Hát bội trở về

09:24 10/02/2018
Sau gần 3 tháng chuẩn bị, dự án “Vẽ về hát bội” chính thức ra mắt công chúng miền Nam. Bên cạnh hoạt động talkshow, biểu diễn, chiếu phim, 52 tác phẩm trong triển lãm cùng tên đang được trưng bày từ ngày 1 tới hết 10-2 tại sảnh Gallery của The Garden Mall, quận 5, TP HCM như một cuộc trở về với hồn cốt của văn hóa dân tộc những người trẻ.


Triển lãm là sự góp sức của hơn 40 nghệ sỹ trẻ (chủ yếu 9x) và 100 cộng tác viên trong thời gian 3 tháng. Từ những chia sẻ đầy trăn trở của NSND Đinh Bằng Phi về việc hát bội đang chứng kiến sự đào thải nghiệt ngã của thời đại, các bạn hoạ sĩ thế hệ trẻ tìm đến nguồn tư liệu vốn dĩ khan hiếm của bộ môn nghệ thuật này để phục dựng, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật dựa trên nhiều chất liệu và hình thức khác nhau.

Dù mang đậm hơi thở thời đại nhưng những tác phẩm ấy vẫn giữ nguyên linh hồn và cốt cách của hát bội truyền thống. Mỗi bức tranh, được nhìn qua lăng kính của người trẻ, trở thành một câu chuyện lạ - quen.

Triển lãm “Vẽ về hát bội” diễn ra từ ngày 1 tới 10-2.

Xem triển lãm, công chúng không chỉ bắt gặp những nhân vật quen thuộc trên sân khấu hát bội một thời như Đào Tam Xuân, Chung Vô Diệm, Phàn Định Công, Lưu Kim Đính, Khương Linh Tá, Tạ Ôn Đình… mà còn thấy cả cách cảm, cách nghĩ của người trẻ về họ.

Họa sỹ Diệu Phúc (sinh năm 1993) thông qua tác phẩm của mình đã khắc họa lại sự thảng thốt, đau khổ của nữ tướng Đào Tam Xuân khi hay tin chồng Trịnh Ân và con trai Trịnh Ấn đã bị hôn quan sát hại.

Hay như trong bức tranh tên là “Chung Vô Diệm”, họa sỹ Lê Thư (sinh năm 1988) đã vẽ nhân vật chính này thành mèo do bà có tướng mão đoan tinh. Tác phẩm của Lê Thư giữ nguyên đặc điểm trán có chữ “Nhâm”, trang phục nữ tướng cùng với động tác bẻ lông trĩ đặc trưng của hát bội.

Bức tranh “Cười” của họa sỹ Tú Bùi (sinh năm 1991) đã khắc họa thành công nhân vật phụ Tạ Lôi Nhược của “Sơn Hậu”. Đây là một nhân vật phụ nhưng có tính cách phức tạp. Tính cách ấy được minh họa bằng nụ cười của Tạ Lôi Nhược, nụ cười của một kẻ gian thần trên gương mặt của một người ngây ngô.

Một góc triển lãm “Vẽ về hát bội” trước giờ khai mạc.

Còn họa sỹ Nguyễn Quỳnh Phương (sinh năm 1994), đã tái hiện lại trích đoạn Lưu Kim Đính chiêu phu lúc Kim Đính gặp Cao Quân Bảo lần đầu và lột tả được bà là nhân vật nữ giỏi võ nghệ và đầy khí chất.

Theo chia sẻ của một họa sỹ trong dự án, để thể hiện được tính cách nhân vật, lột tả được “chất” của nhân vật hát bội, những họa sỹ trẻ đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu tài liệu, thông tin và tra cứu, đối chiếu.

Chẳng hạn như, để khắc họa Đổng Trác (trong vở “Phụng Nghi Đình”) là một quan thái sư đầy tham vọng, vì háo sắc mê đắm Điêu Thuyền nên về sau bị chết dưới tay người con nuôi Lữ Bố, họa sỹ Huỳnh Kim Liên (sinh năm 1991) đã hóa trang gương mặt Đổng Trác trắng mốc, lông mày xước cao, có ria mép thể hiện tính gian hùng, nịnh thần.

Không chỉ gợi nhắc lại những nhân vật trên sân khấu hát bội, triển lãm còn giới thiệu một số đặc điểm của hát bội truyền thống trên nền những chất liệu mới hơn.

Tác phẩm “Phàn Định Công” của họa sỹ trẻ Nguyễn Xuân Lan (sinh năm 1993), được lấy cảm hứng từ nhân vật Phàn Định Công mà mô-tuýp Art Nouveau (Tân nghệ thuật). Điểm trang xung quanh nhân vật là những chi tiết mặt nạ hát bội và hình tượng rồng mang tính biểu tượng không thể thiếu trên sân khấu hát bội.

Hay như Huỳnh Hòa Trâm Anh (sinh năm 1993), không chọn vẽ mà chọn hình thức card, sưu tầm 6 nhân vật đặc trưng của vở tuồng “Sơn Hậu”, gồm Khương Linh Tá, Phàn Diệm, Phàn Định Công, Đồng Kim Lân, Tạ Ôn Đình, Tạ Thiên Lăng.

Nguyễn Hoàng Dương (sinh năm 1991), qua tác phẩm “Chong đèn”, thể hiện ấn tượng của cậu đối với khoảnh khắc của nghệ sỹ hát bội khi bước ra sân khấu. Khoảnh khắc đó với họa sỹ trẻ khó giải thích bằng lời, cậu gọi đó là một thứ “ma thuật”.

Nhiều nhân vật nổi tiếng của sân khấu hát bội được tái hiện qua cách nhìn của các họa sỹ trẻ.

Những màu sắc như đen, xanh lá và nâu được lấy cảm hứng từ một cảnh hát bội trong phim “Indochine” – Đông Dương (1992), phần nào phủ lên tác phẩm bầu không khí bí ẩn thường thấy trong tranh sơn mài.

Tác phẩm không tái hiện một vở tuồng nào cụ thể mà chỉ muốn lột tả khoảnh khắc mê hoặc, toát ra mỗi khi người nghệ sỹ xuất hiện trên sân khấu.

Trong “Đời và Tuồng”, họa sỹ trẻ Nguyễn Quang Vinh (sinh năm 1992) thể hiện quan điểm, cách nghĩ của mình về chiếc mặt nạ. Theo cậu, trong nghệ thuật tuồng truyền thống, bên cạnh hình thức biểu diễn thì nghệ thuật hóa trang – hay cụ thể hơn là mặt nạ tuồng cũng là một phương tiện giúp người nghệ sỹ biểu diễn lột tả tính cách nhân vật.

Tháo chiếc mặt nạ xuống, người nghệ sỹ cũng như bao con người bình thường khác nhưng khi đeo chiếc mặt nạ lên, họ có thể hóa thân thành hàng trăm nhân vật khác nhau. Có những nghệ sỹ cả đời chỉ yêu tuồng, thậm chí đến khi sức tàn lực kiệt nhưng khi nói đến tuồng, thì nói trôi chảy như trút hết ruột gan. Đời và tuồng, tuồng và đời, đời không có tuồng đời mất vui, tuồng chưa trải đời tuồng khó tới.

Khắc họa nhiều nhân vật nổi tiếng của sân khấu hát bội, các họa sỹ 9x cũng không quên những nhân vật phụ. Alex Dang (sinh năm 1991), qua bức tranh “Yêu đạo”,  đã thể hiện sự đồng cảm nhỏ nhoi của mình đối với một nhân vật yếu phụ trong nghệ thuật tuồng: Yêu Đạo.

Trong suy nghĩ của Alex Dang, hào quang sân khấu thường chỉ dành cho kép chính, thế nhưng, một vở diễn không thể hoàn thành nếu thiếu những nhân vật nhỏ nhưng quan trọng. Họ luôn ở đó, âm thầm đóng góp cho sự thành công của nghệ thuật tuồng. Bức tranh này như một lời tri ân tới những vật nhỏ như vậy.

Chuỗi sự kiện bao gồm nhiều hoạt động đa dạng từ triển lãm đương đại, biểu diễn hát tuồng cổ và hoạt động tương tác với khán giả như lớp học ứng dụng, buổi trò chuyện với nghệ sĩ, như một gợi ý cách tiếp cận đối tượng công chúng trẻ của loại hình nghệ thuật được xem là cổ truyền của Việt Nam này.

NSƯT Hữu Danh: Phải giữ được thì mới tính chuyện phát triển

Khi nhận được lời mời của các bạn làm dự án “Vẽ về hát bội”, tôi ủng hộ ngay. Có thể thấy, đối tượng công chúng truyền thống của hát bội đang ngày càng già đi. Nếu các bạn trẻ mà quan tâm tới, đó là một tín hiệu đáng mừng đối với bộ môn này.

Thời gian qua, những người hoạt động trong ngành cũng ngồi lại, bàn với nhau để định hướng con đường đi của hát bội như thế nào. Song hiện nay, công nghệ hiện đại lên ngôi với nhiều lựa chọn, tiện ích khác, chúng tôi cũng không thể ép các em, các cháu xem.

Nhưng đây là một trong những loại hình nghệ thuật cổ của Việt Nam, cứ để ngày một lụi thì rất uổng; còn giữ thì giữ sao đây? Khó quá. Mình tôi đâu giữ được. Để giữ hát bội, cần sự chung tay của nhiều bên nữa. Không chỉ từ phía chính quyền, những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, phía nhà hát mà còn cả phía nghệ sỹ nữa.

Cũng có những ý kiến đặt ra, rằng tại sao không thử đương đại hóa hát bội, để kéo công chúng trẻ quan tâm hơn. Từ trước tới giờ, không phải không có người làm việc đó nhưng vấn đề ở đây là, có nên không?

Nếu công chúng muốn nghe cải lương thì đến sân khấu cải lương, muốn coi kịch thì đến sân khấu kịch, muốn coi một cái gì truyền thống hơn thì đi coi hát bội, thế mới ra “chất” của từng loại hình chứ? Bây giờ mà pha trộn, liệu hiệu quả nghệ thuật sẽ như thế nào?  Có bị lạc lối không?

Trước đây, khi mà các gameshow cũng như các chương trình giải trí khác chưa tràn ngập trên sóng truyền hình, hát bội còn có “đất” để tiếp cận công chúng. Một năm, nhà hát cũng làm 3-4 vở để phát.

Nhưng bây giờ, đâu còn “đất” nữa, một phần sự quan tâm của công chúng tới hát bội cũng theo đó mà mất đi. Các cấp chính quyền thì lúc nào cũng nhấn mạnh phải chăm lo cho hát bội nhưng nói theo kiểu “à ừ” rất đại khái.

Tôi nghĩ, để giữ và phục dựng lại loại hình nghệ thuật này, cần những biện pháp cụ thể, rõ ràng, khi đó may ra chúng ta mới tính tiếp được. Phải giữ được nó thì mới phát triển được.


Họa sỹ Nguyễn Nhật, Trưởng nhóm dự án “Vẽ về hát bội”: Mong người trẻ biết đến hát bội nhiều hơn

Cá nhân Nhật là một người có lòng tự tôn dân tộc, tự tôn văn hóa rất cao nên muốn làm cái gì đó để khi nhìn vào là thấy chất châu Á, nhưng không phải của Trung Quốc, hay của Hàn Quốc mà là của Việt Nam. Nhật nghĩ, nếu theo những hướng hiện đại quá, người ta có thể biết đến tên tuổi của mình, nhưng mình từ đầu ra, gốc gác mình như thế nào, họ nhìn vào không biết?

Chỉ khi quay về cội nguồn, về những điều cơ bản nhất thì những thiết kế của mình mới có chiều sâu. Khi làm dự án này, Nhật và những người bạn của mình cũng không có tham vọng điều gì to tát cả, chỉ muốn qua sự kiện này, những người trẻ biết đến hát bội nhiều hơn.

Đậu Dung

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文