Để nhạc giao hưởng thính phòng “đến gần” khán giả Việt
- Nhạc giao hưởng là lựa chọn của số phận
- Dàn nhạc giao hưởng 101 nghệ sĩ biểu diễn "Tiến quân ca" bên Hồ Gươm
Nhiều người chưa thể tiếp cận với nhạc giao hưởng vì sự "khó nghe" của nó nếu như họ không có chút kiến thức về âm nhạc, có tình yêu và sẵn sàng với nó.
Những chương trình âm nhạc giao hưởng vốn đã rất thưa thớt diễn ra, và phần lớn nhà tổ chức "không dám" nghĩ đến chuyện bán vé, chứ đừng nói là có lãi. Nhưng giờ đây tình hình có thể đã khác, nhạc thính phòng giao hưởng đang dần có chỗ đứng tốt hơn trong khán giả, từ câu chuyện của Dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra (SSO).
Khán giả bắt đầu mua vé nghe nhạc giao hưởng thính phòng
SSO là dàn nhạc giao hưởng có quy mô quốc tế được thành lập từ tháng 9-2017, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng nổi tiếng người Pháp Olivier Ochanine. Ngay trong buổi họp báo đầu tiên ra mắt dàn nhạc, vị nhạc trưởng hào hoa này đã cho biết, SSO cam kết với những hoạt động của mình sẽ mang đến những tiêu chuẩn mới cho âm nhạc giao hưởng Việt Nam, trở thành một trong những dàn nhạc đẳng cấp của châu Á.
SSO cũng mong muốn được góp phần quan trọng trong việc phát triển một thế hệ nghệ sỹ và khán giả mới của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Qua quá trình tuyển dụng khắt khe, SSO đã quy tụ được những tài năng âm nhạc cổ điển xuất sắc đến từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ khi thành lập đến nay, SSO đã mang đến cho khán giả thủ đô nhiều chương trình âm nhạc hàn lâm đặc sắc có thể kể tên như "For the Love of Brahms", "Beauty Awakens", "Music for the Seasons", "Dance of the Sun"…
Nhiều gương mặt tài danh, từ giọng ca opera Hàn Quốc Sumi Jo đến pianist người Anh Benjamin Grosvenor, từ violinist người Nga Sergei Dogadin đến nghệ sĩ piano Andrew Tyson… nối tiếp nhau đến với dàn nhạc SSO, đến với khán giả Việt Nam để biểu diễn trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội. Điều đáng nói là trong suốt các mùa công diễn vừa qua của SSO, khán giả được hưởng thụ âm nhạc... miễn phí.
Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời SSO đã có 2 năm biểu diễn tại Việt Nam. |
Từ buổi biểu diễn mang tên "Concerto Hoàng Đế" với sự góp mặt của danh cầm Tây Ban Nha Ivan Martin tối 20-9 vừa qua, SSO đã làm một phép thử: bán vé. Thật bất ngờ, khán phòng Nhà hát Lớn chật kín khán giả, cùng những tràng pháo tay không ngớt.
Khán giả háo hức chờ đợi xin chữ ký nghệ sĩ và nhạc trưởng sau khi chương trình kết thúc. Đây là kết quả vô cùng ngạc nhiên, chứng minh sức hấp dẫn mà dàn nhạc non trẻ đã có được sau 2 năm hoạt động. Trong buổi họp báo mới đây, SSO chính thức thông báo lịch biểu diễn mùa 2019-2020 của mình.
Nhạc trưởng Olivier Ochanine thông tin, từ đầu năm 2019, SSO đã có 18 chương trình biểu diễn và dự kiến từ nay đến hết năm 2020 sẽ có thêm 8 chương trình mới, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức biểu diễn.
Vé của các chương trình cụ thể đã được mở bán công khai trên trang web chính thức của dàn nhạc. Những người yêu mến âm nhạc cổ điển, giao hưởng thính phòng có thể đặt mua vé trên trang web của dàn nhạc. Giá vé xem chương trình sẽ dao động từ 300 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng.
Nhạc trưởng Olivier Ochanine. |
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cố vấn của dàn nhạc SSO vui mừng chia sẻ: "SSO là dàn nhạc mang tầm quốc tế, và họ hoạt động tại thị trường nghệ thuật Việt Nam. Với những nghệ sĩ đến từ 20 quốc gia, dàn nhạc đã tạo ra một sức hút đặc biệt với công chúng.
Tôi theo sát các chương trình của họ thì thấy, họ biểu diễn rất đa dạng, luôn mời được những nghệ sĩ lớn của thế giới đến Việt Nam biểu diễn. Việt Nam đã có một số dàn nhạc giao hưởng có bề dày hoạt động hơn nửa thế kỷ qua, như Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát nhạc vũ kịch TP HCM và Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Nhiều năm qua các hoạt động của các dàn nhạc vẫn đều đặn diễn ra, nhưng chúng ta thực sự chưa "cải thiện" được công chúng là bao. SSO tuy còn non trẻ với hai năm tuổi đời nhưng đã thổi một luồng sinh khí trẻ trung, hiện đại và hấp dẫn cho loại hình nghệ thuật hàn lâm vốn luôn mặc định là kén người nghe và khó tiếp cận tại Việt Nam. Những đêm biểu diễn nhạc giao hưởng bán vé, và khán giả chịu mua vé vào xem là một điều tuyệt vời.
Để công chúng bỏ tiền mua vé không hề dễ, đó phải là nhu cầu tự thân của họ. Nếu người ta không mua vé và đi bằng giấy mời chẳng hạn thì để nghe hết 2 tiếng đồng hồ với nhiều nguời là hơi khó. Qua việc bán vé, chúng ta cũng có thể đo được sự quan tâm tới nhạc giao hưởng thính phòng của khán giả Việt đang ở mức độ nào".
Ca sĩ Đăng Dương biểu diễn cùng dàn nhạc SSO trong live concert “Mặt trời của tôi”. |
Đa dạng chương trình biểu diễn để thu hút khán giả
Nhạc trưởng Olivier Ochanine cho biết, trong năm biểu diễn tới đây, các chương trình của SSO sẽ vô cùng đa dạng. Bên cạnh các buổi biểu diễn hàn lâm với đẳng cấp quốc tế, với những bản nhạc cổ điển đã hằn sâu trong lòng người nghe nhiều thế hệ sẽ là những chương trình hòa nhạc theo chủ đề như nhạc phim, hoặc trình diễn những tác phẩm cổ điển ít người nghe, tác phẩm mới của các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới hiện đại, và nếu có thể lồng ghép thêm tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm, dàn nhạc giao hưởng SSO có thiện chí muốn biểu diễn tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam và chúng ta cũng từng có những nhạc sĩ viết giao hưởng rất hay như Hoàng Việt, Đỗ Nhuận...
Đã từng có 4 thế hệ nhạc sĩ viết khí nhạc cho các dàn nhạc giao hưởng trong nước, nhưng hiện nay nhiều nhạc sĩ đã qua đời, tác phẩm của họ bị thất lạc, con cháu không còn giữ được bản tổng phổ. Mà để chép lại những bản nhạc đó cần phải người có nghề, phải biết số hóa các bản tổng phổ đó để một dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ quốc tế như SSO có thể biểu diễn.
Đây là một thiệt thòi lớn cho nhiều nhạc sĩ, đòi hỏi phải có sự quan tâm của những người tâm huyết với khí nhạc, để tác phẩm hay của các nhạc sĩ Việt được vang lên trong những không gian âm nhạc tầm vóc hơn, rộng lớn hơn.
Ca sĩ Phạm Thùy Dung và ca sĩ Tùng Dương thăng hoa cùng dàn nhạc giao hưởng SSO trong chương trình “Trăng hát”. |
Là một người tâm huyết với công việc đưa nhạc giao hưởng đến nhiều hơn với công chúng Việt, nhạc trưởng Olivier Ochanine chia sẻ: "Sau một thời gian ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng nhu cầu trong đời sống tinh thần của người dân ở đất nước này rất cao, đó là lý do tôi tin vào một tương lai tươi sáng của SSO. Âm nhạc nên được coi là một nguồn tài nguyên quý giá như không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống. Bạn không thể sống thiếu không khí hay thiếu nước được.
Để SSO thành công, chúng tôi cần phải trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng. Chúng tôi sẽ phải đi xa hơn việc chỉ đơn giản là một cái gì đó để giải trí đơn thuần. Chúng tôi làm việc hết sức, để có thể trở thành một phần của tâm hồn Việt Nam, để không chỉ là một dàn nhạc tổ chức các buổi hòa nhạc định kỳ, mà còn là nơi tìm kiếm và phát triển, tôn vinh những tài năng âm nhạc Việt Nam và thế giới. Với cam kết phát triển bền vững cũng như xây dựng và phát triển đội ngũ nhạc công chuyên môn cao, tôi hoàn toàn tin tưởng vào con đường phía trước cho SSO".
Với cam kết đó, SSO nỗ lực đồng hành cùng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trong chuỗi chương trình Hoà nhạc Giáo dục và Hoà nhạc Thính phòng được tổ chức định kỳ hàng tháng tại đây. Bằng các hoạt động tích cực này của SSO, công chúng Việt được nâng cao thẩm mỹ âm nhạc.
Mới đây nhất là chương trình Hoà nhạc giáo dục tháng 9 qua Tổ khúc Aladdin của nhà soạn nhạc Carl Nielsen và Đối thoại của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (với phần độc tấu đàn bầu của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Cao Vũ). Với series chương trình này, nhiều tài năng âm nhạc trẻ trong nước đã có cơ hội biểu diễn dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng tài năng Olivier Ochanine.
Ngoài ra, dàn nhạc SSO còn luôn đồng hành cùng các ca sĩ của dòng nhạc giao hưởng thính phòng. Có thể kể tới vai trò của dàn nhạc góp phần vào thành công của các live concert như "Mặt trời của tôi" (Đăng Dương), "Ánh trăng tình yêu" (Lan Anh), "Trăng hát" (Phạm Thùy Dung). Các nghệ sĩ thừa nhận rằng, trong tình cảm mến mộ của khán giả dành cho các đêm diễn của họ có phần không nhỏ của dàn nhạc Giao hưởng SSO.
Hàng trăm nhạc công của dàn nhạc, cùng với vị nhạc trưởng tâm huyết đã luôn sẵn sàng đứng sau, đóng góp hết mình trong từng tiết mục của nghệ sĩ và tôn vinh tên tuổi nghệ sĩ.
Hy vọng rằng trong tương lai không xa, âm nhạc thính phòng giao hưởng sẽ trở nên quen thuộc, là một phần đời sống tinh thần tất nhiên của công chúng yêu âm nhạc Việt.