, trang xuongtranh.vn (địa chỉ tại E6- Phạm Hùng- Keangnam- Cầu Giấy) lập tức gỡ hết tranh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, họa sĩ Đặng Tiến vẫn chưa nhận được lời xin lỗi của chủ nhân trang web.

Bức tranh “Hai cô gái” của họa sĩ Đinh Quân bị sao chép.

Anh yêu cầu thu hồi toàn bộ tranh giả nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ những kẻ làm nhái. Tuy nhiên, có một thực tế là xuongtranh.vn không phải là địa chỉ duy nhất bán tranh giả, tranh chép. Ngay sau đó, họa sĩ Lê Thế Anh phát hiện ra tranh của anh cũng bị rao bán công khai tại một websize khác, xuongtranh netviet.com.

Trang này có đến 14 ngàn người thích và theo dõi, hoạt động có thâm niên và ngang nhiên, trong đó có tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Đinh Quân, Thành Chương, Lê Thế Anh. Thậm chí, xưởng tranh này còn công khai về việc chép tranh, làm tranh giả trên trang web của họ: “Nét đẹp trong những bức tranh luôn sắc nét hơn tất cả tranh vẽ khác cùng thể loại ngoài thị trường vì có đội ngũ họa sĩ chép tranh chuyên nghiệp theo từng thể loại. Giá tranh tại đây luôn là giá cạnh tranh vì chủ yếu bán hàng online nên giảm thiểu chi phí giá thành cho từng bức tranh”.

Vì sao tranh chép, tranh giả ngang nhiên tồn tại? Với những trang như netviet, lượng tranh bán ra của họ khá nhiều, thậm chí họ vừa khai trương thêm một đại lý Netviet Gallery ở 111 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội. Điều này được lý giải một phần do thị hiếu của công chúng. Họa sĩ Đào Hải Phong thẳng thắn: “Công chúng Việt không quan tâm đến thật hay giả nên có chỗ cho tranh giả phát tác”.

Không phải đến bây giờ, những sự việc ngang nhiên và vi phạm pháp luật này vẫn tồn tại công khai mà từ thời mở cửa, khi bắt đầu manh nha một thị trường tranh Việt, đã có những sự nhập nhằng giữa giả và thật như thế. Tôi tình cờ gặp một nhà sưu tập đến từ Tây Ban Nha, ông bị sốc khi tìm hiểu về thị trường tranh Việt.

Ông chia sẻ, ở đất nước Tây Ban Nha,  nếu có bất cứ ai phát hiện ra các gallery hay các cá nhân bán tranh chép, tranh giả, họ lập tức gọi điện cho cảnh sát, sau khi xác minh sự việc, chủ phòng tranh sẽ bị tù từ 1 đến 2 năm.

Những công việc này đều do cảnh sát văn hóa quản lý. Theo ông, ở Việt Nam có nhiều họa sĩ đương đại tài năng nhưng tranh giả tràn lan khiến những người sưu tập như ông khá ngần ngại khi quyết định bỏ tiền ra mua một tác phẩm.

Thực tế, rất nhiều vụ xâm phạm bản quyền tranh đến nay vẫn chưa có lời giải. Họa sĩ Thành Chương khá thất vọng khi câu chuyện của ông cách đây gần 1 năm đã “bắt tận tay, day tận mắt” người chép tranh trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”.

Tranh giả bán công khai trên mạng

Hội Mỹ thuật cũng đã vào cuộc, thế nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận gì. Theo họa sĩ Thành Chương, đây là một cơ hội để làm “sạch” môi trường mỹ thuật ở Việt Nam nhưng sự việc đã bị chìm xuồng.

Các họa sĩ mong muốn thành lập một ban chức năng để bảo vệ quyền lợi cho họa sĩ, xác lập bản quyền và phân xử quyền lợi khi tranh chấp. Theo luật sư Đinh Anh Tuấn, các họa sĩ nên lập nhóm hay trung tâm bảo vệ bản quyền giới họa sĩ tương tự như Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, thu lợi bất chính thì có thể khởi kiện lên tòa án và người vi phạm bị xử lý hình sự.

Liệu Hội Mỹ thuật và các họa sĩ có quyết liệt vào cuộc để góp phần làm “sạch” môi trường mỹ thuật ở Việt Nam? Nhưng có lẽ điều cần hơn, không chỉ là tiếng nói của người trong cuộc mà sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Cao hơn nữa, là ý thức tôn trọng các giá trị văn hóa, tôn trọng bản quyền sáng tạo của nghệ sĩ.

Họa sĩ Thành Chương: Đây là cơ hội để làm “sạch” thị trường mỹ thuật

Nạn tranh giả tồn tại 30 năm nay rồi, thiệt cho họa sĩ chỉ là nhỏ thôi nhưng nó ảnh hưởng đến cả nền mỹ thuật của đất nước. Từ lúc giá trị của nghệ thuật, của các tác giả tên tuổi được mọi người sưu tầm, gìn  giữ, dần dần người ta sợ tranh Việt Nam, các nhà sưu tập không dám mua nữa, hình ảnh mỹ thuật Việt Nam trở nên xấu xí, tồi tệ. Đó là cái giá đắt vô cùng. Chúng tôi muốn làm ra ngô ra khoai chuyện này nhưng rất khó khăn.

Chúng ta đã bỏ qua một cơ hội, khi phát hiện ra tranh giả trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, cả Hội đồng nghệ thuật Quốc gia đứng ra bảo vệ và khẳng định đó là tranh giả. Vụ việc đó, ai cũng nghĩ là may quá, chúng ta đã tìm đến nơi đến chốn rồi, tìm ra đường dây làm tranh giả rồi, không chỉ báo chí trong nước mà cả nước ngoài cũng lên tiếng. Thế nhưng, cơ hội đó trôi qua trong lặng im. Bây giờ là cơ hội thứ 2, liệu chúng ta có làm được gì không?

Họa sĩ Đặng Tiến: Cần dạy cho sinh viên mỹ thuật về đạo đức nghề nghiệp

Cuối những năm 1990, tranh của tôi đã bị một cơ sở bên Gia Lâm chép, họ còn đưa lên tivi quảng cáo về xưởng tranh của mình. Trong triển lãm cá nhân năm 1998, tranh của tôi cũng bị chép. 

Vụ việc gần đây nhất là tranh của tôi bị chép và bán trên mạng với giá rẻ giật mình. Tôi nhớ tác phẩm “Trong vườn chuối” của họa sĩ Nguyễn Sáng đang treo tại đại lý tàu biển Việt Nam, thế mà “từ đâu” lại thấy được bày tại một triển lãm.

Việc nhái tranh, làm giả, chép tranh ngày càng phức tạp, tràn lan, công khai. Tranh chép ảnh hưởng đến thị trường mỹ thuật Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng để bảo vệ sự phát triển mỹ thuật Việt Nam, vì nạn tranh giả ảnh hưởng trầm trọng đến họa sĩ và các nhà sưu tập. Điều tôi muốn nói ở đây là, lực lượng chép tranh chủ yếu là sinh viên mỹ thuật. Vì thế, các trường Mỹ thuật cần dạy cho sinh viên đạo đức nghề nghiệp, họ phải biết xấu hổ khi đi ăn cắp trí tuệ của người khác.

Họa sĩ Phạm An Hải: Cần có những quy định cụ thể về việc chép tranh theo nguyên tắc quốc tế

Tranh của tôi bị làm giả rất nhiều, tôi còn biết đối tượng làm giả tranh của mình nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lời xin lỗi chính thức nào. Khá nhiều họa sĩ trẻ chép nhái tranh của tôi, tranh vừa đưa lên facebook họ chép nhái ngay, ký tên của họ, chép khoảng 70-80%. Khi tôi lên tiếng họ nói tranh này do họ vẽ cách đây 5-7 năm về trước.

Đó là thực trạng tồi tệ của nền mỹ thuật Việt Nam. Các nhà sưu tập hoang mang khi đầu tư, sưu tập tranh của họa sĩ. Mong muốn của tôi là anh em họa sĩ thảo luận với nhau đề ra phương hướng giải quyết vấn nạn này. Chúng ta có thể bầu ra ban chức năng cùng với Hội Mỹ thuật bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ, xác lập bản quyền cho tác giả.

Các đơn vị làm tranh phiên bản phải được cấp phép, chứ bây giờ không có quy định nào hết, không ai đứng ra quản lý. Phải có những quy định cụ thể cho việc sao chép theo đúng nguyên tắc quốc tế, không được chép đúng bản gốc, không ký tên tác giả. Đây họ làm bừa, làm giả chứ không phải chép, là lừa đảo. Người sưu tập chịu thiệt hại nhiều vì bỏ số tiền thực mua sản phẩm giả.

Họa sĩ Đào Hải Phong: Công chúng không thiết tha với đồ thật

Câu chuyện tranh của tôi bị chép rất cũ nên tôi không còn xúc cảm gì với nó nữa. Đây là một cơ hội cho nền mỹ thuật Việt Nam có một thị trường trong nước. Cách đây 20 năm, có một số khách nước ngoài làm thức tỉnh hội họa Việt Nam. Lúc ấy đã xuất hiện có tranh nhái theo họa sĩ thành công thời đổi mới. Tôi chứng kiến nhiều chuyện nực cười từ thời đó. Khách nước ngoài rất tinh, xuất hiện nhái lại là họ chán.

Khi chúng ta được thế giới đánh giá, cảm tình, chúng ta đã cho họ những cái tát đau đớn, họ chán và hệ lụy của nó là 5-7 năm gần đây, thị trường mỹ thuật xuống kinh khủng. Họa sĩ khó bán được những tác phẩm do chính mình vẽ ra. Vài ba năm gần đây, có một số nhà sưu tập trong nước sưu tập tranh của họa sĩ Đông Dương và họa sĩ đương đại, nhưng tranh giả làm mọi thứ trở nên lộn xộn.

Tôi đã tiếp xúc với những người treo tranh giả của tôi, thú thật công chúng của ta cũng không tha thiết với đồ thật lắm đâu. Họ chỉ cần thứ na ná, giống cái thật là thỏa mãn rồi, điều đó rất nguy hiểm. Chúng ta quen với đời sống hàng giả rồi. Vì thế, bản thân các họa sĩ cũng bất lực.

Trên thế giới, thị trường chép tranh vẫn tồn tại. Tôi có xem một bức tranh nổi tiếng của Trung Quốc được chép mà không phát hiện ra. Họa sĩ còn sống có thể duyệt những người chép tranh cho mình. Phải là người chép tay nghề siêu hạng và được chế tài cho phép bao nhiêu bản, đây là phiên bản số bao nhiêu, người họa sĩ cũng được hưởng lợi từ sản phẩm bán ra, như chúng ta vẫn mua được những phiên bản “Người đàn bà xa lạ”… Còn chúng ta, không rành mạch được các hiện trạng đó trong xã hội, hỗn độn giữa thật và giả làm cho nền mỹ thuật lụi tàn. Thế hệ sau sẽ nản.

V.Hà

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文