Cơ hội thay đổi cho bóng đá nữ Việt Nam

09:15 05/07/2019
Chiều 2-7 tại Hà Nội, lễ ký kết hợp đồng giữa Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã diễn ra. Vinamilk là nhà tài trợ cho đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia, các đội tuyển U22, U23, Olympic trong giai đoạn 3 năm từ 2019 đến 2022. Đây có thể là cơ hội lớn để giúp bóng đá nữ Việt Nam có sự thay đổi tích cực.

Nỗi buồn bóng đá nữ

Việc so sánh giữa mức thu nhập, đãi ngộ giữa các cầu thủ nam và nữ không còn là câu chuyện mới. Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới, các nữ cầu thủ đều chịu không ít thiệt thòi so với các đồng nghiệp nam khi chấp nhận theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số.

Ngay cả tại Mỹ, nơi bóng đá nữ có sự phát triển mạnh nhất, bất công cũng là điều không thể tránh khỏi trong phép so sánh này. Ngay trước kỳ World Cup 2019 (mà ĐT Mỹ đã lọt vào trận chung kết), các ngôi sao như Alex Morgan, Megan Rapinoe và Carli Lloyd  đã gửi đơn kiện LĐBĐ Mỹ với yêu cầu được đối xử công bằng với các đồng nghiệp nam. Nên nhớ rằng so với các quốc gia khác, các nữ cầu thủ Mỹ có thu nhập trung bình vào loại hàng đầu.

Hợp đồng mới ký với Vinamilk là cơ hội phát triển cho bóng đá nữ Việt Nam.

Những con số không biết nói dối. Tổng tiền thưởng cho 24 đội dự World Cup nữ năm nay là 30 triệu USD, gấp đôi so với năm 2015 (đội vô địch Mỹ chỉ nhận 2 triệu USD), quá nhỏ bé so với con số 400 triệu USD tại World Cup 2018 ở Nga.

Như vậy, số tiền dành cho World Cup nữ chỉ chiếm 7,5% so với các đồng nghiệp nam. Trong tương lai gần, cán cân vẫn sẽ rất chênh lệch khi số tiền thưởng cho World Cup 2022 tại Qatar dự tính sẽ tăng lên 440 triệu USD. Theo Hiệp hội cầu thủ Australia, với tỷ lệ tăng như hiện nay, phải… 20 năm nữa, tức là khoảng năm 2039 may ra mới có sự cân bằng về tiền thưởng giữa World Cup nam và World Cup nữ.

Trên thế giới, những phong trào đòi hỏi sự công bằng giữa bóng đá nam và bóng đá nữ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Các cầu thủ nữ không chỉ yêu cầu một mức thu nhập tương xứng với sự hi sinh và cống hiến của họ, hơn thế nữa là một cách đối xử công bằng của những tổ chức lãnh đạo bóng đá quốc gia cũng như thế giới.

Và hiệu quả từ những phong trào này cũng đã được ghi nhận. Tất nhiên, quốc gia khởi đầu là Mỹ, nơi có hơn một nửa số cầu thủ nữ đang chơi bóng trên thế giới. Trước mắt, những nữ tuyển thủ hàng đầu ở Mỹ hứa hẹn sẽ có khoản thu nhập đáng kể nhờ Luna Bar, đơn vị tài trợ 718.750 USD để mỗi cầu thủ của đội nữ xứ cờ hoa dự World Cup sẽ đút túi 31.250 USD, tương đương với đội nam.

Nhìn ra thế giới để nhìn ngược lại Việt Nam, có vẻ như phong trào đòi công bằng của các cô gái đá bóng chưa thể nhen nhóm thành một ngọn lửa lớn. Với đặc thù văn hóa Á Đông, nơi phần lớn các bậc phụ huynh chưa thể vui vẻ chấp nhận con gái của họ thay vì có những thú vui nữ tính lại hùng hục đuổi theo quả bóng trên những mảnh sân đầy nắng gió, việc được theo đuổi đam mê đã là hạnh phúc. Dù có thu nhập thấp hơn các đồng nghiệp nam đến vài chục lần, hầu như rất ít trường hợp các nữ cầu thủ chủ động nói về những thiệt thòi của mình.

Điều đáng trân trọng là dù gặp rất nhiều khó khăn, bóng đá nữ Việt Nam vẫn giành hàng loạt vinh quang. Nhiều cầu thủ nữ xem việc họ phải gặt hái thành công trên sân cỏ như một lẽ đương nhiên khi khoác lên mình sắc áo đội tuyển, không hề có tâm lý ngại khó, ngại khổ, cũng chưa bao giờ họ tự so sánh điều kiện của họ với các đồng nghiệp nam.

Họ âm thầm cống hiến và chấp nhận, nhưng những gì diễn ra trong vài năm trở lại đây có thể là một dấu hiệu tích cực với các cô gái theo đuổi sự nghiệp chơi bóng.

Sức mạnh của đồng tiền

Khác với những đồng nghiệp nam có thể kiếm vài chục triệu từ tiền lương, vài tỷ tiền lót tay chuyển nhượng và cả thu nhập thêm từ quảng cáo, làm gương mặt đại diện nếu có danh tiếng (như các thành viên của U23 Việt Nam giành ngôi á quân châu Á ở Thường Châu); nguồn thu của các cầu thủ nữ eo hẹp hơn rất nhiều.

Chỉ khi mức thu nhập tăng lên, các cầu thủ nữ mới yên tâm cống hiến cho đam mê.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Than khoáng sản Việt Nam là 3 đội bóng đá nữ có mức đãi ngộ vào loại tốt nhất thì mức lương trung bình mỗi cầu thủ ở các đội bóng này là 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Những đội bóng có kinh phí ít hơn như Thái Nguyên hay Phong Phú Hà Nam thì chỉ đủ sức trả cho các thành viên mức lương 2 đến 3 triệu. Như vậy, mức thu nhập của các cầu thủ nữ nếu đơn thuần chỉ dựa vào lương là dưới cả mức trung bình thu nhập của người Việt Nam.

Giải VĐQG nữ đang được tài trợ bởi Thái Sơn Bắc, doanh nghiệp đã đồng hành 8 năm với giải đấu. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng đây là sự tài trợ mang nặng tính đóng góp, cống hiến cho xã hội hơn là một thương vụ làm ăn tính chất win-win (2 bên cùng có lợi), bởi nguồn thu từ giải đấu gần như bằng 0.

Các sân bóng thiếu vắng khán giả, hoạt động truyền thông không mấy hiệu quả khiến cho các trận bóng đá nữ thường diễn ra trong cảnh đìu hiu. Sự phát triển của mạng xã hội vài năm trở lại đây cũng đem đến cho các nữ cầu thủ sự cảm thông lớn hơn từ cộng đồng. Nhưng những lời kêu gọi, nhất là sau những thành công nào đó, không bao giờ thiết thực bằng hành động cụ thể. Đơn giản, "có thực mới vực được đạo"!

Lôi kéo thêm những nhà tài trợ và thương mại hóa giải đấu là con đường duy nhất để cải thiện tất cả mọi mặt của nền bóng đá nữ Việt Nam, từ chất lượng sân bãi, chất lượng chuyên môn cho đến mức thu nhập của các cầu thủ. Đó chắc chắn là một bài toán không hề đơn giản.

Sự xuất hiện của Vinamilk vì thế càng trở nên đặc biệt ý nghĩa. VFF trong vài năm vừa qua đã có những sự cố gắng nhất định, trong đó đáng chú ý là việc tài trợ toàn bộ sinh hoạt phí cho các đội U14, U16 nữ quốc gia luyện tập ở các trung tâm đào tạo trẻ. Cần ghi nhận rằng đó là một nỗ lực vượt bậc trong điều kiện hiện tại, nhưng có thêm những khoản thu khác rõ ràng mang tính cấp bách với một nền bóng đá đã tiệm cận trình độ World Cup để hiện thực hóa các kế hoạch ngắn hạn lẫn dài hạn.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là việc cải thiện mức thu nhập cho các nữ cầu thủ. Chỉ khi họ có thể yên tâm với cuộc sống và toàn tâm toàn ý cho bóng đá, sức mạnh của đội tuyển mới có thể được nâng lên.

Chỉ khi không còn những trường hợp nữ cầu thủ phải ra đường bán rau, bán bánh mỳ hay một nhà vô địch Sea Games không có nổi 100 triệu để phẫu thuật cho mẹ, chúng ta mới có thể mơ đến giấc mơ World Cup, như những gì đang diễn ra trên đất Pháp mùa hè này.

Đội tuyển nữ Việt Nam bắt đầu tham dự các giải đấu khu vực kể từ SEA Games 19 ở Indonesia năm 1997. Đội đã 5 lần vô địch SEA Games (2001, 2003, 2005, 2011 và 2017), 2 lần vô địch Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á (các năm 2006 và 2012) và thành tích tốt nhất là lọt vào bán kết Asian Games 2014.

Dù có thành tích chung tốt hơn các đội tuyển nam nhưng khoản tiền thưởng cho đội nữ luôn thấp hơn. Một ví dụ cụ thể là việc ĐT nữ Việt Nam chỉ được thưởng 1 tỷ đồng cho vị trí á quân tại AFF Cup 2016, chỉ bằng 1/3 tiền thưởng của U23 Việt Nam cho chiếc huy chương Đồng ở SEA Games 1 năm trước đó.

Một trong những vấn đề lớn của bóng đá nữ Việt Nam là xây dựng lực lượng kế cận. Với mức đãi ngộ thấp như hiện tại và những định kiến phân biệt giới ăn sâu trong cuộc sống, việc chọn lọc các tài năng tương lai tương đối khó khăn dù VFF đã có những nỗ lực (chi trả sinh hoạt phí, tổ chức lớp học văn hóa cho các nữ cầu thủ U14, U16).

Mô hình đào tạo nữ cầu thủ trẻ của Mỹ có thể là một kinh nghiệm quý báu cho VFF, tất nhiên với quy mô và hình thức phù hợp với Việt Nam hơn. Hiện tại ở Mỹ có khoảng từ 400 đến 500 đội bóng trẻ cho các cầu thủ nữ từ 18 đến 22 tuổi. Họ đào tạo các nữ cầu thủ từ độ tuổi thiếu nhi trong các trường học và lên đến cấp độ đại học. Năm 1972, Mỹ ban hành điều luật mang tên gọi "Title IX" bắt buộc các trường đại học phải có chương trình thể thao dành riêng cho nữ. Hiện tại, nguồn cầu thủ nữ từ các trường đại học luôn đảm bảo chất lượng cho giải nhà nghề Mỹ và ĐTQG.

Do đó, cái bắt tay giữa Vinamilk với VFF không chỉ mang giá trị kinh tế đơn thuần. Đây còn là một cơ hội phát triển mang tính nền tảng cho bóng đá Việt Nam, trong đó có bóng đá nữ.

Cẩm Chi

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文