Kiếm tiền từ SEA Games 31 dễ hay khó?
Chi nghìn tỷ, thu về chục tỷ
8 tháng trước, Việt Nam chính thức trở thành nước chủ nhà đăng cai SEA Games 31. Có nhiều lý do khiến chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng về việc tổ chức một kỳ sự kiện thể thao trong khu vực, một trong số đó là chuyện mất cân đối trong vấn đề thu chi. Điều này từng xảy ra ở những kỳ đại hội thể thao lớn trước kia mà Việt Nam tổ chức, khi số tiền bỏ ra lên tới hàng ngàn tỷ nhưng thu về lại rất khiêm tốn.
Việt Nam chỉ dự kiến thu về 25 tỷ đồng tiền tài trợ từ SEA Games 31. |
SEA Games 22 (2003) trở thành một bài học quý giá cho những người làm thể thao Việt Nam trong công tác tổ chức một sự kiện quốc tế. Chúng ta quá tập trung vào những phần việc chuyên môn để tạo ra một kỳ SEA Games rực rỡ, quy củ và thành công nhưng lại gần như không để tâm đến mảng kiếm tiền. Kết quả là những người làm thể thao Việt Nam chỉ thu về vỏn vẹn 70 tỷ đồng gồm cả tiền và hiện vật tài trợ từ những đơn vị liên kết.
Con số kể trên quá ít ỏi so với khoản kinh phí 4.700 tỷ đồng được sử dụng để tổ chức SEA Games 22. Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan hơn sau đó 6 năm, khi Việt Nam trở thành nước tổ chức Asian Indoor Games. Thành tích giành 42 HCV, xếp thứ hai toàn đoàn của nước chủ nhà hoàn toàn trái ngược với tình hình kinh doanh, tài trợ từ các doanh nghiệp. Lần này Việt Nam chỉ thu về được 30 tỷ đồng trên tổng số 2.100 tỷ đồng đã bỏ ra.
Đến Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (Asian Beach Games) diễn ra vào năm 2016, Việt Nam lại tiếp tục loay hoay tìm nhà tài trợ. Phải đến những ngày cuối cùng trước khi đại hội chính thức diễn ra, ban tổ chức mới tìm được 2 doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ tổng cộng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên phần lớn trong số 25 tỷ đó là hàng hóa được quy đổi tương ứng. Bên cạnh đó, nhìn theo biểu đồ thời gian, số tiền tài trợ cho mỗi kỳ đại hội thể thao lớn tại Việt Nam lại có xu hướng giảm đi chứ không hề tăng lên.
SEA Games 31 liệu có khác?
Có lẽ sau khi nhìn vào số liệu trong quá khứ, Việt Nam chỉ khiêm tốn dự kiến thu về 25 tỷ đồng tiền tài trợ từ SEA Games 31. Cộng thêm tất cả các khoản thu khác, Việt Nam cũng chỉ thu về khoảng 190 tỷ từ kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á này. Đáng chú ý hơn, quá nửa trong số đó đến từ việc thu phí tham dự của các nước thành viên. Tiền tài trợ thu về từ SEA Games 31 thậm chí còn thua xa tiền bản quyền truyền hình nội dung các môn thi, ước tính ở mức 50 tỷ đồng.
Asian Beach Games 2016 chỉ có 2 nhà tài trợ, phần lớn là đóng góp hiện vật. |
Con số 190 tỷ đồng doanh thu từ SEA Games 31 thấp hơn rất nhiều so với kinh phí nhà nước bỏ ra để tổ chức kỳ đại hội thể thao này. So với 18 năm trước, Việt Nam quyết định tổ chức theo hướng tinh giản, tiết kiệm, nhưng các khoản chi dự kiến cũng lên tới 2.100 tỷ đồng.
Một nửa trong số đó được sử dụng nhằm sửa chữa, nâng cấp hạ tầng cơ sở các công trình thể thao; nửa còn lại làm kinh phí tổ chức đại hội. Điều đó cũng có nghĩa nhà nước đang phải đầu tư rất nhiều nhưng thu về không đáng kể.
Khoản tiền khiêm tốn 25 tỷ đồng được đề xuất cho thấy sự khó khăn trong công tác tìm kiếm nhà tài trợ của những người làm thể thao. Thay vì bỏ tiền ra đồng hành cùng một sự kiện lớn, họ có xu hướng thích nhận về giá trị trực tiếp bằng việc bỏ tiền thưởng cho một vận động viên tiêu biểu, hoặc một đội tuyển vừa giành HCV. Cách làm đó rõ ràng đem lại hiệu quả tức thời, từ đó khiến cách thức tài trợ truyền thống ngày càng ít được để ý đến.
Tuy nhiên nếu xét từ một góc độ khác, có thể thấy công tác truyền thông, tìm kiếm nhà tài trợ có vẻ vẫn chưa được đẩy mạnh so với trước kia. Nếu như trước thềm SEA Games 22, cả nước rạo rực với những cuộc thi sáng tác bài hát chính thức, thiết kế biểu tượng, linh vật... thì điều đó không còn tiếp diễn ở SEA Games 31 nữa. Thông tin về một kỳ đại hội thể thao có quy mô lớn gần như không được nhắc đến sau khi có tin Việt Nam đăng cai, thế nên ngày càng có ít Mạnh Thường Quân muốn đồng hành trong thời gian tới.
Ủy ban Olympic quốc gia có kế hoạch gì?
Trước mỗi kỳ đại hội thể thao quốc tế, Ủy ban Olympic quốc gia luôn làm rất tốt vai trò điều hành, cũng như công tác đảm bảo an ninh, ăn nghỉ cho các đoàn nước ngoài đến tham dự... Tuy nhiên khoản truyền thông, lên phương án tăng doanh thu, tìm kiếm nhà tài trợ lại gần như không được đơn vị này để ý tới. Bằng chứng là trang web của Ủy ban Olympic quốc gia (voc.org.vn) có tốc độ truy cập rất chậm, nội dung cũng không được cập nhật thường xuyên.
Trên trang chủ của Ủy ban Olympic quốc gia hiện giờ vẫn hiện đồng hồ đếm ngược đến ngày khai mạc... ASIAD 2018. Nhiều bài viết được đăng lên từ vài ba năm trước đến nay vẫn hiện trên trang chủ Ủy ban, còn những bài mới cập nhật lại rất khó tìm thấy.
Chuyện tương tự cũng diễn ra ở các kỳ SEA Games, Asian Indoor Games và Asian Beach Games trước đây do Việt Nam đăng cai. Thật khó để thuyết phục một doanh nghiệp bỏ tiền tài trợ khi nội dung về họ không thể tìm thấy trên các trang web hay mạng xã hội.
Con số 25 tỷ đồng đặt ra làm chỉ tiêu doanh thu cho thấy phần nào tâm trạng e dè của Ủy ban Olympic quốc gia với kỳ SEA Games tới. Thật khó tưởng tượng một sự kiện thể thao mang tầm cỡ khu vực lại chỉ thu hút số tiền tài trợ, quảng cáo khiêm tốn đến như vậy.
Có lẽ đã đến lúc Ủy ban nên sớm chủ động tìm kiếm, vận động các doanh nghiệp lớn đồng hành để không phải lâm vào cảnh "nước đến chân mới nhảy" như Asian Beach Games 2016 trước đây. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp sẵn lòng nhảy vào đồng hành nhưng họ lại không hề nhận được đề nghị, cũng như không biết về sự kiện sắp diễn ra, qua đó vô tình lãng quên.
Từ giờ cho đến ngày SEA Games 31 chính thức diễn ra, Việt Nam vẫn còn 15 tháng để cải thiện mọi thứ. Thay vì cố gắng vận động các nhà tài trợ theo hướng nhà hảo tâm làm từ thiện, những nhà tổ chức thể thao tại Việt Nam nên có một kế hoạch cụ thể để hợp tác theo hướng đôi bên cùng có lợi. Nếu không, viễn cảnh lấy thể thao nuôi thể thao sẽ rất khó xảy ra, và cơ hội để Việt Nam sẵn sàng đăng cai những kỳ đại hội quốc tế sẽ càng khó khăn hơn.
Sinh lời từ thể thao như Nhật Bản Trước bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới, Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức Olympic Tokyo vào năm 2021 thay vì hủy ngang như đề xuất của nhiều quốc gia thành viên. Việc này có thể khiến xứ sở mặt trời mọc phải đội thêm kinh phí tổ chức và xây dựng hạ tầng cơ sở, ước tính lên đến 10 tỷ USD, nhưng lợi ích một kỳ Olympic đem lại lớn hơn số tiền đó rất nhiều. Đó là lợi nhuận trực tiếp từ sự kiện, ngành du lịch được kích cầu, cũng như tạo thêm việc làm cho lao động trong nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận dài hạn Olympic Tokyo đem lại cho nền kinh tế Nhật Bản lên tới 200 tỷ USD, gấp 10 lần số tiền quốc gia này bỏ ra. Còn trong ngắn hạn, một số đài truyền hình lớn trên thế giới đã bỏ ra hàng tỷ USD để mua bản quyền phát sóng tất cả các môn thi đấu tại Olympic. Vài ông chủ nhà đài khẳng định họ sẵn sàng chi thêm gấp nhiều lần, bởi số tiền họ thu về từ việc bán trọn gói quảng cáo dịp Olympic đã giúp sinh lời đến 25% so với kinh phí bỏ ra. Ngành du lịch, hàng không, lưu trú... của Nhật Bản cũng được hưởng lợi không nhỏ trong trường hợp Olympic Tokyo vẫn diễn ra bình thường vào năm tới. Ước tính sẽ có hơn 30 triệu lượt khách quốc tế đến Nhật Bản theo dõi các vận động viên hàng đầu tranh tài, qua đó giúp GDP nước này tăng thêm vài chục tỷ USD trong vòng một năm. Họ còn giúp khoảng 100.000 lao động thời vụ tại Nhật Bản có thêm công việc ngắn hạn, con số cao kỷ lục trong thời buổi kinh tế khó khăn. Đó là lý do khiến chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe quyết tâm giành quyền đăng cai Thế vận hội. |