Kiatisak ra đi & "đường binh" mới của bóng đá Thái Lan

09:59 06/04/2017
Kiatisak đã chính thức từ chức HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia Thái Lan sau trận thua Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á.

Sau 7 lượt trận, chỉ giành được duy nhất 1 trận hoà, thua 6 trận, và để lọt lưới tổng cộng 19 bàn, không những giấc mơ World Cup của Đội tuyển Thái Lan vỡ vụn mà những trận thua nặng bị đánh giá là đã làm tổn hại không nhỏ đến thương hiệu Đội tuyển, thương hiệu nền bóng đá. Thành thử, ngay cả khi không từ chức, khả năng nhà cầm quân này bị sa thải là rất lớn.

Điều tất yếu phải xảy ra

Thực tế thì  ngay sau khi Đội tuyển Thái Lan vô địch  AFF Suzuki Cup 2016, vấn đề đi hay ở của Kiatisak đã được tân chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, ông Somyot đặt ra. Bởi đấy là thời điểm bản hợp đồng giữa "Sắc" với Liên đoàn kết thúc, và người đại diện của Somyot có nói bóng gió trên báo giới rằng: "Nếu muốn, Kiatisak có thể chủ động ra đi".

Tại sao Liên đoàn bóng đá Thái lại ứng xử với một người vừa giúp Đội tuyển vô địch Đông Nam Á một cách lạnh lùng như vậy? Tại vì ai cũng hiểu, với một lực lượng vượt trội so với phần còn lại, chuyện Thái Lan vô địch Đông Nam Á được người Thái xem là một lẽ đương nhiên. Cái chính là sau khi vô địch Đông Nam Á rồi, họ phải thể hiện bộ mặt coi được trong các trận đấu với các ông lớn châu lục - điều mà Đội tuyển dưới thời "Sắc" không làm được.

Nhưng dẫu sao cái tình của "Sắc" với các tuyển thủ Thái Lan nói riêng và người hâm mộ Thái Lan nói chung vẫn là quá lớn, nên sau khi cân lên đặt xuống, Liên đoàn bóng đá Thái vẫn quyết định ký một bản hợp đồng mới có... thời hạn 1 năm.

Chỉ là 1 năm, chứ không phải 3 năm như trước, rõ ràng cách làm của Liên đoàn bóng đá Thái lúc ấy cho thấy rõ hai mục đích: một mặt họ vẫn giữ lại "Sắc" vì cái tình, nhưng mặt khác cũng đã sẵn sàng cho những phương án thay thế, khi hoàn cảnh buộc mình phải thay thế. Và bây giờ, khi Thái Lan thất bại toàn diện ở vòng loại World Cup 2018, khi chính "Sắc" cũng đủ khôn ngoan để biết giờ mà không từ chức cũng không ổn thì những phương án thay thế đã được tính đến.

Các thành viên của Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia Thái Lan tư vấn cho ông chủ tịch Somyot phải thuê một HLV tầm cỡ đến từ châu Âu để hy vọng có thể giúp Đội tuyển được nâng tầm. Và chính ông Somyot cũng đã đặt tất cả vốn liếng của mình vào "canh bạc nâng tầm" này khi phát biểu: "Đấy là nhiệm vụ số 1 trong nhiệm kỳ hoạt động của tôi. Nếu nhiệm vụ này không hoàn thành, chính tôi cũng sẽ là người từ chức tiếp theo".

Lâu lắm rồi người ta mới thấy một nhà lãnh đạo bóng đá Thái Lan "máu" vượt ngưỡng đến như thế

Kiatisak với màu áo Hoàng Anh trên người.

Và điều gì sẽ xảy ra?

Đội tuyển Thái Lan thời hậu Kiatisak chắc chắn sẽ được dẫn dắt bởi một HLV châu Âu - điều mà với người Thái nói riêng cũng như bóng đá Đông Nam Á nói chung vốn chẳng mới mẻ gì.

Ngay từ cuối những thập niên 80 của thế kỷ 20, Thái Lan đã là nền bóng đá tiên phong ở Đông Nam Á sử dụng các ông thầy người châu Âu và Nam Mĩ. Sang đến thập niên cuối 90, thông qua mối quan hệ đặc biệt với Liên đoàn bóng đá Anh, người Thái thậm chí đã có cả một chiến lược sử dụng các ông thầy người Anh dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia. Hàng loạt những tên tuổi lớn như Peter White, Peter Reid, Bryan Robson... xuất hiện.

Trong số những ông thầy người Anh tên tuổi này, Peter White là người thành công hơn cả. Không chỉ giúp Đội tuyển Quốc gia Thái liên tục vô địch Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) và SEA Games, Peter White thậm chí đã cùng đội bóng này vượt qua Hàn Quốc ở tứ kết môn bóng đá Asiad (Đại hội thể thao châu Á) được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan) vào năm 1998. Đấy là trận đấu mà 9 cầu thủ Thái Lan đã đánh bại 11 cầu thủ Hàn Quốc một cách oanh liệt. Và đấy là thời kỳ mà người Thái thực sự tin rằng, với Peter White, con thuyền bóng đá nước nhà có thể rời ao ra biển. Song, chiến tích đánh bại Hàn Quốc là điểm sáng hiếm hoi của White ở đấu trường châu lục, cộng thêm những rạn nứt với vài quan chức Liên đoàn, rốt cuộc White cũng đã ra đi.

Riêng với Peter Reid - cựu HLV CLB Sunderland ở giải Ngoại hạng, nhà cầm quân này chính là bại tướng của HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam Henrique Calisto tại chung kết AFF Suzuki Cup 2008. Không lâu sau trận chung kết này, Peter Reid chủ động rời Thái Lan về nước. Với Bryan Robson, cựu ngôi sao Manchester United, Đội tuyển Thái thậm chí còn không vượt qua nổi vòng bảng AFF Suzuki Cup 2010.

Sau khi chiến lược dùng thầy Anh vẫn không giúp Đội tuyển nâng tầm, người Thái lại quay sang dùng thầy Đức, cũng là một HLV khá nổi tiếng: ông Winfried Schafer, và cùng với Schafer, Đội tuyển Thái đã có một vòng bảng AFF Suzuki Cup 2012 tưng bừng trên sân nhà. Nhưng sau đó, đội bóng do Schafer dẫn dắt đã để thua "kèo dưới" Singapore trong trận chung kết, thế là Schafer cũng lại ra đi.

Thời điểm ấy, báo giới, dư luận Thái nói nhiều tới "cuộc khủng hoảng thầy ngoại", và đề nghị phải đưa thầy nội Kiatisak lên thay thế. Lập tức Kiatisak giúp bóng đá Thái trở lại với qũy đạo vô địch với ngôi đầu SEA Games các năm 2013, 2015 và chức vô địch AFF Suzuki Cup các năm 2014, 2016. Ai cũng thấy, dưới sự nhào nặn của Kiatisak, bóng đá Thái đã có một thế hệ cầu thủ mới, với một lối chơi đập nhả giàu kỹ thuật đã trở thành bản sắc. Nhưng bây giờ, khi đội bóng do "Sắc" dẫn dắt không thể hiện được mình ở cuộc chơi châu lục thì Liên đoàn bóng đá Thái lại chia tay Kiatisak để quay về phương án thầy ngoại.

Họ tin rằng, một thầy ngoại đủ tầm thực sự sẽ giúp Đội tuyển được nâng tầm

Kiatisak và các cầu thủ Đội tuyển Thái Lan.

Liệu có đi nhầm nước?

Cách mà Liên đoàn bóng đá Thái nói về "một ông thầy ngoại giúp Đội tuyển nâng tầm" cho người ta một cảm nhận: vấn đề của bóng đá Thái bây giờ nằm ở ghế HLV. Và cứ thay HLV là một hy vọng mới, một chân trời mới sẽ được mở ra. 

Sự thực thì trong thời gian dài vừa qua, mặc dù đây đó Đội tuyển Thái cũng tạo bất ngờ bằng những trận đấu giao hữu với các ông lớn châu lục (điển hình nhất là trận thắng Đội tuyển Trung Quốc trên sân khách), nhưng trong một cuộc chơi mang tính ăn thua lớn thì đẳng cấp của người Thái với những đội hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia... vẫn kém hơn. Vấn đề nằm ở trình độ - đẳng cấp của các cầu thủ, chứ không phải ở HLV.

Những nhà lãnh đạo bóng đá Thái cũng nhìn ra điều này, và đã cố gắng làm tất cả mọi điều có thể để nâng nền đẳng cấp. Một mặt, họ chỉ đạo xây dựng cùng lúc nhiều học viện bóng đá trong nước, một mặt đã lên một chiến lược hợp tác, đào tạo cầu thủ với CLB Leicester City - CLB đang thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh, do một doanh nhân người Thái làm chủ tịch. Nhưng khi những cách làm chưa thể một sớm một chiều cho ra kết quả thì có cảm giác, những nhà lãnh đạo bóng đá Thái vẫn đang "nóng ruột", và quyết định chia tay Kiatisak có vẻ là để giải tỏa sự "nóng ruột" này.

Thật khó tin là một ông thầy tầm cỡ xuất hiện sẽ lập tức "hô biến" một Đội tuyển Thái Lan từ trình độ B nhảy cóc tới trình độ A. Thành thử cũng có một bộ phận những nhà quan sát bóng đá Thái Lan cho rằng chấp nhận để Kiatisak từ chức, nhọc công đi tìm một ông thầy châu Âu vào lúc này có thể là một nước cờ sai.

Thôi thì cứ đợi thời gian kiểm chứng!

Chưa vội đến Việt Nam

Ngay sau khi Kiatisak từ chức HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia Thái Lan, dư luận Việt Nam đã rộ thông tin "Sắc" sẽ được mời về dẫn dắt CLB Hoàng Anh Gia Lai tham dự V.League. Thông tin này dựa trên việc "Sắc" trước đây là người của bầu Đức, đã từng đá bóng, làm HLV, rồi hoạt động kinh doanh dưới trướng ông bầu máu mặt này. Trong những lần đem quân đến Việt Nam thi đấu, "Sắc" cũng không quên nói rất ngoại giao rằng: "Sẵn sàng trở lại Việt Nam, mỗi khi hoàn cảnh cho phép". Tuy nhiên trên thực tế, khi trả lời báo giới, bầu Đức và ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho biết mình không hề có ý định mời lại Kiatisak vào thời điểm này. Trả lời báo giới Thái Lan, Kiatisak cũng cho biết sau khi rời ghế huấn luyện Đội tuyển Quốc gia và Đội tuyển U.23 Quốc gia Thái, việc đầu tiên của mình là nghỉ ngơi, chứ chưa vội nghĩ tới những vấn đề công việc.

Hiếu Hà

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文