Con đường nào cho phục trang phim lịch sử?

15:57 09/11/2015
Dù chưa ra rạp, nhưng bộ phim lịch sử nhà nước đặt hàng "Mỹ nhân"của đạo diễn Đinh Thái Thụy đang lặp lại những lỗi về trang phục, một vấn đề tồn dư của phim lịch sử Việt. Vì sao những vấn đề được coi là căn cốt lại luôn lặp lại những sai sót không đáng có như thế. Và đến bao giờ, chúng ta mới thực sự có những bộ phục trang thuần Việt cho điện ảnh?
"Mỹ nhân" của đạo diễn Đinh Thái Thụy lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam thời Trịnh Nguyễn-một giai đoạn vẫn còn khá nhiều cứ liệu lịch sử nên không thể lấy lý do thiếu cứ liệu để thiết kế phục trang bao biện cho những sai sót trong phim. Trong trailer giới thiệu, trên áo của một vị quan do diễn viên Châu Thế Tâm đóng có hình một con sư tử trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Wast Disney "The lion King".

Rồi cách thiết kế ống tay áo, hình các con vật trên áo đều gặp phải những phản ứng từ khán giả và giới nghiên cứu. Phim đã đóng máy và chuẩn bị ra mắt khán giả vào tháng 11. Đạo diễn Đinh Thái Thụy, với tinh thần cầu thị vẫn khẳng định rằng, mục đích của phim là truyền tải văn hóa nên ê-kip ý thức rõ phải tôn trọng lịch sử. Trang phục của "Mỹ nhân" đã được nghiên cứu qua nhiều tài liệu lịch sử.

"Về con sư tử có trên ngực áo của diễn viên là không sai, nó đúng với phẩm hàm được quy định trên Bổ Tử trang phục của quan lại thời Chúa Nguyễn, thế kỷ 17. Nếu có sai sót ở đây là hình mẫu con sư tử mà người nghệ nhân thêu của tổ phục trang đã làm ẩu". Anh nói.

Họa tiết hình sư tử Lion King trên áo quan thời Trịnh Nguyễn.

Đạo diễn này cũng lý giải nguyên cớ vì sao các phim lịch sử Việt luôn gặp phải vấn đề về phục trang: "Ngoài những khó khăn về nguồn sử liệu hạn hẹp, bối cảnh, phục trang, đạo cụ đã mai một nhiều. Tỉ lệ phim được làm về đề tài lịch sử là quá ít ỏi, dẫn đến công nghệ làm phim cổ trang nghèo nàn. Các nhà làm phim thường phải liệu cơm gắp mắm với những đề tài như thế này. Tuy nhiên, điều cốt lõi ở đây vẫn là con người. Chuyên gia lớn về dòng phim này ở ta không nhiều, những sơ suất là điều không ai muốn nhưng vẫn không thể tránh khỏi. Để xảy ra việc này là lỗi ở tôi, người chịu trách nhiệm tổng thể về bộ phim".

Anh cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp tục lắng nghe những ý kiến phê bình của khán giả cho đến khi phim công chiếu và sẽ sớm có những phản hồi rõ ràng.

Nhưng phản hồi thế nào khi phim đã đóng máy. Được biết, đây là bộ phim được nhà nước tài trợ, kinh phí lên tới 20 tỷ đồng. Thực tế, rất nhiều phim lịch sử của Việt Nam đã gặp phải vấn đề trong khâu phục trang, hoặc bắt chước Trung Quốc, hoặc lai căng, chắp vá không đúng với từng thời điểm lịch sử. Đây cũng là vấn đề "biết rồi khổ lắm nói mãi của phim Việt".

Đành rằng, nghệ thuật là sản phẩm của sự sáng tạo, nhưng dù sáng tạo như thế nào cũng phải dựa trên đời sống, lịch sử. Nếu là phim dã sử như "Mỹ nhân kế", "Lửa Phật",  đạo diễn có thể nới rộng biên độ sáng tạo của mình. Nhưng đã là phim lịch sử, lại là chính sử, thì yếu tố chân thực tối quan trọng.

Bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" có kinh phí khổng lồ, lại được làm với mục đích kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Nhưng tác phẩm này để người Trung Quốc thực hiện quá nhiều công đoạn, dẫn đến việc phục trang, diễn viên quần chúng, bối cảnh mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Nhiều người thậm chí còn nhận xét nó không khác gì một phim cổ trang Trung Quốc. Sau nhiều lần đề nghị chỉnh sửa, các thành viên trong hội đồng nhận thấy việc Việt hóa lại bộ phim là không thể thực hiện được, dẫn đến việc phim bị hủy chiếu trong dịp đại lễ, làm lãng phí hàng trăm tỷ đồng.

Làm thế nào để chúng ta có những bộ trang phục thuần Việt, một bộ phim lịch sử thuần Việt. Đó là câu hỏi lớn đối với các đạo diễn và những người thiết kế trang phục. Có lẽ điều đó còn là một hành trình dài phía trước khi tất cả đều hoạt động của điện ảnh hiện nay đơn lẻ, manh mún, thiếu sự nghiên cứu bài bản. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã không ngần ngại khi nói rằng, lỗi cơ bản là do một nền điện ảnh nghiệp dư, thiếu sự đồng bộ.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các đạo diễn, giới nghiên cứu để tìm ra một giải pháp cho phục trang của phim lịch sử Việt.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Phải có sự nghiên cứu lâu dài, công phu

Muốn có những phim, truyện, tranh đúng hoặc gần đúng với lịch sử phải có sự nghiên cứu lâu dài công phu. Mà cái này ta chưa bao giờ làm cả. Cho đến nay, sách nghiên cứu về phong tục tập quán, nghi lễ, phục trang, đời sống vật chất trong lịch sử... hầu hết do các nhà nghiên cứu tự do biên soạn và mới dừng ở mức khảo cứu ban đầu, chưa có sự thống nhất hay đánh giá.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.

Việc những phim, truyện và nghệ thuật làm về đề tài lịch sử sai cũng là bình thường. Ngược lại những bộ phim muốn có hình ảnh đúng (hoặc tương tự) với lịch sử không thể không nhờ cậy những người biết việc và đầu tư thích đáng cho chuyên gia về phong tục, chứ giao cho họa sỹ xưởng phim thuần túy thì kết quả là như vậy thôi. Bất cứ nền điện ảnh nào cũng khó khăn trong việc dựng phim lịch sử, nhất là đối với điện ảnh Việt Nam, do các tư liệu lịch sử nước ta rất thiếu và không hệ thống. Ví dụ thời Lý Trần trở về trước, ta chỉ còn ít đồ gốm và kiến trúc chùa tháp. Những bộ phục trang cổ nhất tìm được mới thấy từ thời Hậu Lê (thế kỷ 17).

Đây là một chương trình lâu dài tốn kém để viết những cuốn sách Đời sống thường ngày từng thời kỳ - ăn, mặc, ở, tập tục... dựa trên những gì đã có, còn lại mà đoán định những gì không thấy nữa. Từ đó hình thành các bộ sách công cụ cho giới nghệ thuật. Các nhà điện ảnh nước ngoài khi làm phim lịch sử, họ phải tìm những cuốn sách đó trước, và họ tìm được, hoặc đặt các nhà nghiên cứu biên soạn thành sách công cụ. Bên ta hoàn toàn không có và không nhà làm phim nào nghĩ đến.

Cho đến nay mới có vài ba cuốn sách về lịch sử phục trang của Đoàn Thị Tình, Trịnh Quang Vũ, Trần Quang Đức, và một cuốn chưa xuất bản của Toan Anh, cùng bộ phim Đi tìm vẻ đẹp của trang phục Việt (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, đạo diễn Hải Anh).

Từ đó, cần có người làm thêm bước nữa là tái phục dựng trang phục, ít nhất trên phương diện nghiên cứu bản vẽ, giới điện ảnh, sân khấu mới có cơ sở làm. Nhưng ngược lại giới điện ảnh, sân khấu đã bao giờ nghĩ đến chuyện đầu tư cho những nhà nghiên cứu làm việc này chưa. Chúng ta ăn xổi ở thì, chưa coi trọng sự nghiên cứu, nên việc sai sót cũng dễ hiểu thôi.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Phim lịch sử của chúng ta xa rời đời sống

Phim là tái hiện hiện thực nên phải gần với cuộc sống. Với phim lịch sử Việt Nam rất khó làm được điều đó khi chúng ta có rất ít tài liệu. Đây là một thách thức đối với những nhà làm phim. Thực tế rất nhiều phim lịch sử của chúng ta xa rời đời sống, nhất là về phục trang. Đành rằng làm nghệ thuật là sáng tạo và có tính thẩm mỹ cao, cách điệu đời sống, nhưng không thể xa rời mà phải trên cơ sở đời sống. Tôi làm phim "Trò đời", nếu lấy đúng tư liệu thì thời đó dân mình nghèo quá, ăn mặc rách rưới, nhếch nhác.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Nếu đưa những hình ảnh đó lên phim sẽ rất phản cảm, vì thế tôi cách điệu lên một chút về trang phục nhưng vẫn phải là con người của thời kỳ đó, không khí của thời kỳ đó chứ không thể lắp ghép con người, trang phục ở thời kỳ nào khác vào. Ở những thời điểm không có tài liệu, đạo diễn, họa sĩ cần phải sáng tác ra những phục trang trên cơ sở nghiên cứu, đọc sách.

Nhưng làm sao sáng tạo đó phải hiểu được, tin được. Điều đó đòi hỏi người làm phải có sự dụng công nghiên cứu lịch sử và phải trên tinh thần tôn trọng lịch sử, không sao chép nguyên văn mà sáng tạo dựa trên cứ liệu lịch sử. Sự cách điệu phục trang, đạo cụ đều có thể chấp nhận nếu phù hợp.

Rất nhiều phim lịch sử ở nước ta bừa bãi về phục trang, như "Lửa cháy thành Đại La" để cho vua quan mặc đồ nhung thì quá ẩu, rồi những họa tiết trên áo của vua chúa cũng bừa bãi, không có căn cứ lịch sử. Thời nào cũng có những nét văn hóa độc đáo riêng của nó, chỉ cần chú tâm đọc, nghiên cứu, sẽ không bao giờ phạm phải những lỗi sơ đẳng như thế. Ở Trung Quốc, người ta có cả bảo tàng về phục trang, rồi trường quay... các đạo diễn chỉ việc đến xem thực địa và chọn cho hợp với tinh thần bộ phim của mình.

Còn chúng ta, làm phim một cách tự phát, nghiệp dư, thiếu đội ngũ cố vấn khoa học một cách nghiêm túc, chủ yếu dựa vào cảm tính nên lựa chọn lung tung. Việc này không thể đổ lỗi hết cho đạo diễn vì họ còn quá trẻ, không có đủ thời gian để hiểu và đọc hết các tài liệu. Chúng ta cần những chuyên gia, cần sự chuyên nghiệp hóa của một nền điện ảnh đang quá nghiệp dư.

Họa sĩ Thiết kế Thu Hà: Chưa có đội ngũ chuyên nghiệp về thiết kế, phục trang

Thực tế, công việc của họa sĩ thiết kế rất nặng nề, phải lăn lộn thực địa và dấn thân. Nhiều năm qua, không có nhiều người làm chuyên nghiệp về thiết kế phục trang. Những người được đào tạo đều rẽ ngang làm việc khác, họ coi làm thiết kế trang phục chỉ là một việc mà thôi. Còn lực lượng đang làm công việc này hiện nay chủ yếu là những người tay ngang, họ yêu thích và quen việc, làm bằng kinh nghiệm. Hoặc nhiều người chỉ làm xong một phim là thôi. Điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, chuyên tâm và gắn bó.

Tôi nghĩ, mình làm nghề gì cũng phải có tình yêu, quý trọng và trách nhiệm với nghề đó thì mới mong đem lại kết quả tốt. Việc làm phục trang cho phim lịch sử rất khó khăn, đòi hỏi họa sĩ thiết kế phải tham khảo nhiều nguồn tư liệu, nhiều chuyên gia và cả sự tận tụy, tỷ mẩn với từng đường kim mũi chỉ của trang phục, không thể ẩu được. Tôi nghĩ công việc của họa sĩ thiết kế cũng giống như một họa sĩ vẽ tranh, chỉ khác là họ đang vẽ những mảng màu lên vải mà thôi.

Việt Hà

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文