Diễn viên Chánh Tín: Một huyền thoại khó gặp lại trong phim Việt

08:01 08/01/2020
Diễn viên Chánh Tín đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở tuổi 68, khi những phiền muộn trong cuộc sống của ông vẫn chưa đi qua.

Nhưng những người yêu điện ảnh Việt Nam, vẫn nhớ về ông như nhớ về một huyền thoại, một huyền thoại đẹp đã từng góp phần đưa điện ảnh Việt Nam lên đỉnh cao.

1. Ông là một biểu tượng của điện ảnh Việt Nam thập niên 80-90 với một vẻ đẹp mạnh mẽ, đàn ông, lịch lãm và trí thức. Trước khi trở thành một diễn viên điện ảnh, Chánh Tín từng là một ca sĩ với giọng hát trầm và ấm.

Chánh Tín tên thật là Nguyễn Chánh Tín, sinh năm 1952 tại Bạc Liêu. Gia đình của ông được biết đến là hào kiệt võ môn nức tiếng của vùng. Cha ông, Nguyễn Chánh Minh là một võ sĩ đã lập được nhiều chiến tích trong công cuộc trừ gian diệt bạo, giúp đỡ người nghèo khó. 

Là một người con sinh ra trong gia đình truyền thống học võ nhưng từ nhỏ, Chánh Tín đã có niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật, dù cha phản đối và nhiều lần bày tỏ thành kiến nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. Khi lớn lên ông tham gia học tại trường Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn và bắt đầu sự nghiệp với nghề ca sĩ.

Sinh thời, ông được hai nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy và Dương Thiệu Tước giúp đỡ, Chánh Tín đã đi hát tại các phòng trà và được nhiều người biết đến với hai ca khúc "Tìm nhau" và "Nghìn trùng xa cách". Thế nhưng âm nhạc chỉ là một bước đi nhỏ trong cuộc đời người đàn ông tài hoa này. Khát vọng của ông lớn hơn thế, đó là tham gia đóng phim. 

Năm 1974, Chánh Tín được thử sức với vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp trong bộ phim "Vĩnh biệt tình hè" đóng cùng diễn viên Băng Châu. Mặc dù không có quá nhiều đất diễn nhưng ông cũng vẫn gây được thiện cảm với người xem. Vào những năm thập niên 80, ông tham gia hàng loạt vai diễn nổi tiếng như "Tình đất Củ Chi", "Con mèo nhung", "Hạnh phúc quanh đây"... 

Và ông đã thực sự tỏa sáng trong vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong bộ phim dài tập "Ván bài lật ngửa". Chính sự nhiệt huyết, bền bỉ của người nghệ sĩ trẻ đã đưa tên tuổi ông lên hàng đỉnh cao của điện ảnh nước nhà và từng có lượng fan nữ hâm mộ đông kỷ lục thời bấy giờ. Với vẻ ngoài phong lưu, nam tính của nhân vật do Chánh Tín thể hiện đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng biết bao thế hệ.

Nghệ sĩ Chánh Tín trong phim “Ván bài lật ngửa”.

Trên trang facebook của mình, nhà báo Lê Hồng Lâm chia sẻ: "Có thể nói Nguyễn Chánh Tín sinh ra để đóng vai Nguyễn Thành Luân hay ngược lại, đây là nhân vật được "đo ni đóng giày" cho Nguyễn  Chánh Tín. 

Nhà văn, biên kịch Trần Bạch Đằng, tác giả của bộ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm (ông lấy bút danh Nguyễn Trường Thiên Lý) đã từng nhận xét rằng: "Diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người". 

Quả là vậy, Chánh Tín không chỉ có một gương mặt điển trai, một khí chất quý ông lịch lãm hiếm có khó tìm trên màn ảnh Việt, mà ông còn chinh phục khán giả bằng lối diễn xuất rất điềm tĩnh và tiết chế, cách nhả thoại khoan thai, từ tốn, ngay cả trong những tình thế cân não, ngàn cân treo sợi tóc hay kẻ thù bao vây tứ phía. 

Ngày hôm nay, những người yêu điện ảnh Việt cũng đang đặt một vòng hoa (dù là trong tâm tưởng) để tưởng nhớ về một nam diễn viên tầm cỡ, người trở thành một trong những biểu tượng của điện ảnh Việt mà chúng ta khó tìm thấy người thứ hai".

Nguyễn Chánh Tín đã bước lên màn ảnh với tất cả sự rực rỡ phong trần và cũng rất an nhiên. Ông đã để lại cho phim Việt một tuổi trẻ đẹp nhất có thể. Vẻ đẹp của một người đàn ông tài hoa, đam mê và cống hiến cho nghệ thuật.

Nghệ sĩ Chánh Tín lúc về già.

2. Có thể nói, ông là một người cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật từ những vai diễn mang lại cho ông thành công vang dội, ghi dấu một thời vàng son của điện ảnh Việt Nam. 

Khi Việt Nam cho phép mở các hãng phim tư nhân, ông là một trong những người hăng hái đứng ra kinh doanh điện ảnh. Hãng phim Chánh Phương do ông làm giám đốc cũng làm nên một số bộ phim ấn tượng (thiên về võ thuật, hoặc kinh dị). 

Đặc biệt bộ phim "Dòng máu anh hùng" đến bây giờ vẫn được đánh giá là một trong những bộ phim chất lượng cao của điện ảnh Việt. Nhưng cũng chính vì bộ phim đó mà đời ông điêu đứng vì nợ nần. Ông đã cầm cố nhà cửa, tài sản để lấy tiền làm phim mà không lường trước thị hiếu của công chúng. 

Phim được đầu tư hơn 30 tỷ, trong khi doanh thu chỉ chừng 8 tỷ, vì nạn phim lậu tràn lan. Thất bại đó khiến cuộc đời ông xuống dốc không phanh. Ngôi biệt thự ông có được từ những năm tháng làm nghề rực rỡ của mình đã phải cay đắng bán đi để trả ngân hàng.

Nghệ sĩ Chánh Tín và vợ - ca sĩ Bích Trâm.

Ngoài 60 tuổi, vợ chồng Chánh Tín và Bích Trâm vẫn phải đi ở nhà thuê. Bản thân ông cũng không còn được sống cảnh an nhàn của tuổi già mà phải chạy xô đóng phim, đi hát phòng trà kiếm tiền mưu sinh. Nhưng có lẽ, điều đáng trân quý ở ông là cả một cuộc đời không ngừng cố gắng. 

Ngay cả khi ở trên đỉnh cao của vinh quang và tiền bạc, ông cũng miệt mài làm việc và cống hiến. Và sau này, trong những khúc trầm của cuộc đời, ông vẫn luôn giữ khí chất và lòng tự trọng. Bạn bè thân hữu đều hiểu, những năm tháng cuối đời của ông là những tháng ngày buồn. Ông không xuất hiện trong các liên hoan phim hay sinh hoạt nghề nghiệp. 

Mấy năm gần đây Chánh Tín già đi nhanh chóng. Ông buồn. Buồn vì một giấc mộng thay đổi, tạo nên một cái gì mới mẻ cho điện ảnh Việt không thực hiện được. Buồn vì cuối đời lại gặp những cảnh khó khăn không ngờ. 

Theo nhà văn Thiên Sơn, người nhiều năm theo dõi đời sống điện ảnh trong nước thì số phận của Nguyễn Chánh Tín có thể nói là một số phận tiêu biểu cho một giai đoạn chuyển giao của xã hội. Anh nhấn mạnh: "Cái bị kịch của Chánh Tín không phải hoàn toàn do ông, mà còn do hoàn cảnh của nền điện ảnh nước nhà. Số phận và sự thất bại của ông là những viên gạch lát đường cho sự phát triển của nền điện ảnh mở cửa sau này".

Vợ chồng nghệ sĩ Chánh Tín.

3. Dù ông có những năm tháng buồn, nhưng có lẽ, trong lịch sử điện ảnh Việt, Chánh Tín vẫn là cái tên gây nhiều thương nhớ nhất. Trên mạng xã hội trong những ngày qua, rất nhiều đồng nghiệp và khán giả đã dành những lời trân quý, thương tiếc cho ông. 

Đôi khi, vì yêu mà họ thể tất cả những điều không hay về ông. Họ không nhớ về những muộn phiền của ông, mà nhớ về những vai diễn, những dấu ấn đẹp mà ông đã để lại trong nhiều thế hệ công chúng Việt Nam. Có thể nói, ông là một gương mặt đậm chất cine hiếm có trong điện ảnh Việt cho đến thời điểm này. Và cũng chính gương mặt đó đã gây thương nhớ cho rất nhiều cô gái, diễn viên cùng thời. 

Diễn viên Diễm My kể lại, khi chị mới chập chững bước vào nghề đã "choáng váng" về sự nổi tiếng của Nguyễn Chánh Tín. Chị cũng "sốc" vì có quá nhiều thiếu nữ sẵn sàng 'xin chết" vì ông.

Vợ ông, ca sĩ Bích Trâm hiểu hơn ai hết những đau khổ, phiền lụy và cả những hạnh phúc khi lấy chồng là một tài tử điện ảnh. Nhưng sau nhiều cuộc tình, cuối cùng ông cũng nhận ra, gia đình là bến đỗ bình yên của cuộc đời. Những năm tháng cuối đời, ông trở về bên người vợ nghĩa tình đã chịu đựng, nhẫn nại và hy sinh cho mình là ca sĩ Bích Trâm. Ông cũng từng nhờ cậy bạn bè để kiếm tiền mổ mắt cho vợ. Tiếc thay, gia đình ông đang làm thủ tục theo con trai sang Cannada định cư thì ông ra đi.

 Nguyễn Chánh Tín đã ra đi mãi mãi. Nhưng "đại tá Nguyễn Thành Luân" sẽ trở thành một huyền thoại trong lòng người yêu điện ảnh, một huyền thoại khó gặp lại trong phim Việt.

Nguyễn Chánh Tín sinh ngày 29-11-1952. Ông là con út trong gia đình có 5 người con, bố là Nguyễn Chánh Minh (võ sĩ nổi tiếng), mẹ là Lưu Ngọc Lan, một hoa khôi của vùng Bạc Liêu - Cà Mau. Ngày bé, Nguyễn Chánh Tín đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ.

Ông hát rất hay và thường được chọn biểu diễn đơn ca ở trường trong các dịp lễ. Không chỉ thế, Nguyễn Chánh Tín còn biết tạc tượng, vẽ tranh. Năm 1972, Nguyễn Chánh Tín trở thành sinh viên trường Luật nhưng vẫn toàn tâm toàn ý hướng về nghệ thuật. Năm 1973 là năm thực sự thành công và đáng nhớ với Nguyễn Chánh Tín. Năm đó ông được huy chương vàng điện ảnh, lại được giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn.

Con đường nghệ thuật của cậu học trò trường Mạc Đĩnh Chi vì thế ngày càng thênh thang rộng mở. Năm 1974, Chánh Tín và Bích Trâm nên duyên vợ chồng. Hai người cùng phát triển sự nghiệp ca hát và trở thành một cặp ca sĩ được yêu thích trong những năm 1980, 1990. Cả hai có với nhau hai con, một trai, một gái.
Lan Tường

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文