Nadal vô địch Roland Garros lần thứ 12: Kỳ tích của người đi ngược lại bản năng
Cánh tay không thuận
Trong một đoạn phóng sự về Nadal được thực hiện nhiều năm trước, "ông vua" trên mặt sân đất nện thành thật chia sẻ anh không hề thuận tay trái. Trên sân tập, mỗi khi dùng tay để bắt bóng, anh luôn đưa tay phải ra đỡ - và ném trả lại cũng vậy. Nadal cầm bút viết bằng tay phải, đánh răng cũng bằng tay phải. Mỗi khi ký tặng, anh cũng luôn dùng tay phải. Nếu chuyển sang tay trái, Nadal thậm chí còn không thể viết nổi một câu rành mạch. Thứ duy nhất Nadal có thể dùng tay trái tốt hơn tay phải là chơi quần vợt.
Nadal hồi nhỏ luôn cầm vợt bằng cả hai tay. |
Thật khó tin khi biết, đến tận năm 12 tuổi, Nadal vẫn cầm vợt bằng tay phải. Tuy nhiên, đó là lúc Nadal và người chú Toni nhận ra vấn đề cho con đường lên chuyên nghiệp của anh.
"Nó giao bóng bằng tay phải, nhưng lại không có tay thuận", ông Toni nói. "Dù đánh thuận tay hay đánh trái tay, nó cũng đều cầm vợt bằng cả hai tay. Thế nên vào một ngày, tôi bảo thằng bé phải bỏ kiểu đánh ấy đi. Chẳng có tay vợt hàng đầu thế giới nào lại đánh thuận bằng cả hai tay đâu".
Trên thực tế, sau này ông Toni đã sai. Năm 2013, tay vợt nữ Marion Bartoli, một người đánh thuận bằng cả hai tay đã lên ngôi vô địch Wimbledon. Tuy nhiên, đó là một ngoại lệ có một không hai trong quần vợt, và Toni không muốn cháu trai mình phải chọn con đường chẳng ai đi theo cả. Ông gọi Nadal lại và yêu cầu: Giờ nếu muốn chơi chuyên nghiệp, cách duy nhất là chọn một tay thuận cầm vợt để phát triển.
Có nhiều giả thuyết nói ông Toni đã ép Nadal phải cầm vợt tay trái, nhưng chính Nadal đã bác bỏ thông tin này trong cuốn tự truyện của mình. Anh thú nhận nếu cứ cầm vợt bằng tay phải, có lẽ anh chẳng bao giờ trở thành một tay vợt hàng đầu. Nadal luôn cảm thấy thiếu động lực phấn đấu mỗi khi tay phải cầm vợt. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên cầm vợt bằng tay trái, anh lại có cảm giác vô cùng quen thuộc và muốn tiếp tục chơi như thế.
Vượt qua nghịch cảnh
Mọi người thường quan niệm thuận tay trái là một lợi thế trong thể thao. Điều đó đúng, nhưng chỉ với một vài môn như đấu kiếm. 30% VĐV cricket, cũng như khoảng một phần ba kiếm thủ hàng đầu thế giới là người thuận tay trái.
Nadal là tay vợt duy nhất cầm vợt tay trái trong top 20. |
Còn với quần vợt thì lại là bất lợi. Nadal là người duy nhất cầm vợt tay trái trong top 20 tay vợt hàng đầu bảng xếp hạng ATP. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, số tay vợt đánh trái một tay như Federer còn phổ biến hơn những người cầm vợt bằng tay trái như Nadal.
Không chỉ có Nadal, ngay cả Toni cũng thừa nhận chẳng có bằng chứng nào giúp họ kết luận Nadal sẽ vươn lên đỉnh cao của giới quần vợt nếu cầm vợt bằng tay trái cả.
Ngay cả trong top 100 tay vợt hàng đầu thế giới cũng không có nhiều người thuận tay trái, và chơi quần vợt bằng tay trái không có nghĩa sẽ giúp các tay vợt có lợi thế mỗi khi vào trận gặp đối thủ. Maria Sharapova bẩm sinh là người thuận tay trái và từng cầm vợt tay trái, nhưng sau đó cô quyết định chuyển sang cầm tay phải.
Về mặt lý thuyết, một người thuận tay phải bẩm sinh nhưng cầm vợt bằng tay trái như Nadal sẽ có lợi thế khi đánh trái hai tay. Tuy nhiên đó chỉ là ưu điểm khi anh trở thành tay vợt hàng đầu. Còn trước đó ở độ tuổi thiếu niên, nó lại trở thành nhược điểm của Nadal. Anh vốn dĩ không có thể chất mạnh mẽ như bạn bè đồng trang lứa, thế nên đúng như lời Nadal nói, thành công trong quần vợt là kết quả của sự nỗ lực chứ không phải phẩm chất tự nhiên có.
Trong quá khứ, một số tay vợt thuận tay trái như John McEnroe có thể giành được nhiều lợi thế nhờ đánh vào vị trí trái tay của đối thủ - thường là những người thuận tay phải. Tuy nhiên đến thời của Nadal, tất cả các tay vợt đều hoàn thiện kỹ năng đánh trái tay của họ đến mức thượng thừa. Để cạnh tranh với họ, rõ ràng Nadal phải nỗ lực không khác gì những đồng nghiệp.
Nadal có thể không phải mẫu người bị ám ảnh bởi chiến thắng đến mức điên cuồng lao vào phòng gym như Cristiano Ronaldo, nhưng anh cũng tuân theo chế độ luyện tập vô cùng nghiêm ngặt. Nadal thường dậy sớm vào buổi sáng rồi tập bóng trong 4 giờ đồng hồ liên tiếp. Sau đó anh sẽ chuyển sang tập thể hình vào buổi chiều. Phần lớn những bài tập của Nadal nhằm rèn luyện cơ tay, tuy nhiên anh cũng tập duy trì những bước chạy điền kinh trên sân bóng.
Ở đâu cũng có thể phát triển
Năm Nadal 14 tuổi, Liên đoàn Quần vợt Tây Ban Nha đề nghị gia đình anh nên chuyển đến Barcelona để điều kiện tập luyện của Nadal được đảm bảo tốt hơn. Mọi chi phí liên quan đến việc tập luyện của Nadal sẽ do Liên đoàn chi trả. Tuy nhiên sau khi cân nhắc, gia đình Nadal lại bác bỏ lời đề nghị này.
Theo quan niệm của họ, nếu Nadal thực sự có tài thì dù anh ở quê nhà Mallorca hay đến Barcelona, đến Mỹ thì anh vẫn có thể tỏa sáng. Ngoài ra, gia đình Nadal cũng muốn cậu con trai học hành đến nơi đến chốn trước khi nghĩ đến chuyện theo đuổi quần vợt.
Nadal hoàn toàn có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nếu chọn bóng đá. |
Đúng như suy nghĩ của gia đình, năm 15 tuổi, Nadal chính thức lên chơi quần vợt chuyên nghiệp. Anh thậm chí còn gây bất ngờ khi đánh bại nhà cựu vô địch Wimbledon Pat Cash trong một trận đấu giao hữu hồi tháng 5-2001.
Gần một năm sau, Nadal có trận thắng đầu tiên ở một giải đấu thuộc hệ thống ATP. Lúc đó Nadal đứng thứ 762 thế giới. Mất thêm một năm nữa để Nadal lần đầu tiên góp mặt tại một giải Grand Slam, nhưng anh vẫn chỉ là một tay vợt vô danh.
Dù vậy, đến năm 2005, Nadal chính thức được biết đến rộng rãi nhờ vô địch Roland Garros ngay lần đầu tiên tham dự, và anh vẫn thi đấu bền bỉ từ đó đến nay. Kể từ chức vô địch đầu tiên, Nadal chỉ để những đối thủ khác cướp mất danh hiệu Grand Slam trên mặt sân đất nện đúng 3 lần. Ngoài ra, anh cũng là tay vợt duy nhất có thể chặn đứng chuỗi thành tích huy hoàng của Roger Federer trong thời kỳ "tàu tốc hành" ở phong độ đỉnh cao.
Năm 2004, Nadal lần đầu tiên chạm trán Federer. Nadal khi đó chưa đầy 18 tuổi, còn Federer đã là tay vợt số 1 thế giới, nhưng Nadal lại giành chiến thắng chóng vánh chỉ sau hơn 1 giờ thi đấu. Vào thời điểm ấy, chẳng ai nghĩ đây là điểm khởi đầu cho một cuộc đối đầu lý thú nhất giữa hai kỳ phùng địch thủ trong giới quần vợt.
Nếu Federer đang là tay vợt vĩ đại nhất với 18 danh hiệu Grand Slam, thì Nadal cũng đang bám đuổi sát nút phía sau với 18 danh hiệu. Nadal là minh chứng sống cho thấy giá trị của nỗ lực, và anh vẫn tiếp tục bứt phá khỏi những giới hạn thông thường bằng nghị lực phi thường đó.
Suýt bỏ quần vợt để theo bóng đá Nadal có một người chú là Miguel Angel Nadal, cựu tuyển thủ Tây Ban Nha từng khoác áo Barcelona. Tuy nhiên, Nadal lại là một người hâm mộ cuồng nhiệt CLB Real Madrid. Anh thường xuyên đến sân Bernabeu xem "Kền kền trắng" thi đấu vào những dịp rảnh rỗi. Mới đây, sau khi Nadal vô địch Roland Garros, trang Twitter của Real Madrid cũng gửi lời chúc mừng đến người hâm mộ cuồng nhiệt của họ. Tình yêu của Nadal dành cho Real Madrid lớn đến mức Nadal hồi nhỏ từng nằng nặc xin chú mình giúp anh được gặp các thần tượng. Nhờ sắp xếp của chú, Nadal đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến những ngôi sao như Ronaldo "béo" hay Zidane bằng xương bằng thịt. Bên cạnh Real, Nadal còn yêu thích Mallorca, CLB quê hương nơi anh lớn lên. Năm 2010, Nadal từng mua 10% cổ phần Mallorca để giúp CLB thoát khỏi tình trạng nợ nần. Cũng vì tình yêu với bóng đá mà Nadal hồi nhỏ từng suýt bỏ quần vợt để theo nghiệp quần đùi áo số. Ông Miguel Angel chia sẻ Nadal sở hữu tố chất thiên bẩm của một cầu thủ chuyên nghiệp. Anh có tốc độ, sức mạnh cũng như khả năng chọn vị trí vượt trội hơn hẳn những người bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên đến khi được tự quyết định hướng đi của mình trong tương lai, Nadal đã chọn quần vợt thay vì bóng đá. Một điều thú vị là Nadal bẩm sinh thuận tay phải, nhưng anh lại thuận chân trái. Ngoài thú vui với thể thao, Nadal hồi nhỏ còn say mê xem phim hoạt hình Nhật Bản. Sau này khi đã trở thành tay vợt chuyên nghiệp, anh còn có hứng thú với môn golf và poker, cũng như game online thời gian gần đây. Không giống nhiều đồng nghiệp khác, Nadal hoạt động khá ít trên mạng xã hội. Có những thời điểm gần một tháng liền, tài khoản Twitter của anh không có bài đăng nào mới. Quần vợt giúp Nadal có tiền bạc và sự nổi tiếng, nhưng cũng lấy đi của anh hạnh phúc gia đình. Năm 2009, khi đang là tay vợt số 1 thế giới, Nadal nhận tin bố mẹ anh ly hôn. Kể từ thời điểm đó, phong độ của Nadal sa sút không phanh. Anh bị loại ở vòng 4 Roland Garros, sau đó bỏ tham dự Wimbledon và bị Federer soán ngôi số 1 thế giới. |