Nghệ thuật hát xẩm: Phát triển hay lãng quên?

09:28 21/11/2019
Lần đầu tiên, sau nhiều nỗ lực của những người yêu xẩm và muốn xẩm không bị thất truyền, Liên hoan các câu lạc bộ xẩm được tổ chức từ ngày 3 đến 5-12 tại Ninh Bình - cái nôi của xẩm. Hy vọng đó sẽ là những hoạt động thiết thực để xẩm thực sự có đời sống trong dòng chảy âm nhạc đương đại.


Từ những tiếng nói đơn lẻ

Thực tế, nhiều năm qua, dù nghệ thuật hát xẩm không được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ như các môn nghệ thuật truyền thống khác như chèo, tuồng, cải lương, nhưng xẩm vẫn tồn tại trong đời sống. Nhiều bạn trẻ yêu xẩm đã nỗ lực thắp lửa tình yêu và duy trì sức sống của xẩm trong đời sống hôm nay. Điển hình ở Hà Nội là nhóm Xẩm Hà Thành với các thành viên chủ chốt: nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, ca sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường. 

Năm 2005, sau nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, nhận ra những khoảng trống về xẩm, lại có duyên gặp gỡ nhạc sĩ Thao Giang, Hạnh Nhân, GS.TS.NGND Phạm Minh Khang… nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa và Khương Cường đã quyết tâm phục hồi để bảo tồn và duy trì nghệ thuật hát xẩm.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu - báu vật dân gian của nghệ thuật hát xẩm.

Năm 2006, một CD về xẩm Hà Nội đã ra đời và một chiếu xẩm hằng đêm vào tối thứ bảy vẫn duy trì ở khu vực chợ đêm Đồng Xuân. Có những đêm diễn, hàng trăm người đứng xem. Cũng ở đó, nhiều nhân sĩ, trí thức đã đến thưởng thức một không gian riêng của xẩm như Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, nhà thơ Nguyễn Duy… Và những đốm lửa đã được nhóm Xẩm Hà Thành và những người thầy miệt mài, bền bỉ thắp lên như thế, để xẩm đi vào đời sống và người dân Hà Nội bắt đầu biết về xẩm.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long ngậm ngùi nói: "Xẩm là một nét văn hóa quen thuộc của Hà Nội 36 phố phường, nhưng nó gần như vắng bóng trong đời sống. Từ trước đến nay người ta vẫn coi xẩm không phải là nghệ thuật, mà chỉ là những khúc hát của kẻ hát rong đầu đường xó chợ. Tôi nghĩ, nếu mình không làm thì một nét văn hóa đời sống tinh thần sẽ biến mất. Vì thế, nhóm chúng tôi đều nhất tâm coi đó là nghiệp, là tâm huyết và đam mê của mình để góp phần bảo tồn, duy trì xẩm trong đời sống hiện đại".

Để âm nhạc truyền thống có thể len lỏi vào đời sống xô bồ và quá nhiều mối bận tâm quả thật là một hành trình gian nan. Với xẩm, còn khó hơn thế, bởi xẩm có thân phận của xẩm. Thế mà, 10 năm qua, những nỗ lực của "thầy trò nhà xẩm" đã có những tín hiệu vui. Những câu lạc bộ xẩm ở Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng đã được thành lập. Quảng Ninh, Bắc Ninh cũng đang muốn Xẩm Hà Thành hỗ trợ chuyên môn để thành lập được một nhóm.

Nhiều năm nay, nhóm lập các câu lạc bộ, dạy miễn phí để tìm kiếm tài năng. Nhưng rồi, nhân tài vốn đã hiếm, lại chẳng mấy ai đắm đuối với thứ không có danh phận, cũng chẳng bạc tiền.

Nhóm hát xẩm Hà Thành.

Để dòng chảy không đứt đoạn

Và lần này, sau nhiều nỗ lực, một cuộc liên hoan các câu lạc bộ xẩm được tổ chức tại Ninh Bình. Ninh Bình được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra bộ môn nghệ thuật hát xẩm, ở đó có cố nghệ nhân Hà Thị Cầu từng được mệnh danh là "báu vật nhân văn sống" quốc gia, là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX, bà có tác động lớn đến các thế hệ hát xẩm sau này bởi tài năng và nhân cách sống cao đẹp. 

Hiện Ninh Bình có rất nhiều câu lạc bộ hát xẩm thu hút được hàng trăm diễn viên từ trẻ em đến người già tham gia học và hát xẩm. Riêng huyện Yên Mô - cái "nôi" của xẩm Ninh Bình cũng đã có tới 20 câu lạc bộ hoạt động thường xuyên tạo nên sức sống mạnh mẽ của xẩm. Ở các tỉnh phía Bắc cũng có nhiều câu lạc bộ xẩm Hải Phòng, xẩm Nam Định,… các "chiếu" xẩm phát triển ngày một nhiều tạo nên sức sống mới cho xẩm.

Nghệ thuật hát xẩm vẫn đang được các bạn trẻ học hỏi và bảo tồn.

Nội dung của các bài xẩm cũng đã phong phú hơn, ngoài việc ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, nghĩa mẹ, tình cha thì những vấn đề xã hội cũng được đưa vào xẩm để nó luôn có những hơi thở mới phù hợp với cuộc sống đương đại. 

"Từ trước đến nay, mọi người nghĩ xẩm chỉ gắn liền với những làn điệu buồn thương, xẩm không bao giờ hát vào ngày xuân. Nhưng xẩm không chỉ có lúc buồn, những lúc nhân tình thế thái, mà còn có cả những giai điệu vui. Những nỗ lực của chúng tôi để đưa xẩm vào đời sống và để mọi người hiểu rằng, xẩm gắn với những vui buồn của cuộc đời, chứ không phải của những người hành khất, những thân phận nghèo khó", nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tâm sự.

Mỗi năm nhóm Xẩm Hà Thành đều có những dự án, những MV xẩm ra đời, như MV "Xẩm trà đá", MV "Tiểu trừ cướp biển", "Hà Nội bốn mùa hoa"… được nhiều người thích. Đó là cách những người trẻ đưa xẩm vào đời sống, gắn với đời sống. 

"Bên cạnh việc phục hồi truyền thống, chúng tôi muốn mang những yếu tố đương thời vào. Nghệ thuật là một dòng chảy, nếu chỉ bảo tồn thôi, nó sẽ bị ngắt quãng. Tôi muốn mọi người nghe cái cũ trong tâm thế mới, trong sự sáng tạo mới, bởi xẩm luôn gắn với đời sống thường ngày", nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Vì thế, Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm khu vực phía Bắc như một sân chơi không chỉ là nơi thi thố tài năng giữa các "chiếu" xẩm, mà còn là nơi để giao lưu học hỏi và tìm những hướng đi của xẩm cho phù hợp với cuộc sống ngày nay.

Nhạc sĩ Thao Giang xúc động nói: "Lớp trẻ hôm nay chính là chủ nhân của di sản hát xẩm. Nghệ thuật hát xẩm trở lại và lan tỏa như thế nào hay rơi vào lãng quên sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các bạn trẻ. Tôi nhìn thấy những tín hiệu lạc quan từ các câu lạc bộ, những bạn trẻ yêu xẩm và đang ngày đêm truyền lửa cho các thế hệ. Ngoài những bài xẩm cổ, các câu lạc bộ cũng sáng tác nhiều bài xẩm mới với đề tài phong phú. 

Một số bài xẩm ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, thậm chí còn đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" của xã hội, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Chẳng hạn vừa qua nhóm Xẩm Hà Thành còn sáng tác xẩm cổ vũ việc đã uống rượu không lái xe, xẩm Tiễu trừ giặc biển. Nhưng xẩm cần nhiều tiếng nói hơn nữa, nhiều không gian hơn nữa để tồn tại và phát triển".

Biểu diễn hát xẩm tại rạp Hồng Hà.

Có ai đó lo ngại rằng, giới trẻ đang thờ ơ với truyền thống, đang phủ nhận truyền thống, thì những cống hiến lặng lẽ của nhóm Xẩm Hà Thành và rất nhiều bạn trẻ ở Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng là một minh chứng khác. Để ta có thể tin hơn vào những giá trị văn hóa vẫn được duy trì, tiếp nối như một mạch chảy không thể ngừng trong đời sống này.

Thực tế, nghệ thuật hát xẩm đang được đưa vào đề án gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của tỉnh Ninh Bình. Thông qua việc phục dựng lại không gian tồn tại, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và các hoạt động liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể nghệ thuật hát xẩm, hy vọng, trong tương lai, những giá trị độc đáo của xẩm sẽ càng lan tỏa trong cộng đồng.

Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và Trung du Bắc Bộ. "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị đi hát rong kiếm sống và do đó hát xẩm còn có thể coi là một nghề. Tỉnh Ninh Bình đang có những nỗ lực đệ trình UNESCO công nhận hát xẩm là Di sản văn hoá thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.

Xẩm được xem là một hình thức mưu sinh của những người dân nghèo khổ, đặc biệt là người khiếm thị. Xẩm đa số được biểu diễn ở chợ, đường phố, nơi đông người qua lại chứ rất ít được biểu diễn ở những sân khấu lớn nên rất ít người biết đến loại âm nhạc truyền thống này.

Linh Nguyễn

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, trong đó lần này đặc biệt nhấn mạnh di sản văn hóa là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản trước sự thúc ép phát triển hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương và sự nhận thức chưa thực sự đầy đủ, trách nhiệm của các bên liên quan.

Sáng 30/12, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Công an tỉnh đang phối hợp với Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tiến hành giám định xác định nguyên nhân vụ 2 người nước ngoài tử vong tại một biệt thự du lịch trên địa bàn xã Cẩm Thanh, TP Hội An.

Từ các cuộc thăm dò ý kiến ​​đến các cuộc vận động tranh cử, mọi con mắt đều đổ dồn vào cuộc đối đầu giữa hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump vào ngày 5/11 vừa qua, có thể nói, cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ thu hút sự chú ý toàn cầu trong suốt năm 2024.

Ngày 16/1/2025, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên do Thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa phiên tòa, ngoài ra còn có các thẩm phán và hội thẩm nhân dân dự khuyết. 

Trước lệnh cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử có hiệu lực từ 1/1/2025, nhiều cửa hàng và cá nhân kinh doanh ồ ạt thanh lý hàng tồn kho. Trên mạng xã hội, các bài đăng bán thuốc lá điện tử với mức giá giảm sâu xuất hiện dày đặc, từ các trang cá nhân đến hội, nhóm mua bán. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn rủi ro lớn về sức khỏe và pháp lý, đòi hỏi người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng.

Từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, Gia Lai bước vào mùa đẹp nhất với những con đường trải đầy sắc vàng hoa dã quỳ hoặc được bao phủ bởi màu trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa cà phê. Phố núi Tây Nguyên hiện lên quyến rũ đến lạ thường, nhất là khi các hoạt động văn hóa truyền thống được hòa quyện và phát triển cùng các tour du lịch cộng đồng đặc sắc, mang những nét rất riêng không nơi nào có được.

Ngày 24/12 (giờ địa phương), tại New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Công ước LHQ về chống tội phạm mạng, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với tội phạm trong thời đại số. Đặc biệt, theo Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025 và mang tên gọi “Công ước Hà Nội”.

Để kịp giải ngân nguồn vốn 150 tỷ Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trước ngày 31/12/2024, tỉnh Hà Tĩnh đã ra văn bản đốc thúc các chủ đầu tư của 7 dự án sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai đang được triển khai trên địa bàn. Mặc dù đã rất nỗ lực song một số dự án trong số này có nguy cơ không kịp về đích đúng tiến độ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文