Làm gì để thị trường mỹ thuật minh bạch hơn?
- Thiếu hàng nghìn giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cho chương trình giáo dục phổ thông mới
- Thị trường mỹ thuật vẫn thiếu minh bạch
Thực tế, hai bức tranh gốc này của hai tác giả đang nằm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được ông Nguyễn Minh Anh - Giám đốc Bảo tàng xác nhận. Câu chuyện một lần nữa cho thấy, nạn tranh giả chưa khi nào hết nóng, nó là chuyện cũ của nhiều năm đã qua nhưng cũng lại luôn là chuyện mới đòi hỏi phải có những chế tài phù hợp mới dần dẹp bỏ được.
Công khai đấu giá tranh giả?
Vụ việc được phát hiện bởi bà Hoàng Anh, công tác tại Tạp chí Mỹ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bà Hoàng Anh tình cờ thấy trên trang của Nhà đấu giá Sothebys (Hồng Kông) hình ảnh hai bức tranh của hai hoạ sĩ nổi tiếng của Việt Nam được thông báo là sẽ đấu giá trong phiên 6-10 tới.
Khi thông tin này được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều họa sĩ đã bất ngờ, vì họ biết rằng hai bức tranh lụa quý “Hai cô gái trước bình phong” và “Bức thư” được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhiều năm nay. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh tỏ ra rất sửng sốt trước thông tin này.
Tác phẩm được nhà đấu giá Sothebys đề là tranh sơn mài “Dân quê Việt” của danh họa Nguyễn Sáng sẽ bán đấu giá trong phiên 6-10 tới. |
Trả lời báo chí, ông Minh cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể khẳng định tranh của chúng tôi là thật. Cũng có nhiều người từng liên lạc với chúng tôi để xác nhận thông tin về việc tranh này tranh kia thật giả ra sao, chúng tôi chỉ trả lời tranh của Bảo tàng là tranh thật”.
Theo thông tin mà bà Hoàng Anh chia sẻ, bức “Hai cô gái trước bình phong” của danh họa Trần Văn Cẩn được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại của một gia đình trên phố Bà Triệu năm 1965. Bức tranh được họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ từ năm 1943, kích thước 45cm x 48cm.
Bức “Bức thư” của danh họa Tô Ngọc Vân được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại khoảng năm 1962, cũng từ một gia đình ở Hà Nội. Hơn nửa thế kỷ qua, hai bức tranh vẫn nằm trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Việc nhà đấu giá Sothebys (Hồng Kông) công khai đưa lên trang của mình hai bức tranh có nội dung tương tự được cho là của 2 danh họa Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân đã dấy lên nghi vấn, phải chăng nhà đấu giá này đã vô tình hay cố ý bán tranh giả của họa sĩ Việt ra cộng đồng quốc tế?
Theo thông tin từ phía bà Hoàng Anh cho biết, nhà đấu giá này sẽ đấu bản phiên “Hai cô gái trước bình phong” với giá từ 60.000 đến 90.000 HKD, bản phiên “Bức thư” với giá khoảng 800.000 đến 1,5 triệu HKD. Ngoài hai bức tranh nổi tiếng vừa nhắc tới, trong phiên đấu giá của Sothebys ngày 6-10 sắp tới còn có thêm 2 bức sơn mài “Dân quê Việt” của danh họa Nguyễn Sáng và bức “Phong cảnh” của danh họa Nguyễn Gia Trí cũng được nhiều họa sĩ cho là tranh giả, tranh nhái.
Bức tranh “Gia đình” của danh họa Lê Phổ được nhà đấu giá Sothebys (Hồng Kông) bán với giá hơn 5,8 triệu HKD đến nay vẫn nằm trong nghi vấn tranh giả. |
Chắc chắn sẽ còn nhiều bàn luận, nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện không vui này, nhưng thông tin về việc bán đấu giá những tác phẩm được cho là giả, nhái của các danh họa Việt Nam tại Hồng Kông thực sự rất quan trọng đối với cả giới mỹ thuật cũng như các nhà sưu tập.
Hiện nay người Việt mua tranh Việt trên các sàn đấu giá rất nhiều, việc có thông tin sẽ giúp cho họ cân nhắc trong việc quyết định đấu giá mua tranh hay không. Với cộng đồng sưu tập tranh quốc tế, nếu thông tin này được biết đến rộng rãi cũng rất có lợi. Vì qua đó sẽ có thể làm minh bạch vấn đề tranh giả tranh thật, phần nào làm trong sạch thị trường, và quan trọng hơn là không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của các danh họa vốn là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam.
Hành động vì một thị trường minh bạch
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều họa sĩ Việt tỏ ra vô cùng bức xúc với việc một nhà đấu giá danh tiếng đưa tranh giả, tranh nhái của họa sĩ Việt ra thị trường. Đây là hành động gây ảnh hưởng xấu đến mỹ thuật Việt. Thực tế, tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương rất được giới sưu tập quốc tế ưa chuộng và thường được chào bán với giá rất cao.
Đầu năm ngoái, bức tranh “Gia đình” của danh họa Lê Phổ được bán đấu giá cũng tại nhà Sothebys (Hồng Kông) với giá hơn 5,8 triệu HKD, gấp 4 lần mức giá đưa ra ban đầu. Điều đáng nói là, khi phân tích bức tranh “đắt giá” này, giới phê bình hội họa nghi vấn đây là tranh giả, bởi một vài điểm bất hợp lý trên bức tranh mà một danh họa được đánh giá là bậc thầy của mỹ thuật Đông Dương không thể mắc lỗi. Ví dụ chi tiết ông vẽ người phụ nữ trong tranh “có hai bàn tay trái”.
Lỗi hình họa sơ đẳng đó thật khó có thể xảy ra ở một họa sĩ bậc thầy. Cho tới nay, một số họa sĩ và nhà phê bình trong nước vẫn còn “băn khoăn” về bức tranh này, và phần nhiều vẫn chung nghi vấn đây là tranh được chép lại, nhái lại tranh Lê Phổ, không phải bản gốc do danh họa sáng tác.
Quay trở lại câu chuyện mới nhất về nghi vấn nhà đấu giá Sothebys (Hồng Kông) đưa tranh giả lên sàn đấu giá, đặc biệt với hai bức tranh lụa: “Hai thiếu nữ trước bình phong” của Trần Văn Cẩn và “Bức thư” của Tô Ngọc Vân mà chúng ta biết chắc chắn rằng bản gốc đang nằm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với nhiều cơ sở để chứng minh, thì việc lên tiếng trước cộng đồng quốc tế về bản quyền của các bức tranh này đặc biệt cần thiết.
Một buổi đấu giá tranh của nhà đấu giá Chọn (Việt Nam). Ảnh minh họa. |
Ngoài việc trả lời công khai trên báo chí về nguồn gốc các bức tranh này, Bảo tàng Mỹ thuật nên đưa thông cáo chính thức lên trang web của Bảo tàng xác nhận chủ sở hữu các bức tranh trên. Cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhất để chứng tỏ sự chính danh của bảo tàng trong sở hữu các tác phẩm này, cũng là bảo vệ uy tín của một bảo tàng tầm cỡ quốc gia.
Giới họa sĩ Việt cũng đã phải nhanh chóng thể hiện quan điểm của mình trên các trang mạng xã hội, trên truyền thông cả trong nước và quốc tế, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho hội họa Việt, cho các danh họa đã quá cố. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Nếu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát hiện ra bản giả của những bức tranh mình sở hữu trôi nổi ở đâu đó thì việc lên tiếng với cộng đồng là rất cần thiết”.
Tất nhiên trong thị trường mỹ thuật hay thị trường nói chung, quyền quyết định mua một sản phẩm nào đó vẫn luôn thuộc về phía người có nhu cầu. Vài ba năm trở lại đây, liên tục có các nghi vấn về việc mua bán, đấu giá tranh giả, nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy, là bởi có không ít người mua tranh vẫn chưa quan tâm đến vấn đề thẩm định tranh.
Một số chuyên gia nhận định về sự chủ quan “chết người” trong tâm lý phần lớn người chơi nghệ thuật khi mua một tác phẩm hội họa đắt giá có khi ngang với một ngôi nhà, họ lại không đoái hoài việc bỏ chút tiền thẩm định, kiểm tra sự thật giả của tác phẩm. Tất nhiên việc làm “hồ sơ giả” cho một tác phẩm hội họa người ta cũng có thể làm được, và điều này đã từng xảy ra khi một vài nhà đấu giá đã bỏ tiền tổ chức thẩm định, làm bảo hiểm cho những bức tranh trôi nổi, phù phép chúng thành tranh thật để đánh lừa người mua.
Nhưng theo các chuyên gia, ngoài việc đòi hỏi chứng nhận, hồ sơ của tác phẩm như chữ ký họa sĩ, lịch sử mua bán tác phẩm trong quá khứ từ phía nhà đấu giá, người mua nên tiến hành thẩm định bức tranh theo phương pháp khoa học có độ tin cậy cao hơn.
Phương pháp thẩm định tranh có tên gọi khối phổ gia tốc (viết tắt AMS) hiện nay có thể xác định hàm lượng carbon-14 với sai số chỉ khoảng vài năm sẽ cho kết quả thời điểm ra đời của bức tranh, là một cách kiểm tra ưu việt nhất mà người mua tranh có thể sử dụng tới nếu nghi ngờ về sự thật-giả của tác phẩm mình quyết định mua.
Giá thành cho một mẫu thử chỉ từ 500 đến 1000 USD, được xem là chi phí không quá lớn đối với những người có thể bỏ tiền mua một bức tranh có giá hàng chục ngàn, trăm ngàn USD. Đây cũng là một phương pháp tối ưu nhất hiện nay cho các bên khi có một vụ tranh chấp tranh giả - tranh thật xảy ra.
Một nhà phê bình giấu tên chia sẻ: “Người mua tranh cần phải có kiến thức về mỹ thuật. Khi quyết định mua một bức tranh giá trị lớn của một bậc thầy chẳng hạn, họ phải hiểu được rằng, bậc thầy không từ trên trời rơi xuống. Họ sống và vẽ trong các giai đoạn thời gian ra sao, có khả năng họ vẽ một bức như vậy hay không, phải tìm hiểu trong lịch sử nghệ thuật của họ. Và nếu nghi ngờ, phương pháp xác định Carbon-14 sẽ có thể làm rõ mọi điều. Không nên mua tranh vì nhà môi giới nổi tiếng, vì chữ ký hay giấy xác nhận, hay đảm bảo từ ai đó quen biết, mà phải thực sự có kiến thức”.
Khi người mua tranh có trách nhiệm hơn, lý trí hơn, ít cả tin hơn thì việc mua bán tranh giả sẽ không còn dễ dàng nữa. Thị trường cũng vì thế mà minh bạch hơn.