Đạo, nhái trong nghệ thuật, chưa bao giờ là chuyện cũ

07:45 23/11/2020
Đạo, nhái trong nghệ thuật, chuyện không mới, nhưng chưa khi nào cũ. Mặc dù báo chí đã nhiều lần lên tiếng nhưng xem ra công chúng vẫn tiếp tục đau đầu về những thông tin liên quan đến đạo đức, lòng tự trọng của một số người làm nghệ thuật.


Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phải ra quyết định thu hồi giải Nhì cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020 đối với tác phẩm "Số không" vì đạo nhái tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài, còn Hội Nhà văn Việt Nam thì ra thông báo thu hồi quyết định kết nạp hội viên đối với tác giả Dương Thiên Lý vì những nghi án người này trước đó đã "đạo thơ".

Liên tiếp những vụ đạo nhái tác phẩm nghệ thuật

Trong danh sách kết nạp hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 vừa được công bố không lâu, có tên một tác giả văn xuôi đến từ Bình Phước là Dương Thiên Lý. Tuy nhiên, dư luận lập tức dấy lên chuyện nữ tác giả này đã vài ba lần bị cáo buộc là đã "đạo thơ", trong đó đáng chú ý nhất là đạo thơ của nhà thơ Trần Quang Quý.

Thông báo của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thu hồi quyết định hội viên đối với tác giả bị tố đạo văn.

Một vụ việc gây ầm ĩ dư luận khác là chuyện đạo, nhái tác phẩm múa. Cuộc thi "Tài năng diễn viên múa 2020" được tổ chức từ ngày 12 đến 15-10 tại Hà Nội và tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 9 đến 10-10, tổng kết và trao giải vào ngày 17-10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là cuộc thi được giới nghệ sĩ múa rất đón chờ. Tuy nhiên, ngay sau khi buổi diễn tổ chức ngày 9-10 được đăng trên YouTube, một tài khoản nước ngoài tên là MN Dance Company đã bình luận cho rằng tiết mục dự thi "Số không" (biên đạo-huấn luyện: Mai Minh Anh Khoa- Lê Hải, nghệ sĩ biểu diễn: Huỳnh Nhựt Hòa, Thạch Hiểu Lăng) đã sao chép tác phẩm "S/HE" của công ty này.

Người đại diện Công ty MN Dance Company đã viết như sau: "Thật buồn khi người biên đạo điệu múa sao chép phần vũ đạo của chúng tôi và ký tên dưới tác phẩm này. Tác phẩm của chúng tôi được thực hiện vào năm 2017. Biên đạo múa đã sử dụng âm nhạc từ màn trình diễn của chúng tôi, do Diaphane sáng tác. Tác phẩm của chúng tôi có thể được sử dụng như một sự khơi gợi nguồn cảm hứng, chứ không phải để sao chép. Nếu muốn sử dụng tác phẩm của chúng tôi, các bạn cần xin phép".

Sau khi nhận được thông tin này, biên đạo Mai Minh Anh Khoa thừa nhận đã sử dụng tác phẩm nước ngoài để dàn dựng cho các nghệ sĩ trẻ mang đi dự thi và cả nhóm đã gửi email xin lỗi tới Công ty MN Dance Company. Giải Nhì của tác phẩm "Số không" được trao trong cuộc thi cũng đã bị Cục Nghệ thuật biểu diễn thu hồi sau khi cơ quan này thẩm tra và xác nhận đúng là có chuyện biên đạo "nhái" tác phẩm của nước ngoài.

Trước đó, cũng ngay trong năm 2020 này, đã nổi lên không ít vụ đạo nhái tác phẩm nghệ thuật làm phiền lòng dư luận. Chẳng hạn vụ tai tiếng đạo nhái tranh cổ động được giải thưởng của tác giả Dương Ngân Hải hồi tháng 7. Theo đó, bức tranh cổ động "Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng" của họa sĩ này được Cục Văn hóa cơ sở trao giải khuyến khích cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Năm APEC Việt Nam 2017 được xác định là  "đạo nhái" lại một bức tranh cổ động về kỳ Thế vận hội 1980 tổ chức tại Liên Xô của một họa sĩ Liên Xô. Tiếp đó, bức tranh cổ động khác có tên "Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" của họa sĩ Dương Ngân Hải tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, cũng bị tố là đạo nhái lại bức tranh cổ động của một họa sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.

Tranh cổ động của họa sĩ Dương Ngân Hải (phải) đạo tranh của họa sĩ Nga (trái).

Trong lĩnh vực âm nhạc, gần đây nổi lên trường hợp ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân liên tiếp vướng nghi án đạo nhái ý tưởng trong một số MV ca nhạc, trong đó có cả những MV triệu view. Nhiều sản phẩm của Nguyễn Trần Trung Quân hợp tác với Giám đốc sản xuất Dennis Đặng như "Màu nước mắt", "Tự tâm", "Canh ba" đều bị tố "đạo nhái". 2 poster được dùng để quảng bá cho MV "Màu nước mắt" được nhiều fan hâm mộ phát hiện giống với poster trong quảng bá các bộ phim nước ngoài là phim "Người hầu gái", phim "The Haunting of Hill House". MV "Tự tâm" của ca sĩ này cũng được cư dân nghiền phim phát hiện là cóp nhặt ý tưởng sáng tạo từ hai bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc "Thập diện mai phục" và "Song hoa điếm". MV "Canh ba" mới đây của của ca sĩ này tiếp tục bị tố là poster quảng cáo lấy ý tưởng rất rõ từ phim "Tam Quốc cơ mật".

Trong lĩnh vực văn học, gần đây có chuyện một tác giả trẻ tên Kai Hoàng. Trong cuộc thi truyện ngắn của Báo Người lao động, Kai Hoàng đã "đạo nhái" nhiều chi tiết, diễn biến trong truyện "Cố định một đám mây" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để đưa vào truyện "Biến mất" của mình gửi dự thi. Oái oăm là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại chính là thành viên Ban chung khảo cuộc thi này.

Chuyện về lòng tự trọng của người làm nghệ thuật

Hiện tại, hệ thống pháp luật đã có đầy đủ hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp vi phạm quyền tác giả, tác phẩm. Theo đó, mọi hành vi sao chép phải được sự đồng ý của tác giả. Chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả mới được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các công việc như "Làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép hoàn toàn hoặc một phần tác phẩm, phân phối tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến với công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất cứ phương tiện kỹ thuật nào khác".

Tổ chức, cá nhân sử dụng phải xin phép hoặc trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Mặc dù vậy, việc "đạo nhái" tác phẩm nghệ thuật vẫn không ngừng diễn ra, vì những bất cập trong phát hiện, xử lý các trường hợp đạo, nhái. Việc kiện tụng thường mất thời gian nên không ít tác giả hay bỏ qua, xuê xoa khi bên bị phát hiện đạo nhái nói lời xin lỗi. Không ít nghệ sĩ khi bị tố đạo nhái lại lớn tiếng cho rằng mình chỉ "học hỏi" từ người đi trước chứ không chịu thừa nhận mình đạo, nhái. Việc gây tranh cãi kéo dài chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, khiến công chúng rất nản lòng khi nhìn vào thái độ làm nghề cũng như lòng tự trọng của người nghệ sĩ.

Việc một số nghệ sĩ đạo nhái tác phẩm của người khác rồi mang dự thi, thậm chí ung dung “ẵm” giải rõ ràng là một việc đáng xấu hổ trong nghệ thuật. Nói một cách chính xác thì đó chính là hành vi ăn cắp. Đáng buồn là nó đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Những người đã có tên tuổi cũng vẫn "chôm chỉa" ý tưởng của người khác. Một số nghệ sĩ trẻ thậm chí dính nghi án đạo nhái nhiều lần, có hệ thống, nhưng không hề cảm thấy xấu hổ hay nói lời xin lỗi khán giả cho đến khi bị tẩy chay. 

Poster quảng bá MV Canh ba của Nguyễn Trần Trung Quân (trái) bị tố giống poster phim Tam quốc cơ mật.

Chúng ta đồng ý kiến nghị rằng, các cơ quan thực thi pháp luật cần hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp lý, tăng chế tài xử phạt các hành vi "chôm chỉa" trong nghệ thuật. Nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn phải nằm ở lòng tự trọng, ở đạo đức của người nghệ sĩ. Nghệ thuật nghĩa là mỗi người phải tự đi một con đường của riêng mình, sáng tạo những cái mới mang dấu ấn cá nhân chứ không phải cóp nhặt hay đạo ý tưởng của người khác, hòng kiếm danh lợi từ cái không phải của mình.

Nếu việc "đạo nhái" từ tác phẩm của người khác có mang đến thành công cho người nghệ sĩ thì thành công đó cũng chỉ giống như bong bóng xà phòng, sẽ tiêu tan bất cứ lúc nào, khi công chúng phát hiện ra. Một khi không có lòng tự trọng, không biết tôn trọng chính mình và người khác, thì người sáng tạo không thể xứng với danh xưng nghệ sĩ. Vì vậy, những người làm nghệ thuật chân chính và muốn đi lâu dài trên con đường của mình hơn ai hết phải biết trân trọng sự thật, trung thực tận cùng với mình, giữ cho lòng tự trọng của mình không bị nhuốm màu. Chỉ khi sự tự giác đó có trong mỗi người nghệ sĩ, thì nạn đạo nhái mới có thể được đẩy lùi.

Bảo Bình

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

Ngày 6/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Việt Cường (SN 2005, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo 13 năm tù về tội giết người. Tổng hợp với bản án 20 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng trước đó, Cường phải thi hành hình phạt chung là 14 năm 8 tháng tù. Bị hại trong vụ án là đồng chí Đ.V.N, công tác tại Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ngày 6/1, thông tin từ Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết, đơn vị sẽ tặng vé máy bay nội địa hạng Thương gia cho toàn bộ cầu thủ bóng đá nam Việt Nam và thẻ Bông Sen Vàng hạng Bạch kim cho huấn luyện viên Kim Sang Sik để tri ân những nỗ lực và thành tích xuất sắc trong hành trình vô địch ASEAN Cup 2024.

Sáng 6/1, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo của 139 bị cáo (trong đó có 2 bị cáo nguyên là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam – ĐKVN) và kháng nghị của VKSND TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục ĐKVN) 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dân số trung bình của Việt Nam năm 2024 là 101,3 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỷ lệ tử vong duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện.

Thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình đã lập chiến công xuất sắc, bắt giữ tên trùm ma túy đặc biệt nguy hiểm Hà Công Thành, sinh năm 1986, trú tại bản Bò Báu, xã Đồng Tân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文