Cuộc trò chuyện của sắc màu với âm nhạc Trịnh Công Sơn

10:42 10/03/2016
Đã có rất nhiều cách tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bằng âm nhạc, bằng sách… Nhưng một cuộc tưởng niệm bằng hội họa thì lần đầu tiên ở Hà Nội. Một cuộc đối thoại bằng màu sắc của những tâm hồn yêu Trịnh, coi âm nhạc của ông như một thứ “kinh đời”, vẫn luôn hiện hữu trong đời sống này.


“Khói trời mênh mông” quy tụ 18 gương mặt họa sĩ, họ đến với nhau bằng một mối đồng cảm với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển cho triển lãm này khẳng định: “Đừng hiểu chúng tôi đang minh họa nhạc Trịnh, mà các họa sĩ đã cầm cọ từ cảm hứng của âm nhạc Trịnh Công Sơn”.

Một triển lãm của cảm xúc, của tình yêu và của sự sẻ chia. Ở đó có sự thăng hoa của cảm xúc, của sắc màu, của tình yêu. Ở đó có sự phiêu lãng của những tâm hồn nghệ sĩ rung động trước cái đẹp của cuộc sống, suy ngẫm trước sự hữu hạn của kiếp người. Các họa sĩ, mỗi người một cách cảm, cách nghĩ, để đến với âm nhạc và lời thơ của Trịnh Công Sơn.

Chân dung Trịnh Công Sơn của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long.

Cùng chung đề tài, nhưng mỗi người đều có những ứng xử riêng với nhạc Trịnh. Mỗi người có một con đường để làm thành con đường chung bằng hội họa để đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Những bức tranh nhiều màu sắc được hình thành từ cảm hứng về những ca khúc giàu chất thơ và nhiều tính ẩn dụ như “Diễm xưa”, “Biển nhớ”, “Hạ trắng”, “Tình sầu” đến “Những con mắt trần gian”, “Như cánh vạc bay”, “Biết đâu nguồn cội”, “Đóa hoa vô thường”, “Bốn mùa thay lá”, “Ru ta ngậm ngùi”…

Ám ảnh về Trăng, họa sĩ Doãn Hoàng Lâm chọn “Con sông là quán trọ và Trăng tên lãng du” trong bài “Biết đâu nguồn cội” và “Người về soi bóng mình” trong bài “Ru ta ngậm ngùi”. Hai bức tranh này cũng nằm trong mạch sáng tác hiện tại của anh.

Tác phẩm “Thương một người” của họa sĩ Nguyễn Thị Hồng Phương.

Với cách nào “nhốt trăng” hay “thả trăng” thì với anh “mong muốn về sự tự do và sự chi phối bởi những điều ràng buộc là cuộc đấu tranh của mỗi con người”. Và những trầm tích xưa cũ, những rêu phong mòn mỏi có thể chính là nỗi buồn và sự mong mỏi điều gì đó ngoài tầm với của con người.

Những suy nghĩ về sự phóng khoáng, tự do, cái khát vọng muốn chiếm lĩnh sự tự do của con người trong âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng chính là cảm hứng để Doãn Hoàng Lâm cầm bút. Họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên, một trong ba nữ họa sĩ tham gia triển lãm lần này chia sẻ, âm nhạc Trịnh ám ảnh chị bởi hình ảnh những người phụ nữ, về tình yêu, về thân phận. Những người phụ nữ, tình yêu trong âm nhạc của ông vừa hiện hữu, vừa như là một giấc mơ, có đấy mà không bao giờ chạm tới.

Hai bức tranh của Phương Liên đều lấy cảm hứng từ “Như cánh vạc bay” và “Thương một người”, chị đặt sự tương phản nền tranh nâu vàng với những giải hồng cam, đỏ để tạo hình cô gái vừa có chất dân gian vừa đậm chất sân khấu. Những sắc màu như những giấc mơ đời hư ảo.

Một tác phẩm lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Những bản nhạc của Trịnh là những bài hát về tình yêu, về thân phận người. Và hội họa, lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng là một cách để các họa sĩ tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa, và hơn thế, cũng là cách họ trò chuyện với khán giả bằng sắc màu.

Ở đó, mọi biên giới của loại hình đã bị xóa nhòa, mà chỉ còn tình yêu, sự đồng cảm, sẻ chia của những tâm hồn nghệ sĩ, muốn mang cái đẹp đến cho đời sống này, cái đẹp chưng cất từ nỗi đau, niềm vui, từ hạnh phúc, buồn vui của kiếp người.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tham gia triển lãm với bức “Xin ngủ dưới vòm cây”. Ông chia sẻ: “Âm nhạc Trịnh Công Sơn mang đủ những hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời này, và với ông, không có gì bình yên, trong lành hơn khi được trở về nằm yên dưới một mái nhà, một vòm cây.

Cái cảm giác yên lành thư thái đó không chỉ có trong nhạc Trịnh. Không có nỗi đau, không có sự bi lụy, âm nhạc Trịnh Công Sơn như những chiếc ghế tựa của tâm hồn con người mỗi khi mỏi mệt, muốn được nằm xuống, được trở về”.

“Xin ngủ dưới vòm cây” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo tham gia với tư cách là khách mời. Ông nhớ lại những năm 1979, khi đó ông vào Huế 3 tháng và được trò chuyện cùng Trịnh Công Sơn. Ngày đó, ngôi nhà Trịnh Công Sơn ở là nơi gặp gỡ của những người bạn văn chương, nghệ thuật. Họ đến trò chuyện và trao đổi cùng nhau. Một không khí thấm đẫm tinh thần văn nghệ.

Nguyễn Hữu Bảo là người trẻ nhất trong nhóm, thua Trịnh Công Sơn một giáp, nhưng ông đã có nhiều phát hiện thú vị về nhạc Trịnh khiến Trịnh Công Sơn rất chú ý về chàng trai trẻ Bắc Kỳ này. Nguyễn Hữu Bảo kể, trong một lần trò chuyện với Trịnh Công Sơn, ông hỏi vị nhạc sĩ tài hoa rằng, vì sao ông chưa ra Hà Nội mà những ca khúc của Trịnh đều mang tinh thần, không khí của con người Hà Nội.

Trịnh Công Sơn cười, ông viết bằng tâm tưởng mình, bằng cảm nhận về Hà Nội qua sách báo mà thôi. Ngay cái nắng thủy tinh, thứ nắng mỏng manh, dễ vỡ trong sương sớm ấy, cũng chỉ có ở Hà Nội. Nguyễn Hữu Bảo, người khách lãng du ấy đã bắt gặp âm nhạc Trịnh Công Sơn trong tác phẩm của mình, một màu nắng rất riêng của Hà Nội, “Nắng thủy tinh”. Và rất nhiều câu chuyện cảm động phía sau cuộc triển lãm này.

 Âm nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ là tình yêu, là cảm xúc của những tâm hồn nghệ sĩ mà âm nhạc Trịnh còn là một vùng kỷ niệm của nhiều người. Một thời, họ đã lớn lên, đã nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng nhạc Trịnh.

Khi triển lãm chuẩn bị diễn ra, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn đã gọi điện cho họa sĩ Lê Thiết Cương, kể về câu chuyện của ông, về thời 19 tuổi, những đêm buồn và vắng, ngồi nghêu ngao nhạc Trịnh. Rồi chính ông đã chép những bài hát của Trịnh Công Sơn vào một cuốn sổ tay.

Cũng rất ngẫu nhiên, họa sĩ Trịnh Thái đã vẽ minh họa bên cạnh những bản nhạc Trịnh được chép tay cẩn thận ấy. Cuốn sổ tay được gìn giữ suốt cả một thời tuổi trẻ và giờ đây được trưng bày trong không gian tưởng niệm nhạc Trịnh.

Chắc hẳn nhiều người sẽ bắt gặp lại chính ký ức của mình. Hai người bạn, giờ đã già, những bước chân đã run run. Nhưng khi đứng trước cuốn sổ tay đã vàng ố và những nét cọ, họ rưng rưng xúc động.

Trong triển lãm lần này còn có những bức chân dung lần đầu tiên được công bố của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, người sở hữu những bức chân dung Trịnh Công Sơn độc đáo. Dương Minh Long là nhiếp ảnh gia có nhiều nhất ảnh tư liệu đen trắng về Trịnh Công Sơn.  Và triển lãm này là cơ hội để những người yêu nhạc Trịnh tiếp cận một phần đời sống của ông, đặc biệt là những bức ảnh tư liệu độc đáo về Trịnh Công Sơn ở nhà riêng tại Huế năm 1995.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn như một thứ “kinh đời”. Và có lẽ, vì thế, nó đã sống, đã thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người yêu Trịnh. Những sắc màu về thân phận, về tình yêu, về nỗi buồn, sự cô đơn của kiếp người, đã được thể hiện trong các tác phẩm hội họa. 

Xem tranh và cái không khí bảng lảng, hư ảo để tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa, người đã đến trong cõi đời này để viết nên những bản tình ca bất tử. Đó cũng là cách mà những người yêu quý ông thể hiện tình yêu của mình, một hướng gợi mở cho các hoạt động của các họa sĩ trong dòng chảy vốn lặng lẽ của hội họa Việt Nam.

Triển lãm “Khói trời mênh mông” trưng bày các tác phẩm hội họa lấy cảm hứng ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của 20 họa sĩ: Ngô Thị Bình Nhi, Nguyễn Thị Hồng Phương, Hoàng Thị Phương Liên, Đỗ Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Trần Gia Tùng, Nguyễn Nghĩa Cương, Phạm Ngọc Minh, Lâm Đức Mạnh, Phạm Trần Quân, Nguyễn Quốc Thắng, Trần Anh Quân, Nguyễn Như Đức, Nguyễn Thanh Hải, Đức Phạm, Nguyễn Đình Hoàng Việt, nhiếp ảnh Dương Minh Long và Lê Thiết Cương. Triển lãm diễn ra từ ngày 28-2 đến 25-3-2016 tại Hàng Da Galleria Hà Nội và ở Xứ Đàng Trong - số 9 Nguyễn Thái Học, Hội An từ 1 đến 10-4-2016. 

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Bất kể ai yêu nhạc Trịnh Công Sơn có thể thấy (sau khi đã cảm qua âm nhạc) lời trong bài hát của Trịnh chính là thi ca, nó hoàn toàn có thể đứng độc lập. Bên cạnh sáng tạo âm nhạc là sáng tạo ngôn ngữ. Người ta có thể nhìn ra, bên cạnh một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một thi sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là sự thực, một sự thực bị khuất lấp phần nào bởi chính âm nhạc của ông. Hoặc như cách nói của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, đối với Trịnh Công Sơn, chữ là nốt, nốt cũng là chữ. Đó là một bản song tấu. Ngôn ngữ trong ca từ của Trịnh Công Sơn nhiều ẩn dụ, lấp lánh. Trời mây sông núi thiên nhiên phong cảnh trong lời thơ của Trịnh Công Sơn có nhiều tâm tính, tâm trạng người và ngược lại những người, những tôi, những em của ông đều mang nỗi ám ảnh của núi rừng, sông biển. Chính vì vậy mà nó dễ gợi ý, gợi mầu, bố cục và dễ chuyển dịch ra hội họa hơn.

V. Hà

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文