Cổ phần hóa các hãng phim nhà nước

Liệu điện ảnh Việt có 'thay máu'?

14:00 23/09/2015
Tháng 9 là thời hạn cuối cùng cho việc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước. Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng cho cuộc "thay máu"  này. Nhưng xem ra, việc cổ phần hóa cũng chỉ là "bình cũ rượu mới" mà thôi.

"Con cá quá lớn ở sông, nhưng lơ ngơ trước biển"

Ai cũng hiểu, việc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước là một tất yếu trong xu thế hiện nay. Bởi nhiều năm nay, hoạt động sản xuất của các hãng phim này chỉ trông chờ vào "bầu sữa mẹ" là tiền tài trợ của nhà nước. Nhưng có nhiều bộ phim đầu tư hàng chục tỷ đồng chỉ để... đắp chiếu. Các hãng hoạt động èo uột, nếu không nói là gần như thoi thóp trước sự phát triển mạnh của hãng phim tư nhân và các nhà làm phim độc lập. Hãng phim truyện Việt Nam có thế mạnh lớn nhất là nguồn nhân lực, nhưng càng ngày càng mai một.

Đạo diễn, NSND Thanh Vân buồn bã nói: "Nhiều năm nay Hãng phim truyện Việt Nam gần như vắng bóng trên thị trường phim, các nghệ sĩ không có lương, họ cũng không đến cơ quan, cơ sở vật chất, máy móc đã lỗi thời, gần như là con số không tròn trĩnh. Chỉ có duy nhất một tài sản đáng giá là nguồn nhân lực thì càng ngày càng mai một.

Đã đến lúc phải thay đổi, bởi đã quá rệu rã, thiếu tính cạnh tranh và thụ động". Đã đến lúc, phải bơi ra biển lớn. Nhưng "một con cá trót quá to ở sông, nhưng lại lơ ngơ trước biển lớn, không biết rồi nó sẽ sống như thế nào?", đạo diễn Thanh Vân lo lắng.

Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng cho rằng, việc cổ phần hóa là một xu hướng tất yếu. "Không thể viện cớ là nơi ra đời của bao nhiêu tác phẩm lớn, biết bao thế hệ nghệ sĩ lớn để đòi có sự vận hành kinh tế riêng được. Việc cổ phần hãng phim là tất yếu. Tài sản chả có gì. Phương tiện, máy móc làm phim hầu hết đã cũ, chỉ phục vụ phim nhựa mà phim nhựa người ta đã bỏ rồi, đưa vào bảo tàng cả rồi. Bộ máy thì quá cồng kềnh. Tôi biết nhiều anh em nghỉ không ăn lương, chỉ đóng bảo hiểm để về hưu có lương, có người hàng chục năm nay không bước chân lên hãng, mà ra ngoài làm phim truyền hình".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng đã hoàn tất những thủ tục cuối cùng cho việc cổ phần hóa. Nhà quay phim Đặng Phúc Yên- Giám đốc Hãng phim Giải phóng cho rằng, đến bây giờ vẫn chưa tìm được cổ đông chiến lược.

Trong khi đó, đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam thì lạc quan hơn khi cho rằng, vẫn có nhiều người yêu điện ảnh, nhiều đại gia yêu thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam - nơi ra đời những thước phim kinh điển của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, trên thực tế, cổ đông chiến lược của các hãng này vẫn là nhà nước, bởi họ sẽ chiếm tới 60% cổ phần. Việc này sẽ gây nên tâm lý e dè khi mua cổ phần của các Mạnh Thường Quân, bởi họ sợ nhà nước sẽ chi phối các quyết định của họ trong tương lai.

Thiếu một con đường rõ rệt

Ở thời điểm được coi là nhạy cảm này, nhiều vị đạo diễn có chức sắc trong ngành đã tránh các câu hỏi của báo chí. Tinh thần của họ vẫn là chờ việc cổ phần hóa hoàn tất rồi tính. Nhưng đạo diễn Thanh Vân- Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, người cởi mở và thẳng thắn nhìn thẳng vào vấn đề lại rất lo lắng. Ông cho rằng, bản thân câu chuyện cổ phần hóa không đáng bàn cãi bằng việc, sau cổ phần thì các hãng phim sẽ hoạt động như thế nào, cơ chế và định hướng cho nó ra sao.

Trong đại hội gần đây nhất của Hội Điện ảnh, thì vấn đề sống còn này cũng không được ai nhắc đến. Điều đó khiến đạo diễn gạo cội Thanh Vân cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng. Bởi ông nghĩ đến tương lai của cả một nền điện ảnh, mà việc cổ phần hóa chỉ là một khâu nhỏ. Thực tế, Hãng phim truyện 1 cổ phần từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể sống độc lập nếu thiếu "bầu sữa mẹ". Cũng từ năm 2010, hãng này không có bộ phim nào ra rạp. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Đạo diễn Thanh Vân.

Đạo diễn Thanh Vân thẳng thắn: "Tôi sợ là bình mới, rượu cũ, chắc đã có thay đổi gì. Cổ phần sẽ làm thế nào, hoạt động như thế nào trong khi hệ thống xung quanh vẫn vậy. Muốn thay đổi, chúng ta phải thay đổi rất nhiều thứ, cổ phần hóa việc làm phim mới chỉ là một phần của câu chuyện. Quan trọng nhất là hướng hoạt động sau cổ phần.

Tôi nghĩ việc cổ phần hóa đến nay là một ẩn số, đây có thể là một cuộc chơi thương hiệu. Còn những người thực sự nghĩ đến việc đóng cổ phần để sống và hoạt động bằng nghề làm phim thì người ta sẽ ngần ngại vì họ không nhìn thấy một con đường rõ rệt trong tương lai".

Đạo diễn Thanh Vân cho rằng, chúng ta nên thay đổi tư duy trong vấn đề này, bởi không một hãng phim nào trên thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam có thể sống, tồn tại chỉ bằng việc sản xuất phim. Theo ông, chúng ta nên hoạt động theo một mô hình mới, theo tổng công ty mà sản xuất phim chỉ là một bộ phận mà thôi.

"Chúng ta chỉ có khúc giữa, mà không có đầu, có cuối. Chúng ta ngơ đi một sự thật sẽ đến rằng sản xuất phim chỉ là một phần trong tổng thể thôi, việc sản xuất phim không bao giờ có thể tự nuôi sống mình. Các nền điện ảnh lớn, họ phải có rất nhiều các khâu khác như hệ thống rạp, các hoạt động truyền thông, giải trí để lấy tiền đầu tư cho sản xuất phim. Nền điện ảnh chúng ta đã quá già cỗi, lực lượng kế cận tài năng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chúng ta không thay đổi tư duy trong bối cảnh này, chúng ta lại vẫn đi trên một lối mòn. Cổ phần hóa mà chẳng thay đổi được gì".

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Điện ảnh Việt sẽ phát triển theo hướng nào?

Thực tế chúng ta có một nền điện ảnh để phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội theo yêu cầu của Đảng, nên nền điện ảnh đó vẫn cần phải dựa vào nguồn tài trợ chính là nhà nước. Các hãng phim nhà nước cổ phần hóa, đồng nghĩa với việc, chúng ta sẽ chấm dứt nguồn tài trợ đó. Tôi thấy lo lắng, băn khoăn khi chúng ta tư nhân hóa hết các hãng phim. Rồi những phim nghệ thuật, những phim mang tính định hướng sẽ rất khó có cơ hội để sản xuất. Bởi tư nhân, mục tiêu cốt lõi của họ là lợi nhuận, ăn khách, an toàn với đồng vốn sản xuất. Những phim nghệ thuật, thường là các đề tài khó làm, khó ăn khách như đề tài chiến tranh, hậu chiến...

Bây giờ chúng ta đang bị bội thực với những phim thị trường như phim hành động, ma quái. Dòng phim nghệ thuật chính thống sẽ sống như thế nào, khi không có sự bảo trợ. Ở các nước, người ta cũng có những phân định rạch ròi cho hai dòng phim này. Nếu chúng ta đòi hỏi một tác phẩm nghệ thuật cao thì đừng đòi hỏi nó ăn khách, bởi nó sẽ có những giá trị khác là những giải thưởng ở các cuộc thi.

Một nền điện ảnh không có dòng phim nghệ thuật tồn tại thì nền điện ảnh đó sẽ biến mất. Các phim được giải của Mỹ hay các nước đâu phải là phim ăn khách, nhưng nó là bộ mặt của một quốc gia, một nền văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa cho dân tộc họ. Ở ta, mang thị trường ra làm tiêu chuẩn nên mọi thứ cứ bị đảo lộn. Nếu như một nền nghệ thuật mà các tác phẩm đều trở thành hàng hóa thì thật buồn. Tôi vẫn thấy lo lắng, không biết rồi sau cổ phần hóa, nền điện ảnh Việt sẽ phát triển theo hướng nào. Bởi nếu không có một chiến lược, chúng ta sẽ đánh mất một nền điện ảnh lâu đời, đã từng huy hoàng trong quá khứ để chạy theo những lợi ích trước mắt như ăn khách, thị hiếu.

Đạo diễn Phan Đăng Di: Cần một quỹ điện ảnh quốc gia

Sản xuất phim không thể coi là nhiệm vụ của nhà nước, nhưng nhà nước cũng cần hỗ trợ các nhà làm phim, tuy nhiên không có nghĩa là nuôi không. Việc cổ phần hóa theo tôi là cần thiết, nó thúc đẩy sự vận động của các hãng phim đã quá già nua, trì trệ. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có những chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển nền điện ảnh. Ở các nền điện ảnh lớn (ngoại trừ Mỹ) đều có quỹ điện ảnh quốc gia giúp những đạo diễn mới khởi nghiệp.

Họ hiểu, điện ảnh là nghệ thuật, là hình ảnh của quốc gia chứ không chỉ là thương mại. Họ khác chúng ta, họ lựa chọn tiêu chí nghệ thuật, chứ không phải chính trị. Việt Nam chúng ta cũng nên có một quỹ điện ảnh để tài trợ cho các tác phẩm nghệ thuật, cho những phim đầu tay và khuyến khích sự sáng tạo để đi ra thế giới.

Việc cổ phần hóa không quan trọng bằng thay đổi tư duy của những người làm điện ảnh, họ chỉ quen với nguồn tài trợ của nhà nước mà không nỗ lực, để đưa điện ảnh Việt ra thế giới. Chúng ta vẫn là một nền điện ảnh kém phát triển, tại sao chúng ta không dành cho nó sự đầu tư chính đáng, trong khi các ngành nghề khác, mình vẫn có tài trợ. Tiền chúng ta không thiếu, nhà nước vẫn đầu tư mấy chục tỷ cho các bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, vậy vấn đề không phải là chuyện tiền mà chúng ta phải có chiến lược cụ thể. Chúng ta phải biết là chúng ta đang muốn gì, khuyến khích phát triển nghệ thuật để nền điện ảnh phát triển, vươn ra khu vực và thế gới hay điện ảnh chỉ phục vụ mục đích chính trị. Phim tư nhân, họ chỉ chú trọng thương mại, còn phát triển văn hóa nghệ thuật vẫn phải là chiến lược dài hạn của nhà nước.

Khánh Linh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文