Người "giữ hồn" cho làng hát Tuồng cổ ở Hội An

11:33 16/09/2018
Khi màn nhung sân khấu sắp sửa khép lại cũng là lúc các anh kép, chị đào "thoát thân" nhân vật trong vở tuồng, gột rửa lớp phấn son dày cộm để trở về với con người thật rất đỗi bình thường. 


"Nghiệp tuồng" của một người nghệ sĩ thương binh

Đêm 14 âm lịch. Tiếng hát như sầu, như oán, lúc trầm, lúc bổng vang lên giữa lòng phố cổ. Những cung đàn, điệu nhạc lại đưa đường dẫn lối lữ khách tản bộ thưởng ngoạn cảnh sắc phố Hội, để rồi níu chân tại không gian trình diễn tuồng bên mép chùa Cầu. 

Khi màn nhung sân khấu sắp sửa khép lại cũng là lúc các anh kép, chị đào "thoát thân" nhân vật trong vở tuồng, gột rửa lớp phấn son dày cộm để trở về với con người thật rất đỗi bình thường. Không ai khác, họ chính là những diễn viên sinh ra và lớn lên ở làng tuồng Nam Diêu một thời trứ danh. Hết thảy đều có thâm niên hàng chục năm trời đứng trên sân khấu tuồng Hội An, mang sứ mệnh trình diễn phục vụ du khách.

Nghệ sĩ Lê Phú Hải ngày ngày vẫn cần mẫn gìn giữ nghề hát tuồng ở làng Nam Diêu.

Và trong đoàn tuồng duy nhất ở phố cổ hiện nay, nghệ sĩ, thương binh  Lê Phú Hải (68 tuổi, trưởng đoàn) chính là người đã có công gây dựng, vực dậy nghề hát tuồng vốn đã bị mai một và đứng trước bờ vực của thất truyền. Lê Phú Hải sinh ra trong một gia đình nghệ thuật truyền thống, có ông nội và cha là những người hát tuồng ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà. 

Ông Hải kể cho chúng tôi về thời kì hoàng kim của làng Nam Diêu: "Hồi chiến tranh hay những năm đầu sau giải phóng, nhắc đến nhóm tuồng Nam Diêu là bà con trong vùng hầu như ai cũng biết. Gánh tuồng đi đến đâu, người dân hồ hởi đón xem đến đó. Từ sân khấu lớn cho đến các sân đình, làng…, diễn viên tuồng xuất thân từ làng Nam Diêu cũng góp mặt và để lại tiếng tăm, dấu ấn đậm nét trong lòng khán thính giả mê loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc". 

Thế nhưng sự hưng thịnh chỉ kéo dài đến độ những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước. Các thế hệ từ già đến trẻ trong làng rời bỏ nghiệp hát tuồng ông cha bao đời truyền lại. Nhóm tuồng Nam Diêu thuở nào bỗng chốc tan rã và chỉ còn "vang bóng một thời". 

"Vì thù lao kiếm được không đủ đong gạo thổi cơm, vì không có ai nuôi phong trào nên họ lũ lượt chuyển hướng kiếm kế sinh nhai. Bản thân tôi cũng phải tha hương cầu thực. Từ đó cái tên Nam Diêu dần dà chìm vào quên lãng, mãi cho đến một ngày…".

Và cái ngày mà người nghệ sĩ nối nghiệp 3 đời ông bà truyền lại ngập ngừng trong chốc lát ấy chính là ngày ông chính thức viết nên một trang sử mới cho nghề hát tuồng của làng mình. Đó là thời điểm giữa năm 2002, khi nghe chính quyền địa phương có chủ trương đưa nghệ thuật tuồng vào biểu diễn phục vụ du khách, ông đã tức tốc khăn gói từ Sài Gòn về quê sau cả chục năm bôn ba. 

Ông bắt đầu liên hệ với những người bạn diễn cũ như kép Nguyễn Xuân Giá, Nguyễn Văn Tú hay cô đào Ánh Hồng…nhằm khôi phục lại gánh tuồng của làng. Đã có lúc, bao nhiêu tiền lương hưu và phụ cấp thương bệnh binh ông Hải đều dồn cả vào "đam mê tuồng", phục dựng sân khấu tuồng ở làng Nam Diêu. 

Khi mua cái thùng, lúc chắt chiu để đủ tiền mua cái âm ly, phông màn, sắm áo quần dày dép cho diễn viên "quần chúng" trong đoàn… cho đến khi ông Hải có cho riêng mình một sân khấu hoàn chỉnh với toàn bộ hóa trang, phục trang, hậu đài đầy đủ.

Và khát vọng "ươm mầm" cho nghệ thuật truyền thống

Trong gian nhà chật hẹp vốn dĩ là điểm lớp mẫu giáo thôn do cán bộ địa phương cấp tạm cho vợ chồng ông Hải tránh nắng che mưa, tài sản lớn nhất của đoàn tuồng Nam Diêu không gì khác ngoài những dụng cụ sân khấu. Đó là dàn âm ly, loa thùng cũ kĩ; những bộ phục trang sờn vai, đứt chỉ; hay bộ ghế nhựa của một khán giả hâm mộ dành tặng năm nào…

Tất tần tật đồ dùng đều đơn sơ đến mức bình dị như chính những chủ nhân bao năm trời nặng lòng với nghề, kham khổ cùng đồng lương ba cọc ba đồng của nghề nhưng không thốt lên một lời ca thán.

Ông Hải chia sẻ: "Lứa diễn viên như bọn tôi đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp và rất cần những người trẻ tiếp nối. Và nỗi trăn trở đó cũng được giải tỏa khi chúng tôi đã chọn ra 9 cháu trong làng có độ tuổi từ 11-17 để mở lớp dạy hát tuồng. Hơn nửa năm qua, ngoài học định kì vào tối thứ 7 ở phố cổ thì tranh thủ thời gian rảnh, các cháu lại sang nhà để được anh em trong đoàn thay phiên nhau kèm cặp". 

Đặc biệt, một trong số chín tài năng nhí hứa hẹn của làng tuồng Nam Diêu trong tương lai chính là cô con gái của vợ chồng ông Hải đã làm sống lại nghệ thuật tuồng ở Hội An trong những năm qua. Mang gen di truyền, dòng máu nghệ thuật tuồng của gia đình, Lê Hồ Hoàng Yến (13 tuổi) đang trên đường trở thành một diễn viên tuồng chuyên nghiệp và đã có thể sẵn sàng sắm vai thay thế nếu một trong số các diễn viên ít ỏi trong đoàn khàn tiếng hoặc ốm đau.

Theo ông Trần Đình Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP Hội An cho biết: "Những năm qua, đoàn hát tuồng Nam Diêu giữ vai trò rất lớn trong việc quảng bá nghệ thuật tuồng ở phố cổ Hội An. Để loại hình này không bị mai một, trung tâm đã phối hợp với đoàn hát mở lớp dạy tuồng miễn phí cho nhóm học sinh ở Nam Diêu và bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan bởi đội ngũ lớp trẻ mê tuồng tham gia lớp học đã có thể đứng trên sân khấu chỉ sau 7 tháng được đào tạo. 

Cố giáo sư Hoàng Châu Ký (một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là tuồng) trước khi mất đã giao cho trung tâm số tiền 300 triệu đồng, từ đó số tiền này được xây dựng thành Quỹ mang tên Hoàng Châu Ký và hiện nay lớp học đang hoạt động cũng từ nguồn quỹ này hỗ trợ".

Hoài Thu

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文