Những sắc màu mới của phim truyền hình Việt
- Phim truyền hình Việt Nam: Những tín hiệu vui sau gam màu xám...
- Phim truyền hình Việt Nam: Còn thiếu tính chân thật
- Phim truyền hình Việt: Ngoại tình và cảnh nóng quá nhiều
- Phim truyền hình Việt thời "mì ăn liền": Đi vào vết xe đổ
Những cuộc "đổ bộ" ngoạn mục
Còn nhớ, series "Cảnh sát hình sự" nổi tiếng từ những năm 1997 đến 2000 do NSƯT Khải Hưng đạo diễn đã từng gây ấn tượng mạnh đối với khán giả. Có những vai diễn đã trở thành kinh điển của thể loại này như NSƯT Võ Hoài Nam (vai Chiến), diễn viên Hoa Thúy (vai Hiền), NSƯT Hoàng Hải (vai Minh), diễn viên Nguyễn Văn Báu (vai Khắc Trường).
Nhiều năm sau, khán giả vẫn nhắc đến những vai diễn đó như một thời kỳ rực rỡ của phim truyền hình Việt. Bẵng đi một thời gian khá dài, phim truyền hình chuyển sang những câu chuyện khác của đời sống thì sự trở lại lần này của "Cảnh sát hình sự" cho thấy sức hút của đề tài này vẫn chưa bao giờ nguội.
Cuối năm 2015 đầu năm 2016, màn ảnh Việt chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt phim về hình sự, phá án, ông trùm, giới giang hồ. Trước đó có thể kể đến các phim như "Kẻ giấu mặt", "Ông trùm", "Thề không gục ngã", "Câu hỏi số 5", "Truy tìm hung thủ", "Con gái ông trùm". Sau mảng đề tài tình yêu - hôn nhân chiếm số lượng lớn trên màn ảnh với những câu chuyện yêu đương tay ba, các nhà làm phim hy vọng sự ly kỳ, kịch tính trong phim hình sự có phần gai góc sẽ thu hút khán giả.
Không chỉ giản đơn là những câu chuyện phá án, tôn vinh vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ Công an, phim Cảnh sát hình sự lần này còn đi vào những góc đời thường với đầy đủ những hỷ, nộ, ái, ố của con người.
Cảnh trong phim “Câu hỏi số 5”. |
Những vụ án hình sự nóng liên tục được đưa vào phim, tạo nên sức hút cho phim truyền hình sau một thời gian dài đã trở nên nhàm chán. Rõ ràng, gia vị của phim hình sự vẫn có sức hấp dẫn riêng, không chỉ bởi cốt truyện, bởi sự kịch tính của nó mà còn bởi những câu chuyện thời sự gắn liền với cuộc sống.
Đó là cuộc chiến đấu giữa cái thiện và ác của con người trong vòng xoáy của đồng tiền, của danh vọng và quyền lực. Những câu chuyện muôn thuở của con người, trước cuộc chiến ngày càng khốc liệt và tinh vi của cái ác.
Đạo diễn Bùi Quốc Việt, một đạo diễn thiên về dòng phim hình sự, điều tra, tạo dấu ấn qua các bộ phim như "Giọt nước rơi", "Đầm lầy Bạc", chia sẻ về tác phẩm mới nhất của mình, "Câu hỏi số 5".
Đây là một bộ phim thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả. Vẫn là cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa lực lượng Cảnh sát hình sự và các băng đảng tội phạm, nhưng điểm hấp dẫn của "Câu hỏi số 5", cũng như của loạt series "Cảnh sát hình sự" mới này là mối quan hệ phức tạp giữa các tuyến nhân vật và những mâu thuẫn nội tại ở bản thân mỗi con người, không dễ biết ai tốt, ai xấu. Đó là những con người đa nhân cách, những con người mà phía sâu trong tâm hồn họ, có cả cái tốt và xấu.
"Sống để chuộc lỗi" của đạo diễn Nam Yên cũng là một bộ phim xúc động khắc họa thế giới tội phạm đầy u ám. Kịch bản phim lấy cảm hứng từ sự kiện 23.000 tù nhân viết tự truyện "Sự hối hận muộn màng và niềm tin hướng thiện" do Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức tháng 11 năm 2011.
Phim gồm 4 phần, mỗi phần là một câu chuyện, nhân vật khác nhau, không chỉ đề cao công việc của các chiến sĩ Công an mà còn là những lát cắt khốc liệt nhất của những phận đời trót sa chân vào con đường tội lỗi. Đó là một bộ phim nhân văn, hấp dẫn khán giả bởi nó đã đi sâu vào thế giới tăm tối của tù nhân, và từ trong những góc tối tăm nhất, vẫn ánh lên những tia sáng của thiên lương, của khát khao hướng thiện.
Tránh làm phim theo trào lưu
Tuy nhiên, việc chạy theo trào lưu phim hình sự ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng phim. Sự xuất hiện ồ ạt của thể loại này trên sóng truyền hình cũng bộc lộ những yếu kém trong khâu kịch bản, dàn dựng và bối cảnh.
Nhiều phim có những tình huống ngô nghê, nhạt nhẽo. Rõ ràng, chúng ta đã có những phim hình sự hấp dẫn khán giả như series "Cảnh sát hình sự" đầu tiên với hàng trăm tập phim, khai thác những khía cạnh khác nhau trong nghiệp vụ của ngành Công an. Rồi sau này là "Những đứa con biệt động Sài Gòn", " Vật chứng mong manh", "Bí mật tam giác vàng", "Cửa sổ số 5"…
Cảnh trong phim “Sống để chuộc lỗi”. |
Phải khẳng định sức hút của đề tài này vẫn chưa bao giờ nguội. Nhưng sự xuất hiện ồ ạt, có xu hướng chạy theo trào lưu của phim hình sự cũng bộc lộ những hạn chế của phim hình sự Việt. Đó là lối làm phim ca ngợi một chiều, tô hồng hiện thực, sáo mòn, thiếu chân thực, tình huống gượng ép.
"Làm phim hình sự đòi hỏi sự am hiểu về nghiệp vụ Công an, thế giới tội phạm, cần sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực điều tra để lấp đầy khoảng trống về nghiệp vụ. Việc kịch bản viết đại trà, thiếu sự chuyên sâu, kỹ lưỡng đã dẫn đến những thước phim có nhiều tình huống ngây ngô, khiến khán giả khó chịu", đạo diễn Bùi Quốc Việt chia sẻ.
Chính anh cũng khẳng định, phim hình sự không phải là thế mạnh của truyền hình Việt, bởi lẽ, ngoài kịch bản non tay, quá trình thực hiện cũng gặp phải rất nhiều khó khăn về bối cảnh, các pha hành động. Theo anh, trong bối cảnh kinh phí làm phim ở Việt Nam thấp, các nhà sản xuất không nên đua nhau làm phim hình sự.
Còn đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim TFS cho rằng, phim truyền hình Việt đang có xu hướng chạy theo trào lưu về đề tài hình sự, phá án vì dù thế nào thì mảng này vẫn thu hút khán giả. Điện ảnh các nước cũng làm theo trào lưu, nhưng họ vẫn đảm bảo được chất lượng nhất định.
Giống như phim Hàn Quốc, dù theo một đề tài nhưng nội dung luôn sâu sắc, độc đáo, thu hút người xem. Phim Ấn Độ cũng thế, vì sao hàng ngàn tập mà khán giả vẫn thích xem. Còn phim Việt, thiếu sự mới mẻ, nhiều tình huống ngô nghê, diễn xuất hời hợt, thiếu đời sống rất dễ làm khán giả ngán ngẩm.
Thật ra làm phim hình sự ở nước ta không dễ, bởi bối cảnh nghèo nàn, kinh phí thấp, tình tiết lại đơn giản, kiểu cách đấm đá, giết người chịu ảnh hưởng của phim Hồng Kông, phim hành động Mỹ… Vì thế, các nhà làm phim không nên chạy theo trào lưu. Vì sao, có những thước phim hình sự đã trở thành kinh điển, bởi đơn giản, họ đi vào câu chuyện của người Việt chứ không vay mượn phim nước ngoài.
Cuộc chiến đấu tranh với tội phạm ngày càng khốc liệt và tinh vi, ở đó có sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ Cảnh sát ngày đêm đang đối mặt với tội phạm, đối mặt với cả chính mình. Đó vẫn là một mảng đề tài hấp dẫn không chỉ cho phim truyền hình mà còn cho sân khấu, phim điện ảnh nói chung.