Kỷ lục của Coutinho và nỗi buồn Brazil trên đất Anh

21:19 12/04/2017
Bàn thắng của Coutinho vào lưới của Stoke City cuối tuần qua không chỉ là bước ngoặt, mở ra cú lội ngược dòng ngoạn mục giành trọn vẹn 3 điểm vô cùng quan trọng của Liverpool, mà quan trọng hơn, nó còn giúp tiền vệ này đi vào lịch sử với tư cách là tuyển thủ Brazil ghi nhiều bàn thắng nhất tại giải đấu hàng đầu nước Anh…


Thường thì khi nói đến kỷ lục ghi bàn trong lịch sử, nhất là liên quan đến người Brazil, người ta thường nghĩ ngay đến một con số rất đáng kể. Chỉ có điều tại Premier League lại là một câu chuyện khác hẳn. Pha lập công vào lưới Stoke mới là pha làm bàn thứ 30 của cầu thủ 24 tuổi này cho Liverpool. Nhưng cột mốc ấy đã đủ để đưa Coutinho trở thành số 1.

Anh chính thức vượt qua thành tích của tiền bối - cũng là một tiền vệ Juninho Paulista, người từng ghi 29 bàn thắng cho Middlesbrough. Con số kỷ lục ghi bàn mọi thời đại chỉ dừng lại ở mốc 30 bàn thắng rõ ràng là rất khiêm tốn. Nó thậm chí chỉ tương đương với số bàn thắng của 1 tiền đạo hàng đầu ghi hơn một mùa giải. Chính con số thống kê nghèo nàn này là minh chứng khẳng định sự vô duyên của các ngôi sao người Brazil tại “xứ sở sương mù”.

Coutinho đã trở thành cầu thủ Brazil ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử Premier League.

Cầu thủ Brazil & mối lương duyên với bóng đá Anh

Cần phải biết rằng có không ít (nếu không muốn nói là khá nhiều) cầu thủ Brazil chọn các CLB “xứ sở sương mù” làm bến đỗ. Số lượng cầu thủ Brazil chơi bóng ở Premier League luôn là đông đảo nhất trong số các quốc gia châu Mỹ, hơn cả Argentina - một quốc gia chuyên xuất khẩu cầu thủ khác. Điều này cũng là dễ hiểu bởi các đội bóng Anh với tiềm lực về tài chính thường dành cho các cầu thủ chế độ đãi ngộ rất hậu hĩnh. Ngoài ra, bản thân các CLB hàng đầu nước Anh cũng rất ưu tiên, coi trọng nguồn cầu thủ Brazil.

Năm 2008, ngay sau khi mua lại Man City, cú áp phe gây sốc đầu tiên mà những ông chủ Arab giàu có của đội bóng này thực hiện là chiêu mộ Robinho từ Real Madrid. Khi ấy, đây là một bản hợp đồng bom tấn trên thị trường chuyển nhượng với mức giá lên tới 32.5 triệu bảng Anh. Đối thủ mà Manchester City đánh bại trong cuộc đua tranh sở hữu tiền đạo người Brazil không phải là ai khác, mà chính là CLB đồng hương: Chelsea.

Trong khi đó, với một chiến lược khác đội bóng cùng thành phố với Man xanh là Manchester United đã khai phá mỏ cầu thủ Brazil theo cách riêng của họ. Tự đào tạo lấy cầu thủ, thay vì lao vào các cuộc đấu giá điên rồ đầy rủi ro. Với tầm nhìn dài hạn, từ năm 2008, các lãnh đạo của M.U đã xúc tiến kế hoạch tự đào tạo những tài năng trẻ xứ sở Samba, với trọng tâm là trung tâm huấn luyện Desportivo Brasil thuộc công ty Traffic ở Sao Paolo.

Tại đó, các tài năng trẻ được tập trung vào sống trong một khu phức hợp thể thao trị giá nhiều triệu bảng ở Porto Feliz, cách thành phố Sao Paolo náo nhiệt 90 phút đi xe. Tại lò đào tạo chuyên nghiệp này, họ được hưởng cơ sở hạ tầng tốt hơn so với hầu hết ở các CLB lớn tại Brazil. Nhưng Desportivo Brasil không có mục tiêu vô địch quốc gia hay Copa Libertadores. Họ chỉ là một cơ sở săn đầu người, tuyển lựa và xuất khẩu tài năng.

Những cầu thủ được M.U chấm sẽ được học thêm tiếng Anh, các khóa học với chuyên gia tâm lý về sống xa nhà, văn hóa bóng đá Anh và cả những chuyến thăm thực tế đến Old Trafford. Nếu M.U đồng ý nhận một cầu thủ nào đó, họ sẽ trả khoản phí thích hợp cho Desportivo Brasil. Chưa hết, hãng Traffic, chủ sở hữu lò đào tạo, còn được nhận 50% khoản phí chuyển nhượng nếu M.U bán cầu thủ cho một CLB khác.

Qua 2 ví dụ này có thể thấy giống như bất cứ nền bóng đá nào khác, người Anh đánh giá rất cao nguồn cầu thủ Brazil. Tuy nhiên, điều éo le nằm ở chỗ dường như sân chơi Premier League lại không phải là nơi dành cho các vũ công Samba phô diễn tài năng.

Miền đất chết của các vũ công Samba

Với những phẩm chất thiên phú, cầu thủ Brazil thành công ở khắp nơi. Từ môi trường giàu tính chiến thuật như Serie A, thiên về kỹ thuật như Liga, cho đến tốc độ kiểu khoa học và chính xác tại Bundesliga. Nhưng tại Premier League, thành công nhất lại chỉ dừng ở mức khá khiêm tốn như mốc 30 bàn thắng của Coutinho. Nên nhớ, Brazil được coi là quê hương của những ngôi sao tấn công hàng đầu thế giới nên 30 bàn đã là đỉnh cao nhất quả thật là một điều bất thường.

Trên thực tế, số người Brazil thành công tại Anh không nhiều lắm, có thể đếm trên đầu ngón tay. Juninho (Middlesborough) - một trong những nhạc trưởng đầu tiên ở Premier League và là trái tim của CLB trong nhiều năm; Gilberto Silva (Arsenal) - mắt xích quan trọng của đội hình Arsenal đã bất bại cả mùa 2003/04, David Luiz (Chelsea), Coutinho và Firmino (Liverpool)…

Còn lại hầu hết là sự thất vọng. Robinho khi chuyển sang sân Etihad vẫn là một sát thủ được săn đón. Song anh đã phải bật bãi, đào tẩu khỏi Manchester City không kèn không trống chỉ sau vỏn vẹn 2 mùa. Tất cả những gì mà tiểu Pele làm được trên đất Anh chỉ là 16 bàn thắng sau 53 trận trên mọi mặt trận. Câu chuyện của người đồng hương và cũng là đồng đội tại Man City, Jô thậm chí còn thảm hơn thế. Anh này chỉ ghi được đúng 1 bàn tại Premier League cho CLB chủ quản trong suốt thời gian đầu quân cho Manchester City.

Tương tự như thế, có  nhiều cầu thủ Brazil ban đầu được đánh giá rất cao, nhưng lại không thành công. Điển hình như nhà vô địch World Cup 2002, Kleberson - người đến Old Trafford cùng với Cristiano Ronaldo (nhưng có vị thế cao hơn hẳn siêu sao người Bồ Đào Nha lúc đó). Hay trường hợp của Paulinho (Tottenham), William (Chelsea) hay anh em nhà Da Silva, Anderson (Manchester United). Tất cả họ đều chưa bao giờ giữ vai trò quan trọng ở đội bóng, vươn đến vị thế mà họ đã từng được chờ đợi.

Ở khía cạnh nào đó, “xứ sở sương mù” hoàn toàn có thể coi là miền đất chết, nơi chôn vùi tài năng và tương lai của rất nhiều vũ công Samba. Vậy đâu là nguyên nhân?

Những tên tuổi sáng giá nhất của xứ sở Samba đều chưa từng đoái hoài đến việc chơi bóng ở Anh.

Nỗi đau của người Brazil

Có nhiều lí do để lí giải cho sự thất bại của các cầu thủ Brazil tại Premier League. Nó phần nào bắt nguồn từ sự không tương đồng, phù hợp giữa trường phái chơi bóng của các CLB Anh với các cầu thủ Brazil. Lối chơi thuần tốc độ, giàu thể lực cùng văn hóa ít cắt còi khi có va chạm của các trọng tài tại Anh thực sự là một thử thách với giới cầu thủ Brazil điển hình. 

Các cầu thủ tấn công người Brazil thường khá mỏng cơm và không mạnh về thể lực, khiến họ mất rất nhiều sức khi dính va chạm, và khó theo kịp nhịp độ chơi bóng khủng khiếp suốt 90 phút và lịch thi đấu dày đặc của bóng đá Anh. Chưa kể, lối chơi đơn giản của người Anh cũng không dung nạp kiểu kỹ thuật màu mè cổ điển của người Brazil.

Chẳng phải tự nhiên mà những cầu thủ Brazil thành công nhất tại Anh trong quá khứ lại là những người rất ít chất Brazil. Gilberto là một tiền vệ đánh chặn cổ điển đậm chất châu Âu. Edu chơi cho Arsenal trước kia có lối chơi thiên về giữ nhịp kiểu châu Âu. Juninho nhỏ bé (cao 1m65) chơi rất kỹ thuật, nhưng là kiểu kỹ thuật thực dụng của người Argentina, rất ít động tác thừa, vẽ vời.

Trong những năm gần đây, lối chơi của các CLB Anh cũng phần nào trở nên mềm mại hơn. Bên cạnh đó, chính các cầu thủ Brazil cũng dần chơi bóng theo cách hiện đại, bớt biểu diễn hơn. Nhưng rào cản thành công đối với các ngôi sao xứ sở Samba vẫn còn rất lớn.

Từ trước đến nay các cầu thủ Brazil khi hạ cánh xuống Premier League luôn phải chịu gánh nặng tâm lý rất lớn. Trước hết là sức ép từ phí chuyển nhượng khổng lồ. Isaias, cầu thủ Brazil đầu tiên đặt chân đến Premier Legaue, được Coventry mua năm 1995 với mức phí 500.000 bảng, bằng một nửa số tiền M.U bỏ ra để đưa ngôi sao Eric Cantona về từ Leeds (1.2 triệu bảng). 

Nhưng Isaias sau đó chỉ chơi 12 trận là phải tháo chạy sang Bồ Đào Nha. Số tiền chuyển nhượng dành cho những cái tên như Jô, Robinho, William… cũng đều rất lớn. Tất nhiên, đi kèm theo đó là một áp lực khủng khiếp mà không phải ai cũng có tố chất vượt qua được.

Không những thế, đặc thù của giới truyền thông Anh là mang tính chất lá cải, soi mói đời tư đến chân tơ kẽ tóc. Trong khi đó, các ngôi sao người Brazil lại là những người sống tương đối bản năng, thích những cuộc chơi bời tiệc tùng. Vì vậy, họ là miếng mồi ngon cho các tay paparazzi “xứ sở sương mù”. Họ sẽ phải chịu áp lực rất đáng kể nơi hậu trường. Chính vì rào cản văn hóa này mà khá nhiều tên tuổi lớn của bóng đá Brazil từng khước từ cơ hội chơi bóng tại Anh.

Ngôi sao tiệc tùng Ronaldinho khi rời PSG đã từng chọn một Barcelona đang trong thời kỳ chuyển giao (2003), thay vì M.U. Giống như thế, tay chơi Ronaldo “béo” cũng từng ngó lơ Premier League, dù đã chơi bóng ở cả Tây Ban Nha và Italia.

Có một sự thật không thể chối cãi là từ trước đến nay những ngôi sao lớn nhất mà bóng đá Brazil từng sản sinh ra đều chưa hề chọn nước Anh để thử sức.

Cái dớp tại đảo quốc sương mù là rào cản khiến họ chùn bước? Phong cách chơi bóng và cường độ chơi bóng tại Premier League không khiến các ngôi sao xứ Samba cảm thấy hấp dẫn? Hay chính thứ văn hóa sẵn sàng đưa tất cả những gì riêng tư nhất (thậm chí là gài bẫy để tạo scandal) là những thứ khiến các tên tuổi hàng đầu của Brazil không mặn mà với việc thi đấu tại Anh? Không ai dám chắc. Nhưng có một điều chắc chắn là việc chưa từng sở hữu những cá nhân kiệt xuất nhất của xứ sở Samba là một thiệt thòi không hề nhỏ với Premier League. 

Những dị nhân Brazil như Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho hay Neymar hiện nay hoàn toàn có thể nâng tầm và tạo ra những màu sắc mới cho giải ngoại hạng Anh.  Giải đấu được coi là số 1 thế giới, lại không thể có những ngôi sao của nền bóng đá số 1 hành tinh thực sự là một sự chéo ngoe, nghịch lý. 

Tuy nhiên, liệu bao giờ Coutinho và kỷ lục khiêm tốn của mình mới bị biến thành dĩ vãng thì vẫn là một câu hỏi khó có lời giải. Đơn giản bởi, ít nhất vào lúc này, người ta vẫn chưa thấy gương mặt khả dĩ làm được điều đó xuất hiện trên sân cỏ Premier League.n

Tất Đức

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文