Việt hóa kịch bản phim nước ngoài: Còn đó những băn khoăn

16:07 17/10/2018
Chính sự yếu, thiếu đội ngũ biên kịch đã là nguồn cội của hiện tượng các nhà sản xuất trong nước nhiều năm nay đã phải chọn mua những kịch bản hay của những bộ phim ăn khách của các nước để Việt hóa.


Chưa bao giờ ở nước ta có nhiều kênh phát sóng như hiện nay. Ngoài 63 tỉnh, thành có Đài Truyền hình, các kênh Quốc gia và Bộ, ngành có đến hàng trăm kênh khác nhau. 

Để đáp ứng nội dung phát sóng 24/24 mỗi ngày, hầu như đài nào cũng có thời lượng chiếu các phim truyện. Những bộ phim dài tập từ nhiều quốc gia đang tràn ngập không gian văn hóa Việt. 

Đề tài thì muôn vàn, từ cổ tích, cổ trang, huyền thoại, viễn tưởng, hư cấu cả về lịch sử và tương lai, đến hình sự và tình cảm, trinh thám và tâm lý… Không phải phim nào cũng mới, nhưng cũ người mà mới ta, nhất là loại phim tâm lý - tình cảm. Có những bộ phim trên nghìn tập. Đó là hệ quả tất yếu của việc phát triển các cở sở hạ tầng chuyển tải không đi đôi với chuẩn bị lực lượng sáng tác, sản xuất và sáng tạo nội dung chương trình.

Đội ngũ tác giả kịch bản yếu

Cũng giống như trong kinh tế, việc mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế là xu thế tất yếu. Nhờ đó, người dân nước ta luôn có điều kiện tiếp nhận và sử dụng những thành quả kinh tế, văn hóa mới nhất của thế giới. Nhưng, nếu trong lĩnh vực kinh tế, câu chuyện chỉ là lợi ích vật chất thì trong văn hóa, giao lưu mà không có chiến lược giữ gìn, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, sớm muộn sự phát triển đất nước sẽ gặp khủng hoảng khó lường.

Những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, các phương tiện kỹ thuật chuyển tải thông tin, đặc biệt lĩnh vực truyền thông, truyền hình, điện ảnh, một số lĩnh vực đã đạt trình độ quốc tế. 

Nhưng các cơ sở đào tạo nhân tài và nhân lực sáng tạo văn học nghệ thuật thì hầu như vẫn của thế kỷ trước. Hai Đại học Sân khấu - Điện ảnh cấp quốc gia ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhìn từ trang thiết bị đến quy mô tổ chức, và nhất là đội ngũ giảng viên thì quá lo lắng. Không chỉ thiếu người có học vấn đủ bằng cấp, mà trình độ và tài năng nhiều người đứng lớp thật đáng ái ngại. 

Lực lượng đầy tiềm năng là các nhà văn - mà chỉ riêng số hội viên đã hơn nghìn người, vẫn thiếu một chủ trương đầu tư, bồi dưỡng, để khuyến khích họ tham gia vào khâu quan trọng nhưng yếu nhất hiện nay của cả điện ảnh và phim truyện truyền hình là kịch bản. 

Về mặt kinh tế, đến nay hầu hết các nhà thơ chỉ in được 500 bản, chủ yếu để tặng, truyện và tiểu thuyết vẫn nằm ở con số trên dưới 1.000, với số nhuận bút còm cõi. Nghĩa là nếu chỉ làm một nghề, thì không thể hy vọng đủ sống. 

Trong khi, nếu viết được một kịch bản phim truyền hình nhiều tập thì nhuận bút mỗi tập đã xấp xỉ một tiểu thuyết mà thời gian đầu tư có khi vài ba năm. Hầu như ai tham gia sáng tác cũng mong mỏi tác phẩm của mình tới với công chúng rộng rãi. Vậy mà ở một đất nước có dân số đã gần 100 triệu, nếu kể cả gần 5 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, thì chỉ với số bản in 500 đến một vài nghìn cho một tác phẩm. 

Văn học Việt Nam đang mất dần vị trí hạt nhân của văn hóa dân tộc. Bây giờ mà yêu cầu kể lấy tên mươi nhà văn mà tác phẩm vừa in được đông đảo bạn đọc tìm kiếm chắc không dễ, dù đầu sách xuất bản không ít. 

Rõ ràng chúng ta đang thiếu một bàn tay tổ chức để tập họp, huy động lực lượng vốn có năng lực sáng tạo tham gia các lớp tập huấn, học tập trong và ngoài nước để nắm được những kỹ năng cần thiết của khâu biên kịch.

Không hy vọng nhà văn nào cũng có thể thành nhà biên kịch. Nhưng tài năng nền tảng khi sáng tác sẽ là một lợi thế để khi có cơ hội tham gia làm một nhà biên kịch. Đây là một công việc thuộc trách nhiệm Nhà nước. 

Cứ nhìn sang khu vực thể thao đỉnh cao, khâu tuyển chọn, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, thi đấu ở trong nước và ngoài nước, với nguồn kinh phí không hề nhỏ, mà chỉ đạt những thành tích rất khiêm tốn, thì thấy trong cùng một Bộ, mà ngành Văn hóa hình như lép vế hẳn.

“Người phán xử” - một bộ phim Việt hóa ăn khách.

Việt hóa kịch bản nước ngoài ồ ạt

Chính sự yếu, thiếu đội ngũ biên kịch đã là nguồn cội của hiện tượng các nhà sản xuất trong nước nhiều năm nay đã phải chọn mua những kịch bản hay của những bộ phim ăn khách của các nước để Việt hóa. 

Danh mục những bộ phim nhiều tập đó khó mà kể hết. Những tên phim như “Cô gái xấu xí”, “Đam mê nghiệt ngã”, “Váy hồng tầng 24”, “Tuổi thanh xuân”… khuấy động một thời, và gần đây là “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Cả một đời ân oán”… đều là những phim Việt hóa được coi là thành công.

 Đến như “Em chưa 18”, phim chiếu rạp được làm lại của Hàn Quốc cũng làm nên một kỷ lục về doanh thu khi vượt con số 100 tỉ. Trong khi những phim điện ảnh Việt mấy năm gần đây thu hồi đủ vốn hoặc có lãi không nhiều.

Thật ra, việc mua kịch bản phim hay nước ngoài để về làm lại không phải là hiện tượng cá biệt trong giới làm phim quốc tế. Ngay cả với các nước có nền biên kịch phát triển. Những ngày đầu làm phim Việt hóa, lo nhất là sự chênh lệch về đẳng cấp đạo diễn, diễn viên, thiết bị kỹ thuật, quay phim. Nhưng hiện nay, điều đó không còn là nỗi lo nữa. 

Đối với các phim tình cảm, tâm lý, việc Việt hóa chỉ cần làm kỹ lưỡng là người xem thấy gần gũi. Vì nói cho cùng, dù ở nước nào thì người dân vẫn đối diện với nhiều tình huống trong cuộc sống không khác nhau bao nhiêu. Những nét gợn về tâm lý nhân vật được tự cắt nghĩa là dấu ấn riêng của nơi kịch bản xuất xứ. 

Đến loại phim hình sự, như “Người phán xử”, lúc đầu khán giả thích nhưng vẫn phân vân: Liệu những tổ chức tội phạm quy mô về số lượng và tàn ác như thế có tồn tại ở nước ta hay không? 

Nhưng rồi càng xem, hầu như ai cũng hiểu đây chỉ là những tình huống và nhân vât hư cấu, mà hồi hộp xem cách thức tác giả và các diễn viên xử lý các tình huống cụ thể như thế nào, không còn tâm lý lấy sự thật đời sống đo đếm những gì diễn ra trên màn hình nữa.

Cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng” một bộ phim Việt hóa được khán giả Việt yêu thích.

Nhưng hình như đến bản Việt hóa “Hậu duệ mặt trời” đang phát sóng trên kênh VTC3, và một số kênh trực tuyến, vào các tối thứ bảy, chủ nhật và thứ hai thì đã đặt ra nhiều vấn đề khác. Đó vốn là một phim ăn khách của điện ảnh Hàn Quốc, ca ngợi người lính và những mối tình đẹp của lớp trẻ hôm nay. 

Một bộ phim thành công, được nhiều nước công nhận, không chỉ chiếu lại mà nhiều nước còn mua bản quyền để sản xuất. Bởi ở kịch bản này, nữ tác giả đã tạo ra một tình huống giả định, với một xứ sở giả định, nhưng người lính là của Hàn Quốc  đã thể hiện những phẩm chất cao quý của họ trong nghĩa vụ đối với Tổ quốc và nhân dân.

Vẫn biết là giữa một quân đội bách chiến như quân đội ta với muôn vàn chiến công huyền thoại mà so với bất cứ quân đội nào cũng khập khiễng. Nhưng thực tế là cho đến nay, thống lĩnh trên màn hình vẫn là anh bộ đội những năm tháng chiến tranh. 

Mấy năm gần đây thì loạt phim “Cảnh sát hình sự”, với nhiều tập  phim hấp dẫn xây dựng được nhiều hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND đương thời. 

Nhưng hình ảnh người lính trẻ, đang bảo vệ biên cương, biển đảo và sự bình yên cho đất nước thì quá thưa vắng trong các bộ phim nghệ thuật. Đây có lẽ là động lực để các nhà sản xuất mạnh dạn mua bản quyền, quyết Việt hóa và khẩn trương sản xuất, trong điều kiện kinh phí cao nhất có thể.

Những gương mặt sao Việt trong phim “Hậu duệ mặt trời”.

Nhưng nhiệt tình và tâm huyết của những người làm phim chưa phải là đảm bảo chắc chắn cho thành công. Những tập phim đầu khi phát sóng, nếu được đông đảo người xem chờ đợi thì cũng ngay lập tức dậy sóng với những dư luận trái chiều. 

Trên nhiều kênh thông tin, dư luận xuất phát từ nhiều quan điểm và cả lập trường khác nhau. Quân đội chúng ta là nhất, là số một, sao phải đi mua kịch bản của quân đội một nước mà ở đó họ chưa có chiến thắng nào? Trả lời câu hỏi này là nhiệm vụ chung của cả nền văn nghệ, trong đó có những cơ quan chủ quản về văn nghệ của Quân đội. 

Vấn đề ở đây chỉ là, trong kịch bản này, các tác giả đã dùng những tình huống giả định, đặt vào đó những người lính trẻ và bạn bè cùng thế hệ, để tạo ra những nhân vật có phẩm chất cao, có kỹ năng chiến đấu tốt, chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí có người phải hy sinh, được người xem cảm phục, yêu mến. 

Ê kíp làm phim đã làm tất cả để truyền đạt tình cảm đó đối với người xem trong nước, đặc biệt là các bạn trẻ, để có lòng yêu nước, và có ao ước được là những người lính như họ. 

Nhiều nhược điểm, thiếu sót trong dàn dựng, tổ chức đội hình, trang phục, lễ tiết đã là những điều được dư luận quan tâm góp ý nhất. Nhưng ở đây, lại có sự khác biệt: Đã là phim Việt hóa thì nhân vật không thể mặc trang phục quân đội nào khác. 

Nhưng vốn kịch bản gốc đã là những tình huống giả định, công việc, nhiệm vụ, địa điểm đều là giả định, nên rất khó đem đối chiếu với những hoạt động cụ thể của Quân đội hiện nay, để phân đúng sai. Thế mới thấy, khi chọn một kịch bản dẫu hay của một quân đội khác, đặt hình ảnh người lính quân đội nhân dân Việt Nam vào vẫn thấy lộ ra nhiều điều bất cập. 

Ngay ở Hàn Quốc, dù được dàn dựng với sự  hỗ trợ tối đa của quân đội và Nhà nước, khán giả, đặc biệt là trong quân đội cũng có những phản ứng không hoàn toàn hài lòng. Nhưng mọi tác phẩm nghệ thuật đều có số phận như thế.

Hy vọng “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt với những thành công và hạn chế của nó, sẽ để lại một dư âm tích cực. Không lý gì, với một đội quân anh hùng với bao chiến công hiển hách, mà những nhà tổ chức của văn hóa văn nghệ nước nhà hôm nay không đầu tư để có những tác phẩm xứng đáng? 

Trong nhiều comment trên mạng, có một câu này tôi nghĩ có thể động viên được những người làm phim Việt: “Khen chê gì cũng được, nhưng hãy để yên cho hàng ngàn chiến sĩ Trung đoàn  tôi được hồi hộp theo dõi hình ảnh những đồng đội chúng tôi, những người lính trẻ Việt Nam đang sống, luyện rèn và chiến đấu, chứ không phải chỉ lính Mỹ, lính Hàn, lính Trung Quốc như lâu nay tràn ngập trên màn ảnh…”. 

Vĩnh Hoàng

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文