Điện ảnh khát kịch bản “vàng”

14:29 09/10/2019
Cuộc thi Nhà biên kịch trẻ tài năng 2019 đã tìm được ngôi vị quán quân. Đó cũng là một nỗ lực của giới điện ảnh nhằm phát hiện ra những nhân tố mới trong lĩnh vực khan hiếm nhân tài như biên kịch. Nhưng liệu những gương mặt trẻ có đủ làm nên sự thay đổi trong bối cảnh phim Việt đang “khát” những "kịch bản vàng" hiện nay.


Nỗ lực tạo ra sân chơi cho các nhà biên kịch trẻ

Kịch bản từ lâu vẫn là một khâu yếu của điện ảnh Việt. Chúng ta đang thiếu vắng những kịch bản hay và tất yếu, hệ lụy của nó là dẫn đến sự thiếu vắng những bộ phim hay. Khoảng trống kịch bản trong nhiều năm qua đã được những người tâm huyết với điện ảnh cố gắng lấp đầy bằng những cuộc tìm kiếm gương mặt mới trong làng biên kịch.

Những chương trình thường niên “Gặp gỡ mùa thu” - nơi các nhà biên kịch và thuyết trình tìm nhà sản xuất cho dự án, cuộc thi “Nhà biên kịch trẻ tài năng” của một hãng sản xuất lớn tổ chức và các hoạt động ở Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng điện ảnh - tổ chức nhiều chương trình đào tạo biên kịch hay được tổ chức hàng năm.

Điện ảnh Việt cần những kịch bản thuần Việt như “Song lang”.

Những chương trình này đã tạo cầu nối cho nhà biên kịch đến với các nhà sản xuất và giúp họ tiếp cận với các quỹ đầu tư điện ảnh trong và ngoài nước.

Thời gian qua, các đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch như Nguyễn Quang Dũng, Phan Nhật Gia Linh, Lý Hải, Charlie Nguyễn trở thành huấn luyện viên cho các bạn trẻ dự thi biên kịch. Một số dự án tiềm năng được nhà sản xuất ký hợp tác ngay.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, điều nhận thấy ở các nhà biên kịch trẻ là nhiều bạn thực sự thích nghề biên kịch và có quyết tâm theo đuổi, có nhiều ý tưởng thú vị. Nhưng biên kịch là công việc đòi hỏi sự bền bỉ, lâu dài, từ ý tưởng đến kịch bản hoàn chỉnh cần rất nhiều thời gian.

Ngay cả kịch bản của nhà biên kịch chuyên nghiệp thì thời gian từ bản đầu đến ra mắt phim cũng mất một năm, còn kịch bản remake cũng mất cỡ 6 tháng để biên tập. Vì thế nghề biên kịch vừa cần năng khiếu, cần thời gian theo đuổi và cần cả khả năng chịu áp lực.

Năm 2019 cũng chứng kiến nhiều kịch bản thuần Việt ăn khách tại phòng vé. Những phim có doanh thu cao nhất năm có kịch bản thuần Việt là “Cua lại vợ bầu”, “Hai Phượng”, “Lật mặt”…

Bên cạnh đó là một số kịch bản thuần Việt được khen ngợi về nội dung, dù không đạt doanh thu phòng vé cao vì kén khán giả như “Vợ ba”, “Thưa mẹ con đi”, “Ròm”, “Trời sáng rồi ta đi ngủ thôi”, “Mắt biếc”...

Phim remake như “Em là bà nội của anh”.

Liên hoan phim Busan 2019 cũng mang đến một tín hiệu vui khi chọn 5 phim truyện dài của Việt Nam tham dự. Ngoài “Anh trai yêu quái” là phim làm lại từ kịch bản Hàn Quốc, bốn phim còn lại là kịch bản Việt từ các biên kịch trẻ, được phát triển trong suốt mấy năm qua: “Ròm”, “Thưa mẹ con đi”, “Bắc Kim Thang” và “Bí mật của gió”.

Nghệ sĩ nhân dân Thành Lộc đã có những đánh giá rất lạc quan khi xem bộ phim mới ra mắt của một ê kíp biên kịch và đạo diễn trẻ “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi”: “Phim có thể cho là hay, đáng xem. Phim Việt cần xuất hiện nhiều phong cách mới và đây là một trong những cách thể hiện tính thẩm mỹ đáng được trân trọng, cần được ủng hộ lắm.

Nhiều khoảng trống của nhà biên kịch

Tuy có những khởi sắc đáng mừng, nhưng chúng ta cũng chưa thể lạc quan trên con đường tìm kiếm những kịch bản hay cho phim Việt. Giải nhà biên kịch trẻ tài năng năm nay được trao cho Nguyễn Tấn Nhật - diễn viên Sân khấu kịch Hồng Vân có đam mê biên kịch điện ảnh.

Tấn Nhật khẳng định anh có trải nghiệm sống phong phú nhờ sinh ra và lớn lên trong một xóm lao động nghèo với nhiều thành phần xã hội phức tạp ở Sài Gòn. Nhưng liệu Tấn Nhật có đi được đường dài với nghề biên kịch còn là một dấu hỏi, bởi vì, thực tế, có nhiều bạn trẻ đã đứt gánh giữa đường với nghề biên kịch như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định, đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn là sự kiên trì, bền bỉ.

Những nỗ lực của giới điện ảnh trong hành trình tìm kiếm các biên kịch trẻ cũng chưa thể lấp đầy khoảng trống kịch bản trong điện ảnh. Đó là một vấn đề nan giải. Nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh từng trăn trở: “Làm thế nào để có kịch bản hay để đưa vào sản xuất là vấn đề đau đầu. Mỗi năm, chúng tôi nhận được số lượng kịch bản rất nhiều nhưng chưa có kịch bản hay để có thể triển khai”.

Bộ phim thuần Việt của một ê kíp trẻ đang được công chúng đón nhận.

Nhiều đạo diễn gạo cội như NSND Nhuệ Giang, NSND Thanh Vân “rửa tay gác kiếm” vì không có kịch bản hay. Một số đạo diễn tự tay viết kịch bản và làm đạo diễn cho bộ phim của mình như đạo diễn Lưu Trọng Ninh vì ông cho rằng: “Tôi không tin tưởng các nhà biên kịch, không thể tìm được một kịch bản hay hiện nay”. Thiếu kịch bản, đặc biệt kịch bản có chất lượng, cũng dẫn đến thực tế chất lượng phim đi xuống.

Kịch bản chắc chắn là vấn đề sống còn và được nhắc đến nhiều nhất trong giới làm phim hiện nay. Rất may, kịch bản đã được trở về đúng vị trí của nó bởi một thời gian dài trước đây, nhiều quan điểm gần như phủ nhận vai trò của kịch bản và biên kịch.

Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Ngày trước, diễn viên là số 1, sau đó mới đến đạo diễn, còn tác giả kịch bản là ai không mấy được quan tâm. Nhưng thời gian qua nhiều anh em đồng nghiệp chia sẻ với chúng tôi rằng phim họ toàn sao hạng A nhưng cũng bị gãy, chung quy chỉ vì kịch bản”.

Tuy nhiên, việc thiếu vắng kịch bản đã dẫn đến thực trạng các nhà làm phim Việt sử dụng các kịch bản remake. Đó là một lựa chọn an toàn cho các nhà làm phim. Bằng chứng là có những phim remake đạt kỷ lục về doanh thu phòng vé như “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, “Em là bà nội của anh” của Phan Gia Nhật Linh…

Theo các nhà làm phim, lựa chọn phim remake thể hiện sự “lúng túng của phim Việt. Vì quá thiếu đề tài, thiếu kịch bản hay buộc các nhà làm phim phải chọn kịch bản của nước ngoài. Việc Việt hóa các kịch bản nước ngoài là điều không thể thiếu và bất kỳ nền điện ảnh nào trên thế giới, dù tiên tiến đến mấy, cũng trải qua.

Nó là cơ hội để các nhà sản xuất, đạo diễn được học hỏi kinh nghiệm, truyền cảm hứng. Nhưng nếu chúng ta muốn xây dựng một nền điện ảnh đậm đà bản sắc dân tộc, thì việc lựa chọn phim remake không thể chiếm ưu thế như hiện nay. Bởi điện ảnh vốn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Phim remake có chăng chỉ giải quyết được bài toán doanh thu phòng vé và cơ hội để các nhà làm phim, biên kịch Việt Nam học tập mà thôi. Bản remake dù hay và thu hút khán giả đến cỡ nào cũng không thể so sánh với những sáng tạo riêng biệt, mang đậm màu sắc văn hóa Việt của các tác phẩm thuần Việt.

“Người Việt vẫn khao khát được thưởng thức những câu chuyện về văn hóa Việt”. Đó là khẳng định của đạo diễn Lưu Trọng Ninh trong một lần trò chuyện với tôi khi ông đang bắt tay vào viết kịch bản phim “Kiều”.

Ông nói: “Người Việt cần xem những bộ phim thuần Việt, những câu chuyện về văn hóa và con người Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần có những chính sách, quỹ nghệ thuật đầu tư và khuyến khích các nhà biên kịch đầu tư sâu cho kịch bản. Hàn Quốc có một nền điện ảnh phát triển rực rỡ vì họ có một thế hệ các nhà biên kịch trẻ, những đạo diễn được gửi đi nước ngoài đào tạo và trở về đóng góp cho điện ảnh nước nhà.

Chúng ta thiếu chiến lược phát triển cho điện ảnh. Những nhà biên kịch trẻ cần được nhà nước, các quỹ phát triển điện ảnh đầu tư để họ có đủ niềm tin và sự kiên trì đi đường dài.  Hiện nay, chỉ có những nhà làm phim độc lập nhỏ lẻ dám dấn thân, góp thêm những màu sắc mới cho nền điện ảnh nhưng đó là nỗ lực của từng cá nhân, chưa đủ sức làm nên diện mạo của một nền điện ảnh.

Và tôi biết, họ cũng ít nhận được sự hỗ trợ, đồng thuần từ phía các tổ chức điện ảnh trong nước. Chúng ta cần có sự đầu tư rõ ràng, nghiêm túc cho các nhà biên kịch trẻ hé lộ tài năng để trong vài ba năm, thậm chí 5-7 năm tới, chúng ta có được những tác phẩm lớn, xứng tầm với thời đại chúng ta đang sống. Với điện ảnh, không thể hời hợt được”.

Diễn viên Ngô Thanh Vân, với hướng đi “truyền tải được văn hóa Việt và sử dụng hoàn toàn kịch bản gốc từ Việt Nam”, chị luôn cho rằng người Việt làm phim Việt và xem phim Việt là cách nên làm và nên cố gắng để cùng đưa thị trường phim nói riêng và văn hóa giải trí nói chung đi lên.

Đạo diễn Việt kiều Leon Quang Lê sau nhiều năm sống ở nước ngoài cũng quay về Việt Nam và làm “Song lang”, một bộ phim tôn vinh văn hóa Việt. Điện ảnh luôn khát những kịch bản “vàng”. Và chúng ta vẫn chờ đợi sự bứt phá từ chính các nhà biên kịch trẻ để góp phần thúc đẩy điện ảnh Việt khởi sắc hơn trong tương lai.

Linh Nguyễn

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文