Hai chiếc áo của Công Vinh

21:49 17/01/2017
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Công Vinh đã mặc lên mình lần lượt 2 chiếc áo lớn của một cuộc đời: chiếc áo cầu thủ và chiếc áo quản lý. Nếu chiếc áo đầu tiên vốn quá quen thuộc, là chiếc áo định danh một Công Vinh như bây giờ thì chiếc áo thứ hai lại mới mẻ, lạ lẫm và đang tạo ra rất nhiều luồng dư luận khác nhau.


Với chiếc áo một cầu thủ, Công Vinh đã để lại những ấn tượng lớn cả ở cấp độ CLB lẫn cấp độ Đội tuyển Quốc gia. Đấy là ấn tượng về một cầu thủ đầy nghị lực và rất biết cách tận dụng các cơ hội mà cuộc đời bỗng nhiên trao cho mình.

Còn bây giờ, trên tư cách quyền chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh, Công Vinh không còn mặc chiếc áo quen thuộc, gắn bó với mình hơn một thập kỷ nữa, mà lại mặc một chiếc áo mới- chiếc áo sơ mi lịch lãm của một nhà quản lý. 

Chỉ vừa mặc một chiếc áo mà một bộ phận dư luận đánh giá là "quá rộng" này, Công Vinh đã nhận phải những chỉ trích khi quyết định thanh lý tới 6 cầu thủ gốc TP HCM để đưa những cầu thủ giàu kinh nghiệm từ nơi khác về thế chỗ.

Người ta bảo, Vinh làm vậy chẳng khác gì phá đi cái chiến lược xây dựng, và phát triển CLB được vạch ra từ nhiều năm trước, rằng đây sẽ là một đội bóng với đa phần các cầu thủ địa phương, chơi một thứ bóng đá giàu bản sắc. Công Vinh lập tức thanh minh, chuyện 6 cầu thủ ra đi là quyền của HLV trưởng, chứ cá nhân mình tuyệt đối không can thiệp gì.

Sau đó thì "ông chủ" Công Vinh đã trực tiếp đứng trước cửa sân vận động Thống Nhất bán vé kêu gọi các cổ động viên vào sân nhiều hơn và gần gũi, yêu mến đội bóng của mình hơn. 

Sau trận đấu đầu tiên của đội tại vòng 1 V.League năm nay - trận đấu mà vợ chồng Công Vinh không giấu được cảm giác sung sướng vỡ oà với bàn gỡ 1-1 của đội mình thì Vinh đã xuống sân dẫn toàn đội chạy quanh sân cảm ơn khán giả.

Từ chuyện bán vé đến chuyện dẫn các cầu thủ chạy quanh sân, cá nhân Công Vinh nói riêng và ông chủ thực sự đứng đằng sau CLB TPHCM nói chung nhận phải không ít lời ong tiếng ve. Họ bảo Công Vinh "làm màu", và có vẻ đội bóng này cũng mượn hình ảnh của Công Vinh để...làm thương hiệu.

Rồi lại có ý kiến "cảm thương" cho Công Vinh đã vội vàng ngồi lên ghế lãnh đạo mà chưa qua một lớp học hành, tập huấn nào, thành thử đã thực hiện hàng loạt những việc lặt vặt, không đúng tầm với một nhà lãnh đạo đúng nghĩa.

Thực ra, ở một góc độ nào đó, những lời bàn tán dạng này cũng là dễ hiểu. Vì trong quá khứ, Công Vinh được tiếng là một cầu thủ rất biết nói năng, hành động trước đám đông, đặc biệt là trước ống kính phóng viên sao cho mình hiện lên tròn trịa, nổi bật hơn tất thảy.

Công Vinh cũng luôn biết cách tận dụng một bộ phận báo chí thân quen để có thể dễ dàng  truyền tải những điều mình muốn. Như cái lần anh va chạm với cựu giám đốc Sở Thể dục Thể thao Nam Định - Đỗ Thanh Xuân trên sân Thiên Trường, và lập tức lên báo đòi đối chất với ông Xuân - một hành động mà những người hiểu việc khi ấy đánh giá là rất "hỗn".

Trong quá khứ, cũng có những sự vụ mà Công Vinh khiến người ta không dám đặt một niềm tin bền chặt, lâu dài vào anh, mà điển hình nhất là vụ phản kèo bầu Hiển để về với bầu Kiên trước thềm V.League 2012.

Hồi ấy, Vinh đã đồng ý với bầu Hiển về việc ở lại CLB Hà Nội T&T (giờ đổi tên thành CLB Hà Nội), bản thân HN.T&T cũng hí hửng thông báo điều này với các cơ quan truyền thông, thậm chí còn chủ động mời báo giới tham dự buổi họp báo, công bố hợp đồng thi đấu mới của Công Vinh. 

Thế mà đùng một cái, Vinh lật kèo bầu Hiển để về với bầu Kiên - người khi đó đang nổi như cồn sau khi tổng công kích VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam), và đạo diễn việc thành lập VPF (Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, điều hành các giải đấu cấp CLB tại Việt Nam).

Người ta bảo, qua vụ việc này Công Vinh cho thấy, anh là người sẵn sàng làm mọi cách, mọi kiểu để mà... phù thịnh. Hơn ai hết, Công Vinh hiểu là vì sao bây giờ, khi bắt tay vào một công việc mới, và khi thực hiện hàng loạt những hành động khác lạ thì mình lại bị một bộ phận dư luận nghi ngờ đến thế.

Vòng 2 V.League mới đây, khi các cầu thủ CLB TP.HCM thua trên sân Cẩm Phả (Quảng Ninh) vẫn được Công Vinh tuyên thưởng 200 triệu đồng thì những đánh giá khác nhau về Công Vinh lại bị đẩy lên cao. 

Người thì bảo Công Vinh thích tiếp tục "khác người" để tạo tiếng vang hình ảnh cho một CLB đang là tân binh V.League, người lại bảo Công Vinh làm vậy - thua cũng thưởng, sẽ khiến các cầu thủ mất hết ý chí, động lực vươn tới chiến thắng, và về lâu dài, đấy là một cách làm lợi bất cập hại.

Như đã nói, những đánh giá, phán xét không hay về Công Vinh là điều có thể hiểu và lý giải được. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi chúng ta nhất nhất mang một định kiến nào đó về một con người, và nhất nhất soi chiếu hiện tại của người đó bằng cái lăng kính đầy định kiến được dựng xây từ quá khứ thì rất có thể chúng ta sẽ rơi vào phiến diện.

Chẳng hạn như ở trận đấu "thua mà vẫn thưởng" của Công Vinh, tất cả những ai xem trận đấu này đều thấy hôm đó đội bóng của Vinh chơi rất chặt chẽ và ấn tượng. Họ đã khiến lối đá nhỏ, ban chuyền ngắn sở trường của chủ nhà bị vô hiệu, và chỉ thua hai bàn, trong hai khoảnh khắc kém may mắn mà thôi.

Hình ảnh Công Vinh sau trận đấu tiến nhanh từ khán đài xuống sân để động viên tinh thần toàn đội, và nhấn mạnh rằng "chúng ta thua tỉ số, chứ không thua về tinh thần, chuyên môn và sự đoàn kết" là một hình ảnh giàu ý nghĩa. Cái quyết định thưởng nóng sau một trận đấu mà các cầu thủ đã làm tất cả, nhưng không may mắn cũng là điều hoàn toàn chấp nhận được.

Ở một góc độ nào đó, thưởng trong hoàn cảnh này (chứ không phải thưởng khi đội thắng và có thành tích) còn như muốn gửi tới một thông điệp: ở đây, những thắng - thua nhất thời không quá quan trọng, điều quan trọng là cách làm, cách tính cho chặng đường xa.  Rồi ngay cả những nghi ngờ này nọ về chuyện "làm màu", theo chúng tôi ngay cả khi sự "làm màu" là có thật, nhưng nó không hại đến ai, và lại cần thiết cho đội bóng của mình vào lúc này thì đó cũng không phải là một lý do để lên án hay chỉ trích.

Có thể ở thời điểm hiện tại, đúng là chiếc áo mới - chiếc áo của một nhà lãnh đạo CLB có phần hơi rộng với Công Vinh. Nhưng trong quá khứ, từ sân cỏ đến trường đời, Công Vinh cho thấy mình là người luôn không ngừng nỗ lực, không ngừng hoàn thiện bản thân, để tiến về phía trước.

Một con người như vậy chắc chắn sẽ rất biết tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm để ngày một vừa hơn với chiếc áo mới - chiếc áo thứ hai của cuộc đời mình. Vì vậy thay vì cứ liên tục hồ nghi, chỉ trích Công Vinh, điều đáng làm lúc này là hãy cứ điềm đạm quan sát Công Vinh, và chờ thời gian đưa ra lời kết luận sau cùng.

Nói gì thì nói, ở vào tuổi của Công Vinh, không phải người đàn ông nào cũng làm được những điều mà bây giờ Vinh đang làm được!.

Vợ chồng Công Vinh giãi bày trên facebook, lợi bất cập hại?

Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, Công Vinh và vợ mình - ca sĩ Thuỷ Tiên đã liên tục lên facebook cá nhân - những facebook có lượng người theo dõi rất lớn để giãi bày, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan tới các hoạt động bóng đá của Công Vinh. 

Đầu tiên, ca sĩ Thuỷ Tiên tỏ vẻ không hài lòng khi chồng mình không được mời tới Gala trao giải Quả bóng vàng 2016. Thuỷ Tiên đã sử dụng một thứ ngôn ngữ khá gay gắt, thậm chí ít nhiều có màu sắc hằn học để thể hiện suy nghĩ của mình. 

Sau đó lại đến lượt Công Vinh lên facebook giải thích về việc đội bóng của mình thua nhưng vẫn được thưởng 200 triệu đồng. Theo Vinh, đó là văn hoá khích lệ - một điều khá lạ ở một nơi vẫn gắn liền với "văn hoá chỉ trích" như ở Việt Nam. Vinh nhấn mạnh rằng: đã đến lúc cần có cái nhìn cởi mở, thay vì cứ thấy người ta nghĩ và làm khác mình là chỉ trích.

Theo nhiều người thì những phản ứng trên facebook của vợ chồng Công Vinh lúc này có thể sẽ tạo ra tác dụng ngược, vì nó cho thấy Vinh chưa thật "lỳ" - điều rất cần có ở một nhà lãnh đạo.

Hoàng Anh

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文