Nghệ nhân giữ “lửa” dân ca Sán Chí
- Bảo tồn cải lương phải bắt nguồn từ con người
- Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc ở Khánh Hòa
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập (SN 1955) dân tộc Sán Chí, thôn Cống, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là người đã nhiều năm dày công sưu tầm, truyền dạy và gây dựng phong trào hát dân ca dân tộc Sán Chí (còn gọi là Cnắng cọô) tại địa phương. Sự tâm huyết, trách nhiệm và đam mê ấy đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chí ở huyện Lục Ngạn.
Xã Kiên Lao có 7 dân tộc, trong đó người Sán Chí chiếm đa số. Đồng bào còn lưu giữ được nhiều phong tục truyền thống, trong đó có hát dân ca. Nói đến Nghệ nhân Lâm Minh Sập, nhiều người ở Lục Ngạn biết đến ông bởi sự sôi nổi trong các phong trào, trách nhiệm từ thời làm công tác đoàn thanh niên đến khi là lãnh đạo xã Kiên Lao.
Năm 2010, sau khi nghỉ hưu, ông đã dành nhiều thời gian hơn cho công việc bảo tồn dân ca Sán Chí với vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ nhiệm CLB hát dân ca Sán Chí xã.
Trong ngôi nhà treo nhiều danh hiệu như: Bằng công nhận Nghệ nhân Ưu tú của Chủ tịch nước, Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, ông Sập nói về dân ca Cnắng cọô với đầy tự hào. Ông kể: Dân ca Sán chí có nhiều hình thức như: Hát ban ngày, hát ban đêm, hát đổi tên, hát rửa mặt, hát đám cưới...
Mỗi hình thức ấy có lời ca, âm điệu và ý nghĩa khác nhau, trong đó phần lớn là các bài hát đối đáp xoay quanh tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động và ca ngợi quê hương đất nước, xây dựng nông thôn mới…
Ông Sập còn lưu giữ cẩn thận cuốn sổ tay gồm hơn 800 bài hát dân ca Sán Chí do ông tự sưu tầm của người xưa truyền lại và các thế hệ sau này sáng tác. Nghệ nhân kể: Theo tập quán, vào những dịp đầu xuân, thanh niên Sán Chí ở Kiên Lao thường đến bản làng trong vùng du xuân, giao lưu hát, khi đã ưng ý nhau thì từng đôi hát đối đáp để tự tìm hiểu nhau.
Qua những cuộc hát ấy, nhiều đôi đã yêu nhau rồi kết hôn. Người giỏi hát dân ca Sán Chí không những phải biết luyến láy, ngân nga mà còn phải giỏi ứng đối một cách linh hoạt, tài tình và thể hiện tình cảm trong từng hoàn cảnh cụ thể, để người nghe cảm thấy thuyết phục.
CLB hát dân ca dân tộc Sán Chí xã Kiên Lao được thành lập từ năm 2011, đến nay có 70 thành viên thuộc 7 thôn trên địa bàn xã có người Sán Chí sinh sống. Phong trào hát dân ca sán Chí ở Kiên Lao được duy trì đều đặn hằng năm vào các ngày lễ tết của dân tộc, đất nước và địa phương.
Ngoài hát giao lưu gữa các thôn trong địa bàn huyện, tại Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn, mỗi năm CLB tổ chức từ 1 đến 2 cuộc hát giao lưu với đồng bào Sán Chí ở tỉnh Lạng Sơn và ngược lại.
Dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua trong kế hoạch của CLB sẽ đón bạn hát từ huyện Lục Bình (Lạng Sơn) về Kiên Lao giao lưu hai ngày song do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kế hoạch này chưa thể thực hiện.
Nghệ nhân kể: “Hơn 20 năm trước, người Sán Chí ở tỉnh Bắc Giang di cư vào Đắc Lắk làm kinh tế, hiện có hơn 300 người dân tộc này quê Bắc Giang sinh sống ở trong đó. Mong ước được nghe những câu hát mà tổ tiên sáng tác luôn thường trực trong những người xa quê.
Vài năm trước, thông qua Ban Liên lạc các CLB hát dân ca huyện, ông Sập đã kết nối với bà con trong Tây Nguyên. Tuy nhiên, do cách xa về địa lý, không thể gặp mặt thường xuyên nên họ dùng điện thoại hát cho nhau nghe.
Những đêm trăng, mọi người tập trung tại nhà ông chủ nhiệm CLB, điện thoại của ai cũng nóng ran bởi những cuộc hát kéo dài tới vài chục phút, họ kết nối với người Sán Chí ở nhiều nơi và cứ hát được khoảng 1 giờ đồng hồ thì đầu dây bên kia sẽ gọi lại nên sự tốn kém được chia đều.
Đặc biệt, nhằm kết nối với đồng bào Sán Chí ở các vùng miền, mấy năm trước CLB tổ chức chuyến đi gặp gỡ và hát giao lưu tại Đắc Lắk và mời bạn hát đến quê mình. Thấy chúng tôi băn khoăn về việc tốn kém tiền, công sức, ông Sập bảo: "Giá trị tinh thần còn lớn hơn rất nhiều”.
Những cuộc hát ấy đã góp thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, tôn vinh di sản văn hóa dân tộc. Các thành viên CLB vui mừng khi được hát dân ca Cnắng cọô với bạn bè khắp nơi, có khi chia tay nhau rồi về nhà lại hát đối đáp hàng tiếng đồng hồ qua điện thoại. Đặc biệt nhiều lần CLB được mời tham gia trình diễn di sản văn hóa tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội).
Dân ca Sán Chí là loại hình nghệ thuật được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012. Để bảo tồn di sản, ngành Văn hóa tỉnh đã cho xuất bản cuốn sách “Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn” dày gần 1.000 trang.
Các bài dân ca được phiên âm, dịch nghĩa và dịch lời để bà con đều có thể đọc hiểu. Tuy nhiên điều băn khoăn đối với ông Sập là hiện nay số người biết hát dân ca dân tộc Sán Chí chủ yếu là những người ở lứa tuổi trên 40, lớp trẻ ít người biết hát dân ca.
Để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ông cùng các thành viên có trách nhiệm trong CLB đã kết hợp với nhà trường mở các lớp truyền dạy hát dân ca cho hơn 60 học sinh dân tộc Sán Chí trên địa bàn.
Với những cống hiến đó, Nghệ nhân Lâm Minh Sập vinh dự được tham gia Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Hà Nội.