Khi bản quyền tác giả lên sàn đấu giá

14:19 17/03/2020
Sau cổ vật, tác phẩm mỹ thuật được đưa lên sàn đấu giá, mới đây bản quyền tác giả âm nhạc cũng "rục rịch" lên sàn.


Việc đưa tác phẩm văn hóa, nghệ thuật (VHNT) lên các sàn đấu giá, sàn giao dịch bản quyền được kỳ vọng sẽ không chỉ góp phần ngăn chặn vi phạm bản quyền mà thông qua đó còn thúc đẩy sự phát triển của VHNT. Dù rằng, đến nay, đây vẫn chỉ là những bước khởi đầu.

Cầu nối mới đưa tác phẩm có giá trị ra thị trường

Từng tạo nhiều bất ngờ khi trở thành một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức sàn đấu giá và duy trì hoạt động hiệu quả, thường xuyên vài năm trở lại đây, Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn tiếp tục gây nhiều tò mò khi cho hay sẽ tổ chức đấu giá tác quyền âm nhạc. 

Dự kiến phiên đầu tiên sẽ diễn ra lần đầu vào tháng 3 nhưng được lùi lại vào tháng 4 hoặc tháng 5 do diễn biến phức tạp từ bệnh dịch. Tuy nhiên, theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn, đến nay hoạt động này đã sẵn sàng, chỉ chờ hết dịch. Trước khi bắt tay vào triển khai, đơn vị đã tham khảo nhiều nơi trên thế giới. 

Ở Việt Nam, hình thức này mới nhưng trên thế giới đã triển khai từ lâu. Thực tế đã chứng minh, khai thác thương mại bản quyền tác giả là một thị trường tài chính lớn và những thứ có giá trị có thể là hữu hình hoặc vô hình đều có thể đưa lên sàn đấu giá. 

Tại Việt Nam, công chúng trong nước đã dần quen với đấu giá các các tác phẩm nghệ thuật, trong đó bao gồm cổ vật, tượng, tranh… Đấy là những thứ hữu hình. Nhưng ý tưởng và quyền khai thác thương mại tác phẩm là những thứ vô hình. Đó cũng không chỉ là bản quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc mà còn là bản quyền điện ảnh, nhiếp ảnh… 

Riêng với bản quyền tác phẩm âm nhạc, lâu nay, "kênh" giao dịch chính là nghệ sĩ, nhà sản xuất, đơn vị sử dụng tự thỏa thuận trực tiếp với nhạc sĩ hoặc thông qua một số tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Khi đưa lên sàn đấu giá, người mua không nhất định là những đối tượng truyền thống, quen thuộc mà có thể là những người bình thường, mua như một cách đầu tư như đấu giá tranh, cổ vật… 

Người mua có thể tùy ý sang nhượng quyền sử dụng tác phẩm theo thỏa thuận trong phiên đấu giá và quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan. Hiệu quả của việc đấu giá đến phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, tác phẩm mà nhà đấu giá đưa ra có giá trị hay không và được cộng đồng đón nhận như thế nào mang tính quyết định.

Nhà đấu giá từng được hy vọng sẽ góp phần minh bạch thị trường, bảo vệ bản quyền tác phẩm mỹ thuật.

Thực tế, từ năm 2007, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã từng vận hành sàn giao dịch ý tưởng và sàn giao dịch bản quyền về các lĩnh vực VHNT. Theo đó, tất cả các sản phẩm thuộc lĩnh vực xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kịch bản phim, băng đĩa, phần mềm công nghệ thông tin… đều có thể được giao dịch công khai, định kỳ hàng tháng trên sàn đấu giá. 

Với sự bảo trợ của Cục Bản quyền tác giả, theo công bố thì sàn là nơi giao dịch bản quyền, ủy thác môi giới bản quyền, khai thác kinh doanh bản quyền và còn đầu tư sáng tác, xác lập giá trị bản quyền. 

Trong phiên giao dịch đầu tiên, đã có khá nhiều tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng thời điểm ấy được chọn đưa lên sàn, trong đó có tiểu thuyết "Chạy án" phần 2 của nhà văn Nguyễn Như Phong, một số tác phẩm mới của nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, bức phù điêu độc bản của nghệ nhân Huỳnh Văn Đa… 

Tuy nhiên, phiên giao dịch đã không thành công. Hầu hết người đến tham dự chỉ vì tò mò. Việc bỏ một số tiền lớn đầu tư mua bản quyền một ý tưởng, kể cả bản quyền một tác phẩm của một tác giả nổi tiếng tại thời điểm ấy là một quyết định mạo hiểm. Bởi, không ai dám chắc tác phẩm mà họ sở hữu sau đó có bị sao chép, in lậu bán tràn lan như nhiều tác phẩm được yêu thích khác hay không. Sàn giao dịch bản quyền cũng chỉ thực hiện 1 phiên rồi dừng.

Nhớ lại việc tổ chức sàn giao dịch này, ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, chia sẻ: "Hơn 10 năm trước, bản quyền tác giả và quyền liên quan tại Việt Nam chưa được quan tâm nhiều như hiện nay. Luật Sở hữu trí tuệ mới có hiệu lực, chưa thực sự đi vào đời sống nên Ban tổ chức đã quyết định tạm dừng. Nhưng hiện nay, việc thực thi bản quyền đã nghiêm túc hơn, các quy định pháp luật cũng chặt chẽ hơn nên việc tổ chức sàn giao dịch bản quyền về các lĩnh vực VHNT sẽ khả thi hơn. 

Ban tổ chức đã có kế hoạch khởi động lại vào dịp kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4). Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động này tạm hoãn, chờ thời điểm thích hợp hơn. Ban tổ chức mong muốn việc khởi động lại sàn giao dịch bản quyền không chỉ kết nối giữa nguồn cung và nguồn cầu cho các tác phẩm VHNT độc đáo mà còn là "kênh" quảng bá hiệu quả cho các tác phẩm có giá trị đến công chúng, góp phần nâng cao ý thức về quyền sở hữu trí tuệ trong xã hội".

Tác phẩm sơn mài "Vũ điệu dưới ánh trăng" của tác giả Đặng Khánh Hội trong "Tuần Trưng bày sơn mài Việt Nam".

Thúc đẩy công bằng, sáng tạo VHNT

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, NSND Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho rằng đây là hoạt động cần thiết nhằm thúc đẩy thực thi bản quyền trong lĩnh vực VHNT. 

Việc thực thi bản quyền sẽ góp phần kiến tạo môi trường hoạt động nghệ thuật lành mạnh và công bằng, tạo động lực sáng tạo và nguồn tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ. Vài năm gần đây, hoạt động này đã được quan tâm, thực thi nghiêm túc hơn. Kể cả khi tổ chức chương trình hay làm MV, album, các nghệ sĩ đều tuân thủ đúng các quy định, xin phép, thỏa thuận với các tác giả, các chủ sở hữu tác phẩm. 

Ngoài việc xin phép, trả tác quyền cho các tác phẩm đã sáng tác, công bố, nhiều nghệ sĩ còn "đặt hàng" các nhạc sĩ sáng tác. Đây là những "kênh" giao dịch truyền thống, quen thuộc. Đưa bản quyền tác giả lên sàn giao dịch, đấu giá là hình thức còn quá mới mẻ. Nếu thành công, hoạt động này sẽ góp phần khích lệ nghệ sĩ mạnh dạn và yên tâm đầu tư nhiều hơn cho các tác phẩm. Nhưng mong muốn là một chuyện và hiệu quả hay không thì còn phải… chờ. 

Hiện tại, hành lang pháp lý về bản quyền tác giả, quyền liên quan đã tương đối đầy đủ. Nhận thức và ý thức về bản quyền trong cộng đồng đã được nâng cao hơn. Thực thi bản quyền nghiêm túc hơn là xu hướng tất yếu, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều "sân chơi" của quốc tế. 

Thống kê của Cục Bản quyền tác giả cho thấy, năm 2019, Cục đã thụ lý, cấp 7.932 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (tăng 21,25% so với cùng kỳ năm 2018), thực hiện ghi nhận hoạt động của của 10 tổ chức tư vấn, dịch vụ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Bản quyền tác phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng đang "rục rịch" lên sàn giao dịch và tổ chức đấu giá.

Cũng theo Cục Bản quyền tác giả, ngay từ khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào 14/1/2019, để thực hiện các nghĩa vụ được đặt ra trong CPTPP về sở hữu trí tuệ, Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm cải thiện khung pháp lý, vừa tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. 

Cụ thể, Cục đã tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan theo cam kết tại Hiệp định CPTPP; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản đề nghị xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ về nội dung quyền tác giả, quyền liên quan theo hướng xây dựng, ban hành Luật Quyền tác giả… 

Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật giám định quyền tác giả, quyền liên quan cũng đã được ban hành. Tiếp nối chuỗi hoạt động này, năm 2020, hàng loạt hoạt động khác nhằm hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cũng như thúc đẩy thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan tiếp tục triển khai.

Trước mắt, thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền tác giả và quyền liên quan, mới đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch gia nhập và chuẩn bị cho việc thực hiện Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT). 

Theo đó, Việt Nam sẽ nghiên cứu, tham vấn chuyên gia nước ngoài, rà soát, đánh giá sự phù hợp giữa quy định của hai Hiệp ước này và các điều ước của quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước hoàn thành trước ngày 1/12/2020. Sau khi lấy ý kiến và kiểm tra của nhiều bộ, ngành, hồ sơ sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 1/6/2021. 

Điều này cũng đồng nghĩa là hành lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã và sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, việc thúc đẩy thực thi bản quyền, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo VHNT trong thực tế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, các sàn giao dịch bản quyền, đưa bản quyền tác giả lên sàn đấu giá là một trong những yếu tố như thế.

Hải Hà

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文